Profile Visitor Map - Click to view visits

Nhớ Chiếc Áo Dài Xưa

(Tặng khách hành hương về nguồn)

Yêu em từ kiếp nào
Gặp em chừng lâu lắm
Nét tha thướt ấp ủ làn hơi ấm
Tà áo bay in đậm dấu thời gian
Gà gáy trưa, thôn cũ nắng tràn
Áo chẹt vá quàng - Giọng ầu ơ của mẹ
Gió thoảng lướt, nhịp võng trưa đưa nhẹ
Thế giới huyền mơ chợt ghé miên man
“Trầu lên nửa nọc trầu vàng
Thương cô áo chẹt, vá quàng nửa lưng”

Những mùa xuân tiếp nối những mùa xuân
Bước thơ ấu ngập ngừng hoa với mộng
Nẽo trước thênh thang – Dòng thời gian trải rộng
Cụm đất nghèo vắng bóng những niềm vui
Cuống rún lìa xa, tấc dạ bùi ngùi
Chiếc áo vá quàng, cuộc đời đen như đất
Cô thôn nữ mãi lũ lam đời chật vật
Tre sau nhà cao ngất đứng mỏi mòn
Đời xuôi mau - Người mất, áo chẳng còn
Bùn nước đọng, gót chân son là dĩ vãng

Tim rộn rã, muốn tâm tình trút cạn
Có người tìm cô bạn Gia Long
Cô gái trường áo tím ngày xưa
Trong nắng ấm má hồng
Giờ tóc dệt màu bông
Mà tà áo vẫn bình bồng trong tâm tưởng


Đã biết yêu mà hồn còn rất ngượng
Chiều hoài hương – Chân lạc hướng đất người
Nửa tháng cháo chợ cơm hàng –
Ròng rã đếm mưa rơi
Tay úp mặt – Ôm mảnh đời lưu lạc
Núi Ngự mờ sương – Dòng Hương trong vắt
Cầu Trường Tiền xa lắc sáu vại dài
Khói sóng hoàng hôn – Lòng chợt ấm chiều nay
E ấp nón bài thơ, thướt tha tà áo dài Đồng Khánh
Gót viễn xứ, chiều Cố Đô lành lạnh
Dạ nhuốm vui, khóe mắt rịn giọt sương
Gác trọ nghèo lóng gà gáy tha hương
Bóng nhòa nhạt hắt lên tường cô độc

Cuộc chinh chiến lê chuỗi ngày thảm khốc
Tình vù bay, cắt ngang dọc bạn, thù
Giữa trưa hè sụp bóng tối âm u
Lá lả tả dù ngày thu chưa tới
Trời đất rộng bom cày đạn xới
Màu áo xưa bay vội đỉnh mây mù
Cấy đông ken đêm lạnh hoang vu
Nơm nớp sợ trận đổ dù, phục kích
Cô gái quê cầm lồng đèn, ôm tập sách
Lớp i tờ - Trường dừng vách lá chằm
Tai ngóng nghe đạn pháo réo gầm
Miệng lẳm nhẳm thì thầm bài mới học
Gọn trang phục, gọn chân tay đầu tóc
Có mơ gì cái hình vóc thướt tha
Bọc lụa nhung ngũ sắc của Hằng Nga
Chiếc áo dài là tinh hoa nét đẹp

Đã hết rồi hận thù và sắt thép
Nới rộng tay làm mà vẫn hẹp miếng ăn
Đời đương cần lưng thớt bắp tay săn
Thiên hạ nghĩ: “Đẹp đâu bằng có ích”
Quần chặm vá, mảnh áo thô nặng trịch
Dép kéo lê la thanh lịch đời người
Chóng qua rồi cái thập kỷ bảy tám mươi
Vũng nông hẹp, ta khóc cười lặn hụp
Xó bếp vắng, con chó già ẩn núp
Chường mặt ra sợ bị chụp, bị vồ
Cài chặt then, sợ ruồi muỗi bay vô
Gặm nhắm mãi khúc xương khô meo mốc
Cô giáo trẻ bước vào lớp học
Bận quần tây, áo cộc hở mông đùi
Chiếc áo dài ơi! Ta tiếc mãi khôn nguôi
Sống giữa đám mù đui nghệ thuật
Kẻ hiểu biết lặng câm – Mà nỗi lòng u uất
Người ngu si theo lốc trốt cuốn đi
Dạ, dạ, vâng lòng chẳng nghĩ suy
Dạ non nớt biết gì là nét đẹp

Óc hủ lậu, được một thời cũng đẹp
Bay xa rồi cảnh mắt khép tay che
Mở toang hoác cửa ra – Gió lộng tư bề
Bốn biển năm châu - Lối đi về muôn nẽo
Đã mười năm theo chân người lẻo đẻo
Nay rực rỡ hào quang thần diệu giống Tiên Rồng
Thổ Cẩm muôn màu, gấm Thái Tuấn, lụa Hà Đông
Đưa lên đỉnh chiếc áo dài của giống dòng Lạc Việt

Hải Chu 08-03-2002


Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Phương Ngữ- Vần L

L

LA:
1-nói to lên.
*-la làng: nói to lên câu” bớ làng xóm ơi! “ để phân bua hay gọi người khác đến cứu nguy.
Anh về, em nắm vạt áo em la làng,
Phải bỏ chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em.
2-gọi vật gì đúng tên của nó.
Đầu làng có con ba ba,
Kẻ kêu con trạnh, người la con rùa.
LÁ LƯƠN:
: (lá trầu hoặc tiêu) nhỏ bề khổ của dây còn bò dưới đất. Người ta có thể buộc dây lươn vào nọc để nó từ từ bò lên. Nếu muốn trồng nơi khác cũng được vì dây lươn bao giờ cũng có rễ non ngắn bám xuống đất.
Thương chàng, trầu hết lá lươn,
Cau hết nửa vườn, cha mẹ chưa hay.
LẠ HOẮC :
: rất lạ lùng, chưa từng thấy hoặc chưa từng biết.
Ủa thằng nào mà lạ hoắc biết tao?
Dạ thưa, con là thằng rể thảo để ngày sau con đáp đền.
*-lạ hoắc lạ huơ: có nghĩa như lạ hoắc nhưng nghĩa mạnh hơn.
LÁC:
-Có nhiều loại nhưng có hai loại lác được dùng nhiều:
1-lác dệt chiếu:
-Đ.ng: lác gon.
-t.k.h: Cyperus tegetiformis Roxb., họ Lác Cyperaceae.
: loại thực vật mọc dựa mé rạch, cồn bãi, có nơi trồng làm đây lạt buộc, dệt chiếu. Cây lác có chồi to có vãy nâu, thân cao tới 1,8m, có ba cạnh tà mặt lồi, có vách ngăn dễ nhận biết. Lá to thành bẹ cao 2-8 cm.
2-lác nước:
-Đ.ng: cói.
-t.k.h: Cyperus malaccensis, họ Lác Cyperaceae.
: Nê thực vật đa niên có nhiều chồi và căn hành, thân xanh có ba cạnh bén, ba mặt lõm, lá dài bằng phân nửa thân, mọc hoang dày đặc trên ruộng đất xấu. Loại lác này thấp dạu nên chỉ được dùng làm lạt buộc lặt vặt hoặc nhổ mạ.
Đồng Bến Tre nhiều đưng, nhiều lác,
Đường Ba Vát nặng trĩu sầu riêng.
LÁCH:
-t.k.h: Saccharum spontaneum L., họ Hoà bản Gramineae.
: (thực) Cỏ đa niên, cao tới 3-4m, thân tròn đặc, có đốt như mía, vỏ cứng láng. Phiến lá dài tới 90cm, rộng 3cm, gân giữa lá to và trắng. Phát hoa là cờ trắng như tơ. Lách mọc ở gò ruộng,ven rừng. Người ta dùng lách để lai tạo giống mía kháng bệnh. Cư dân Java luộc cây non chồi non để ăn.
Gió đưa bông lách bông lau,
Gió đưa em bậu xuống tàu Aêng-lê.
hoặc:
Đường di những lách cùng lau,
Cha mẹ tham giàu ép uổng duyên con.
LẠCH:
1-đường nước nhỏ và cạn.
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền.
2-dòng nước nhỏ và cạn còn lại khi sông rạch ròng sát.
Anh ngó lên trời thấy đám mây bạch,
Ngó xuống lòng lạch thấy con cá chạch đỏ đuôi.
LAI LÁNG:
1-(nước, chất lỏng) chảy lan ra, chiếm một diện tích rộng.
Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.
2-(ngh.r): chứa chan, tuôn chảy nhiều
Anh xa em chưa đầy một tháng,
Nước mắt tuôn lai láng hai mươi tám đêm ngày.

LÀI:
-< HV mạt lị. ( Việt ngữ lấy chữ lị đọc trại ra là lài ).
Họ Lài Oleaceae và chúng ta có nhiều giống loại:
*-Lài Bắc bộ:
-t.k.h: Jasminum Tonkinense.
: tiểu mộc leo dài cành mảnh, lá bầu dục, chót thon, đáy tà tròn. Hoa đẹp mọc ở chót nhánh. Hà Nội, Phú Thọ, Bác Thái có trồng nhiều.
*-Lài Trung bộ:
-t.k.h: Jasminum Annamense.
: mọc thành bụi, nhánh mảnh, phiến lá xoan thon, đáy hình tim, trổ nhiều hoa nhưng hoa nhỏ và cánh hoa hẹp.
*-Lài Nam bộ: ( cg: lài Sài Gòn ).
-t.k.h: Jasminum multiflorum.
: cây nhỏ trườn, cành có lông dày. Phiến lá xoan tròn, đáy hình tim, cuống lá ngắn. Cây có nhiều bông trắng ở nách lá và đầu ngọn.
Dân Việt Nam thường cho rằng lài là loại hoa thơm và sang trọng:
Chẳng thơm cũng thể hoa lài,
Dẫu rằng chẳng lịch cũng người Trường An.
Và người ta cũng tiếc cánh hoa lài của cô gái Việt lấy chồng khách trú:
Bông lài trộn lộn bông ngâu,
Tiếc hường nhan bậu làm dâu bên Tàu.
Khi người con gái lấy chồng không xứng, người ta nói:
Tiếc bông hoa lài cặm bãi cứt trâu.
LAM LŨ ( HV )
-( lam: áo không viền; lũ: quần áo rách rưới ).
1-hạng dân nghèo mặc quần áo rách rưới và cổ áo không viền.
2-( ngh.b ): làm ăn vất vả cực nhọc nhưng vẫn nghèo khó.
Em là phận gái ở đồng,
Làm ăn lam lũ, em không lượt là.
LÀM BÉ:
-cn: mần bé.
: làm vợ lẻ cho một người đàn ông đã có gia đình.
Chiếu bông mà trải góc đền,
Muốn vô làm bé, biết bền hay không.
LÀM BỘ:
-cn: giả bộ, giả đò.
: biểu lộ một cử chỉ hoặc làm một hành động gì để loè thiên hạ
Nước trong xanh chảy quanh đường lộ,
Anh có vợ rồi, dừng làm bộ thương em.
LÀM CHAY:
: rước tăng ni lập trai đàn cúng thí để sám hối cầu siêu.
Con cò mắc dò nó chết,
Con quạ mua nếp làm chay,
Con cu đánh trống, thằng chài bưng mâm.
LÀM LƠ:
: (cn: giả lơ; làm ngơ) - tỏ ra như không biết gì, không liền quan gì tới việc xảy ra trước mắt.
Làm lơ cho thế gian tin,
Bề nào chim cũ cũng nhìn lồng xưa.
LÀM NGƠ:
: giả bộ không hay biết; làm như không biết gì cả.
Đôi ta xứng lắm, như kép với đào,
Hát chơi giải muộn, lẽ nào làm ngơ.
LÀM SUI:
: kết tình thông gia với nhau để cưới gả cho con cái.
Anh không dốc lòng chồng vợ thì thôi,
Hai đứa mình kết nghĩa làm sui trọn đời.
LÀM TÀNG:
: tỏ ra kiêu căng, ngạo mạn.
Người biết lo xa, ăn bền mặc chắc,
Mới ăn giải nhất, đã vội làm tàng
LÀM THINH:
- HV hàm thinh.
-( hàm: ngậm; thinh: cách phát âm của người Nam bộ xưa khi đọc chữ thanh, có nghĩa là tiếng nói ).
: ngậm kín miệng lại, không nói ra, không bày tỏ ý kiến của mình.
Anh thấy em ít nói, làm thinh,
Anh mừng thầm trong bụng, muốn chung tình với em.
Người bình dân Nam bộ thường dùng chữ mần thay cho chữ làm. Vì vậy, chữ mần thinh xuất hiện và cũng diễn tả ý trên. Nhà thơ Tản Đà thấy cái
ngộ nghĩnh của ngôn từ Nam bộ nên đã dùng chữ này trong một bài thơ ngắn:
Đa tiền mới đa tình,
Không tiền son phấn khinh.
Đi qua Phố Hàng Giấy,
Trông nhiều cô cũng xinh,
Mần thinh!
LÁN:
: vựa chứa hàng hóa hay gia súc, chờ tiêu thụ taiỉ chỗ hay chờ chở đi nơi khác.
Bước xuống ghe, gay chèo vào lán,
Thương chút mẹ già đòi đọan héo don.
LANG CHẠ:
- HV lang tạ ( ăn ở lộn xộn, không tôn trọng tôn ti trật tự ).
1-sống bừa bãi, không theo lề luật tôn ti của xã hội.
2-lấy bậy lấy bạ người khác khi mình đã có vợ có chồng.
Đi đâu lang chạ thì hư,
Ở đây với dượng cũng như có chồng.
LANG SA:
- P: Francais.
: người Pháp, của nước Pháp.
Văn minh thời buổi Lang sa,
Tri âm thì ít, trăng hoa thì nhiều.
LÃNG NHÁCH:
Tưởng đâu bến đã gặp thuyền,
Nào hay em cười lãng nhách, anh liền lui ghe.
LANH:
- HV linh ( nhanh nhẹn, lanh lợi, thông minh ).
-Đ.ng: nhanh.
: lẹ làng, linh họat trong lời nói hay hành động.
Bảy lanh để Bảy đưa đò,
Lên doi xuống vịnh, giọng hò con Bảy lanh.
LANH CHANH:
: (cn: láu táu) -vội vã nhanh lẹ nhưng không đúng cách, đúng việc.
Cây kiểng trồng rào rắp chung quanh,
Sợ loài ong bướm lanh chanh kiểng tàn.
LÃNH:
-Đ.ng: lĩnh.
: tên gọi một thứ hàng vải mặt trơn bóng láng đắt tiền.
Khăn là bác nọ to tày rế,
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.
( TRẦN TẾ XƯƠNG )
hoặc:
Chị giàu quần lãnh hoa chanh,
Phận em nghèo khó quấn quanh lụa đào.
Theo nguồn gốc sản xuất, có mấy lọai lãnh:
*-lãnh Bắc: mình hơi cứng nhưng rất bền chắc, dệt ở miền Bắc nước ta.
*-lãnh Tàu: ( cg: lãnh Thượng Hải ) láng mịn, nhập từ Trung quốc.
*-lãnh Tây: mỏng và mịn, nhập từ Pháp.
Theo cách dệt, chúng ta có:
*-lãnh bông: lãnh có dệt chữ Hán, hoa lá cành trên mặt vải.
*-lãnh trơn:lãnh không bông hoa.
LÁO:
: gian dối, không thật lòng.
Lộ bất hành bất đáo,
Tôi thương anh thiệt, anh thương láo,anh ơi!.
LẠT (1 )
: ( thức ăn uống, trái cây ) chưa đạt được độ ngon ngọt đậm đà như ý người thưởng thức.
Buổi chợ đông con cá hồng anh chê lạt,
Buổi chợ tan rồi, con tép bạc anh cũng khen ngon.
LẠT ( 2 ):
:dây cột làm bằng phần cứng dẽo của cây chẻ mỏng.
Chiều chiều, con quạ lợp nhà,
Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh.
LAU:
-t.k.h: Erianthus arundinaceus, họ Hoà bản Gramineae.
: (thực) cây mọc thành bụi, cao tới 4m, thân tròn cứng và đặc, trông giống như mía. Phiến lá to dài tới 2m, rộng 5cm, mép lá và bẹ rìa có lông. Phát hoa gọi là cờ.
Lau mọc ở đất ẩm, mé rạch.
Đường đi những lách cùng lau,
Cha mẹ tham giàu, ép uổng duyên con.
LAU CẠNH:
: ( thợ mộc ) dùng bào nhỏ để vuốt cạnh cho trơn láng.
Đũa mun bịt bạc anh chê,
Đũa tre lau cạnh, anh mê nỗi gì.
LẮC LẺO:
-cn: lác lơ lắc lẻo.
: ở chỗ cao, nghiêng qua nghiêng lại, không vững.
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo, gập ghình khó đi.
LĂM:
: rắp tâm, toan, sắp sửa làm việc gì.
Chí lăm bắn nhạn ven mây,
Danh con đặng rạng, tiếng thầy đồn xa.
( truyện Lục Vân Tiên – NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU )
*-lăm le:( le: phối ngữ âm ): tính tóan trong đầu là sẽ làm việc gì nhưng còn e ngại hoặcchờ đợi cơ hội thuận tiện.
Lăm le dạ muốn kết duyên,
Thấy anh giở chén chung tiền anh chê.
LĂN LỘN:
-cn: lăn qua lộn lại.
1-xoay mình theo vòng tròn và trở lại vị thế cũ.
2-( ngh.b ): đổi vị thế nằm nhiều lần vì khó ngủ.
Giường cẩm lai trải chiếu rộng thình,
Lăn qua lộn lại chỉ có một mình, không thấy ai.
LĂN QUẰN:
-quằn HV ban ( vằn, sọc )
-cn: lăn quằn lít quịt.
-( Người Nam bộ dùng cả hai chữ vằn vện và quằn quện với cùng một nghĩa; lăn: phối ngữ âm ).
:đầy chi chít những nét ngang nét dọc khó đọc, khó hiểu.
Ngó lên tấm chấn lăn quằn,
Kêu anh cũng ngặt, kêu thằng khó kêu.
LẰN:
:vết dài còn in hằn trên da sau khi bị roi quất.
Vì chàng, thiếp bị đòn oan,
Không tin giở 1o ra xem dấu lằn.
LẶN HỤP:
-Đ.ng: lặn ngụp
-( lặn: trầm sâu xuống và di chuyển phía dưới mặt nước; hụp: trầm xuống nước sâu rồi lại trồi lên mặt nước để thở ).
: trầm xuống rồi lại ngoi lên nhiều lần.
Chim phụng hoàng bay ngang biển Bắc,
Cá lý ngư lặn hụp ngoài khơi.
LĂNG:
-cg: khoai lăng / khoai mỡ.
-t.k.h: Dioscorea alata L., họ Khoai ngọt Dioscoreaceae.
: (thực) lọai dây bò, thân vuông 4 cạnh. Lá mọc đối, phiến lá hình tim thon láng bóng, hơi nhớt. Củ to và dài, ruột trắng họăc tím, để nấu canh.
Dây lăng leo hút nhánh tai bèo,
Gian nan em không sợ, em sợ nghèo anh bỏ em.
LĂNG LÍU:
-( - líu:
a-nói không rõ vì tiếng này dính với tiếng kia.
Vd: nói líu lưỡi.
b-( ngh.r ): dính dáng tới.
-lăng: phối ngữ âm ).
: dan díu tình cảm giữa trai và gái.
Chẳng ưng thì nói buổi đầu,
Để chi lăng líu nửa chầu lại thôi.
LĂNG XĂNG:
-( xăng: vội vã, lẹ lành nhanh chóng ( xt: xăng )
Vd: đi xăng xăng lên kẻo trễ )
-lăng: phối ngữ âm.
: lẹ làng và bận rộn luôn tay, buông cái này lạ bắt cái kia.
Ngó lên con ác lăng xăng,
Có hai chim sẻ đang quần lấy nhau.
LẶT:
: lựa lấy cái tốt, ngắt bỏ cái xấu không dùng được.
-lặt rau,-lặt tép.
Mò về, bà lặt bà kho,
Con dâu chạy tới, bà cho cái càng.
LÂM THÂM:
: (cn: lâm râm) -(mưa) dầm, nhỏ và kéo dai dẳng.
Mưa lâm thâm, ướt dầm lá cỏ,
Thương một người tóc bỏ ngang vai.
LẦM:
-Đ.ng: nhầm.
:suy nghĩ sai, không đánh giá đúng vấn đề nên bị gạt gẫm.
Bướm châm mà bướm lại lầm,
Bông kia nở sớm, ong châm mất rồi.
hoặc:
Ngựa quen đường cũ, ngựa lại sa hầm,
Anh quen thói cũ, anh lầm tay em.
LẤM:
: dính phải cái dơ, cái bẩn như bùn sình, mực, dầu mỡ.
Bởi mưa nên lấm,
Bởi dặm nên dò.
*-lấm lem: dính dơ ở nhiều chỗ.
Anh kia nhổ mạ bên cồn,
Nước nôi không có, miệng mồm lấm lem.
LẦN:
1-lấy tay mằn một cách chậm chạp.
-lần chuỗi bồ đề,
-lần ruột ngựa để lấy tiền xu.
Oâng trời ăn ở chẳng cân,
Kẻ đôi ba vợ, người lần không ra.
2-thận trọng dò dẫm từng bước đi.
Ở xa, anh muốn tới gần,
Cầu không tay vịn, anh lần anh đi.
*-lần mò: lấy tay sờ sọang trong bóng tối và chậm chạp dò dẫm từng bước để đi.
Đêm khuya gà gáy ó o,
Hỏi người quân tử lần mò đi đâu!
LẦN QUẦN:
1-cn: lẩn quẩn.
: đi quẩn đi quanh một chỗ, không đi đâu xa.
Vd: Tối ngày, bà ấy chỉ lần quần trong nhà.
2-ra vẻ bận rộn lắm nhưng chẳng làm được việc gì và để mất thời gian và cuối cùng chẳng đạt được kết quả gì.
Lăng xăng bướm đậu chéo khăn,
Tại anh chậm bước, lần quần bướm bay.
LẨN ĐẨN LỜ ĐỜ:
: uể oải, mệt nhọc và chậm chạp trong lời nói và việc làm.
Anh thương em lẩn đẩn lờ đờ,
Giả như Tôn Các ngồi chờ Bạch Viên.
LẬN:
:từ đặt sau một con số với ý nói rằng số lượng như vậy là quá nhiều theo suy nghĩ của mình.
-vợ tôi lớn hơn tôi ba tuổi lận,
-anh A nghèo mà có tới ba vợ lận.
Đường đi chưn trợt bờ sình,
Trợt ba cái lận, không thấy mình đỡ tui.
LẬN ĐẬN:
: vất vả và gặp hoàn cảnh không may.
Con chim chà chiện, nó bay thấp nó liệng cao,
Nó kêu lăng lăng líu líu,
Đôi lứa ta lận đận lịu địu, sao nỡ dứt tình.
LẤP LỬNG:
1-dễ ngươi, không biết kiêng dè.
Vợ anh xấu máu hay ghen,
Anh đừng lấp lửng chơi đèn hai tim.
2-bỡn cợt, nửa đùa nửa thật.
Oâng già, tôi chẳng muốn ông đâu,
Oâng đừng lấp lửng, cạo râu đau hàm.
( Oâng trượng- Tiên Bửu ).
LẬP:
- HV: cập (kịp)
: kịp, đúng lúc.
Aên năm chén cháo,
Ăn sáu chén cơm,
Chồng đơm không lập,
Ăn cắp bồ câu.
(Vè bài tới)
LẬP KIỂNG:
: lập khu vườn trồng cây cảnh.
Nên thì lập kiểng trồng hoa,
Chẳng nên, đá kiểng trồng cà dái dê.
LẬP VƯỜN:
-cn: lên vườn.
:đào mương xẻ rãnh trên đất ruộng để trồng cây với ước muốn sẽ có một khu vườn trong vài ba năm nữa.
Lập vườn thì phải khai mương,
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
LẬT ĐẬT:
1-(Đ.ng: vội vã): với vẻ hấp tấp, vội vàng
Lật đật cũng tới bến giang,
Tôi đây thong thả cũng sang bến đò.
hoặc:
Lật đật cũng tới bến giang,
Lang thang cũng tới bến đò,
Lò mò cũng tới bến chợ.
2-đồ chơi trẻ con, đầu nhẹ, đít nặng vì có gắn chì. Khi để nó nằm xuống, nó tự động bật ngồi dậy.
-con dật đật.
LÂU LÂU:
1-hơi lâu,-chỉ một khoảng thời gian xảy ra cách đây không lâu lắm.
Vd:Anh X tới đây rồi về, cũng lâu lâu rồi.
2-thỉnh thoảng lại xảy ra một lần, có tính cách thường xuyên.
Thương anh, chẳng biết để đâu,
Để trong túi áo, lâu lâu giở dòm.
LẬU ( HV )
1- rỉ ra, tiết ra .
2- để người khác biết điều bí mật.
Chẳng xứng đôi thì thôi bớ bậu,
Lên xuống chi thường mà lậu tiếng ra.
LẤY VẢI THƯA CHE MẮT THÁNH:
: bày trò vụng về trẻ con để đánh lừa kẻ hiểu biết hơn mình.
Em vạch mây hồng kêu thấu ông trời xanh,
Anh đừng lấy vải thứ che mắt thánh, nói gái nữ thanh đui mù.
LẬY:
:cách phát âm xưa của vài địa phương Nam bộ khi nói chữ lấy.
Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lậy để lậy chồng xa.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét