-( gia: nhà;
cang: (cđ: cương: giềng mối. Đạo Nho có tam cang: quân thần cang ( bổn phận của vua tôi đối với nhau); phụ tử cang ( bổn phận cha con đối với nhau); phu thê cang ( tình nghĩa vợ chồng ).
-gia cang:- nề nếp gia đình, cách cư xử cho trọn đạo nghĩa của con người -đạo nghĩa vợ chồng.
Cũng vì một tiếng anh than,
Nên em bỏ hết gia cang ở nhà.
Khi dùng với nghĩa hẹp này, một người phá gia cang kẻ khác là xen vô lấy vợ hoặc chồng người ta, làm xáo trộn cuộc sống gia đình và làm cho tình cảm vợ chồng của gia đình đó trở nên phai lạt.
GIA ĐƯỜNG (HV )
-( gia: nhà; đường: nhà lớn )
1-nhà cửa ở có thờ phụng ông bà.
2-gia đường cũng gồm có xuân đường và huyên đường ( cha và mẹ ).
Anh ngó vô nhà nhỏ,
Thấy có đôi liễn đỏ,
Thấy bốn chữ vàng,
Gia đường chưa biết, thấy nàng vội thương.
GIÁ THÚ (HV )
-( giá: gả con , em gái lấy chồng; thú: cưới vợ )
: việc dựng vợ gả chồng.
Cậy người giá thú trao lời,
Đôi ta sum họp, ơn người tạ ơn
GIẢ CHƯỚC:
:dùng mưu mô đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
Ngồi buồn giả chước đi câu,
Cá ăn không giựt, mảng sầu căn duyên.
GIẢ ĐÒ:
-HV giả độ.
-Đ.ng: giả vờ.
-Đ.tr cũng nói: giả bộ / làm bộ.
-( giả: không thật, dối trá;đò: cách phát âm cổ của chữ độ, có nghĩa là thái độ,
dáng vẻ bên ngòai ).
: có thái độ hành động giả, lấy cớ hoặc làm một việc gì đó nhằm đánh lạc hướng người khác để họ không biết rõ ý đồ hoặc mục đích riêng tư của mình.
Giả đò mua khế bán chanh,
Giả đi đòi nợ thăm anh kẻo buồn.
GIẢ LƠ:
: (cn: làm lơ) -làm bộ như không hay biết gì.
Bắp non xao xác trổ cờ,
Thương người đứng đó, giả lơ không chào.
GIẢ TỈ:
-( tỉ: so sánh ).
:giống như, cũng như.
Tôi thương mình, tôi giấu kín trong tâm,
Giả tỉ như trái lựu chín thâm trên cành.
*-giả như: có nghĩa như giả tỉ như hoặc giả sử như.
Một lần gặp, năm bảy tháng lìa,
Giả như cây vạn thọ ở bìa hứng sương.
GIÃ:
- HV tạ.
: nói lời từ biệt.
Giã em ở lại vuông tròn,
Anh về xứ sở, không còn ra vô.
GIÃ GẠO:
: dùng chày quết cho tróc lớp cám bọc ngòai hột gạo lứt.
Xay lúa, giã gạo Đồng Nai,
Gạo thóc về ngài, tấm cám về tôi.
Trứớc đây, người ta còn dùng cối để giã gạo. (xt cối )
*-giã gạo bằng cối chày đạp: cối đạp gồm một thanh gỗ chắc ( thường bằng cây mù u ) dài nặng, ở đầu có tra cái chày to bổ xuống vừa đúng vào lòng cái cối đặt cố định. Thanh gỗ này có một trục to xuyên ngang cắm vào hai trụ vuông hai bên. Bao nhiêu người đứng giã cũng được, miễn là làm sao đủ sức đạp vào đuôi thanh gỗ để nâng chày lên. Người giã gạo đứng một bên cần đạp, trên một trong hai thanh gỗ bắc song song với cần đạp, nắm chắc tay vịn. Họ cứ đều đặn đạp nâng chày lên, thả chân ra cho chày rơi xuống lòng cối.
*-giã gạo bằng chày mổ: trong những đêm sáng trăng, cối được vần ra giữa sân và người ta giã gạo bằng chày mổ. Người ta có thể:
-giã chày chiếc: một người giã,
-giã chày đôi: hai người giã,
-giã chày ba, chày tư: ba bốn người giã.
GIẠ:
:đồ dùng để đong lường lúa gạo.
*-giạ nan: lọai giạ được đan bằng nan tre, dày chắc, đáy vuông nhưng miệng tròn, đựng được 40 lít. Có nơi, mỗi giạ đựng 40 lít vun, có nơi chỉ được 40 lít sét. Gịa được đặt trên cái giá gỗ hình chữ thập để bảo vệ cái đáy khỏi hư mòn.
*-giạ thùng: xuất hiện khỏang giữa thập niên 1950, đựoc gò bằng tôn,
chứa được 40 lít sét.
Tĩn ve chai năm nay sụt giá,
Tôi bán không khá,
Tôi trở về Rạch Giá, mua một giạ khoai lang.
GIÁC:
-cn: hồi; lúc ; bận.
:một khoảng thời gian ngắn trong ngày.
Thầy Hai! Xuống hò một giác cho vui,
Để vài năm nữa làm sui khó hò.
GIẢI MUỘN (HV ):
-(giải:cởi bỏ; muộn: điều buồn phiền)
:cởi bỏ nỗi buồn rầu, bực bội trong lòng.
Đôi ta xứng lắm như kép với đào,
Hát chơi giải muộn, lẽ nào làm ngơ.
GIÀN:
1-đám cây, chà thả hoặc cột buộc lại để dây bầu dây bí leo lên.
2-cái kệ nhỏ để đồ lặt vặt dùng trong bếp.
Đêm khuya thức ngủ hỡi nàng,
Chim quyên nó đậu đầu giàn nó kêu.
GIANG HÀ (HV ):
-( giang: sông lớn; hà: sông đào, sông rạch nhỏ )
: từ dùng để chỉ chung sông ngòi lớn nhỏ.
Giấy tây bán mấy,
Mua lấy một tờ,
Đề thơ quốc ngữ,
Dán lên trái bưởi,
Thả xuống giang hà.
GIANG HỒ (HV )
-( giang: sông lớn; hồ: vũng trũng sâu và rộng trong đất liền ).
1-sông rạch và hồ ao.
2-( ngh.r ): phiêu lưu từ nơi này đến nơi khác, không nơi cư trú nhất định.
Vd:-khách giang hồ,
-gái giang hồ: gái ăn sương.
Trai tứ chiếng, gái giang hồ,
Gặp nhau ta nổi cơ đồ cũng nên.
GIÀNG:
: từ dùng để chỉ chỗ người ta cầm nắm.
Vd:-giàng ná,
-giàng thun,
-giàng xay.
Mắc giàng, đổ lúa vô xay,
Xay rồi cối lúa, hai đứa bắt tay giao hòa.
GIÀNG CỐI XAY:
-cn: giàng xay / giàng cối xay / giằng xay / giằng cối xay.
: cái cần dài một đầu có một khúc gỗ thọc vào lỗ tai cối, một đầu có thanh gỗ ngang buộc dính vào hai sợi dây từ cành cây hay trên sườn nhà thả thòng xuống. Khi xay bột hay xay lúa, người ta kéo giàng xay để cối quay tròn.
Ngó lên con ác lăng xăng,
Có anh bối rối như giàng cối xay.
GIAO ĐU:
1-( ngọn cây ) giao nhau, kề sát vào nhau như các ngọn tre cột chụm đầu vào
nhau của chiếc đu bầu.
2-( cành nhánh ) gần nhau đến nỗi người ta có thể từ nhánh cây này đu sang cành cây gần bên.
Một ngày xuống bến mấy lần,
Trông anh chẳng thấy, thấy bần giao đu.
GIAO KÈO:
: (đt): (hai bên) cùng thống nhất ý kiến đưa ra những điều khoản cần phải tuân theo và những điều cần phải làm để thực hiện một việc gì có liên quan tới quyền lợi của đôi bên.
Dương gian chẳng đặng giao kèo,
Ngày mai âm phủ, bạn nghèo có đôi.
GIAO NGÔN ( HV ):
:trao lời, – ( trai gái ) trao gởi lời yêu thương gắn bó tình cảm với nhau.
Bước lên đất sụp bờ sình,
Lời giao ngôn tôi hứa lỡ, chung tình tôi phải ra đi.
GIĂM:
: tạo ra một cây mới bằng cách cắt một nhánh găm xuống đất, tưới nước cho nó nứt mụt đâm chồi non.
Ngó lên Sở Thượng thêm buồn,
Muốn giăm cội rễ, sợ đường xa xôi.
hoặc:
Ô rô tía, dền dền cũng tía,
Ngọn lang giăm, ngọn mía cũng giăm.
GIĂNG:
1-kéo thẳng, giương bủa ra trên một diện tích rộng.
Chỉ điều ai khéo xe săn,
Đố em thóat khỏi lưới giăng giữa trời.
2-mắc lên, treo lên.
Đi đâu để nhện giăng mùng,
Bỏ đôi chiếu lạnh, bỏ phòng quạnh hiu.
GIẮT:
: gài, kẹp vào cho dính.
Ngó lên trên chợ Thủ Thiêm,
Thấy em đươn đệm giắt ghim trên đầu.
GIẦM:
: cây chèo ngắn cầm tay, dùng để bơi phụ người đứng cầm chèo.
-Buông giầm cầm chèo ( th.ng ): bận rộn luôn tay, làm hết công việc này lại làm việc khác.
-Ghe lui khỏi bến còn giầm,
Người thương đâu vắng, chỗ nằm còn đây.
GIẤP CÁ:
-t.k.h: Houttuynia cordata, họ Giấp cá Saururaceae.
: (thực) -lọai cỏ đa niên có ngó, cao khỏang 50cm, lá hình tim, cuống lá bẹ, thân bò,
có vị chua chua, mùi thơm đặc biệt. Cây được trồng làm rau ăn sống và làm thuốc.
Trầu vàng nhỏ lá, rau giấp cá nhai dòn,
Khá khen phụ mẫu sanh em mặt tròn dễ thương.
GIẬP:
1- úp mạnh miệng thúng rổ xuống đất để vật gì còn dính bên trong văng ra.
2- Kéo mạnh để thúc sát các sợi lác hoặc canh chỉ nằm ngang trong khung dệt.
Chồng chuồi, vợ dệt chiếu hoa,
Tay đưa khổ giập đôi đà đáng đôi.
GIẤY:
- HV: chỉ (giấy )
1-miếng bằng phẳng, trơn tru, mỏng láng dùng để gói đồ hoặc viết, vẽ hay in chữ, hình ảnh lên trên.
Bớ bà bán giấy,
Bán cho một tờ.
Làm một cái thơ,
Gởi về bên ấy.
(Vè con cút)
*-giấy quyến: giấy mỏng, mịn và dai dùng để vấn thuốc rê thành điếu để hút.
Thuốc Gò Vắp ngon lắm, anh ơi!
Giấy quyến rộng khổ, anh bỏ tôi sao đánh?!
*-giấy tây: loại giấy mỏng láng, có gạch ô vuông hoặc không, dùng để viết. Giấy này đầu tiên được nhập khẩu từ Pháp vào đầu thế kỷ 20 để viết chữ với ngòi bút sắt. Về sau, có mấy nhà máy giấy trong nước ta cũng do người Pháp điều khiển.
Giấy tây bán mấy,
Mua lấy một tờ,
Đề thơ quốc ngữ,
Dán trên trái bưởi.
Thả xuống giang hà.
2-văn kiện, lời ghi có đóng dấu xác nhận của cơ quan chức năng có giá trị pháp lý.
*-giấy giao kèo: (nay gọi là giấy hợp đồng) - tờ giấy ghi rõ những điều khỏan hai bên thỏa thuận và cam kết tuân theo.
Anh muốn thương em, anh mần giấy giao kèo,
Ngày sau mới chắc em là mèo của anh.
*-giấy khai sanh: giấy ghi ngày sinh tháng đẻ, tên họ cha mẹ, quê quán của một người được toà án chứng nhận.
GIE:
: chìa ra chóan mất phía ngòai làm cản trỡ lối đi.
Bần gie, đóm đậu sáng ngời,
Rạch Gầm, Xòai Mút muôn đời rạng danh.
GIÉ LÚA:
1-bông lúa mang đầy những hạt lúa.
2-những dọan nhánh nhóc của một bông lúa mang năm bảy hạt.
Vd: lúa này dễ gãy gié.
Đọt lúa vàng, gié lúa cũng vàng,
Anh thương em, cha mẹ họ hàng cũng thương.
GIÈM:
- HV: siểm.
: bịa chuyện để nói ra nói vô nhằm bêu xấu kẻ khác.
Trách ai dụm miệng nói gièm,
Cho heo bỏ cám, chê hèm không ăn.
*-gièm pha: (cn:gièm siểm): bàn tán, nói ra nói vào.
Cưới vợ, phải cưới liền tay,
Đừng để lâu ngày, thiên hạ gièm pha.
GIẸP:
-Đ.ng: dẹt.
: không phồng cao lên, không có độ dày.
Tôi coi không xứng, tôi sửa lại, nó lăn giẹp,
Tôi coi không đẹp, tôi sửa lại, nó lăn tròn.
*-giẹp lép: rất mỏng, rất giẹp.
GIẾNG LẠN:
-(lạn (HV): hư hao, không còn nguyên vẹn.
: giếng đào vì dùng lâu ngày nên đất cát chài xuống lấp cạn đi.
Hỏi thăm cái giếng lạn em đâu,
Cho anh ngâm cái cột gõ, để lâu bù xoè.
GIÓ:
: sự chuyển động của không khí do hai vùng gần nhau có sự cách biệt nhiệt độ.
Gió đưa trăng thì trăng đưa gió,
Trăng lặn rồi, gió biết đưa ai.
*-gió bấc: gió lạnh thổi từ phương Bắc tới.
Đêm qua, gió bấc mưa dầm,
Đèn lầm với bóng, bóng lầm với ai?
*-gió chướng: gió mát mùa xuân thổi từ hướng Đông Nam tới.
Đèn lồng treo cột phướn, gió chướng thổi hao dầu,
Em có thương anh thì để dạ, chớ có rầu mà hư thân.
*-gió đông: gió thổ từ hướng Đông Nam.
Lạy trời, bà thổi gió đông,
Mai mốt ông chồng bà trở về đây.
*-gió khan: gió khô nóng, không đem theo hơi nước để tạo ra mưa.
Gió khan phải cạn ruộng đồng,
Ham chi bóng sắc nửa hồng nửa đen.
*-gió mùa hè: gió thổi vào mùa hạ, thường mang theo mưa trong lúc thời tiết Nam bộ nóng và ẩm.
Gió mùa hè, nó đè có chữa,
Suốt canh chầy, thổi lửa cháy râu.
*-gió mùa thu:( cg: gió thu / gió Tây ): gió dìu dịu nhẹ thổi từ hướng Tây lại.
Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ,
Năm canh chầy, thức đủ năm canh.
*-gió Nam: gió mang hơi nước từ hướng Nam thổi tới trong mùa mưa Nam bộ.
Gió Nam anh chạy buồm mền,
Qua sông gãy cột, ai đền cho anh?
*-gió Nam lầu: ( Nam lầu: lầu phía Nam ). Gío từ chỗ cao ở phía Nam thổi tới, có nghĩa giống như gió non Nam. Trong lúc nói gió Nam lầu hay gió non Nam, người ta có ý chỉ phương hướng mà thôi.
Mần thơ bằng lá trâm bầu,
Để trên ngọn mạ, gió Nam lầu thổi bay.
*-gió nồm: ( cg: gió nồm nam ): gió thổi từ hướng Đông Nam.
Lạy trời thổi ngọn gió nồm,
Chồng bà ở Quảng kéo buồm theo sau.
*-gió Tây: (xt: gió thu / gió mùa thu ).
Anh về, để áo lại đây,
Để khuya em đắp gió Tây lạnh lùng.
GIÒI:
: ấu trùng do trứng ruồi nở ra, bò lúc nhúc và ăn nhửng thứ đã phân huỷ, hôi thúi.
Nước mắm ngon cho lắm, nước mắm cũng có giòi,
Khôn ngoan cho lắm cũng nòi lấy trai.
*-giòi tửa: giòi lớn và giòi mới nở.
*-ăn mắm hút giòi:
a)-ăn con mắm đã hư thúi có giòi bò.
b)-(ngh.r): chịu đựng cuộc sống kham khổ thiếu thốn.
GIÓNG:
-Đ.ng: quang.
: đồ dùng thắt bằng mây hoặc tre, một đầu mắc vào đầu đòn gánh, đầu kia đựng thúng rổ chứa đồ đạc để gánh đi.
Vô rừng bứt một sợi mây,
Đem về thắt gióng cho mày đi buôn.
GIỒI:
: trét lên một lớp phấn rồi chà cho bóng láng.
Trắng da vì bởi phấn giồi,
Đen da vì bởi ăn ngồi chợ trưa.
*-giồi mài: mài cho sắc cạnh và chà cho láng.
*-trau giồi: bào chuốt cho trơn và chà phấn cho láng.
Cả hai từ này cùng có nghĩa bóng là ra công rèn luyện.
Sử kinh anh quyết giồi mài,
Lòng em quyết chí đợi hòai duyên anh.
GIỒNG:
: dải đất cát cao chạy dài song song với đám ruộng thấp.
Mẹ mong gả thiếp về giồng,
Ăn bông bí luộc, dưa hồng nấu canh.
*-đất giồng: chỗ đất cao người ta có thể cất nhà ở hoặc trồng hoa màu.
Anh đi trên khoảnh đất giồng,
Nghe người ta nói em chưa chồng phải không?
GIƠ:
1-đưa một phần thân thể ra để làm gì.
- giơ chưn quèo vật gì,
- giơ đít chịu đòn,
Cục đá lăn nghiêng,
Cục đá lăn ngửa,
Tôi giơ tay tôi sửa cho nó lăn đứng.
2-trao ra, đưa cho ai vật gì.
Anh giơ khăn trắng em cầm,
Mai sau về trển, gối đầu nằm lấy hơi.
GIỜ:
-cn: bây giờ
: ở thời điểm hiện tại.
Hồi buổi ban đầu,
Em biểu anh têm ba miếng trầu cùng ly rượu lạt,
Anh lắc đầu sợ tốn,
Giờ em đã có chồng, sao anh biểu trốn theo anh?
GIỠN:
- HV lộng.
1-vui đùa thỏa thích.
Vd: Trẻ con giỡn ngòai sân.
Con gái giỡn với con trai,
Có ngày cặp vú bằng hai trái dừa.
2-vui chơi chạy nhảy với vật gì.
*-giỡn bóng: chạy nhảy vui đùa với chiếc bóng mình do đèn hắt trên vách, mặt trăng hay mặt trời chiếu xuống đất.
Đừng như con thỏ đứng đầu truông,
Khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng.
*-giỡn đèn: (côn trùng như bướm) lượn vòng quanh và vui đùa với ngọn đèn dầu mà không biết nguy hiểm.
Thỏ giỡn trăng, anh cho rằng thỏ dại,
Bướm giỡn đèn, anh lại nói bướm khôn.
3-nói đùa để chọc ghẹo người nào, có ý không nghiêm trang.
Vd: Chuyện rầu thúi ruột như vầy mà anh còn giỡn được sao?
*-giỡn cợt: cười đùa không đứng đắn
*-giỡn hớt: ( thái độ ) cợt nhã thiếu nghiêm túc.
*-giỡn mặt: đùa cợt với vẻ không kính nể.
Vd: giỡn mặt khó làm việc.
GIÚ:
- HV sưu ( giấu )
: đặt ( trái cây ) trong lu khạp, đậy trùm lại cho hầm hơi để trái cây mau chín.
*-giú ép: đem trái cây còn non giú cho chín.
Chuối non giú ép chát ngầm,
Trai tơ đòi vợ khóc thầm cả đêm.
*-giú khí đá:
a-dùng hơi đất đèn để giú trái cây.
b-( lóng ):( người ) già trước tuổi.
Vd: Anh ấy mới ngòai năm mươi mà lọm thọm như ông cụ bảy mươi. Ai cũng gọi anh là ông già giú khí đá.
GIÙM:
1-Đ.ng:giúp / hộ.
:đứng sau một động từ, có nghĩa là giúp ai làm việc gì.
Khăn bìa bốn chéo bịt trùm,
Chỗ nào nhơn đạo chỉ giùm làm ơn.
2-cho mượn vốn, phụ giúp tiền bạc.
Đi buôn, đi bán, thiếu vốn anh giùm,
Ở nhà chi đó, chú trùm chú ve.
GIỮA CHỪNG:
: (cn:giữa đường):giữa lúc, - khi công việc chưa kết thúc.
Lời giao ngôn đá nát vàng phai,
Em đừng nhẹ dạ thương ai giữa chừng.
GIƯỜNG LÈO:
: giường ngủ làm bằng gỗ tốt, có chạm trổ và có cả giá để mắc mùng.
Một vợ ngủ giường lèo,
Hai vợ nằm chèo queo,
Ba vợ xuống chuồng heo mà nằm.
GIỰT:
-Đ.ng: giật.
1-kéo về phía mình.
Ai về nhắn với ông câu,
Cá ăn thì giựt, để lâu hết mồi.
2-( gió) đưa đi đẩy lại.
Vd: gió giựt từng hồi.
3-( hàng vải ) co lai, rút lại.
Vd: Vải này rút dữ lắm. Hôm trước tôi mua một thước, đem về ngâm giặt phơi, nó giựt lại còn hơn tám tấc.
4-lấy được, đạt được danh hiệu gì sau cuộc thử sức tranh tài.
Vd: giựt giải vô địch môn bơi lội.
5-ngang nhiên dùng sức mạnh cướp của người ta.
Vd: Hai tên du đảng giựt dây chuyền của một phụ nữ đi đường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét