NÀI (1):
: người cỡi và điều khiển voi ngựa.
Sông sâu, anh cắm sào dài,
Con voi trắc nết, thằng nài phải khôn.
NÀI (2):
1-vòng dây xỏ dính vào cái ách trâu bò để kéo xe cộ, cày bừa.
*-lộn nài bẻ ống (th.ng)
2-vòng dây chắc chắn để người leo cây xỏ chân vào ôm chặt thân cây.
Thương nhau chẳng được nhờ nhau,
Khác chi con trẻ trèo cau đứt nài.
NÀI (3):
- HV nại
1- (đt) cố xin xỏ hay đòi hỏi cho được
*-kêu nài (HV khiếu nại): cố xin cho được giải quyết sự việc một cách hợp tình hợp lý.
*-nài nỉ: nghĩa giống như nài
*-van nài: van xin cho được
2- (đt) cố đòi mua cho được hoặc được cho thêm chút đỉnh
Bánh canh cộng vắn cọng dài,
Ai mua tôi bán, ai nài tôi thêm.
NẢI :
: (dt) chùm trái chuối có những cuống gần nhau, xếp thành hai tầng xòe ra như nan quạt. Một buồng chuối có nhiều nải.
Dừa Bến tre ba đồng một trái,
Chuối Bến tre một nải đồng ba.
NẠM:
-cn: nắm.
: (dt) sức chứa đựng trong lòng bàn tay.
Vai u thịt bắp mồ hôi dầu,
Nách lông một nạm, trà tàu một tô.
NÁN:
-Đ.ng: rốn
:cố gắng kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa.
Em chết rồi, anh lên làng xin quàn nửa tháng,
Nghĩ tình lang, để nán lại ba hôm.
Trong văn nói, người bình dân Nam bộ còn dùng chữ nướn trong " ngủ nướn" có nghĩa là kéo dài thêm giấc ngủ.
Vd: Trưa trật rồi, còn ngủ nướn cái nỗi gì?
NÀNG:
- HV nương.
1- (dt) từ để gọi cô gái trẻ.
-nàng dâu, nàng hầu.
2-đaị từ nhân xưng ngôi thứ hai người đàn ông dùng khi nói chuyện với phụ nữ.
-Khoan khoan, buông áo em ra,
Để em đi bán kẻo hoa em tàn.
-Hoa tàn thì mặc hoa tàn,
Bao thuở gặp nàng mà biểu anh buông.
3-đại từ nhân xưng ngôi thứ ba, có nghĩa là cô ấy.
Chàng đi cắt bàng cho nàng đươn đệm,
Mãn mùa rồi, bán đệm chia hai.
NẠNG:
1-cây có cháng hai dùng để chống đỡ.
*-nạng cửa: cây gỗ nhỏ có cháng hai để chống đỡ cửa từ phía trong nhà.
Tui ra hò chơi với mấy anh một bữa,
Về nhà, phụ mẩu quánh ba bốn cây nạng cửa,
Phụ mẫu hỏi: còn hò nữa?- Tôi dạ thưa còn.
2-chống, đẩy ra.
Vd:Nó mà tới nhà tao nữa, tao nạng nó ra sân.
NAO:
1-(tt) -( ván ) cong vễnh lên khi còn ướt mà đem phơi ngoài nắng.
2-hơi lo sợ, muốn thay lòng đổi dạ khi bị hoàn cảnh bất lợi tác động.
Dầu đó không đành, đây anh cũng gắng,
Sóng ba đào, mưa nắng chẳng nao.
*-nao nao: hơi buồn lo trong bụng.
*-nao núng:cảm thấy bất lực trước hòan cảnh, muốn bỏ dở công việc.
NẠP TÀI (HV):
-cg: nộp tài, nạp tệ.
: (nhà trai) đem đồ sính lễ và một số tiền đến để nhà gái tổ chức đám cưới.
Trăng rằm mười sáu trăng treo,
Anh về sửa soạn mua heo nạp tài.
hoặc:
Bước vô nhà thấy hai chai rượu trắng,
Bước ra ngoài than vắn thở dài,
Không biết phụ mẫu em mua sắm để xài,
Hay là ai đến nộp tài cho em.
NĂM NGOÁI:
: năm vừa qua, năm rồi.
Phụng hoàng đậu nhánh vông nem,
Phải dè năm ngoái cưới em cho rồi.
NĂM THÌN TRỜI BÃO:
1-Năm Giáp Thìn ( 1904 ), Nam bộ có trận bão lụt lớn.
Năm Thìn trời bão thình lình,
Kẻ trôi người nổi, hai đứa mình còn đây.
2-( ngh.b ):việc xảy ra cách nay đã lâu; việc quá xa xưa.
Vd:Chuyện Năm Thìn trời bão, nhắc lại làm chi!
NĂM XỬA NĂM XƯA:
: vào thời kỳ xa xôi lắm, cách nay đã quá lâu.
Có chồng năm xửa năm xưa,
Năm nay chồng bỏ như chưa có chồng.
NẴM NAY:
:đã mấy năm nay; một khoảng thời gian dài trong quá khứ.
Dế kêu sầu dưới đống phân rơm,
Tự nẵm nay, anh ở vậy, giữ danh thơm đời mình.
NẮN:
-Đ.ng: nặn.
: (đt) dùng tay bóp vật mềm như bột, đất sét để tạo nên hình dạng của vật gì.
Đất xấu nắn chẳng nên nồi,
Anh say em vì bởi cu mồi chậm bo.
*-nắn cục nắn hòn:
a)-tạo ra những hình dạng không đều, không giống nhau.
b)-(ngh.r): vụng về, không khéo tay.
Làm bánh nắn cục nắn hòn,
Bỏ vô mà hấp, không còn chút nhưn.
NẰNG NẰNG:
: kiên trì chờ đợi cho được mới thôi.
Tiếc thay con thỏ nằng nằng,
Núp lùm chờ đợi bóng trăng hẹn hò.
*-nằng nằng quyết một: quyết chờ đợi cho kỳ được, không thay lòng đổi dạ.
NẮNG ĂN:
: (tt) - ( da ) trở nên đen sạm vì dang nắng nhiều.
Nón mua đồng mốt tốt tựa như rồng,
Sao em không mua mà đội để má hồng nắng ăn?
NẮNG QUÁI:
: (dt) nắng dịu và yếu ớt chiếu xiên vào buổi chiều tà.
Gái thương chồng như đương đông buổi chợ,
Trai thương vợ như nắng quái chiều hôm.
NẺ:
:nứt tét ra.
Chiều chiều vịt lội sang sông,
Trời gầm đá nẻ, thiếp không bỏ chàng.
NEM:
: (dt) thức ăn bằng thịt sống quết nhuyễn, trộn gia vị gói lại bằng lá vông. Sau 24 giờ, nem lên men chua, ăn rất ngon. Người ta có thể ăn nem sống hay đem nướng. Người ta dùng vỏ bưởi thay vì dùng thịt để gói nem chay.
Rượu nằm trong nhạo chờ nem,
Anh nằm phòng vắng, đợi em một mình.
NÉN:
1-đơn vị đo lường trọng lượng vàng bạc ngày xưa có giá trị bằng mười lượng (lạng)
-nén bạc,-nén vàng.
Đố ai dệt vải đừng go,
Nấu cơm đừng lửa, anh cho nén vàng.
2-(ngh.r): bó, thỏi.
-nén nhang.
NEO:
: vòng đeo tay bằng các sợi vàng trơn kéo vấn lại.
Đòi ba cặp áo, đòi sáu đôi neo,
Đòi con heo một tạ, cây kiềng vàng một ngàn hai.
NÉO:
1-( đt ): chằng mối dây từ mép này qua mép kia hoặc cột nhiều vòng để giữ cho chắc.
2-(dt) dây cột ràng rịt xung quanh.
Vd: Trong đám tang, gia đình xào xáo nên hòm bứt néo.
3-(dt) -bó ( cỏ, lúa ) được cột chặt bằng dây.
*-néo lúa: bó lúa được siết chặt trước khi đem đập vào bồ.
*-néo bàng: (cn:neo bàng) -bó bàng cắt xong được bó siết lại đem về chất đống trước khi đem đi giã.
Lấy chồng về Bàn Gõ, nước mắt nhỏ hai hàng,
Tay bưng cơm để đó, giã chín néo bàng mới ăn.
hoặc:
Đêm khuya vắng vẻ thỏ thẻ hỏi nàng:
"Đệm đươn mấy chiếc, bàng còn mấy neo?"
NỆ:
-cn: câu nệ; chấp nê.
: (đt) cố chấp, e ngại.
Áo dài chẳng nệ quần thưa,
Bảy mươi có của cũng vừa mười lăm.
NỆM:
-Đ.ng: đệm.
: đồ dùng bằng hai lớp vải có nhồi bông gòn, cỏ khô bên trong để nằm ngồi cho êm và ấm.
Phơi lúa mau khô, thì đi Chợ Đệm,
Rờ êm như nệm, là chợ Sài Gòn.
NÍCH:
1- (đt) ăn, ăn thịt.
Đứa nào được Tấn quên Tần,
Xuống sông cọp ních, lên rừng sấu tha.
2-(đt): thắng trong cuộc chơi.
-chín nút bị chúng ních (th.ng):
a)-trong lối chơi bài cào, người có chín nút còn thua người có ba tây.
b)-(ngh.r): mình giỏi có người giỏi hơn.
NIÊU:
-cg: om
: (dt) nồi nhỏ, thường chỉ để nấu cơm đủ một người ăn.
Má ơi! Sắm sửa nồi niêu,
Hôm qua chim khách đậu kêu mái nhà.
NO:
:quá nhiều
Thiếp xa chàng khóc no lại nín,
Để tìm người ước định gia cang.
NÒ:
: (dt) dụng cụ bắt tôm cá bằng những thanh tre chuốt tròn được bện thành một ống
có hàng hom dọc từ trên xuống. Nò được dựng đứng chắn ngang ngọn kinh rạch có hai hàng đăng cặm từ miệng nò đến sát mí bờ.
Cha chài, mẹ lưới, con câu,
Chàng rể đóng đáy, con dâu ngồi nò.
NỌC:
1-(dt) cọc gỗ cắm xuống đất để cột gia súc hay để một dây mới trồng nương theo đó leo lên
Trầu lên nửa nọc trầu vàng,
Thương cô áo chẹt vá quàng nửa lưng.
2-(dt) nông cụ cầm tay bằng một khúc gỗ tròn có tra cán nắm dùng để xoi một lỗ trên đất ruộng khô để cấy cây lúa vào đó.
Tay cầm nọc cấy ngẩn ngơ,
Tay san bó mạ, đợi chờ chị em.
NÓI:
1-dùng lời để diễn tả ý mình.
*-nói chơi: nói đùa cho vui, không có hậu ý gì.
Tôi thương chàng thiệt chàng ơi!
Chàng đừng tính chuyện nói chơi giả đò.
*-nói chuyện đưa đò: ( đưa đò:tức là đưa đò ngang, chèo chống cả ngay rồi cuối cùng cũng trở về bến cũ ). Nói chuyện đưa đò: nói chuyện lan man, chẳng đi tới kết luận nào cả, không biểu lộ được tình cảm gì.
Anh không thương em, nói chuyện đưa đò,
Cũng như Đắt Kỷ qua phò Trụ vương.
hoặc:
Trọng rằng:” Buôn bán không lo,
Nói chuyện đưa đò, chè cháo lạnh tanh”.
( thơ Sáu Trọng )
*-nói chuyện thả trôi qua dòng: ( cn:nói cho qua trang lề ) :nói cho có nói và cuối cùng kết quả chẳng có gì cả. Bao nhiêu chuyện nói đều trôi mất theo dòng nước chảy.
Tôi thương chàng, thương thiệt, chàng ơi!
Chàng đừng nói chuyện thả trôi qua dòng.
*-nói dóc:đặt chuyện nói cho vui chớ không đúng với thực tế.
Nước mắm ngon dầm con cá cóc,
Em có chồng rồi, nói dóc với anh.
hoặc:
Đôi bông đồng em còn ở trên tai,
Anh gặp em nói dóc anh hoài,
Làm anh muốn khóc,
Em có chồng rồi đừng nói dóc mắc công.
*-nói đẩy đưa:
a)-nói nửa đùa nửa thật, không có chủ đích nhất định,
b)-nương theo ý người khác mà nói vì mình không muốn làm mất lòng người ta.
Nói đẩy đưa cho vừa lòng bạn,
Khúc sông giang hà, chỗ cạn chỗ sâu.
*-nói gạt:nói sai sự thật để lừa người khác.
Anh có thương em, nói thiệt em nhờ,
Anh đừng nói gạt, em chờ hết duyên.
2-( đàng trai ) tới nhà gái, mang theo chút lễ vật như trà rượu để nói rằng mình muốn cưới con gái người ta. Thường là cha mẹ đi với ông mai dẫn theo con trai của mình.
Dằn lòng về thưa với má ba,
Sắm lo sáu lễ để mà nói em.
NÓN CỤ:
: (dt) nón không có chóp nhọn như nón lá, măỉt trên bằng phẳng,có núm tròn ở giữa, vành phủ quanh rìa nón to và dày. Ngày xưa, trong lễ rước dâu, cô dâu đi đường bận áo rộng, đội nón cụ quai tơ và được che lọng.
Nón cụ quai tơ có tờ giấy đỏ,
Anh ở khác tỉnh xa làng, sao rõ tên em?
NÓN NỈ:
-Đ.ng: mũ dạ
: loại nón có vành làm bằng nỉ (dạ) để che nắng. Trước năm 1939, Pháp sản xuất loại nón nỉ rất tốt hiệu Fléchet để bán qua các nước thuộc địa.
Dù Tây, nón nỉ quai chỉ màu hường,
Cả tiếng kêu người nghĩa ngoài đường,
Duyên đây sao không kết, mà kiếm đường đi đâu?
NONG (1):
: (dt) loại sàng lớn, to bằng cái nia, đan bằng nan giẹp lớn và có lỗ vuông to. Nong được dùng đựng tằm hoặc đựng đồ đem phơi nắng.
Đôi ta như thể đôi tằm,
Cùng ăn một lá cùng nằm một nong.
NONG (2):
1-(đt): cố thọc dụng cụ hay đưa tay vào để làmcho vật gì dãn nở rộng ra.
2-(đt):cố đưa tay hay thọc dụng cụ vào chỗ chật hẹp.
Một thuyền một lái chẳng xong,
Một chĩnh đôi lái còn nong tay vào.
NOỌC- MAN:
- P: école normale.
:trường Sư phạm, trường đào tạo giáo viên dạy bậc Tiểu học thời Pháp thuộc.
Trường Đại học Sư phạm được gọi là Eùcole normale supérieure.
Dưa leo chấm với cá kèo,
Bởi con nhà nghèo, đi học noọc-man.
NÓP:
: (dt) tấm đệm xếp đôi, may hai đầu, chừa miệng theo chiều dọc để chui vào khi muốn ngủ. Nóp được dùng để ngủ ngoài đồng hoặc ở chòi vịt ban đêm.
Hồi nào em nói anh không nghe,
Bây giờ, anh xách nóp chèo ghe đi tìm.
NỒI:
: (dt) đồ dùng bằng đất nung hoặc bằng kim loại dùng trong bếp để kho nấu.
Con mèo đập bể nồi rang,
Con chó chạy tới phải mang lấy đòn.
*-nồi đồng: (dt) nồi đúc bằng đồng, đáy phình to, giữa eo thắt lại rồi lại loe như miệng bát khi lên trên.
Nồi đồng thì úp vung đồng,
Con gái xứ Bắc lấy chồng Đồng Nai.
*-nồi gọ: (dt)
a-loại nồi bụng phình to có thể nấu nhiều cơm canh.
b-( lóng ):cục thịt nạc to phíatrong và phía trên đùi sau của heo, bò, trâu.
c-chỗ phình rộng ra trong hang rắn hay hang cá trê.
Đưa về đoạn khúc,
Chuốt cái cần dài,
Lấy thép ra mài,
Uốn câu nồi gọ.
NỔI XUNG:
:cách nói của người bình dân khi diễn tả nhóm từ” nộ khí xung thiên” ( hơi giận xông lên tới trời ), ý nói sự giận dữ dâng lên đến tột độ.
Nghe hò, tao bắt nổi xung,
Tao cho một phảng chết chung cho rồi.
NỘI (HV):
: (cn: nội trong) :trong vòng, trong phạm vi,-từ này dùng kèm với danh từ chỉ thời gian và cả danh từ chỉ nơi chốn.
-nội trong một tháng:trong vòng một tháng (thời gian)
*-nội nhà: khắp cả trong nhà, tất cả mọi người trong nhà (nơi chốn).
Thương ai, thương hết nội nhà,
Ghét ai, ghét hết cả bà cả con.
hoặc:
Nội trong lục tỉnh Nam Kỳ,
Thấy em ăn nói nhu mì anh thương.
NỒM:
- HV:Nam (hướng Nam)
1-hướng Nam; hướng Đông Nam.
-mưa nồm.
2-từ gọi tắt gió nồm.
Mai mưa, trưa nắng, chiều nồm,
Trời còn luân chuyển huống mồm thế gian.
NÔNG TANG ( HV )
- ( nông: nghề làm ruộng; tang: cây dâu ).
:nghề làm ruộng và trồng dâu nuôi tằm; nghề của dân thôn quê rẫy bái.
Chẳng thà lấy anh chồng khờ dại,
Lo kinh thương mãi mại,
Tính công nghệ nông tang.
NỠ:
: đành lòng làm một việc gây đau khổ cho người khác.
Qua tiếc em khôn khéo vẹn mười,
Nỡ không soi xét để rời duyên nhau.
*-nỡ bụng: đành lòng làm một việc mà người khác không muốn.
Cha mẹ sanh anh là trai,
Bận cái áo song khai, cái quần lai lá hẹ,
Nỡ bụng nào bỏ cha mẹ theo em?
*-nỡ lòng:có nghĩa như chữ nỡ bụng ở trên.
:đành làm một việc gieo đau khổ cho người khác mà không chút xót thương.
Cha mẹ biểu ưng, em đừng mới phải,
Em nỡ lòng nào bạc ngãi bỏ anh?
NƠM:
1- (dt) đồ dùng bắt tôm cá, gồm có đầu nơm và các rẽ nơm. Đầu nơm là khoanh gỗ tròn có khoét lỗ để thò tay vào bắt cá. Rẽ nơm là những thanh tre ngắn và giẹp chạy dài tử đầu nơm đến chưn nơm. Rẽ nơm được kết dính vào các vành sắt tròn trên thon nhỏ và từ từ phình ra ở dưới. Nơm có nhiều kích cỡ khác nhau tùy trường hợp sử dụng. Đi nơm kinh rạch thì cần nơm nhỏ và cao; đi úp cá chỗ nước cạn thì cần loại nơm to và lùn; đi nơm ruộng thì cần nơm cao trung bình nhưng khoảng cách các rẽ nơm hơi thưa.
Mình ơi! Đừng đặng cá quên nơm,
Đôi ta gá nghĩa danh thơm ở đời.
2-bắt cá bằng nơm.
NU:
1-màu nâu.
2-loại hàng vải đen và mỏng.
Chàng ràng vì áo cụt nu,
Vì dây lưng đỏ, vì dù cánh dơi.
NÙI:
: (cn: nồi) - mớ sợi hay vải guộn lại thành một cục có vẻ không gọn ghẽ vén khéo.
Xa nhau khó đứng khó ngồi,
Dạ em bối rối như nồi chỉ tơ.
NUỘC:
1-vòng dây buộc.
*-nuộc lạt: số vòng dây buộc trên một đoạn cây gỗ.
Vd: Cây ruông vách này phải cần tới tám nuộc lạt.
Ngó lên nuộc lạt trên nhà,
Đếm bao nhiêu nuộc thương cha mẹ già bấy nhiêu.
2-khúc thịt chạy dài.
*-nuộc lưng ( cg: nuộc trái thăn ): thịt dài hai bên xương sống.
NUỐI:
:còn tỏ vẻ luyến tiếc và gắng gượng chờ đợi người nào hoặc việc gì trước khi chết.
Thác xuống âm ty, hồn đi chín suối,
Cặp con mắt tui còn nuối cái nghĩa mình.
NÚP:
-Đ.ng: nấp.
: (đt) giấu mình vào chỗ khuất kín đáo hay bóng tối để người khác không thấy được.
Bãi cỏ lau khô sầu ai dã dượi,
Thỏ núp lùm chờ đợi bóng trăng.
NÚT:
-Đ.ng: cúc áo.
: (dt) hột tròn gài vào lỗ khuy áo để giữ áo kín lại.
Áo đen năm nút viền bâu,
Bậu về xứ bậu biết đâu mà tìm.
*-nút ốc: nút áo bằng ốc xa cừ.
Năm ngóai, em còn e còn ngại,
Năm nay, em kêu đại bằng mình.
Áo bà ba nút ốc chung tình ai may?
*-nút vàng: nút áo bằng vàng hoặc xi vàng.
Phải duyên áo rách cũng mang,
Trái duyên, cái áo nút vàng chẳng ham.
NỨA:
-t.k.h: Bambusa schizostachyoides, họ Hoà bản Gramineae.
: (thực) tre nhỏ mọc thành bụi, thân suôn, có lóng dài, mỏng cơm.
Tiếc công chẻ nứa đươn lờ,
Để cho con cá vượt bờ nó đi.
NỬA LỪNG:
:nửa lưng chừng; ở khoảng không cao không thấp so với mặt đất.
Cây cao anh dứt nửa lừng,
Oán căn oán nợ, xin đừng oán em.
NỮA:
: huống chi, huống hồ, huống gì.
Trời còn khi nắng khi mưa,
Ngày còn khi sớm khi trưa nữangười.
NỰC MŨI:
: (mùi) nồng nặc xông lên mạnh.
Thân em như bông bưởi trắng ròng,
Mùi thơm nực mũi mà lòng sạch trong.
NƯỚC ( 1 ) :
-cn: con nước.
Lái lui thì bạn nhổ sào,
Anh còn bịn rịn, nước nào mới lui?
*-nước đứng: (nước ) không chảy ra mà cũng không chảy vô. Đó là lúc thủy triều lên cao nhất.
Nước không chân, sao kêu nước đứng,
Con cá không trèo, sao nói cá leo?
*-nước lớn:thủy triều lên, nước từ biển và sông lớn chảy vào sông, kinh rạch nhỏ.
Bìm bịp kêu nước lớn, anh ơi!
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê.
*-nước rong: thủy triều lên thật cao, nhất là những ngày 14, rằm hoặc 30, mùng một âm lịch, làm ngập bờ, đường đi, vùng thấp ở thôn quê Nam bộ trong những tháng chín và tháng mươi âm lịch.
Nước rong, nước chảy tràn đồng,
Tơ duyên sẵn đó, chỉ hồng chưa xe.
*-nước ròng: thủy triều xuống, các sông nhỏ và kinh rạch đều cạn nước.
Nước ròng bỏ bãi xa cừ,
Mặt em có thẹo, anh trừ đôi bông.
*-nước ương: nước chảy lờ đờ và khi nước lớn, chỉ được nửa sông rạch. Hiện tượng nước ương thường xảy ra ngày mùng chín mùng mười mỗi tháng âm lịch.
Nước còn khi chảy khi ương,
Gẫm tôi với bậu lươn khươn quá chừng.
NƯỚC MẮM:
: (dt) loại nước chấm có màu vàng đậm, vị mặn, làm bằng cá ủ với muối lâu ngày
trong những thùng gỗ lớn.
Nuớc mắm non Thượng Thủ,
Thả miếng đu đủ nó nổi lờ đờ.
*-nước mắm Hòn: nước mắm làm tại hòn đảo Phú Quốc, nổi tiếng là ngon.
Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon,
Chan nước mắm Hòn, ăn chẳng muốn thôi.
NƯỚC MẮT ỚT, NƯỚC MẮT GỪNG:
1-(cn: nước mắt cá sấu) - nước mắt đổ ra do chà xát gừng và ớt vào mắt, chớ không phải nước mắt tuôn rơi vì khóc với tình cảm chân thật.
2-(ngh.r): sự giả dối.
Đừng có chan nước mắt ớt,
Đừng có rớt nước mắt gừng,
Em khuyên anh bạn nên đừng,
Nghinh tân yểm cựu khó lường mai sau.
NƯỚC NÔI:
: (dt) từ để chỉ chung nước để uống hoặc sinh họat.
Chú kia nhổ mạ trên cồn,
Nước nôi chẳng có, miệng mồm lấm lem.
NƯƠNG :
: (đt) dựa nhẹ vào, bám nhẹ vào.
Không ai hôm sớm bạn cùng,
Nương mai mai ngã, dựa tùng tùng xiêu.
*-nương cậy: tin tưởng và dựa vào để sống.
*-nương dựa: ( cn: dựa nương ): cậy nhờ người nào để sống.
*-nương nhờ: dựa vào và nhờ nhỏi để sống.
NƯỜNG
- HV nương (từ dùng để chỉ phụ nữ)
: (cn: cô nường) đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, có nghĩa như chữ nàng. (Nường là cách phát âm khác của chữ nàng. )
Tiếc tiền mua cá cá ươn,
Mua rau rau héo, mua nường nường hư.
NƯỚNG :
:để trên lửa hơ cho chín. Có thể người ta dùng rơm đốt thành lửa ngọn để nướng hoặc nướng trên lửa than.
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve đặng con đò Thủ Thiêm.
Nướng bánh phồng bánh tráng, người ta thường nướng bằng lửa ngọn. Nướng cá, nướng thịt, người ta dùng lửa than. Có nhiều cách nướng:
*-cặp gắp nướng: dùng hai cây que kẹp thịt cá nướng trên lửa than miểng gáo.
*-bọc đất sét nướng: bọc vật cần nướng trong lớp đất sét để nướng.
*-nướng trui: xỏ lụi con cá nướng trên lửa ngọn hay trên lò lửa, sau đó cạo lớp cháy đen bên ngoài.
Bắt con cá lóc nướng trui,
Bày mâm rượu trắng đãi người bạn xa.
*-nướng vỉ: trải vật muốn nướng lên vỉ sắt có để than ở dưới để nướng.
*-lùi tro:vùi vật nướng vao giữa lớp tro than, sau một lúc lâu đem ra lột bỏ lớp vỏ ngoài.
-hột mít lùi tro.
NỨT:
1-không còn nguyên lành, tách ra để tạo đường khe hở nhỏ.
2-( cây ) tách vỏ ra để nẩy một chồi mới.
Kiểng sầu nhớ ai, nẩy lá nứt chồi,
Anh đây sầu bạn đứng ngôi không yên.
( Mắt cây ) u lên và phát triển từ từ thành chồi mới, gọi là nứt mụt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét