TH
THA:
:Dùng răng ngoạm hay dùng mỏ giữ chặt vật gì để đem đi nơi khác.
Đứa nào được Tấn quên Tần,
Xuống sông cọp ních, lên rừng sấu tha.
THA THIẾT (HV )
-cn: thiết tha (ta:mài giũa; thiết: cắt gọt)
1-Ân cần
Vd: tha thiết van nài.
2-Sâu đậm, luôn luôn canh cánh bên long.
Nhớ nhau lụy ứa hai hàng,
Thương nhau luống những đoạn tràng thiết tha.
THÁ:
- HV: tha: người khác
:người ngoài- kẻ thứ ba.
Lửa vùi vừa ấm lòng lư,
Bậu nghe lời thá, bậu từ nghĩa anh.
THAN HẦM
1-than củi nằm trong lò ham lâu ngày trở nên đen bóng.
2-(ngh.b): người có nước da đen:
Trắng như tiên, không phải duyên anh không tiếc,
Đen như cục than hầm, duyên hợp anh ưng.
THANH TRỤC:
-(trục: là công cụ để cán đất ruộng cho nhuyễn).
Trục gồm có ống trục( ống dài đẽo 5 khía, hai đầu được giữ chặt bởi hai tai trục, gắn vào thanh gỗ nằm ngang gọi là thanh trục. Trên thanh trục có gắn bàn ngồi cho người điều khiển trâu bò đứng hoặc ngồi trên thanh trục.
Trèo lên thanh trục đứng cao,
Thấy em cấy lúa, dạ nào không thương.
THẢNH THƠI:
: rảnh rang, không vướng bận.
Phương Mai, Gành Ráng tương tri,
Ngâm câu thuỷ tú sơn kỳ thảnh thơi.
THẠO:
- HV: thấu ( đọc theo âm Triều Châu ).
: biết rành rẽ.
Qua muốn kiếm một người thạo đường buôn bán,
Rao cùng thôn quán mà chưa thấy chỗ nào.
THÀY LAY:
:tỏ ra hiểu biết hay nói việc của người ta hoặc tỏ ra bận tâm tới việc làm của người khác.
Kẻo cái miệng thế gian nhiều kẻ thày lay,
Xấu em đi một nửa, chàng gầy một phân.
THẰNG:
: từ dùng để chỉ người đàn ông không được xả hội quí trọng cho lắm.
Trời làm một cuộc lăng nhăng,
Ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông.
hoặc:
Nhà tôi ba bốn miệng ăn,
Hai cô chồng bỏ, ba thằng vợ chê
*-thằng chài: kẻ sống bằng nghề chài lưới.
" Dưới Bến Nghé, hát lửng lơ giọng con đò con rổi, Trên tàu voi ca khủng khỉnh, tiếng thằng mục thằng chài.
(Cổ Gia Định phú)
*-thằng dê:đàn ông đeo theo tán tỉnh ve vản phụ nữ.
Phụng hoàng đậu nhánh xa kê,
Ông thần hổng vật mấy thằng dê cho rồi.
*-thằng điếm: kẻ điếm đàng, kẻ gian xảo và tư cách kém.
Lấy chồng phải lấy chồng sang,
Lấy chi thằng điếm dọn bàn cho Tây.
*-thằng nài: viên quản tượng hoặc người cỡi và điều khiển ngựa trong trường đua.
Sông sâu anh cắm sào dài,
Con voi trắc nết, thằng nài phải khôn.
*-thằng nịnh: kẻ nịnh hót đáng ghét.
Người ngay mắc cảnh lao tù,
Để coi thằng nịnh võng dù nghinh ngang.
THẰNG CHÀI:
-Đ.ng: chim bói cá.
-cg: chim thuý / chàng chài.
: (động): loại chim mỏ to và dài, nhỏ con có bộ lông xanh biếc, bụng và ức đỏ, thường đậu ở cành cây sà sát mí nước. Khi cá ngoi lên mặt nước ăn móng, thằng chài nhanh nhẹn lao xuống quắp lấy con mồi.
Chim thằng chài có ngày mắc bẫy,
Em cho anh hay, anh hãy tránh xa.
THẮT THẺO
-cn khắc khoải
:bồi hồi, chua xót trong lòng
Gió mùa đông trăng lồng lạnh lẽo,
Năm canh chầy thắt thẻo ruột gan.
THÂM :
- Màu đen sẫm
Tui thương mình tui giấu kín trong tâm,
Giả tỉ như trái lựu chín thâm trên cành.
*-thâm bâu: (nước mắt ướt đẫm lâu ngày nên cổ áo trở nên đen thâm kim.
Nhìn nàng lụy nhỏ thâm bâu,
Nhạn bay cao bắn với, cá ao sâu câu ngầm.
*- thâm đen: màu đen đậm
*-thâm kim: có điểm đen lấm chấm. Từ này để chỉ trái cây chín rục nổi vết đen ngoài da hay quần áo trắng hay màu lợt dơ lâu ngày không giặt nên nổi lên những điểm lấm chấm đen.
-áo thâm kim,-chuối và chín thâm kim.
*-thâm kim mọc mộng: (lóng) đã quá lâu.
Vd: ngồi đợi nó thâm kim mọc mộng mà nó vẫn chưa về.
THÂM TRẦM ( HV )
-(thâm: sâu, trầm: lắng chìm xuống)
: sâu lắng trong tâm hồn, khiến người nghe suy nghĩ và xúc cảm
Anh than với em những nỗi thâm trầm,
Nằm đêm nghĩ lại nát bầm lá gan.
THẤM Ý:
1-ngẫm nghĩ càng lâu càng thấy có lý,
2-cảm thấyhợp ý mình, trúng ý mình sau một hồisuy nghĩ.
Gái như em mặt tròn như bông hoa lý,
Trai như anh thấm y& vừa lòng,
THẦY KÝ, THẦY ThÔNG:
-(thầy ký: tức ký lục, người giữ sổ sách và biên chép; thầy thông:tức thông dịch viên, người đứng ra phiên dịch trong cuộc nói chuyện giữa người bản xứ với người nước ngoài)
: những viên chức bản xứ làm việc hành chánh cho Tây trong thời Pháp thuộc.
Thấy anh hớ tóc, em khóc lu bù,
Tưởng anh làm thầy thông, thầy ký,
Ai ngờ ở chốn lao tù, anh mới ra.
THE :
:có vị cay ở đầu lưỡi khi ta nếm phải
Thiếp như cam quít bưởi bòng,
Đắng the ngoài vỏ trong lòng ngọt thanh.
THÈM :
1-muốn có cho được, khao khát nhiều
Học trò ba chữ lem nhem,
Thấy gái mà thèm bỏ chữ trôi sông.
2-chịu, bằng lòng (dùng kèm với một động từ)
Trong lưng chẳng có một đồng,
Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe.
THEO KHÔNG :
:(vợ) không cưới hỏi, chỉ thuận tình hợp ý thì đi theo ăn ở với người đàn ông
Vợ lớn anh có chua mấy cũng là vợ cưới,
Còn em đây có ngọt như mía lùi cũng tiếng vợ theo không.
THẸO :
-Đ.ng: sẹo
:dấu vết còn để lại trên da khi vết thương hoặc mụt ghẻ đã lành hẳn
Nước ròng bỏ bãi xa cừ,
Mặt em có thẹo, anh trừ đôi bông.
THỀ:
- HV: thệ ( thề thốt )
:vào đền, miễu cam kết với các đấng thiêng liêng, rằng mình sẽ giữ đúng lời hứa để cho người khác tin tưởng mình.
Mình có thương chặt tóc mình thề,
Chỉ trời vạch đất chẳng hề bỏ nhau.
*- thề bán mạng: đem mạng sống ra thề thốt
Đêm nằm bỏ tóc qua mình,
Thề cho bán mạng kẻo tình anh nghi.
*- thề lòng: tự mình thề thốt với lòng mình chớ không phải bị ép buộc
Thề lòng quyết chẳng lỗi nghì,
Dầu ai đem bạc đổi chì cũng không.
*- thề nguyền: thề và ước nguyện sẽ làm được như vậy
Duyên đôi ta thề nguyền từ trước,
Biết bao giờ mới được cùng nhau?
THI RỚT:
-Đ.ng:thi hỏng.
:thi hỏng, không được chấm đậu trong kỳ thi
Có anh thi rớt trở về,
Bà con đón hỏi nhiều bề khó khăn.
THỊ PHI ( HV ) :
- (thị: phải, phi: không)
1. việc đúng việc sai, việc phải việc trái
2. lời bình phẩm của thiên hạ cho rằng việc này đúng việc kia sai theo quan điểm cá nhân của họ, lời bàn ra tán vào.
Bậu đừng nghe tiếng thị phi,
Thủy chung anh giữ vẹn, trọn nghì sắt son.
THỊ THIỀNG
-(thị: phố chợ; thiềng: thành (trại âm của người Nam bộ)
:chốn thành thị, chỗ đông người sanh sống, tới lui, qua lại
Muốn lên non tìm con chim lạ,
Chớ chốn thị thiềng, chim chạ thiếu chi.
THIẾC :
- Đ.ng: sắt tây
- kim loại màu trắng, nhẹ, dễ rỉ sét, được dùng làm hộp đựng thức ăn như sữa, cá. Trước đây, người ta dùng thùng thiếc hình vuông đựng dầu lửa. Khi xà hết dầu, người ta dùng để đựng nước. Dung tích thùng này khoảng 20 lít. Khoảng thập niên 50 của thế kỷ 20, thiếc được khai thác ở Cao bằng. Đó là loại thiếc hơi mềm, màu trắng xám không sét. Người ta thường dùng làm máng xối.
Nàng nói mà không nghĩ lại coi,
Bình sành người ta còn dùng nắp thiếc,
Sao nàng không xét không soi cho tôi nhờ.
THIÊN (HV )
: một ngàn
Trong buôn bán, người ta dùng thiên trơn (chẵn một ngàn đơn vị đồ vật). Đôi khi, người ta dùng thiên có đầu tùy theo mặt hàng và tùy theo qui định của mỗi địa phương. Vậy thiên là một trăm chục (xt chục).
Tiếng đồn con gái Thủ Biên,
Bạc Liêu đi cưới một thiên cá mòi.
THIỀN QUYÊN ( HV ):
-cv: thuyền quyên
:người phụ nữ lịch sự và nết na, người con gái vừa có dung mạo đẹp đẽ vừa có đức hạnh
Nghe đồn tiếng gái thiền quyên,
Rủ hò cho thấy nhãn tiền thực hư.
hoặc:
Bậu đừng khoe bậu thiền quyên,
Cái khăn bậu bịt cũng tiền anh cho.
Người dân Nam bộ còn dùng chữ thuyền quyên như “kiệu hoa” để rước dâu, rước người mà mình ưng ý.
Chưa chồng ở vậy cho nguyên,
Đặng anh dọn chiếc thuyền quyên rước về.
hoặc:
Bậu là con gái có duyên,
Đừng cho sóng dợn thuyền quyên lướt vào.
THIỀNG:
- cách phát âm xưa của người Nam bộ khi đọc chữ THÀNH (HV )
-thành: thành lũy chống giặc
Bình Thủy lưu linh đáo tại Long Tuyền,
Cảm thương ông Cử bỏ thiềng An Giang.
hoặc :
Ngó lên hòn tháp cánh tiên,
Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm.
THIẾP (HV ):
1. thiếp: vợ lẻ, vợ bé, nàng hầu
vd: Trai năm thê bảy thiếp,
Gái chính chuyên một chồng.
2. tiếng tự xưng khiêm tốn của đàn bà
Một mai thiếp có xa chàng,
Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.
THIẾT YẾU (HV ):
- cần và quan trọng không thể bỏ qua được
:(lời nói) thật, phát xuất từ đáy lòng bày tỏ hoàn cảnh lâm ly bi đát khiến người nghe phải mũi lòng.
Mấy lời thiết yếu em than,
Anh mau mau chỗi dậy, ruột gan đau từng hồi.
THIỆT:
- HV thực
1. cn: thật
: (tánh tình) chất phác ngay thẳng, không màu mè, không che giấu
Vd: Anh ấy thiệt quá.
*-thiệt tình:
a)-với tình cảm chân thành, không giấu giếm quanh co.
Em có thương anh, thì nói thiệt tình,
Đừng để anh lên xuống một mình bơ vơ.
b)-nói thật ra; trong thực tế; thành thật mà nói,-dùng như một trang từ.
Chiều nghe còi thổi, còn lo một nỗi xa mình,
Em có mưu chi cao rộng? Anh thiệt tình hết mưu.
c)-trong văn nói của người Nam bộ, chữ thiệt tình dùng để diễn tả một lời trách móc nhẹ nhàng.
Vd: Chuyện nhỏ chút xíu như vậy mà cũng bày đặt giận nữa. Thiệt tình!
*- thiệt thà: (thà: phối ngữ âm): có nghĩa như trên
-thiệt thà là cha dại: (th.ng)- người quá thật thà bao giờ cũng bị thua lỗ trong cuộc sống.
Vd:Tôi thương nó vì nó ít nói, thiệt thà quá.
hoặc :
Bến Tre gái đẹp thiệt thà,
Nói năng nhỏ nhẹ, mặn mà có duyên.
Ngày nay, người ta nói THẬT THÀ
2.dùng như một trạng từ, đi kèm với động từ, có nghĩa là ngay thật, đúng sự thật, không che giấu điều gì
Vỏ ngoài nâu, trong trắng như bông gòn,
Anh đây nói thiệt, sao em còn so đo?
3-dùng như một trạng từ, đi kèm với tính tư ụ hay một trạng từ khác, có nghĩa là rất hoặc một cách thật sự.
Em không trách ông tơ,
Không phiền bà nguyệt,
Trách phận mình sao thiệt long đong.
THIỆT HƠN
-(thiệt: thua kém, lỗ lã hơn người ;hơn: vươt qua, có phần trội )
-thiệt hơn:
a)- cái thua và cái thắng khi liên quan đến quyền lợi giữa người và người
b)- so đo suy tính
Bậu đừng nghĩ ngợi thiệt hơn,
Rửa tai nghe lóng tiếng đờn tri âm.
THIẾU ĐIỀU
:chỉ còn một chuyện chưa làm
Vd: - Tôi nói thiếu điều lạy mà nó vẫn không nghe.
- Tôi thưa với mình hết sức, tôi cũng khuyên dứt hết tình,
Thiếu điều cắt ruột trao cho mình tỏ phân.
THINH
-Đ.ng: thênh
*-thênh thang: rất rộng (thang: phối ngữ âm)
Trong từ ngữ người Nam bộ dùng:
- thinh: có nghĩa là to lớn, rộng rãi
Chín từng lồng lộng giữa trời thinh,
Phụng chỉ ra đi buổi sứ trình.
(Đi Sứ- Phan Thanh Giản)
- thinh không: khoảng không bao la của trời đất.
-giữa thinh không
- rộng thinh / rộng thình: rất rộng
Giường cẩm lai trải chiếu rộng thinh,
Lăn qua lộn lại chỉ một mình không thấy ai.
-rộng thinh thinh: rộng bao la, mênh mông bát ngát, khó đo lường nổi.
Ơn cha rộng thinh thinh như biển,
Nghĩa mẹ dài dằng dặc bằng sông.
hoặc:
Trời cao lồng lộng,
Đất rộng thinh thinh,
Ra đi bỏ mẹ sao đành,
Công ơn cha mẹ sanh thành ra em.
THIU :
:(thức ăn) trở nên hôi, bốc mùi khó chịu, ăn không được vì để quá lâu
Bốn biển giàu sang, em còn cầm đặng,
Cảnh em nghèo, hột muối mặn, cơm thiu.
*-thiu nhớt: thiu và lầy nhầy lớp nhựa
THỌ BỊNH (HV )
-(thọ: nhận lấy, mắc phải; bịnh: bệnh tật)
:mang lấy chứng bệnh, mắc bệnh.
Lụy chan chan đưa chàng xuống vịnh,
Trở lộn về thọ bịnh tương tư.
THỌ ĐƯỜNG:
: (cg: cái thọ; cái hàng sanh): cái hòm, cái xăng được nhắc đem về nhà khi trong nhà có người cao tuổi vẫn còn khoẻ mạnh hoặc để chuẩn bị sẵn việc tang ma sắp tới cho người bệnh chưa tắt hơi.
Phụ mẫu già, em sắm thọ đường để trước phân ly,
Phụ mẫu trở vìa quê kiểng, hỏi anh đi mấy đồng?
THOÀN (HV )
-thoàn: cách phát âm xưa của người Nam Bộ khi đọc chữ thuyền.
Vd: Các ngày tam nương (mùng năm, mười bốn, hăm ba) kỵ hành thoàn (dùng ghe xuồng để đi).
: phương tiện chuyên chở di chuyển trên mặt nước.
Lao xao sóng bổ dưới thoàn,
Vắng em một bữa ăn vàng không ngon.
hoặc:
Từ khi bước cẳng xuống thoàn,
Sông bao sóng dợn thương nàng bấy nhiêu.
THÓI
1-cách cư xữ quen dùng của một cộng đồng dân cư trong một khu vực
*-thói quê: thói quen, việc quen làm của cư dân sống xa thành thị
Tới đây xin vui vẻ chuyện trò,
Thói quê em xin tặng ít câu hò làm quen.
*-thói thường: thói đời
Thói thường gần mực thì đen,
Đêm hôm tăm tối gần đèn sáng trưng.
2-(ngh.hẹp):nết xấu, cách cư xử không tốt đẹp
Đừng làm theo thói ghe buôn,
Nay về, mai ở cho buồn dạ em.
THON VON:
: cô độc, không người thân thích.
Đêm thu nhìn bóng trăng non,
Sợ khi cách biệt thon von một mình.
THÒNG
:thả thẳng đứng từ trên xuống
Nước ròng tôm đất lội xuôi,
Chỉ tơ thòng xuống cột tui với mình.
*-lòng thòng: (lòng: phối ngữ âm)
a)- thả dài xuống, chảy dài xuống.
-mũi dải lòng thòng; dây nhợ lòng thòng.
b)- bận bịu, vướng víu
-vợ con lòng thòng.
THỐ :
:đồ bằng sành sứ hay đất nung không tráng men, mép dày, đáy tròn, hơi phình ở giữa, có nắp đậy dùng để đựng cơm canh. Người ta còn dùng thố nhỏ để nấu cơm bằng cách để gạo vo rồi vào trong thố rồi đem hấp. Cơm này được gọi là cơm thố.
Trách ai làm cho thố nọ xa tiềm,
Em xa người nghĩa nằm điềm chiêm bao.
THỐI
-Đ.ng: thoái
1-lùi trở lại:
- Tấn về nội thối về ngoại (th.ng):
a)- đi tới là về quê cha, đi lui là về quê ngoại.
b)-(ngh.b):làm ăn khắm khá thì về ở quê cha, làm ăn khó khăn thì về quê ngoại.
*-thối dị tấn nan: (Đ.ng: thoái dị tiến nan): trở lui thì dễ, đi tới thì khó.
Cất mái chèo lan, em nhìn chàng rơi luỵ,
Thổn thức gan vàng, thối dị tấn nan.
*-thối lui: đi lùi lại.
Cẳng bước tới sum vầy hai họ,
Tai nghe anh có vợ rồi, cẳng nọ em thối lui.
*-thối nan: khó lui trở lại.
Con cá vô lờ, đụng vỉ thối nan,
Em chê anh nghèo khổ, kiếm chỗ giàu sang em nhờ.
2-trả trở lui, trả lại chủ cũ.
*-thối hồi: (Đ.ng: thoái hồi): trả lại cho chủ cũ.
Tai nghe em có chồng rồi,
Những lời anh than bữa hỗm, em thối hồi cho anh.
Có khi hai chữ thối hồi được đọc ríu lại thành thồi và người bình dân có khi lặp lại là phồi.
Vd: Anh đã đưa tôi mười ngàn, tiền con cá là năm ngàn, tôi thồi / phồi lại anh năm ngàn.
*- thối hôn: hủy bỏ hôn ước
*- thối tiền: trả lại tiền dư
THÔN QUÁN (HV )
- (Thôn: đơn vị hành chánh nhỏ hơn làng xã; quán: tiệm buôn bán, chỗ bán cơm, rươụ hay nhà trọ)
: nơi đông người ra vào ở các thôn xã
Rao cùng thôn quán mà chưa đáng chỗ nào,
Thiếu chi những chị má đào,
Họ mê bài phé, bài cào, anh thất kinh.
THÔNG NGÔN
- người dịch lời nói cho hai người không đồng ngôn ngữ khi họ tiếp xúc với nhau. (Nay gọi là thông dịch viên.)
Mười giờ ông Chánh về Tây,
Cô Ba ở lại, lấy thầy thông ngôn.
THƠ THẨN
- (cg: thẩn thơ): một mình làm việc gì; loanh quanh, không có chủ đích
Một mình thơ thẩn trong rừng,
Mải xem lá rụng, quên chừng chim bay.
THỢ BẠC
- cg: thợ kim hoàn
- người thợ sửa và làm đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quí
Thông ngôn, ký lục, bạc chục không màng,
Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay.
THỦ THỈ:
: (cn: thỏ thẻ): nói to nói nhỏ với giọng điệu êm ái.
Thấy em thủ thỉ anh thương,
Gẫm trong thiên hạ phố phường thiếu chi.
THỤC NỮ ( HV ):
- ( thục: hiền lành, nết na, xinh đẹp )
- :người con gái hiền lành, có đức hạnh
Ruộng đồng anh thả bướm ong,
Thương người thục nữ uổng công đợi chờ.
THUỐC:
: cây có nhựa, có chất kích thích, thường xắt thành sợi nhuyễn để xỉa khi ăn trầu hoặc để hút khói.
Chim chìa vôi bay ngang đám thuốc,
Cá bã trầu lội tuốt mương cau.
hoặc:
Trầu Sài Gòn ăn chơi nhả bã,
Thuốc Gò Vắp hút đã phà hơi.
*-thuốc chồi: thuốc xắt bằng lá chét trên chồi ngọn. Muốn thuốc chồi ngon như thuốc cái, người ta phải bón phân thêm và cắt trước chùm bông thuốc ở ngọn. Nếu không, thuốc chồi rất dở và đắng. Cho nên có thành ngữ" Dở như thuốc chồi".
Cam sành chê đắng chê hôi,
Hồng rim chê lạt, thuốc chồi khen ngon.
*-thuốc rê: thuốc lá ủ, xắt thành sợi nhuyễn và dài, banh mỏng phơi thành bánh trên liếp tre. Mỗi bánh được gọi là một rê thuốc.
Thuốc rê Cao Lãnh thơm nồng,
Con gái Cao Lãnh má hồng thấy mê.
*-thuốc xỉa:thuốc lá xé rời vụn ra, vo tròn bằng ngón tay chà lên răng khi ăn trầu. Thường thường, thuốc phèn đốt không cháy hoặc thuốc không ngon mới được dùng làm thuốc xỉa.
Trầu ăn là nghĩa,
Thuốc xỉa là tình.
Đội ơn phụ mẫu sanh mình dễ thương.
THUỐC BÙA
:nói tắt chữ bùa mê thuốc lú- loại bùa và thuốc làm cho người ta lú lẫn để dễ sai khiến
Biển Đông sóng dợn tư mùa,
Ai cho anh uống thuốc bùa anh mê?
THỦNG THẲNG
-cn: thủng thỉnh
:từ từ, không gấp vội
Ngó lên chữ tứ,
Ngó xuống chữ ư,
Anh có thương em, thủng thẳng em ừ,
Anh đừng thương vội, phụ mẫu từ không hay.
THÚT THÍT:
-cn: rấm rức
:nhỏ mà dai,-thường dùng chỉ tiếng khóc.
Sớm mai trời thổi lất phất,
Chiều thổi gió bấc, em thút thít khóc hoài.
THƯỜNG
-cn:bồi thường
:bù đắp cho người bị thiệt hại
Vén bức sáo làm lễ từ đường,
Mai sau không đặng ai thường công anh?
Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét