MÈ (1):
-Đ.ng: vừng.
-t.k.h: Sesamum orientale L., họ Me ụPedaliaceae.
: (thực) - cò nhất niên cao 0,6m - 1,5m. Hoa trắng lưỡng tính mọc ở kẽ lá. Quả nang dài, bốn ô nở thành bốn mảnh, chứa nhiểu hột giẹp nhỏ vàng hay nâu đen.
Con cu nó đậu nhánh mè,
Thập trên tứ dưới, nhứt đè chữ tâm.
(lối giải thích cách viết chữ đức)
hoặc:
Trồng dền thì phải tưới dền,
Không ai gánh nước tưới lên đám mè.
MÈ (2):
:những miếng gỗ giẹp và dài đóng từ kèo này qua kèo kia, song song với các cây đòn tay. Mè được dùng để:
-giữ tấm ngói thẳng hàng đều đặn theo chiều ngang trong lúc rui giữ tấm ngói thẳng hàng dọc.
-móc cục gù ở phần trên cùng của tấm ngói. Đây là loại ngói dày bằng
mặt, không phải loại ngói âm dương. Người ta gọi ngói này là ngói móc.
Cái miểu linh thiêng,
Có bốn cột kiềng kiềng ,
Rui tre mè trắc.
MÉ SÔNG:
-cg: bờ sông; ven sông.
: khoảng chạy dài dọc theo bờ sông.
Anh về, có nhớ em không?
Em về thơ thẩn mé sông khóc hoài.
MẺ Ơ:
-cn: miểng ơ.
:Miếng bể còn tương đối lớn của nồi đất. Người ta vì tiết kiệm nên vẫn dùng để rang kho chút ít.
Hò thời hò truyện hò thơ,
Ai mà hò bậy, mẻ ơ lên đầu.
MÈO:
-cg: con mèo.
-lấy ý trong các thành ngữ “ mèo mả gà đồng “, “ mèo đàng chó điếm “ hay “mèo chuột” để chỉ sự dan díu tình cảm vụng trộm.
1- trai gái cặp xách với nhau chưa có hôn ước, chưa có sự ưng thuận của cha mẹ đôi bên.
Thương anh, đâu quản hiểm nghèo,
Ngặt vì một nỗi anh có mèo theo sau.
2-người tình được hứa hẹn là được chọn để cưới hỏi sau này.
Anh có thương em thì mần giấy giao kèo,
Ngày sau mới chắc em là mèo của anh.
MÉO:
:không tròn hoặc không còn hình dáng ban đầu.
-Nồi tròn úp vung méo: chỉ cặp vợ chồng không xứng đôi.
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
Sông An Cựu nắng đục mưa trong.
*-méo xẹo: méo và nghiêng.
*-méo xệch: có nghĩa như méo xẹo – trong văn nói ít dùng:
Cô kia cứ hát ghẹo trai,
Cái mồm méo xệch như quai chèo đò.
MỀN:
- HV miên khâm ( tấm đắp bằng bông ). Tiếng Việt lấy chữ miên đọc trại là mền.
-Đ.ng: chăn.
:tấm vải dày để đắp lên mình cho đỡ lạnh.
Ơn cha nghĩa mẹ chưa đền,
Bậu mong ôm gói cuốn mền theo ai?
*-mền nỉ ( Đ.ng: chăn dạ ): mền làm bằng nỉ dày, đắp rất ấm.
Tay ôm mền gấm, em nắm cái mền nỉ,
Tiếc công em may cặp gối kỹ anh nằm.
MÌ:
-Đ.ng: sắn.
-t.k.h: Manihot esculenta, họ Đại kích Thầu dầu Euphobiaceae.
: (thực) cây cao khoảng 3-4m, thường chia nhánh khi lớn, nhiều mủ trắng, lá khuyết cuống lá dài. Khi lá rụng, cuống lá để lại mắt lá nổi cộm trên thân cây. Rễ phình to thành củ dài tới 60cm, nạc trắng nhiều bột. Người ta trồng mì bằng cách găm hom xuống đất. Củ mì dùng để nấu ăn hoặc ngâm tẻ nước để lấy bột.
Mảng coi cút lủi bờ mì,
Anh đà có vợ, sao không nói tiếng gì với em?
MÍ:
: mé bìa, phần chạy dài theo mép của vât phẳng.
Khăn xanh có mí hai đầu,
Nử thương cha mẹ, nửa sầu căn duyên.
MÍA LÙI:
:mía róc vỏ, lùi vô lửa than có vị ngọt thanh.
Vợ lớn anh có chua mấy cũng là vợ cưới,
Còn em đây có ngọt như mía lùi cũng tiếng vợ theo không.
MÍA LAU:
-t.k.h: Saccharum sinensis, họ Hoà bản Gramineae.
: (thực) loại mía gốc Aán Độ, ốm cây, cao 1-3m, mắt to, vỏ trắng mốc trồng ở đất gò.Người ta nấu mía lau chung với rễ tranh để làm nước uống giải nhiệt. Nước mía lau có vị ngọt gắt đặc biệt được tinh chế để nấu đường phổi, đường phèn. Hai lọai đường này có mùi thơm, rất bổ dưỡng, được dùng như một loại dược liệu.
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp mật, như đường mía lau.
MÍA MƯNG:
-cg: mía bầu.
HV: Côn lôn giá.
:loại mía thân mềm dùng để ăn sống. Người ta chỉ trồng vài bụi gần nhà để ăn cho vui miệng.
Nhà em có bụi mía mưng,
Có con chó dữ, anh đừng ra vô.
MIỆNG:
: bộ phận trên mặt, nằm phía dưới mũi được dùng để :
*-ăn uống:
Đồ ăn mỗi vật mỗi ngon,
Rán chừa lỗ miệng, vợ con nó nhờ.
*-nói cười:
Tóc em dài, em cài bông hoa lý,
Thấy miệng em cười để ý anh thương.
MIỆNG ĂN:
:người trong gia đình, người cần một khẩu phần trong một ngày.
Than rằng nhà dột cột xiêu,
Muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn.
MIỆNG HỎA LÒ:
:miệng trớt, loe rộng ra toang hoác trông giống như miệng cái hỏa lò.
Mắt ốc bươu làm hơi sờ sệt,
Miệng hỏa lò ăn hết cơ nghiệp.
MIỆNG LẰN LƯỠI MỐI:
1-miệng con thằn lằn và lưỡi con rắn mối.
2-( ngh.b ): lời ra tiếng vào, lời nói thêm nói bớt của kẻ hạ tiện có hại cho mình.
Miệng lằn lưỡi mối nào yên,
Xa nhau cũng bởi láng giềng gièm pha.
MIỆT:
:vùng, khu vực tương đối rộng lớn ,- không xác định rộng hẹp nhưng chữ miệt chỉ phạm vi hẹp hơn miền.
Ai ơi! Về miệt Tháp Mười,
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn.
Người đồng bằng sông Cửu Long chỉ các khu vực Nam bộ như sau:
*-miệt trên: các tỉnh Đông Nam bộ có khi bao trùm cả Tân An.
*-miệt dưới: các tỉnh từ Cần Thơ trở xuống như Rạch Giá, Cà Mau.
*-miệt vườn: vùng đất cao ráo dân cư tương đối đông làm ruộng và trồng cây ăn trái dọc ven sông Tiền, sông Hậu.
Đồng Nai, Châu Đốc, Định Tường,
Lòng anh sở mộ gái miệt vườn mà thôi.
MIỂU:
- HV miếu.
:gian nhà nhỏ xây cất ở một khu riêng biệt thường bày biện đơn sơ để thờ một
Vị thần theo tín ngưỡng dân gian.
Cây da trước miểu ai biểu cây da tàn,
Bao nhiêu lá rụng, thương nàng bấy nhiêu.
*-miểu môn: từ gọi chung các miểu thờ cùng loại, nhưng ý nghĩ thiên nặng về sự linh ứng nhiều hơn.
Anh về sao đặng mà về,
Miểu môn còn đó, lời thề còn đây.
MINH MÔNG (HV):
-Đ.ng: mênh mông.
-(minh: mờ tối,-mông: khoảng không gian rộng lớn)
:rộng rãi mịt mờ.
*-minh mông đại hải: rộng rãi như biển lớn.
Ngó ra đồng tui thấy nước minh mông đại hải,
Tui nhớ tới quê quán của tui, hai hàng nước mắt chảy lâm ly.
MINH TINH ( HV )
-cđ:minh sanh.
-cg: lá triệu.
:tờ giấy hồng đơn hay tấm lụa đỏ dài và hẹp bề khổ viết chữ trắng theo chiều dọc ghi rõ quê quán, năm sinh, ngày giờ chết của người quá cố. Lá triệu được gắn lên một cái giá hay buộc vào cây trúc cho một người cầm. Khi hạ huyệt, lá triệu được xếp lại để trên nắp quan tài trước khi lấp đất. Màu đỏ của tấm minh tinh tượng trưng cho máu huyết của mẹ, màu trắng của chữ viết tượng trưng cho tinh khí của cha. Hai yếu tố đó đã tạo nên hình vóc con người. Khi chết đi, con người coi như đã trả xong ơn cha nghĩa mẹ, chấm dứt cuộc sống bản thân nên phải chôn lá triệu theo người chết. Có người lại quan niệm minh tinh sẽ được dùng như giấy thông hành của người chết ở cõi âm.
Một mai ai đứng bên kinh,
Ai phò giá triệu, ai rinh quan tài?
Minh tinh đã có con trai,
Giá triệu con gái, quan tài nàng dâu.
hoặc:
Cóc chết lại có minh tinh,
Thất nghiệp nằm đình, có trống cầm canh.
MÌNH:
1-phần giữa của thân thể con người, không kể đầu và tay chân.
*-mình dây:dáng người dong dỏng cao, không mập.
Khăn rằn nhỏ sọc, khăn rằn Tây,
Thấy em ốm ốm, mình dây, anh ưng lòng.
*-mình mẫy: có nghĩa như chữ mình, nhưng ý nghĩa rộng hơn bao gồm luôn cả thân thể.
Trời nắng trưa, vai anh vác cuốc,
Mình mẫy dính bùn, lem luốc tùm lum.
2-phần to của thân cây, không kể nhánh nhóc được gọi là mình mẹ.
Vd: Sung trổ trái trên mình mẹ.
3-bề mặt trải rộng bên ngoài.
Vd: Mình vải không được láng mịn.
4-phiếm chỉ đại từ dành cho cá nhân để phân biệt với tập thể.
Vd: Mình vì mọi người, mọi người vì mình.
5-dùng như đại từ phản thân ( reflexive pronoun ) có ý chỉ chính bản thân của chủ ngữ trong câu.
Trả quả khô cho chị,
Trả quả thị cho ông,
Oâng không chịu trả con kỳ nhông cho mình.
Nếu dùng ở số nhiều, người ta kèm các chữ lũ, bọn, chúng.
Dã man thảm hại cho người đó,
Tân khổ nài bao cái lũ mình.
( NGUYỄN QUANG DIÊU )
6-đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số ít để gọi thân mật dành cho :
a-các cặp vợ chồng đứng tuổi gọi nhau ( Nam bộ rất thường dùng )
b-tình nhân gọi nhau:
Mình về ta chẳng cho về,
Ta níu lấy áo, ta đề câu thơ
hoặc:
Trống điểm ba, nhịp sáu ình ình,
Em bầm gan tím ruột để cho mình có đôi.
Với ý nghĩa ( b ) này, chữ mình còn dùng cho cả người mới quen nhưng cùng trang lứa.
Nhện sa trước miểu phân tình,
Mình có chồng chưa, tôi chưa biết, thấy mình tôi thương.
7-có nghĩa như một mình, chỉ một cá nhân đơn độc.
Tới đây, lạ xứ lạ làng,
Ai ai cũng lạ, chỉ mình nàng anh quen.
hoặc:
Một mình lo bảy lo ba,
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên.
Với nghĩa (7 ), chúng ta có từ mình ên thông dụng ở miền Tây Nam bộ.
Cút cụt đuôi! Ai nuôi mày lớn?
Tôi thưa rằng tôi lớn mình ên.
MÍT
-t.k.h: Artocarpus Heterophyllus Lamk , họ Dâu tằm Moraceae.
-HV: Ba la mật
: (thực) Lọai cây to, vỏ màu nâu đen ít nứt, có mủ trắng, gỗ màu vàng trơn láng. Ơũ cây con lá có xẻ thùy. Phát hoa là dái đực và dái cái mọc riêng. Dái đực màu hơi vàng, chẳng bao lâu trở nên đen và rụng. Dái cái có cộng to, mọc trên thân. Trái (hợp giả quả) rất to, dài tới ba gang tay, phủ gai vàng vàng, trong ruột nhiều múi và xơ. Mỗi múi là một hột chứa hai tử diệp không bằng nhau, bọc bởi một túi cứng giòn, nạc dày thơm và ngọt.
Cây có nguồn gốc từ Aán độ, Mã Lai Á và được trồng nhiều khắp nơi.
Con cua kình càng bò ngang cây mít,
Tao thấy chị hai mầy lớn đít tao thương.
MÍT TỐ NỮ
-t.k.h: Artocarpus integer (Tunb), họ Dâu tằm Moraceae.
: (thực) Đại mộc nhỏ cao khoảng 7- 8m. Cành non có lông phún, lá bầu dục, có lông dài nhám ở gân và bìa. Lá cây còn có ba thùy. Dái mọc ở nhánh nhỏ. Trái nhỏ hơn mít ta, chỉ dài khỏang ba tấc. Múi dính vào cùi và dễ tách rời khỏi bì. Nạc dày, thơm ngọt và mềm nhão.
Sầu riêng anh chẳng buồn ăn,
Bòn bon, tố nữ anh quăng cùng đường.
MO (1):
- P: mort (cái chết)
: chết,- trong câu ca dao sau đây chữ" mo" được dùng như một động từ.
Khuyên ai giữ chí về sau,
Đừng nên tấp tểnh Tây Tàu mà mo.
MO (2):
-(cg: tàu mo, mo cau)
: (dt):Cái bẹ láôm thân cây cau. Trước đây người nông dân Nam bộ thường dùng mo cau lận bũm lại để đựng một ít gạo thóc, ngũ cốc hay để nạo dừa.
Của mình bo bo,
Của người ta lấy mo mà hốt.
Hoặc
Lấy anh anh sắm đồ cho,
Sắm bị, sắm gậy, sắm mo đập ruồi.
*-mo cơm:mo đựng cơm. Người ta thường đem cơm ra ruộng để ăn trưa bằng cách lấy một cái mo cau còn tươi, bẻ đôi lại, đổ cơm vào rồi ràng dây chung quanh. Mo cơm có thể cầm xách trên tay hoặc đeo lên vai.
Lòng thòng con gái Kiến Vàng,
Đầu đội neo bàng, tay xách mo cơm.
*-mo nang: cái bẹ bọc buồng cau hay buồng dừa
Nhà anh lợp những mo nang,
Nói láo với nàng nhà ngói năm căn.
MÒ
1-xòe bàn tay rà soát để tìm vật gì trong bóng tối và dưới nước
Chồng chài, vợ lưới, con câu,
Thằng rể đi xúc, con dâu đi mò.
2-(ng.b) tìm tòi để hiểu biết vấn đề gì mà phải trải qua nhiều khó khăn
Rừng nhu biển thánh khôn dò,
Nhỏ mà không học, lớn mò sao ra.
MỎ NHÁC:
: (dt) - (động) - loại chim nhỏ lông rằn, vàng nâu, mỏ dài, thường kiếm mồi trong các ruộng ít nước ban ngày và kêu ban đêm..
Con chim mỏ nhác,
Nằm trong đống rác,
Gác mỏ kêu trời,
Chữa hoang đẻ lậu, giữa trời ai nuôi!
MÕ:
1-đồ dùng khi gõ vào thì phát ra tiếng kêu, làm bằng một khối gỗ khoét bộng ruột. Mõ dùng để gõ tụng kinh trong chùa.
Đi đâu bỏ mõ bỏ chuông,
Bỏ ghè tương lạt, bỏ buồng chuối non.
2-mõ có tiếng kêu vang rất xa để gọi họp dân đinh trong làng hoặc để báo động. Ngày xưa, khi nghe mõ đánh:
- ba hồi, ba dùi: kêu gọi dân trong làng tới họp (mõ điểm mục)
- liên hồi, tiếng mõ nhặt: báo động nguy cấp
Mõ đâu đem đánh giữa làng,
Oâng thôn ve gái việc làng không lo.
MÓC TAI :
:que bằng thau, nhỏ bằng cọng chưn nhang để ghim vào đầu tóc. Một đầu que được đập cong bũm lại để móc ráy tai.
Xuân xanh đầu tóc gá nghĩa với móc tai,
Mình xa tôi, tôi gá nghĩa với ai bây giờ?
MỎI MÊ:
: quá mệt mỏi vỉ làm việc quá sức, quá nhiều.
Khúc sông quanh chảy qua Vàm Tháp,
Chèo mỏi mê, miệng ngáp biếng hò.
MỎM:
: phần đất gie ra sông hoặc gie ra biển.
Chim bay về đảo Sơn Trà,
Chàng đi lính mộ xa đà quá xa.
MON MEN:
: lân la tới để được gần gũi một cách e dè.
Con quạ mà biết mình đen,
Nó đâu có dám mon men tới cò.
MÒNG ( 1 ):
:lọai ruồi lớn con, cánh vắn thường đeo cắn trâu, bò, ngựa hoặc người để hút máu.
Đưa anh ra tới Rạch Chanh,
Muỗi mòng cắn lắm, cậy anh đưa về.
Người ta thường dùng chữ muỗi mòng để chỉ chung loại côn trùng đốt người và súc vật để hút máu.
Vd: Vùng này cây cối rậm rạp, muỗi mòng nhiều, ngủ không mùng chịu gì nổi!
MÒNG ( 2 )
:núm thịt cao lồi trên đầu con gà trống, con chim trống.
Tuổi Dậu con gà vàng lông,
Có mỏ, có mòng, hay gáy ó o.
hoặc :
Con chim nho nhỏ,
Đỏ mỏ xanh lông,
Đỏ mòng xanh kiếng.
Gà trống còn có thể có:
*- mòng dâu: núm thịt thấp mọc trên đỉnh đầu
*- mòng lái: mòng cao và giẹp, có khía răng cưa
MỎNG :
: không có độ dày hoặc không dày bằng những vật khác.
*-mỏng dánh: ( dánh:biến âm của chữ dính): mỏng đến dộ hai hay nhiểu vật có thể
dính sát vào nhau, khó tách ra được .
Ngỡi nhơn mỏng dánh tợ cánh chuồn chuồn,
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.
*-mỏng mảnh:
a)-mỏng yếu, dễ bể dễ gãy.
-món đồ đó coi mỏng mảnh mà bền chắc lắm.
b)-(vóc người) ốm nhỏ.
Khăn rằn chỉ đỏ là khăn rằn Tây,
Anh thấy em mỏng mảnh, mình dây anh đành.
MÓT:
: lượm lặt, góp nhóp mỗi lần một ít và để dành một nơi,
Mót tiền mua chiếc thuyền rồng,
Đem ra cử biển cho chồng thả chơi.
MỒ CÔI :
- côi- HV cô ( một mình )
1. trẻ con mất cha hoặc mất mẹ
Mồ côi cha ăn cơm với cá,
Mồ côi mẹ liếm lá ngoài đường.
2. lẻ loi, cô độc
Chàng đà yên phận tốt đôi,
Em nay lẻ bạn, mồ côi một mình.
hoặc :
Gió đùng đùng mưa giăng lá hẹ,
Cảm thương nàng bỏ mẹ mồ côi.
MỒ HÔI :
:nước vị hơi mặn hơi nhớt tươm ra từ lỗ chân lông khi người ta mệt, làm việc nhiều, hốt hoảng quá độ hay khi thời tiết nóng nực.
Đi đâu cho đổ mồ hôi?
Chiếu trải không ngồi, trầu để không ăn.
*- mồ hôi dầu: mồ hôi rịn ra, rít
Vai u thịt bắp mồ hôi dầu,
Nách lông một nạm, trà tàu một tô.
*- mồ hôi muối: mồ hôi khi khô đóng trắng trên áo quần.
MỐC :
1-màu xám đen nổi rõ trên vật bị ẩm ướt
-nổi mốc nổi meo.
2-có màu xám đen.
*-mốc thích: (Đ.ng: mốc thếch): trổ màu xám đen xấu xí, không còn láng mịn như xưa.
Tía tui lịch sự quá chừng,
Cái lưng mốc thích, cái đầu chơm bơm.
MỒI THUỐC
-(mồi: đốt vật gì bằng cách lấy lửa từ vật đương cháy).
*-mồi thuốc: lấy lửa từ điếu thuốc đương cháy của người khác, từ lò bếp hay đống un để làm cháy điếu thuốc của mình.
Thuốc rê chồng hút vợ say,
Thằng nhỏ mồi thuốc lăn quay chín vòng.
MỐT(1):
-Đ.ng: ngày kia
:một ngày sau ngày mai hoặc dùng để chỉ một tương lai gần
Con ơi ! Chớ khóc mẹ rầu,
Bữa mơi, bữa mốt, nghe bầu tới nơi.
hoặc:
Lạy bà bà thổi gió Đông,
Mai mốt ông chồng bà trở về đây.
MỐT (2):
1-một, đọc kèm với số chục chẵn.
- hăm mốt (hai mươi mốt)
Hai mươi tuất rốt,
Hăm mốt nửa đêm.
2-một phần mười đơn vị đọc kèm với số chẵn
-lương cắc mốt cắc hai
Nón mua đồng mốt tốt tựa như rồng,
Sao em không mua mà đội để má hồng nắng ăn?
MỘT MAI :
:một ngày nào đó
Một mai trống lủng khó hàn,
Dây dùn khó đứt, bạn la khó tìm.
Nếu “một mai” được dùng với chữ “có”, người ta dùng như một giả thuyết trong tương lai:
Một mai thiếp có xa chàng,
Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.
MỚ (1):
: (dt) số lượng tương đối ít, không chính xác là bao nhiêu
Đạo cang thường không phải như cá tôm,
Đang mua mớ nọ lại chồm mớ kia.
Ghép:
*- một nhắm, một mớ: số lượng ít ỏi.
Vd: Hôm trước, xoài chín rộ. Tôi bán một đợt rồi, nay còn lại một nhắm, một mớ để cho sắp nhỏ ăn.
*- bán nhắm bán mớ: nhắm chừng để đoán số lượng chứ không cân đếm chính xác
Vd: Chợ càng ngày càng thưa. Đám tôm cá còn lại tôi bán nhắm bán mớ để về nhà cho sớm.
MỚ (2):
: (đt) nói ú ớ trong giấc chiêm bao
Vừa tỉnh giấc tôi biết rằng mình mớ,
Tỉnh giấc rồi kêu bớ tình thương.
MƠI :
-cn: mai
:Cách nói của người bình dân Nam bộ khi dùng chữ MAI:
1-buổi sáng:
Nghèo đến nỗi không giường không chiếu,
Lo nồi mơi sớm thiếu nồi chiều.
2. ngày sau ngày hôm nay
Con ơi ! Chớ khóc mẹ rầu,
Bữa mơi, bữa mốt, nghe bầu tới nơi.
MU:
1-( dt) (Đ.ng: mai): phần cứng gồ lên của con cua, con rùa.
-mu cua, mu rùa.
2-(dt) chỗ nổi gồ lên trong cơ thể.
-mu bàn tay.
Khi đứng riêng một mình, chữ mu chỉ chỗ gồ lên của bộ phận sinh dục nam nữ.
Cá rô béo bởi cái kỳ,
Con gái lỡ thì béo bởi cái mu.
MÙ :
- (HV: vụ) sương mù
1- cách một khoảng quá xa, mọi vật như phủ một lớp sương mờ
2- (ng.b) quá xa
Ghép:
*-biệt mù: cách một khoảng quá xa
*-mù mù: có nghĩa như biệt mù
đ.tr: dùng mù mù, ít dùng lù mù
Ngó ra Vàm Cậu mù mù,
Đông Hồ, Thị Vạn, Tô Châu, Rạch dừa.
hoặc:
Ngó ra ngoài biển mù mù,
Ngồi buồn xe chỉ, chạm dù cánh dơi.
- mù mù tăm tăm: rất xa
MÙ U :
-t.k.h: Calophyllum inophyllum, họ Bứa Guttiferae.
(cg: Hồ đồng)
: (thực) (cg: hồ đồng) cây mọc hoang hoặc được trồng trong vườn để lấy gỗ. Cây trồng lâu lớn, gỗ chắc, cao chừng 15-20 m. Khi bị chặt, khứa, vỏ cây tiết ra một thứ nhựa màu vàng xanh đặc quánh. Lá láng thon dài, mọc đối. Gân lá nhỏ mịn, chạy song song khắp hai mặt lá. Bông trắng mọc thành chùm ở kẽ lá hay đầu cành, tỏa ra mùi thơm. Trái hình cầu, to bằng trái bóng bàn. Khi chín, vỏ trở nên vàng và cứng. Ngày xưa, người ta ép mù u để lấy dầu. Dầu mù u có màu xanh sậm, dùng làm thuốc và đốt đèn. Trẻ con miền quê đập vỏ mù u, xắt hột thành lát mỏng phơi khô, cột thành một xâu để đốt.
Bướm vàng đậu đọt mù u,
Lấy chồng càng sớm, tiếng ru càng buồn.
MÚC
: (đt) lấy chất lỏng ra khỏi đồ đựng lớn
- tiền trao cháo múc, không tiền thì trút cháo vô (th.ng):
- Nước trong khỏa múc một vùa,
Ai cho anh uống thuốc bùa anh mê?
MUI :
: (dt) mái cong làm bằng lá hoặc vải che phần trên của xe, đò, tàu ghe.
Bồng ra gốc mít,
Bồng xích gốc chanh,
Bồng quanh đám sậy,
Bồng bậy vô mui.
*-mui ống: loại mui đan bằng tre cóp lại thành hình bán nguyệt.
Thảm thương cho ghe lườn mui ống,
Phải chi ở gần đậu vốn buôn chung.
MŨI DỌC DỪA:
:mũi thẳng và cánh mũi hơi to,-loại mũi này được cho là đẹp.
Chín thương sống mũi dọc dừa,
Mười thương em chẳng...mà chưa có chồng.
MUN:
1-gỗ màu đen bóng. Họ Hồng Ebenaceae có vài thứ cây cho gỗ màu đen tốt gọi là mun.
*- (cg: thị trâm; sang đen; cậy) -t.k.h: Diospyros lobata, - đại mộc nhỏ, vỏ nâu, nhánh non đen lúc khô. Hoa cái rất thơm, đơm thành chùm ngắn. Trái nhỏ ăn được. Gỗ màu đen bóng , thuộc loại gỗ mun tốt nhất. Cây có nhiều ở Nha Trang.
*-cây mặc nưa: t.k.h: Diospyros mollis,-trái và lá chứa poliquinon dùng để nhuộm đen lãnh tốt. Gỗ là thứ mun tốt. Cây ở Phan Rang, Châu Đốc.
*-cây thị Béjaud:t.k.h: Diospyros bejaudii,-ở Đồng Nai, gỗ mun tốt.
Đũa mun một chiếc khó cầm,
Duyên đây không kết, mai mốt tầm khó ra.
hoặc:
Tiếc công giã gạo ba trăng,
Đũa mun chén bịt, ngồi ăn không đèn.
2-có màu đen bóng.
-đen mun,-mèo mun.
MÙNG (1):
-Đ.ng: màn
:đồ dùng may bằng vải mỏng thưa căng bốn góc để chun vào ngủ khỏi bị muỗi cắn.
Đi đâu để nhện giăng mùng,
Bỏ đôi chiếu lạnh, bỏ phòng quạnh hiu.
hoặc :
Lạnh lùng lấy mùng em đắp,
Để áo anh về đi học kẻo trưa.
MÙNG (2):
-Đ.ng: mồng.
: từ dùng kèm với con số của ngày âm lịch từ một đến chín.
Em về sửa soạn loan phòng,
Mùng năm, mùng sáu, anh xách cái lòng thòng anh qua.
MUỒI
1-(trái cây) chín quá, sắp rục rã
*- muồi mẫn (mẫn: phối ngữ âm): quá muồi
*-muồi rục: quá muồi đến độ rục rã
2-(ngh.b: nhiều
*- khóc muồi: khóc nhiều, khóc lu bù một cách tự nhiên
Nhợ xa cần nhợ lại nằm khoanh,
Chim kêu rủ rỉ, nhớ tới anh tôi khóc muồi.
MUỖNG:
-Đ.ng: thìa.
: vật bằng sành hay bằng kim loại dùng để múc thức ăn lỏng như canh, cháo.
Ai làm cho muỗng nọ xa tiềm,
Tôi xa người nghĩa như điềm chiêm bao.
MÚT
-cn: mụt
:tới chỗ tận cùng ở đầu chót
Con cá đối nằm trên cối đá,
Con mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo.
*- mút chỉ:
a)- hết chiều dài của sợi nhợ câu
-con cá mắc câu lôi xa mút chỉ.
b)- (ng.b): nhiều quá mức
- Đi học về, thằng bé đi chơi mút chỉ.
*-mút chỉ cà tha: có nghĩa như mút chỉ nhưng nghĩa mạnh hơn.
*- mút mắt: xa quá tầm nhìn
- hòn đảo xa mút mắt
*- mút mùa: hết mùa, hết thời gian qui định.
- đi chơi mút mùa rồi mới về làm việc.
*-mút tí tè: ở chỗ xa lắm.
MỰA ĐỪNG :
-(từ cổ)
:đừng; đứng trước động từ để ngụ ý ngăn cản
Mựa đừng tham sắc mê tình,
Lánh xa tửu điếm trà đình chớ vô.
MƯƠNG
:đường nước nhỏ trong vườn để nước chảy ra vô hoặc để tưới cây trồng.
Lập vườn thì phải khai mương,
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
MƯỚP:
-thuộc họ Bầu bí Cucurbitaceae.
: (thực) lọai dây leo thuộc họ bầu bí. Dây có góc cạnh, màu xanh lục. Lá to và nhám, chia thùy thành ba cánh, mép răng cưa, cuống lá dài. Mướp leo lên cao được nhờ vòi tua cuốn. Bông vàng, bông đực kết thành chùm, bông cái mọc riêng lẻ. Trái có nhiều hột giẹp màu nâu đen. Khi trái già, vỏ và lớp cơm mỏng bọc ngoài tróc hết còn trơ lại khối xơ cứng dai. Xơ mướp dẽo, lâu mục nên được dùng để kỳ cọ chén bát.
Chiều chiều gọt mướp nấu canh,
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm.
*- mướp khía ( t.k.h: Luffa acutangula): trái vắn, dài chỉ khoảng một gang tay, có khía gân nhỏ nổi cộm chạy dọc từ trên cuống xuống.
*- mướp hương ( t.k.h:Luffa cylindrica): trái hình thon dài, dài tới một mét. Trái có sọc xanh đậm nỗi rõ trên nền trái màu xanh lợt. Khi nấu hay xào, lọai mướp này có mùi thơm.
Mướp hương bỏ ngọn qua rào,
Bây giờ gặp mặt, biết chừng nào gần em.
MƯU ( HV )
:cg: mẹo chước
:Sáng kiến nẩy ra giúp mình sắp xếp, giải quyết công việc ổn thỏa khi đương đầu với hoàn cảnh khó khăn.
Chiều về nghe còi thổi còn lo một nỗi xa mình,
Anh có mưu chi cao rộng?- Em thiệt tình hết mưu.
*- mưu kế:
Gió năm non thổi lòn hang dế,
Tiếng anh học trò, mưu kế để đâu?
*- mưu mẹo:
a)- có mưu kế hay khiến người ta ngạc nhiên
b)- (ng.b): hay đem mưu mẹo để phỉnh phờ người
Vd: Đừng tin nó. Thằng đó mưu mẹo lắm.
*- mưu sĩ:
a)- kẻ hay dùng mưu
b)- (ngh.b): dùng mưu để gạt người.
Vd: Đừng tin kẻ mưu sĩ
*- mưu sĩ chuột: kẻ hay dùng mẹo vặt để gạt người. Từ dùng với ý khinh bỉ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét