Profile Visitor Map - Click to view visits

Nhớ Chiếc Áo Dài Xưa

(Tặng khách hành hương về nguồn)

Yêu em từ kiếp nào
Gặp em chừng lâu lắm
Nét tha thướt ấp ủ làn hơi ấm
Tà áo bay in đậm dấu thời gian
Gà gáy trưa, thôn cũ nắng tràn
Áo chẹt vá quàng - Giọng ầu ơ của mẹ
Gió thoảng lướt, nhịp võng trưa đưa nhẹ
Thế giới huyền mơ chợt ghé miên man
“Trầu lên nửa nọc trầu vàng
Thương cô áo chẹt, vá quàng nửa lưng”

Những mùa xuân tiếp nối những mùa xuân
Bước thơ ấu ngập ngừng hoa với mộng
Nẽo trước thênh thang – Dòng thời gian trải rộng
Cụm đất nghèo vắng bóng những niềm vui
Cuống rún lìa xa, tấc dạ bùi ngùi
Chiếc áo vá quàng, cuộc đời đen như đất
Cô thôn nữ mãi lũ lam đời chật vật
Tre sau nhà cao ngất đứng mỏi mòn
Đời xuôi mau - Người mất, áo chẳng còn
Bùn nước đọng, gót chân son là dĩ vãng

Tim rộn rã, muốn tâm tình trút cạn
Có người tìm cô bạn Gia Long
Cô gái trường áo tím ngày xưa
Trong nắng ấm má hồng
Giờ tóc dệt màu bông
Mà tà áo vẫn bình bồng trong tâm tưởng


Đã biết yêu mà hồn còn rất ngượng
Chiều hoài hương – Chân lạc hướng đất người
Nửa tháng cháo chợ cơm hàng –
Ròng rã đếm mưa rơi
Tay úp mặt – Ôm mảnh đời lưu lạc
Núi Ngự mờ sương – Dòng Hương trong vắt
Cầu Trường Tiền xa lắc sáu vại dài
Khói sóng hoàng hôn – Lòng chợt ấm chiều nay
E ấp nón bài thơ, thướt tha tà áo dài Đồng Khánh
Gót viễn xứ, chiều Cố Đô lành lạnh
Dạ nhuốm vui, khóe mắt rịn giọt sương
Gác trọ nghèo lóng gà gáy tha hương
Bóng nhòa nhạt hắt lên tường cô độc

Cuộc chinh chiến lê chuỗi ngày thảm khốc
Tình vù bay, cắt ngang dọc bạn, thù
Giữa trưa hè sụp bóng tối âm u
Lá lả tả dù ngày thu chưa tới
Trời đất rộng bom cày đạn xới
Màu áo xưa bay vội đỉnh mây mù
Cấy đông ken đêm lạnh hoang vu
Nơm nớp sợ trận đổ dù, phục kích
Cô gái quê cầm lồng đèn, ôm tập sách
Lớp i tờ - Trường dừng vách lá chằm
Tai ngóng nghe đạn pháo réo gầm
Miệng lẳm nhẳm thì thầm bài mới học
Gọn trang phục, gọn chân tay đầu tóc
Có mơ gì cái hình vóc thướt tha
Bọc lụa nhung ngũ sắc của Hằng Nga
Chiếc áo dài là tinh hoa nét đẹp

Đã hết rồi hận thù và sắt thép
Nới rộng tay làm mà vẫn hẹp miếng ăn
Đời đương cần lưng thớt bắp tay săn
Thiên hạ nghĩ: “Đẹp đâu bằng có ích”
Quần chặm vá, mảnh áo thô nặng trịch
Dép kéo lê la thanh lịch đời người
Chóng qua rồi cái thập kỷ bảy tám mươi
Vũng nông hẹp, ta khóc cười lặn hụp
Xó bếp vắng, con chó già ẩn núp
Chường mặt ra sợ bị chụp, bị vồ
Cài chặt then, sợ ruồi muỗi bay vô
Gặm nhắm mãi khúc xương khô meo mốc
Cô giáo trẻ bước vào lớp học
Bận quần tây, áo cộc hở mông đùi
Chiếc áo dài ơi! Ta tiếc mãi khôn nguôi
Sống giữa đám mù đui nghệ thuật
Kẻ hiểu biết lặng câm – Mà nỗi lòng u uất
Người ngu si theo lốc trốt cuốn đi
Dạ, dạ, vâng lòng chẳng nghĩ suy
Dạ non nớt biết gì là nét đẹp

Óc hủ lậu, được một thời cũng đẹp
Bay xa rồi cảnh mắt khép tay che
Mở toang hoác cửa ra – Gió lộng tư bề
Bốn biển năm châu - Lối đi về muôn nẽo
Đã mười năm theo chân người lẻo đẻo
Nay rực rỡ hào quang thần diệu giống Tiên Rồng
Thổ Cẩm muôn màu, gấm Thái Tuấn, lụa Hà Đông
Đưa lên đỉnh chiếc áo dài của giống dòng Lạc Việt

Hải Chu 08-03-2002


Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Phương Ngữ- Vần LƠ....

LƠ (1):
- P: bleu (xanh)
1-màu xanh da trời.
*-lơ trứng sáo: màu xanh lợt như vỏ trứng sáo.
Mừng chàng quần áo mọi màu,
Quần hồ lơ trứng sáo, áo trắng phau cánh cò.
Muốn cho quần áo trắng lâu cũ, khi giặt xong, người ta thường hồ dương. Dương là tấm giấy nhuộm phẩm màu xanh. Người ta ngâm nó trong thau khuấy đều rồi bỏ quần áo đã giặt sạch vào, xả lại một nước rồi đem phơi. Quần áo sẽ có màu xanh trứng sáo nhưng màu này không bền.
LƠ (2):
:không để ý tới, lạnh lùng quay đi.
*-lơ là: tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt.
*-lơ mơ:
a)-thiếu khả năng tập trung tinh thần nên chưa nắm được vấn đề rõ ràng.
Vd:Thầy giảng cả buổi mà đầu óc nó vẫn lơ mơ.
b)-khinh suất, coi thường.
Cá nục nấu với dưa hồng,
Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi.
Ghép ngược:
*-giả lơ: giả vờ không hay biết.
Bắp non xao xác trổ cờ,
Người thương đứng đó, giả lơ không chào.
*-làm lơ: làm mặt lạ, không để ý tới.
Nhện sa suối vàng còn ngậm mối tơ,
Thiếu chi nơi mà em kết tóc, em cũng làm lơ để chờ chàng.
*-ngó lơ: quay mặt chỗ khác, làm như không thấy.
Thò tay mà ngắt cọng ngò,
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ.
LỜ ( 1 ):
:đồ dùng bằng tre để bắt cá, đan bằng nan nhỏ vuốt rất mỏng mảnh, hai đầu có gắn hai cái hom.
Bậu có chồng như cá vô lờ,
Tương tư nhớ bậu dật dờ năm canh.
LỜ (2 ):
: ( tt ): lu mờ, không sáng tỏ.
Trăng lên khỏi núi, khuất bụi chuối con trăng lờ,
Tiếng em ở chợ, sao khờ bán buôn?
LỠ:
1-đã trót làm việc gì, nay muốn sửa lại cũng khó.
Bước lên đất sụp bờ sình,
Lời giao ngôn tôi hứa lỡ, chung tình tôi phải ra đi.
Trong cách dùng này, chữ lỡ đặt trước hay sau dộng từ, nghĩa vẫn không đổi.
Vd: lỡ hứa cũng có nghĩa như hứa lỡ.
2-dở dang thân phận, không ổn thỏa.
Lỡ quan, lỡ lính, lỡ làng,
Lỡ duyên thầy thợ, lỡ đàng bán buôn.
*-lỡ duyên: gặp khó khăn, không suôn sẻ thuận lợi trong tình duyên.
Nhỏ nhỏ như ai, chớ nhỏ nhỏ như em, chặt dạ bền lòng,
Lỡ duyên em chịu lỡ, quyết đóng cửa loan phòng đợi anh.
*-lỡ hội: mất dịp may, không còn lúc thuận tiện.
Nào ai lỡ hội chồng con,
Về đây gá ngỡi vuông tròn đuợc không?
*-lỡ vời:
-( vời: chỗ nước sâu cách xa bờ.
Trịnh Hâm khi ấy ra tay,
Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời.)
:( ngh.b ):lạc bước vào chốn xa, không người cậy nhờ giúp đỡ.
Anh có thương em, anh hứa chắc một lời,
Anh có thương, anh nói thiệt, chớ có gạt gái lỡ vời, bớ anh!
LƠI:
1-( dây )xe không săn, không chặt.
Đồng hồ sai vì bởi sợi dây thiều,
Em xa anh vì bởi sợi chỉ điều xe lơi.
2-chậm chạp hoặc không sốt sắng mà có thái dộ miễn cưỡng chiếu lệ.
Đây đã chèo lơi,
Đặng chờ người tri kỷ,
Gặp mặt chuyện trò, cho phỉ ước mơ.
hoặc:
Nghĩ nào tình lại buông lơi,
Qua chờ em bậu nói lời định phân.
LỢI:
-biến trại từ chữ lại.
Người binh dân Nam bộ thường đọc chữ lại thành chữ lợi, nhất là trong các nghĩa như sau:
1-từ chỗ nào đến một nơi khác.
-đi lợi nhà bạn: đi lại nhà bạn.
*-ghé lợi: ghé lại.
Chim chích cánh bay về non đảnh,
Chờ khi anh rành, ghé lợi em chơi.
2-trở về chỗ cũ, trở về lúc ban đầu.
*-lợi da: (chỗ cây đã cạo sạch da) mọc da trở lại nên không ra rễ .
Vd: Tôi ghép cây mai chiếu thuỷ, đã cạo sạch vỏ, bó và tưới nước nhưng sau một thời gian, chỗ đó lợi da nên không kết quả.
*-lợi dái:bộ phận sinh dục vẫn hoạt động bình thường sau khi bị thiến.
Vd: Con heo lợi dái.
*-lợi dao: lại đâm một nhát dao nữa cho chết hẵn.
Vd: Con vật bị cắt cổ chưa chết nên phải lợi dao.
*-lợi mũi kim: may ngược lại một mũi kim cho chắc.
-may lợi mũi kim
*-lợi nghĩn: (cn: lợi sức): lấy lại sức lực cũ sau khi bị bệnh tật.
Vd: Con bò bỏ ăn mấy bữa nay đã lợi nghĩn.
*-lợi quả: (cn: lợi mâm; dằn quả): để lại một phần phẩm vật người ta đã biếu tặng vào trong mâm, quả người ta đem tới. Ví dụ: người ta đem quả đựng bánh tới đám tiệc tổ chức trong nhà mình, mình nhận lấy. Sau tiệc, người kia ra về, mình còn để lại ít cái bánh loại đó vào trong quả đưa lại cho họ. Cũng có thể, chúng ta đưa vào quả loại bánh khác cũng được.
*-lợi sức: phục hồi sức khoẻ lúc đầu.
Vd: Khi hết bệnh phải ăn nhiều cho lợi sức.
3-cầm cự nổi hoặc đáp trả lại.
Vd: tụi du đảng đông quá, tụi tui đánh hổng lợi (= đánh không lại)
Mình thương tui chưa có mấy mà mình than,
Đây rồi mà tui thương lợi, tàu Nam Vang nó chở đầy.
LỚN XỘN:
1-đã quá lớn.
Vd: Con gái gì đã lớn xộn rồi còn chơi nhảy nhà với tụi con nít!
2-lớn và xấu xí.
Hàm răng anh lớn xộn,
Cặp mắt quá to,
Cái miệng hỏa lò,
Nghe giọng hò phát ghét!
LỚP...LỚP:
: phần thì... phần thì...,-dùng để diễn tả hai sự kiện đồng thời, dồn dập xảy ra trong cùng một lúc.
Vd: Tôi lúc này bái xái. Lớp nào cày bừa, lớp nào lo heo cuối, mệt muốn đứt hơi.
Phụ mẫu đánh tôi quằn quại, treo tại cành dương,
Lớp sợ ma, lớp buồn tóc trắng.
LỢT:
-cn: dợt.
-Đ.ng: nhạt
:nhạt màu, màu không đậm.
Liễn treo ba phía trong đình,
Chữ vàng chưa lợt, sao mình vội quên.
LU (1):
: hũ to bằng đất nung hông phình, miệng nhỏ và đáy túm lại, dùng để đựng nước.
Ngó ra đàng sau thấy hai lu nước,
Ngó ra đàng trước thấy bộ kỷ trà.
LU (2):
: mờ, không thấy được rõ.
Ngồi buồn đọc sách ngâm thơ,
Tưởng đâu chữ rõ, ai ngờ chữ lu.
LU LÚ:
-lú - HV: lộ (hiện ra); lu: phối ngữ âm.
: mới ló ra, mới xuất hiện.
Trăng lên lu lú đầu non,
Số em là số sớm con muộn chồng.
LÙ ĐÙ:
:lọai cá biển nhỏ, mình hơi tròn, vãy trắng thịt trong, ăn không ngon.
Chê tôm ăn cá lù đù,
Chê thằng bụng bự, thằng gù lại ưng.
LÙA:
-cn: đùa.
:dồn về một phía.
Chèo dài sông hẹp khó lùa,
Thấy em ở ruộng quê mùa anh thương.
LÚA MA:
-t.k.h: Oriza minuta, họ Hoà bản Gramineae.
:cỏ đa niên cao đến 2m, cao hơn lúa thường. Phiến lá rộng có rìa lông. Vỏ hột lúa có lông gai dài có khi tới 23cm. Phần ruột của hột lúa ma dính chặt vào vỏ trấu, không dễ tróc như các giống lúa thường.
Lúa ma mọc rải rác ngoài ruộng, làm hư giống lúa. Gạo ăn được nhưng không ngon.
Dân nghèo đi gặt lúa ma,
Đi đào củ chuối sống qua tháng ngày.
LỤA:
- HV la.
1-thứ hàng vải mỏng dệt bằng tơ mặc vào thấy mát.
Anh đi lọng lụa ba bông,
Bỏ em cấy mướn dựa đồng cây da.
*-lụa hồ: lụa thô xấu, mỏng và hẹp bề khổ
*-lụa lành mười lăm: lụa mịn tốt, khổ rộng, dệt bằng nguyên liệu bền.
Lụa lành mười lăm, anh chê rằng lụa vụn,
Mắc phải lụa hồ, đành bụng anh chưa?
2-( tt ): mỏng mịn đẹp như lụa.
*-đọt lụa / lá lụa: lá non mới trổ của cây lớn, mịn có màu xanh phơn
phớt, có thể ăn sống được.
Vd: cây xòai đã ra lá lụa.
*-giấy lụa: giấy mỏng, trắng và dai, thường dùng để vấn thuốc hút.
LỤC BÌNH ( 1 ):
-t.k.h: Eichhornia crassipes, họ Lục bình Pontederiaceae.
: (thực) - thủy thực vật nổi trôi, sống ở ao đầm, sông rạch, ruộng sâu, phát triển nhanh và mạnh, kết thành về lớn. Lá xanh mọc chùm, cuống lá mập xốp. Chùm đứng mang bộ rễ lòng thòng phủ đầy lông mịn. Bông màu tím lợt có bớt vàng ở giữa chi chít quanh gié hoa trổ cao hơn lá.
Gió thổi hiu hiu, lục bình trôi riu ríu,
Anh đừng bận bịu, bớ điệu chung tình!
LỤC BÌNH ( 2 ):
-đọc trại âm từ chữ độc bình.
: loại bình to và cao để trên bàn thờ để cắm hoa chưng cúng.
Bẻ bông mà cắm lục bình,
Mùi thơm ai hưởng cho mình gặp oan.
LỤC TỈNH ( HV )
1-sáu tỉnh miền Nam Việt Nam ( theo tổ chức hành chánh triều Nguyễn ):
*-ba tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường.
*-ba tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Ngày xưa, Nam bộ có sáu trấn. Năm l931, vua Minh Mạng đổi sáu trấn thành sáu tỉnh.
Anh đi lục tỉnh giáp vòng,
Tới đây, trời bắt đem lòng thương em.
2-đối với người Sài Gòn, lục tỉnh dùng để chỉ:
*-các tỉnh nằm ngòai khu vực Sài Gòn.
*-các tỉnh miền Tây Nam bộ.
LUI CUI:
-Đ.ng: lúi húi
: cắm cúi làm việc một mình, không nhìn lên.
Nước sông, nước suối cũng tui,
Hai tay mài nghệ lui cui một mình.
*-lui cui lúc cúc: có nghĩa như lui cui nhưng mạnh hơn.
Lui cui lúc cúc xúc con cá sặt mồi,
Lên doi xuống vịnh, lần hồi theo anh.
LỦI:
ử : khom đầu xuống để chui vào chỗ hẹp và kín đáo.
Chim buồn tình, chim bay về núi,
Cá buồn tình, cá lủi xuống sông.
hoặc:
Mảng coi cút lủi bờ mì,
Anh có vợ rồi, sao không nói tiếng gì với em.
LÙM:
: bụi cây nhỏ mọc chi chít rậm rạp.
Bãi cỏ lau khô sầu ai rã rượi,
Thỏ núp lùm chờ đơiỉ bóng trăng.
LÚM ĐỒNG TIỀN:
-cn: lún đồng tiền.
: (gò má) núng sâu xuống dấu tròn giống như đồng tiền.
Dẫu rằng chẳng đặng bén duyên,
Cũng hun má lúm đồng tiền của em.
LUNG:
: vùng trũng ngập nước hơi sâu giữa ruộng hoặc giữa rừng.
Xăn quần mà lội qua lung,
Quần em lủng đáy, anh hun chỗ nào?
LỦNG:
-Đ.ng: thủng.
: rách một chỗ hay nhiều chỗ.
Quần lủng đáy, đi đâu xớ rớ,
Aùo rách te, nói chuyện bóc chài?
hoặc:
Một mai trống lủng khó hàn,
Dây dùn khó đứt, bạn lan khó tìm.
LUÔN:
1-liên tiếp, không thôi.
Rộng đồng thì gió thổi luôn,
Khi vui con chị, khi buồn con em.
2-cứ tiếp tục, không bỏ dở dang nửa chừng.
Chim kêu vươn hú bìa rừng,
Đã thương nhau được nửa chừng, thương luôn.
LUÔN TUỒNG :
1-không phân biệt phải quấy, đầu đuôi.
Vd:Thằng cha đó già rồi mà còn ăn nói luôn tuồng.
Đạo nào sâu bằng đạo vợ chồng,
Anh đừng giở thói luôn tuồng khó coi.
2-(cn: luồn tuông): đi bất cứ nơi nào không cần phân biệt nơi nào nên tới, nơi nào không nên tới.
-đi luôn tuồng trong nhà= đi luồn tuông trong nhà.
3-liên tục với kiểu cách như vậy, không ngừng nghỉ.
Khi mưa, khi nắng luôn tuồng,
Người buồn lại gặp cảnh buồn trớ trêu.
LUỒNG XUỒNG:
: lôi thôi, lần quần, không có thái độ dứt khoát gì cả.
Luồng xuồng tại bạn luồng xuồng,
Em đây gắn chặt như cuồng chỉ tơ.
LUỐNG CÔNG:
-( luống: uổng phí )
:bỏ nhiều công sức nhưng kết quả cuối cùng không tốt như ý mình mong đợi.
Ngặt bóng trăng lờ thêm đàng diệu vợi,
Thuyền lái em sẵn sàng, e đợi luống công.
LUỐNG CHỊU:
: đeo đẳng mãi hoàn cảnh không may mà mình buộc phải chấp nhận.
Đôi ta gá ngãi giữa đồng,
Về nhà luống chịu nước mắt hồng tuôn rơi.
LÚP XÚP:
1-thấp và nhiều, chen chúc nhau.
Vd: những ngôi nhà lá lúp xúp ở bờ sông;
Bụi cỏ le the, bụi tre lúp xúp,
Em có nơi nào, anh giúp đôi bông?
2-( chạy ) chậm chạp, thong thả với tốc độ vừa phải.
LỤY (1 ):
: nước mắt.
Chú lái ơi! Chú đùng rơi lụy,
Mãn con trăng này, tôi gả chị cho chệc.
LỤY (2 ):
1-lâm vào cảnh long đong, nguy hiểm.
*-luỵ gái: vất vả lao đao vì phụ nữ.
Trai đất giồng luỵ gái Gò Me,
Không vì háo sắc, chỉ mê giọng hò.
2-chết, (không dùng cho người )
Vd: -cá ông lụy: cá voi chết, trôi giạt tấp vào bờ;
-chim sa cá lụy:chim đang bay rớt xuống, giãy chết; cá đang bơi lội cũng chết.Thành ngữ này chỉ điềm gở , việc xui xẻo. Nhạn đậu nhành sương, giương cung bắn nhạn,
Con nhạn lụy rồi, anh biết làm bạn với ai?
LỤY ( 3 ):
: tùy thuộc vào, lệ thuộc vào.
Qua sông, nên phải lụy đò,
Tối trời nên mới lò mò đụng em.
*-luỵ cầu (cn:cầu lụy): tìm kiếm cầu cạnh nguời nào và van nài người ta giúp đỡ.
Thương tằm ngã áo bọc dâu,
Thương em nên phải luỵ cầu mẹ cha.
*-chiều lụy: chiều chuộng người nào quá mức khi mình lệ thuộc người ta.
*-đầu lụy: đầu hàng, khuất phục và lòn cúi để người ta giúp đỡ.
LƯ (HV ):
: đỉnh đồng đặt trên bàn thờ để cắm nhang hay đốt trầm.
Lửa vùi vừa ấm lòng lư,
Bậu nghe lời thá, bậu từ nghĩa anh.
LỪ ĐỪ:
:uể oải mệt nhọc, dã dượi bần thần.
Vd: thằng bé hết bệnh nhưng còn lừ đừ quá!
Buồn về một nổi tháng tư,
Con mắt lừ đừ, cơm chẳng muốn ăn.
LỪA:
1-đưa vật gì tới chỗ mình muốn.
Vd: Cầu thủ A lừa banh tới khung thành đối phương để đá vào.
2-loại ra, gạt ra và đùa đi nơi khác cái mà mình không dùng.
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,
Miệng nhai cơm búng, luỡi lừa cá xương.
LỪA LỌC:
-( lừa: đùa đẩy tới lui để chọn lấy cái mà mình ưa thích; lọc: cho chất lỏng chảy ngang qua lớp than, cát hoặc bông gòn để gạn bỏ chất bẩn ).
Năm lừa bảy lọc xán một bọc cứt trâu.
LỨC:
-t.k.h: Pluchea indica, họ Cúc Compositae.
: (thực) cây cao khoảng 1m, mọc hoang vùng đồng bằng, bờ biển. Cành nhánh nhỏ, lá gần như hình bầu dục, gốc lá thon dài, đầu lá hơi nhọn, mép có răng cưa. Hoa nhỏ, màu hơi tím, mọc chùm kết thành ngù ở ngọn. Trên cây thuờng có dây tơ hồng đeo bám sống nhờ.
Ngó vô đám lức có con ong vàng,
Coi đi coi lại duyên nàng còn nguyên.
LƯNG:
: không đầy.
Ăn sàng bánh đúc,
Ăn chục bánh chưng,
Ăn rổ rau vừng,
Vẫn còn lưng bụng.
*-lưng lưng: ( cn: lưng lửng ): ở mức giữa lưng và đầy.
Ăn cơm ba chén lưng lưng,
Uống nước cầm chừng, để dạ thương em.
LỮNG ĐỮNG:
-cn: lững đững lờ đờ.
1-chậm chạp, uể oải.
2-( nước ) lình bình, chảy chậm chạp.
Nước sông lững đững lờ đờ,
Thương thì nói vậy, biết chờ hay không.
LƯỢC ( 1 ):
: đồ dùng thường là của phụ nữ để:
-cài đầu: ( lược cài ) có hình bán nguyệt hay lưỡi liềm, răng tương đối
thưa để phụ nữ cài tóc.
-chải gở tóc cho suôn: ( lược thưa ), loại lược thưa răng để chải gở tóc cho suôn sau khi tắm gội.
Gió đẩy đưa, lược thưa uốn éo,
Đem em về dạy khéo dạy khôn.
-gở bắt chấy: ( lược dày ), loai lược khít răng để cào bắt chí sống lẫntrong tóc.
Sừng mày tao tiện con cờ,
Cán dao cán mác lược dày lược thưa.
Lược có thể được làm bằng sừng, xương thú vật hoặc đồi mồi.
Tóc quăn chải lược đồi mồi,
Chải đứng chải ngồi, tóc vẫn còn quăn.
LƯỢC (2 ):
-cg: may sểu.
:may thưa đường chỉ lúc ráp sơ các miếng vải để sau này theo đó may lại cho kỹ lưỡng,ngay ngắn hơn.
Áo anh, ai đột đường tà,
Khâu kim chỉ một hay là lược sơ?
LƯỚI BÉN:
: lưới đan bằng sợi chỉ mảnh nhưng lỗ hơi to, bề dạu ngắn, giăng ngang mương rạch để bắt cá.
Chài phơi, lưới rách cũng phơi,
Em là con cá liệt ở khơi,
Anh là lưới bén bủa nơi dọc gành.
LƯỠI TRÂU:
-Đ.ng: lờn bơn, thờn bơn.
: (động)- tên một loại cá biển, mình giẹp, miệng nhỏ méo qua một bên.
Cá lưỡi trâu sầu ai méo miệng,
Cá bã trầu nhiều chuyện trớt môi.
LƯỢM:
-Đ.ng: nhặt.
:thò tay lấy vật gì từ dưới đất lên.
Hột châu nhỏ xuống kẹt rào,
Thò tay em lượm, phụ mẫu chào em buông.
LƯỢN SÓNG:
: một đợt sóng nhồi lên xuống.
Sông Gò Quao sóng lớn lượn dài,
Rạch Nhà Ngang khúc cong khúc vạy.
LƯƠNG:
:người không theo đạo Thiên Chúa.
Bên lương bên giáo giao hoà,
Phải duyên phải kiếp, áo Chúa bà mặc chung.
LƯƠN KHƯƠN:
: ở nửa vời, phân hai, chưa có thái độ dứt khoát, chưa giải quyết ráo rẻ vấn đề.
Nước còn khi chảy khi ương,
Gẫm tôi với bậu lươn khươn quá chừng.
LƯỢNG ( HV )
-cn: lạng.
1-đơn vị đo sức nặng ngày xưa, có giá trị bằng 37,5 gam.
Kẻ kia tám lượng, kẻ này nửa cân.
( Thành ngữ )
( Cân ngày xưa bằng 600 gam ). Câu này thường dùng để chỉ hai người có cùng tài năng sức lực như nhau.
Ngày nay, trong việc mua bán thịt cá, người ta dùng chữ lạng để chỉ 100 gam và cân để chỉ một kí lô ( 1000 gam ). Và khi hiểu như vậy, câu tám lạng bằng nửa cân không còn đúng nữa.
2-sự đo lường trọng lượng các vật.
Lên non chọn đá thử vàng,
Thử cho đúng lượng, mấy ngàn cũng mua.
LƯU TỒN ( HV ) :
-( lưu: giữ lại; tồn: còn ).
: còn lưu lại, còn giữ lại.
Lịch thay địa phận Trà Oân,
Miếu ông Điều Bát lưu tồn ngày nay.
LƯU THÚ ( HV ) :
-( lưu: giữ lại; thú: đóng đồn để canh phòng ).
:giữ lại, ở lại đóng đồn để canh phòng nơi biên ải.
Anh đi lưu thú Bắc thành,
Để em khô héo như nhành mai khô.
LỰU (HV )
-cg: thạch lựu.
-tên khoa học: Punica granatum L., họ Lựu Punicaceae.
: (thực) cây cao, thân mảnh, cao khỏang 2m.Lá nhỏ mọc đối,có bông to trắng hoặc đỏ, trái tròn có vỏ cứng nhiều hột bao bọc bởi lớp cơm trong suốt có vị ngọt chua.
Bậu nói với qua bậu không bẻ lựu hái đào,
Vậy chớ lựu đâu bậu bọc, đào nào bậu cầm tay?
LÝ ĐÀO TƯƠNG HỘI ( HV ):
: bạn bè gặp nhau.
Không trước thì sau lý đào tương hội,
Khuyên em dằn lòng chờ đợi ít lâu.
-( 1-Lý:
-t.k.h: Sygyzium jambos, họ Sim Myrtaceae.
: (thực) loại cây cao tàn rậm, lá bóng hẹp và dài, bông trắng có nhiều tiểu nhị. Trái chín có vị ngọt thanh, chứa ba bốn hột. Ngòai Bắc, người ta gọi lý là mận, còn mận thì người ta gọi là roi.
2-Đào: ( cg: điều đỏ )
-t.k.h: Sygyzium malaccense, họ Sim Myrtaceae.
: (thực) đại mộc nhỏ, lá xanh đậm dài láng. Phát hoa ở phần không lá của nhánh, cánh hoa đỏ, tiểu nhị trắng rất nhiều. Trái hình trứng to màu đỏ đậm, vị chua, ruột xốp. Đọt non đỏ, chua, có thể làm rau sống ăn với bánh xèo.
3-Đào lý:
a)-tên một địa danh của đất Trường An ngày xưa, nơi Lý Bạch từng họp
bạn bè để vui chơi.
b)-trong văn chương cổ, chữ đào lý chỉ những gia đình trâm anh, những bậc văn tài lỗi lạc. Địch Nhân Kiệt đời Đường tiến cử ba mươi Nho sĩ ra giúp nước. Những người này đều là những hiền tài thấy xa trông rộng. Vì thế, có câu: “ Thiên hạ đào lý tận tại công môn” ( những bậc tài giỏi trong thiên hạ đều ở tại cửa nhà ông ).
c)-Ở đây, chúng ta thấy đào lý có lẽ đào và mận mang ý nghĩa của tình ban bè.
Sớm đào, tối mận lân la,
Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng.
( truyện Kiều – NGUYỄN DU )
hoặc:
-Tiện đây mận hỏi thăm đào,
Vườn hồng đã có ai rào hay chưa?
-Mận hỏi thì đào xin thưa,
Vườn hồng đã khóa ngay trưa một ngày.
LÝ NGƯ (HV ) :
:cá chép. Cá lý ngư sầu tư biếng lội,
Chim phụng hoàng sầu cội biếng bay.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét