Profile Visitor Map - Click to view visits

Nhớ Chiếc Áo Dài Xưa

(Tặng khách hành hương về nguồn)

Yêu em từ kiếp nào
Gặp em chừng lâu lắm
Nét tha thướt ấp ủ làn hơi ấm
Tà áo bay in đậm dấu thời gian
Gà gáy trưa, thôn cũ nắng tràn
Áo chẹt vá quàng - Giọng ầu ơ của mẹ
Gió thoảng lướt, nhịp võng trưa đưa nhẹ
Thế giới huyền mơ chợt ghé miên man
“Trầu lên nửa nọc trầu vàng
Thương cô áo chẹt, vá quàng nửa lưng”

Những mùa xuân tiếp nối những mùa xuân
Bước thơ ấu ngập ngừng hoa với mộng
Nẽo trước thênh thang – Dòng thời gian trải rộng
Cụm đất nghèo vắng bóng những niềm vui
Cuống rún lìa xa, tấc dạ bùi ngùi
Chiếc áo vá quàng, cuộc đời đen như đất
Cô thôn nữ mãi lũ lam đời chật vật
Tre sau nhà cao ngất đứng mỏi mòn
Đời xuôi mau - Người mất, áo chẳng còn
Bùn nước đọng, gót chân son là dĩ vãng

Tim rộn rã, muốn tâm tình trút cạn
Có người tìm cô bạn Gia Long
Cô gái trường áo tím ngày xưa
Trong nắng ấm má hồng
Giờ tóc dệt màu bông
Mà tà áo vẫn bình bồng trong tâm tưởng


Đã biết yêu mà hồn còn rất ngượng
Chiều hoài hương – Chân lạc hướng đất người
Nửa tháng cháo chợ cơm hàng –
Ròng rã đếm mưa rơi
Tay úp mặt – Ôm mảnh đời lưu lạc
Núi Ngự mờ sương – Dòng Hương trong vắt
Cầu Trường Tiền xa lắc sáu vại dài
Khói sóng hoàng hôn – Lòng chợt ấm chiều nay
E ấp nón bài thơ, thướt tha tà áo dài Đồng Khánh
Gót viễn xứ, chiều Cố Đô lành lạnh
Dạ nhuốm vui, khóe mắt rịn giọt sương
Gác trọ nghèo lóng gà gáy tha hương
Bóng nhòa nhạt hắt lên tường cô độc

Cuộc chinh chiến lê chuỗi ngày thảm khốc
Tình vù bay, cắt ngang dọc bạn, thù
Giữa trưa hè sụp bóng tối âm u
Lá lả tả dù ngày thu chưa tới
Trời đất rộng bom cày đạn xới
Màu áo xưa bay vội đỉnh mây mù
Cấy đông ken đêm lạnh hoang vu
Nơm nớp sợ trận đổ dù, phục kích
Cô gái quê cầm lồng đèn, ôm tập sách
Lớp i tờ - Trường dừng vách lá chằm
Tai ngóng nghe đạn pháo réo gầm
Miệng lẳm nhẳm thì thầm bài mới học
Gọn trang phục, gọn chân tay đầu tóc
Có mơ gì cái hình vóc thướt tha
Bọc lụa nhung ngũ sắc của Hằng Nga
Chiếc áo dài là tinh hoa nét đẹp

Đã hết rồi hận thù và sắt thép
Nới rộng tay làm mà vẫn hẹp miếng ăn
Đời đương cần lưng thớt bắp tay săn
Thiên hạ nghĩ: “Đẹp đâu bằng có ích”
Quần chặm vá, mảnh áo thô nặng trịch
Dép kéo lê la thanh lịch đời người
Chóng qua rồi cái thập kỷ bảy tám mươi
Vũng nông hẹp, ta khóc cười lặn hụp
Xó bếp vắng, con chó già ẩn núp
Chường mặt ra sợ bị chụp, bị vồ
Cài chặt then, sợ ruồi muỗi bay vô
Gặm nhắm mãi khúc xương khô meo mốc
Cô giáo trẻ bước vào lớp học
Bận quần tây, áo cộc hở mông đùi
Chiếc áo dài ơi! Ta tiếc mãi khôn nguôi
Sống giữa đám mù đui nghệ thuật
Kẻ hiểu biết lặng câm – Mà nỗi lòng u uất
Người ngu si theo lốc trốt cuốn đi
Dạ, dạ, vâng lòng chẳng nghĩ suy
Dạ non nớt biết gì là nét đẹp

Óc hủ lậu, được một thời cũng đẹp
Bay xa rồi cảnh mắt khép tay che
Mở toang hoác cửa ra – Gió lộng tư bề
Bốn biển năm châu - Lối đi về muôn nẽo
Đã mười năm theo chân người lẻo đẻo
Nay rực rỡ hào quang thần diệu giống Tiên Rồng
Thổ Cẩm muôn màu, gấm Thái Tuấn, lụa Hà Đông
Đưa lên đỉnh chiếc áo dài của giống dòng Lạc Việt

Hải Chu 08-03-2002


Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Phương Ngữ-01/ Thay Lời Tựa


Thay Lời Tựa


Tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân miền Trung Nam bộ. Cơn mưa dông đầu mùa đến trong cái nắng oi nồng tháng ba âm lịch với tiếng trống chầu cúng lễ Kỳ yên còn phưởng phất hương dìu dịu của bông bạch mai của ngôi đình cổ. Dang đầu trần ra ruộng hớt cá lia thia về nuôi lũ khũ chờ ngày đá độ với tụi bạn, bắt bọ rầy nứt đất nhốt một hũ, cho hai con dế đá nhau trong cái lít đong gạo. Tất cả đều tạo cho tôi chiếc gối nhung êm mượt của một chút gì để nhớ thời quá khứ nay đã quá xa xăm.

Rồi tôi lại tạm giã từ cuộc sống ruộng rẫy tuỳ thuộc cái khí hậu mưa nắng hai mùa đã một thời gắn bó. Đi học xa nhà trong cảnh gạo chợ nước sông, bên con rạch nhỏ chảy ra Cầu quay Mỹ Tho, tôi bắt đầu thấy mình cô đơn lạ giữa đất khách quê người. Trọ trong ngôi nhà ọp ẹp cạnh bờ lá dừa nước rậm ri, trời sẫm tối là muỗi mòng như vãi trấu, bù mắt cắn sần tay chưn lúc nước ròng sát, nước sông nhửng lớn chảy vào được báo hiệu bằng tiếng con bìm bịp, tôi nằm đong đưa nhịp võng học bài, lại nghe bên nhà hàng xóm điệu ru con não nề hoà quyện trong nước mắt của người thiếu phụ:

Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.

hoặc:

Má ơi! Con vịt chết chìm,
Thò tay xuống vớt, con cá lìm kìm nó cắn tay con.

Bây giờ, có đi xa xôi mấy, tôi vẫn bàng hoàng nhớ lại vẻ mặt đượm buồn của người thiếu phụ trẻ mắt dõi phương trời nào với một tâm tình u ẩn, nghẹn ngào trong điệu hát ru. Con bìm bịp ngày xưa, con cá lìm kìm thuở trước chắc chắn không còn, người đã gieo vào lòng tôi cái buồn rười rượi của hơi gió thoảng ca dao bên con rạch nhỏ, bây giờ nếu còn sống, cũng xấp xỉ độ tuổi tám mươi.

Thời gian trôi qua lẹ như tên bay ngựa chạy. Ngôn từ, hình ảnh ngày xưa được dùng trong ca dao lần lần bị lớp bụi thời gian phủ mờ, rồi đây sẽ bị phôi pha chìm trong quên lãng.

Vùng đất Nam bộ có những nét đặc trưng lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nơi đây, trước khi người Việt đầu tiên đến khai hoang lập ấp, đã có những cư dân bổn địa đã sinh sống từ lâu và đã tạo ra các nền văn minh rực rỡ như văn minh Óc Eo, Phù Nam. Những người Việt đầu tiên đặt chân trên mảnh đất này từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh đã mang theo phong tục tập quán của vùng đất quê hương nơi họ khóc chào đời. Họ làm việc sinh sống chung đụng với cư dân sở tại, ngôn ngữ và phong tục biến đổi từ từ cho phù hợp với hoàn cảnh địa lý, môi trường sống. Các từ đặc trưng của riêng họ như mô, tê, răng, rứa rơi rụng từ từ để tiếp nhận thêm số từ tương đối lạ trong buổi đầu tiếp xúc như cà ràng, bao cà ròn, ghe cà vom. Pháp có mặt ở Việt Nam đã" rút ruột vương tam phân thiên hạ", biến Lục tỉnh Nam kỳ thành thuộc địa, đặt miền Bắc dưới chế độ bảo hộ và đất Trung kỳ được xem như hoàng triều cương thổ , vùng đất đai tự trị của vua chúa nhà Nguyễn. Việc tổ chức xã hội mỗi vùng đều có nét riêng biệt của nó và ngôn ngữ hành chánh cũng vì thế mà không giống nhau. Ông Chánh, ký lục, thông ngôn, cu li, ghế phô-tơi lần lần trở nên quen thuộc.

Người Mãn chiếm lĩnh Trung nguyên , lập nhà Thanh, đẩy vương triều nhà Minh vào bóng tối muôn thu của lịch sử. Người Minh hương vào Cù lao Phố Biên Hoà. Những bầy tôi nhà Minh như Mạc Cửu thần phục chúa Nguyễn khai thác đất Hà Tiên, Dương Ngạn Địch vào Mỹ Tho. Cư dân Lục tỉnh lúc đó lại bắt đầu làm quen với hồng bao lì xì, cái dầu châu quải, tô hủ tíu, dĩa xiếu mại của chú chệc, thím xẩm.

Khi đất nước chia đôi vào năm 1954, hai chế độ chánh trị có cách tổ chức hành chánh khác nhau là lẽ đương nhiên và do đó, miền Nam cũng có ngôn ngữ hành chánh riêng biệt.
Bao nhiêu biến cố lịch sử xảy ra đều phát sinh ra ngôn ngữ cần thiết cho biến động đó.

Tôi muốn ghi vội ra đây vài hình ảnh qua các câu ca dao với ý nghĩa sơ sài của nó để người đọc có thể hình dung ra bóng dáng nhạt nhoà của tâm tình cùng nếp sinh hoạt của lớp người đã sống trên vùng đất Nam bộ.

Những từ ngữ được đưa vào sách, ngoài những từ đặc biệt mang đậm nét địa phương , cũng có những từ vốn dĩ rất thông thường nhưng được diễn tả với nét đặc trưng của nó. Có những từ chỉ chim chóc, thú vật hoặc cây cỏ, nếu được sử dụng trong ca dao, tôi cũng đưa vào. Tuy vậy, chúng ta cũng phải công nhận rằng việc sưu tập ca dao quả rất khó khăn. Có những câu mang ý nghĩa tương tự và có những câu có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau. Ví dụ:

Nhức đầu, dặt lá bòng bong,
Tội trời tôi chịu, thương chồng hơn anh.

và:

Nhức đầu, dặt lá trường sanh,
Tội trời tôi chịu, thương anh hơn chồng.

Như vậy, chúng ta buộc phải chấp nhận cả hai cặp câu với hai ý nghĩa tương phản nhau. Hơn nữa, có một vài trường hợp, các học giả sưu tập ca dao ghi đúng theo cách phát âm của các nghệ nhân. Thành thử, các câu đó có thể sai ý .

Vd:
Tấm vách nát mưa luồn gió tạt,
Cảm thương nàng tạm bạt mái lều tranh.
( Chúng tôi xin mạn phép sửa tạm bạt thành đạm bạc)
Có nhiều câu cũng vì lối đọc thư giãn của người Nam bộ mà bị viết sai chánh tả.

Vd:
Phụng xa lang còn than còn thở,
Vợ xa chồng gặp nhau mắc cỡ hỏng dám nhìn.
( Chúng tôi xin mạn phép sửa:
-lang thành ra loan ( chim cùng loại với phụng, có người nói đó là con mái của chim phụng),
-hỏng thành ra hổng (chữ biến trại từ chữ không)
Đối với động vật và thảo mộc, nếu có biết tên khoa học của chúng, tôi mạnh dạn đưa tên khoa học của chúng vào để các vị học giả tiện tham khảo đối chiếu.
Có một ít từ cần nêu rõ nguồn gốc của nó, chúng tôi cũng mạn phép viện dẫn từ gốc của chúng.

Vd:
-ghế tu-nê: (tu- nê- P:Thonet) loại ghế gỗ do hãng đồ mộc Thonet của Pháp đóng bán cho các nước thuộc địa đầu thế kỷ 20.
-gièm - HV: sàm: nói ra nói vào
Trách ai dụm miệng nói gièm,
Cho heo bỏ máng, chê hèm không ăn.

Về từ nguyên, chúng tôi tham khảo Tầm nguyên tự điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ, Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp của Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Đức Dân.

Đối với cây cỏ, chúng tôi tham khảo Cây cỏ Việt Nam của Gs Phạm Hoàng Hộ, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Gs Ts Đỗ Tất Lợi.

Vấn đề chánh tả, chúng tôi căn cứ vào những bộ từ điển biên soạn trước đây và Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quí vị học giả bậc thầy đã dày công biên soạn sách vở mà chúng tôi hân hạnh được tham khảo.

Khi biên soạn tập sách nhỏ này, chúng tôi chắc chắn không tránh khỏi những sai lầm. Kính mong quí vị thức giả cao minh niệm tình chỉ giáo. Chúng tôi trân trọng đón nhận để sửa chữa cho đúng.

Một lần nữa, chúng tôi xin chân thành trọng ơn .

Nam Chi BÙI THANH KIÊN


*
*
*
BẢNG VIẾT TẮT

-dt: danh từ. : (thực): thực vật
-(động): động vật : t.k.h: tên khoa học.
-đt: động từ. : tt: tính từ.
-QĐ: Quảng Đông : ttth: từ tượng thanh
-TC: Triều Châu.


CÁC KÝ HIỆU.

- HV: có gốc từ Hán Việt : - P: có gốc từ Pháp.
- Khmer: từ có gốc Khơ me.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét