NGA:
-t.k.h: Coix aquatica Roxb, họ Hoà bản Gramineae.
: (thực) -nê thực vật hay thủy thực vật mọc ở ven rạch hoặc ruộng cầm thủy, thân nổi hay nằm, phiến lá dài tới 90cm, rộng 2-4cm, mặt trên có tuyến có lông. Phát hoa ở nách lá với gié đực thòng xanh xanh.
Ngọn Rạch Đào có cây cầu đình bắc ngang bãi cát,
Thuyền câu tôm anh đậu sát mé nga.
NGẢ:
:ngõ, lối đi qua
Dù cho cha đón ngả đình,
Mẹ ngăn ngả chợ, đôi mình cũng thương.
NGÃI / NGỠI :
-cách phát âm xưa chữ NGHĨA của Nam bộ.
:cách cư xữ tốt đẹp hoặc bổn phận phải làm cho đời
-Ai xui rã chút duyên kim cải,
Ai khiến rời chút ngãi tào khang.
-Mua nồi phải nhớ lấy vung,
Kéo tơ nhớ ngãi con tằm thuở xưa.
hoặc:
Ngỡi nhơn mỏng dánh tợ cánh chuồn chuồn,
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.
NGẠI NGÙNG :
: còn e sợ, chưa dám làm việc gì mà mình muốn .
Cầu cao, ván yếu gió rung,
Anh thương em thì thương đại, ngại ngùng thì đừng thương.
NGÀN :
-Đ.ng: nghìn
:con số đếm có giá trị bằng mười trăm
Lên non chọn đá thử vàng,
Thử cho đúng lượng, mấy ngàn cũng mua.
NGẮC NGỨ:
:không thông; bị cản trở từng lúc, từng đoạn khi di chuyển.
Nghe kêu hết hồn, là chợ Trà Cú,
Xe chạy ngắc ngứ, là chợ Gò Công.
NGẮT :
1-dùng móng tay ngón cái với móng tay ngón trỏ bấu vào da thịt
*- ngắt nhéo / ngắt véo: cũng có nghĩa như trên
2-dùng móng tay bấm cho đứt rời
Con dế kêu sầu, sao anh không bắt ngắt râu,
Để nó kêu rỉ rả suốt đêm thâu tôi buồn.
hoặc:
Thò tay mà ngắt cọng ngò,
Thương em đứt ruột, giả đò làm ngơ.
NGẶT :
- HV nghiệt (tội lỗi, tai họa)
1. không thuận lợi
Gặp mặt em đây ngặt đà quá ngặt,
Giữa cảnh ba bề nghiêm nhặt khó phân.
2. khó khăn không thể vượt qua nổi
- bịnh ngặt: bịnh nguy hiểm ít hi vọng qua khỏi.
*-ngặt nghèo: rất khó khăn
Em đố chi câu đố ngặt nghèo,
Anh đây đố lại: con mèo mấy lông?
*-thắt ngặt:ở tình thế khó xoay chuyển được, không thể tìm giải pháp khác.
Mụ ni bán mắt,
Ai có thắt ngặt thì mua.
3-ngặt có nghĩa là ngặt vì, ngặt nỗi, hiềm vì dùng để viện dẫn một lí do không thuận lợi.
Thương anh cũng muốn theo anh,
Ngặt cha với mẹ không đành thì sao.
hoặc:
Mây muốn mưa mà trời chưa có chuyển,
Anh muốn gần nàng ngặt một kiểng hai quê.
Nếu nói dài dòng, người ta có thể dùng ngặt vì một nỗi.
Thương anh đâu quản hiểm nghèo,
Ngặt vì một nỗi anh có con mèo theo sau.
NGÂM (HV ):
:đọc câu thơ với giọng trầm bổng
Chim quyên đậu tấm ngói vàng,
Tay cầm quyển truyện, sầu nàng quên ngâm.
NGẬM NGHE:
:ngậm món ngon vào miệng, im lặng trong giây lát để cảm nhận mùi vị của nó lan toả trong miệng.
Ăn rồi ngậm nghe, hổ hành nấu cháo,
Dữ mà nhỏ xíu, đúng thiệt rắn trun.
NGẦN :
: chừng mực, mức độ
Trời ơi ! Bẻ lá không ngần,
Kẻ đôi ba vợ người lần không ra.
*-vô ngần: vượt quá chừng mực
NGÂU :
-t.k.h: Aglaia Dupperreana Pierre, họ Xoan Meliaceae
: (thực) cây nhỏ vỏ xám, cao khoảng 1-4m. Lá nhỏ, bóng. Hoa nhỏ hình cầu màu vàng rất thơm. Ngâu mọc hoang hoặc được trồng khắp nơi để lấy bông ướp trà hoặc ủ thơm quần áo.
Bình tích thủy đựng bông hoa lý,
Chén chung vàng đựng nhụy bông ngâu.
NGẦY:
: (cn:rầy ) -nêu lên những khuyết điểm của người ta để trách cứ, mắng mỏ.
Hồi hôm má ngủ với thầy,
Cho đồng bạc giả, má tôi ngầy thầy sáng đêm.
NGÓ :
: (đt) dòm, xem, coi
Ngó lên trên rừng thấy cặp cu đương đá,
Ngó xuống dưới biển thấy cặp cá đương đua.
*-ngó lơ: ngó lãng sang chỗ khác, giả bộ không thấy.
Thò tay mà ngắt cọng ngò,
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ.
NGOÁI :
: (đt) day lại, quay lại phía sau để nhìn.
Em đi ngang bờ cát, em ngó ngoái bờ đình,
Ai đi giống dạng anh chung tình của em.
NGOẠT (HV):
-cách đọc trại âm chữ nguyệt chỉ dùng với nghĩa là tháng.
-thập ngoạt hoài thai, tam niên nhũ bộ: mười tháng mang thai, ba năm bú mớm bồng ẵm; thành ngữ chỉ công lao khó nhọc của mẹ.
Nhứt nhựt bất kiến như tam ngoạt hề
(tạm dịch: một ngày không gặp dài như ba tháng vậy)
Thăm em một chút anh về,
Sợ e trăng lặn, tư bề người dưng.
NGOÁY TRẦU:
: (đt) cuốn tròn lá trầu đã têm vôi kèm với một miếng cau dầy cho vào ống ngoáy để vằm cho nát nhừ.
Ngó xuống đất thấy hàm răng em xấu anh cũng phát rầu,
Gá duyên anh muốn gá, sợ một nỗi ngoáy trầu em ăn.
NGOẮT:
-Đ.ng: vẫy / vẫy tay
: (đt) quạt bàn tay lên xuống để làm hiệu cho người ở xa thấy hoặc kêu gọi người ở xa để họ đứng lại chờ mình đi tới hoặc đi về chỗ mình đang đứng.
Em chạy theo anh, em vấp, em té sấp bụi bờ,
Miệng em kêu, tay em ngoắt, em biểu anh chờ, sao anh lại đi luôn?
NGÓC:
1-(đt) dựng đứng lên.
Vd:Mấy cây mới trồng nhờ đám mưa hôm qua nay đã ngóc dậy.
2-(đt) chỗi dậy, ngẩng lên, ló đầu lên.
Mèo nằm bồ lúa vinh râu,
Thấy con chuột chạy ngóc đầu kêu ngao.
NGÓNG :
- HV vọng ( nhìn ra xa ).
: (đt) giương cao cổ để nhìn xa, có ý mong đợi điều gì
Tới đây chẳng hát thì hò,
Không phải con cò ngóng cổ mà xem.
NGỘ:
: (tt) đẹp và lạ.
Thấy em nhỏ thó lại có hường nhan,
Chưn mày lân hai mắt lộ,
Nội xứ này không ai ngộ bằng em.
hoặc:
Gà lôi đội lốt con công,
Tưởng mình là ngộ đi dông đi dài.
NGỒI SUI:
-cn: làm sui.
: (hai họ) cùng ngồi lại bàn thảo việc gả cưới cho con cái.
Mần thơ giấy trắng đem gắn cây cui,
Cúi đầu lỵ mẹ ngồi sui cho gần.
NGỒNG :
: (dt) chồi ngọn, phần vươn lên cao của cây cải, sẽ trổ hoa, kết trái và cho hột. Đối với loại cải ăn lá, khi cải mọc ngồng, người ta ngắt ngồng để cho cây cải phát triển phần lá. Khi muốn lấy hột giống, người ta mới để ngồng.
Cải non ai nỡ ngắt ngồng,
Ở vậy nuôi mẹ, lấy chồng làm chi?
*-chồng ngồng (cg: lồng ngồng / tồng ngồng). Chồng / lồng /tồng: phối ngữ âm; thường dùng chung với các tính từ cao hoặc lớn và chỉ dùng cho người.
Vd: Con gái lớn chồng ngồng mà chưa chịu lấy chồng.
NGỜ NGỜ:
: bày ra nhan nhãn trước mắt, ai cũng thấy rõ ràng.
Sông dâu cá lội ngờ ngờ,
Biết em có đợi mà chờ uổng công.
NGỠ NGÀNG:
-ngỡ HV nghi ( không tin chắc ). Ngàng: phối ngữ âm.
:không biết phải xử sự thế nào, ăn nói thế nào.
Cây da tróc gốc mất tàn,
Tình xưa còn đó, ngỡ ngàng nan phân.
NGỠI NHƠN:
-cg: nhơn ngãi.
-cách phát âm của người Nam bộ xưa khi đọc chữ nghĩa nhân.
:lòng thương người và bổn phận đối với người đời.
Ngỡi nhơn mỏng dánh tợ cánh chuồn chuồn,
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.
NGỚP:
-từ nói ríu của hai chữ ngán và khớp.
:sợ hãi và chán ngán.
-công việc bề bộn thấy ngớp
*-ngớp mắt: nhìn thấy phải sợ và chán ngán, không muốn đi tới, không muốn tiếp tục.
Làng ta mấy lớp chiến hào,
Giặc nhìn ngớp mắt, giặc vào bỏ thây.
NGỚT MÁI:
-(ngớt: ngưng bớt, giảm bớt; mái: mái chèo)
:làm cho ghe thuyền đi chậm lại bằng cách ngừng chèo hoặc chèo chậm lại.
Bớt chiếc thuyền loan, khoan khoan ngớt mái,
Đặng đây tỏ đôi lời phải trái nghe chơi.
NGỦ GỤC:
-Đ.ng: ngủ gật, ngủ gà ngủ gật.
: (đt) ngủ khi đang đứng, ngồi hoặc đang làm việc gì, đầu thỉnh thoảng gục xuống. Tình trạng này xảy ra khi chúng ta mệt mỏi và thiếu ngủ.
Câu tôm xuồng nhỏ khó ngồi,
Ban đêm ngủ gục, gỡ mồi ăn chơi.
NGÚNG NGUẨY:
:vùng vằng nung nẩy, tỏ ý không bằng lòng.
Gặp mặt anh đây, em còn ngúng nguẩy,
Xa anh rồi, nước mắt em chảy như mưa.
NGUYÊN:
1-lành lặn, không sứt mẻ.
2-( ngh.b): được tiếng trọn lành.
Chưa chồng ở vậy cho nguyên,
Để anh dọn chiếc thuyền quyên rước về.
NGUYỆN (HV )
1-van vái Phật Trời chứng giám lòng mình khi muốn đạt điều gì.
2-hứa với lòng mình là sẽ làm điều gì.
Chợ Ba Tri thiếu gì cá biển,
Anh thương nàng, anh nguyện về đây.
NGUYỆT HOA ( HV ):
-cn: trăng hoa; hoa nguyệt.
:tình cảm tằng tịu vướng vít giữa trai gái.
Bước đi ba bước lại ngừng,
Tuổi em còn nhỏ xin đừng nguyệt hoa.
hoặc:
Lăng xăng trên nguyệt dưới hoa,
Nhiều nơi cho rộn, không nhà gởi thân.
NGƯỜI DƯNG:
:kẻ xa lạ, không liên hệ họ hàng huyết thống với mình.
Quạ kêu nam đáo nữ phòng,
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương.
NGƯỜI NGHĨA:
:người có dính líu tình cảm và cư xử phải đạo với mình.
Vắng mình, dạ nọ đau rên,
Cũng vì người nghĩa xuống lên không thường.
NGƯU HOÀNG (HV ):
-t.k.h: Calculus bovis .
:sạn sỏi trong túi mật trâu bò có màu vàng nâu hoặc nâu đỏ. Ngưu hoàng được dùng làm thuốc trấn tỉnh và mạnh tim, trong các triệu chứng điên cuồng, sốt cao gây co giật tay chân, kinh phong. Dược liệu này còn dùng để trị viêm não ( ENCEPHALITE B )
Cao ly sắc với ngưu hòang,
Uống không mát dạ bằng thiếp với chàng gặp nhau.
NGH
NGHÉ:
1-con trâu, con bò con.
Trâu anh con cỡi con dòng,
Lại thêm con nghé lòng thòng theo sau.
2-(lóng) - từ gọi thân mật đứa bé trong gia đình.
Vd:
A: Thằng hai cưới vợ ba năm rồi, nó có con cái gì chưa?
B: Vợ chồng nó mới có con nghé đực năm ngoái.
NGHEN:
- nói ríu của hai tiếng NGHE HÔN,-nằm ở cuối câu có ý nhấn mạnh một lời dặn dò.
Bên dưới có sông, bên trong có chợ,
Hai đứa mình kết chồng vợ nghe hôn!
NGHI ( HV )
-nghi ( ngờ vực ).
: không tin chắc điều gì.
Thương thì thương đại,
Đừng nghi đừng ngại,
Bớ điệu chung tình.
*-nghi nan: nghi ngờ và gây khó khăn.
Bậu dừng lên xuống đèo bòng,
Chồng con hay được đem lòng nghi nan.
*-nghi ngờ: có nghĩa giống chữ nghi.
Con đò bậu chớ nghi ngờ,
Bậu đưa khách bậu, qua chờ khách qua.
*-nghi tình: nghi ngờ tình cảm kẻ khác.
Thấy con bạn nó nghi tình,
Tôi đây tức mình muốn chết.
NGHÌ:
-một cách phát âm xưa của chữ nghĩa ( HV )
1-nghĩa lý,ý nghĩa của từ ngữ.
Vd: nhứt tự lục nghì ( một chữ có đến sáu nghĩa ).
2-cách cư xử phải đạo của con người trong xã hội.
Bậu đừng nghe tiếng thị phi,
Thủy chung anh giữ vẹn trọn nghì sắt son.
hoặc:
Không râu là đứa vô nghì,
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con.
NGHĨA BINH (HV )
:người dân tình nguyện sung vào quân ngũ chíên đấu cho nghĩa lớn của dân tộc là đánh đuổi ngoại xâm.
Có chồng đi lính nghĩa binh,
Dầu nghèo dầu cực, vẫn thương mình, ai ơi!
NGHIÊNG TRIỀNG:
:ngiêng nghẻo qua một bên.
Cầu Bình Điền xe lửa chạy nghêng triềng,
Anh gặp em dưới thuỷ trên thuyển,
Lời phân chưa có cạn, sao anh liển chia tay?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét