Profile Visitor Map - Click to view visits

Nhớ Chiếc Áo Dài Xưa

(Tặng khách hành hương về nguồn)

Yêu em từ kiếp nào
Gặp em chừng lâu lắm
Nét tha thướt ấp ủ làn hơi ấm
Tà áo bay in đậm dấu thời gian
Gà gáy trưa, thôn cũ nắng tràn
Áo chẹt vá quàng - Giọng ầu ơ của mẹ
Gió thoảng lướt, nhịp võng trưa đưa nhẹ
Thế giới huyền mơ chợt ghé miên man
“Trầu lên nửa nọc trầu vàng
Thương cô áo chẹt, vá quàng nửa lưng”

Những mùa xuân tiếp nối những mùa xuân
Bước thơ ấu ngập ngừng hoa với mộng
Nẽo trước thênh thang – Dòng thời gian trải rộng
Cụm đất nghèo vắng bóng những niềm vui
Cuống rún lìa xa, tấc dạ bùi ngùi
Chiếc áo vá quàng, cuộc đời đen như đất
Cô thôn nữ mãi lũ lam đời chật vật
Tre sau nhà cao ngất đứng mỏi mòn
Đời xuôi mau - Người mất, áo chẳng còn
Bùn nước đọng, gót chân son là dĩ vãng

Tim rộn rã, muốn tâm tình trút cạn
Có người tìm cô bạn Gia Long
Cô gái trường áo tím ngày xưa
Trong nắng ấm má hồng
Giờ tóc dệt màu bông
Mà tà áo vẫn bình bồng trong tâm tưởng


Đã biết yêu mà hồn còn rất ngượng
Chiều hoài hương – Chân lạc hướng đất người
Nửa tháng cháo chợ cơm hàng –
Ròng rã đếm mưa rơi
Tay úp mặt – Ôm mảnh đời lưu lạc
Núi Ngự mờ sương – Dòng Hương trong vắt
Cầu Trường Tiền xa lắc sáu vại dài
Khói sóng hoàng hôn – Lòng chợt ấm chiều nay
E ấp nón bài thơ, thướt tha tà áo dài Đồng Khánh
Gót viễn xứ, chiều Cố Đô lành lạnh
Dạ nhuốm vui, khóe mắt rịn giọt sương
Gác trọ nghèo lóng gà gáy tha hương
Bóng nhòa nhạt hắt lên tường cô độc

Cuộc chinh chiến lê chuỗi ngày thảm khốc
Tình vù bay, cắt ngang dọc bạn, thù
Giữa trưa hè sụp bóng tối âm u
Lá lả tả dù ngày thu chưa tới
Trời đất rộng bom cày đạn xới
Màu áo xưa bay vội đỉnh mây mù
Cấy đông ken đêm lạnh hoang vu
Nơm nớp sợ trận đổ dù, phục kích
Cô gái quê cầm lồng đèn, ôm tập sách
Lớp i tờ - Trường dừng vách lá chằm
Tai ngóng nghe đạn pháo réo gầm
Miệng lẳm nhẳm thì thầm bài mới học
Gọn trang phục, gọn chân tay đầu tóc
Có mơ gì cái hình vóc thướt tha
Bọc lụa nhung ngũ sắc của Hằng Nga
Chiếc áo dài là tinh hoa nét đẹp

Đã hết rồi hận thù và sắt thép
Nới rộng tay làm mà vẫn hẹp miếng ăn
Đời đương cần lưng thớt bắp tay săn
Thiên hạ nghĩ: “Đẹp đâu bằng có ích”
Quần chặm vá, mảnh áo thô nặng trịch
Dép kéo lê la thanh lịch đời người
Chóng qua rồi cái thập kỷ bảy tám mươi
Vũng nông hẹp, ta khóc cười lặn hụp
Xó bếp vắng, con chó già ẩn núp
Chường mặt ra sợ bị chụp, bị vồ
Cài chặt then, sợ ruồi muỗi bay vô
Gặm nhắm mãi khúc xương khô meo mốc
Cô giáo trẻ bước vào lớp học
Bận quần tây, áo cộc hở mông đùi
Chiếc áo dài ơi! Ta tiếc mãi khôn nguôi
Sống giữa đám mù đui nghệ thuật
Kẻ hiểu biết lặng câm – Mà nỗi lòng u uất
Người ngu si theo lốc trốt cuốn đi
Dạ, dạ, vâng lòng chẳng nghĩ suy
Dạ non nớt biết gì là nét đẹp

Óc hủ lậu, được một thời cũng đẹp
Bay xa rồi cảnh mắt khép tay che
Mở toang hoác cửa ra – Gió lộng tư bề
Bốn biển năm châu - Lối đi về muôn nẽo
Đã mười năm theo chân người lẻo đẻo
Nay rực rỡ hào quang thần diệu giống Tiên Rồng
Thổ Cẩm muôn màu, gấm Thái Tuấn, lụa Hà Đông
Đưa lên đỉnh chiếc áo dài của giống dòng Lạc Việt

Hải Chu 08-03-2002


Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Phương Ngữ- Vần LE...

LE LE:
-cg:vịt nước.
-Đ.ng: vịt trời.
: loại chim di trú giống vịt nhà nhưng nhỏ con hơn, chân có màng bơi, lặn hụp giỏi, sống theo đàn, tìm mồi ở vùng ruộng rẫy ngập nước.
Thương chồng, nấu cháo le le,
Nấu canh bông bí, nấu chè hột sen.
LE THE:
: thưa thớt, không rậm.( Từ này thường được dùng cho cây, râu tóc )
Vd:-dưới cằm le the vài cọng râu;
-Bụi cỏ le the, bụi tre lúp xúp,
Em có nơi nào, anh giúp đôi bông.
LÉ :
-Đ.ng: hiếng, lác (mắt).
: có một tròng mắt lệch đi,- hai tròng mắt không thể cùng trông về một hướng.
*-lé duyên: hơi lé nên càng làm tăng thêm vẻ duyên dáng của khuôn mặt.
*-lé mạy: lé hơi hơi,-hơi lé một chút.
*-lé xẹ: lé nhiều.
Miệng anh méo mó, còn có người coi,
Chớ mắt em lé xẹ, săm soi làm gì!
LẸ:
- HV lỵ, lợi ( nhanh nhẹn )
-Đ.ng: nhanh.
: làm việc hoặc di chuyển với tốc độ cao.
Thuyền em đã nhẹ, chèo lẹ khó theo,
Khuyên em bớt mái, hạ lèo chờ anh.
LEM:
: (màu mực, sơn) ăn lan ra chỗ khác trông rất xấu xí.
Mần thơ nước mắt nhỏ, chữ tỏ chữ lem,
Về chốn phòng đào, cơn nào thương nhớ, giở ra xem, hết buồn.
Ghép:
*-lem hem: loà, thấy không rõ,-thường dùng nói về mắt.
*-lem luốc: dính đầy chất dơ.
-mặt mày lem luốc.
*-lem nhem:
a)-dính dơ nhiều chỗ.
b)-(cn: lam nham): chỉ được chút ít.
Học trò ba chữ lem nhem,
Thấy gái mà thèm, bỏ chữ trôi sông.
Ghép ngược:
*-tèm lem (x: tèm lem ở sau)
LÉN:
1-lẹ làng làm việc gì với thái độ dè dặt, ngó trước dòm sau vì sợ người khác bắt gặp.
Nước mắm ngon giằm con cá bẹ,
Anh biểu em thầm lén mẹ qua đây.
2-lén có thể dùng kèm với một động từ, chỉ một hành động vụng trộm ít người biết.
Nhị nhơn đối khẩu, thiết giao hoà,
Đôi ta thương lén, cha mẹ già chưa hay.
hoặc:
Chờ cho phụ mẫu ngủ mòm,
Lén vô phòng bậu đặng dòm duyên em.
LAO RAO:
: (cn: rao rao) -nhẹ nhàng phơ phất,-thường dùng chỉ sức gí thổi.
Gió lao rao, cù lao dợn sóng,
Chớ em lấy chồng rồi, anh ngóng đợi chờ ai?
LÈO (1):
: (cg: Lào)từ người bình dân gọi nước Ai Lao.
Nghe anh học ở bên Lèo,
Lại đây em hỏi chớ con mèo mấy lông?
LÈO (2):
:sợi dây buộc để điều khiển lá buồm hay con diều giấy. Nhờ dây lèo, người ta có thể thả hay cuốn lá buồm để buồm bọc gió nhiều hay ít.
Phận anh phải giữ lấy lèo,
Đừng ham thả lỏng, hiểm nghèo có khi.
Lèo còn được dùng như một động từ, có nghĩa là cầm dây lèo để điều khiển ghe thuyền.
Một mình vừa tát vừa chèo,
Ai tát nước đỡ,ai lèo giùm cho.
*-lèo lái:
a-dây lèo và tay lái, hai bộ phận quan trọng của thuyền buồm:
Trước khi tách bến buông khơi,
Sửa sang lèo lái, trông trời xem mây.
b-ra tay điều khiển.
LÉO LÉN:
-( léo: trong chữ léo hánh có nghĩa làbén mảng đến )
:lén mà đến với vẻ e ngại rụt rè.
Qua như con én léo lén trên nhành,
Muốn kề trái hạnh chẳng đành bay xa.
LÊ:
-t.k.h: Malus asiatica, họ Hường Rosaceae.
: (thực) loại cây có trái tròn dài, đầu trái thon nhỏ lại, phần dưới phình to ra, đặc ruột, có hột nhỏ. Trái chín vàng mọng nước, có vị chua ngọt.
Mảng coi ong bướm vườn đào,
Mảng coi lê lựu quên chào bạn xưa.
LÊ-GHIM:
-cn: la-ghim.
- P: légumes.
: đồ rau củ
Lê-ghim Đà Lạt, chè vối Cồn Tiên.
LÊN VỌI:
1-(cá voi) xịt vòi nước khi nó xuất hiện .
-cá ông lên vọi.
2-(ngh.r): làm cho người ta ngó thấy.
Đôi ta cấy mướn cày thuê,
Đò lên lên vọi, đò về về theo.
LỀN:
1-( nước ) hơi sệt vì có pha bột hoặc không được trong vì nấu thịt, khoai quá lâu.
2-nhiều, đông hơn con số người ta dự kiến. Chữ lền dùng để chỉ số đông,áp dụng cho đám người, bầy đàn thú vật không được kính trọng.
Đâu vui bằng xứ Cạnh Đền,
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lền như bánh canh.
LI BÌ:
1-mê man, không hay biết gì cả.
-bị sốt nằm li bì,
-ngủ li bì.
2-xảy ra trong khoảng thời gian dài.
Sương sa ngọn cỏ li bì,
Mười năm chờ được huống gì ba năm.
LÌ:
1-khó dạy khó bảo, không sợ roi vọt, đòn bộng.
-thằng nhỏ này lì lắm, năm roi có ăn nhằm gì với nó!
2-cứ tơ ra đó, không biết xấu hổ.
Lẽ nào thương kẻ ngu si,
Hơi đâu thương đứa nằm lì mà ăn.
LIA:
- HV lỵ ( lẹ làng nhanh chóng )
: xảy ra nhanh chóng và liên tục.Từ này thường được dùng như trạng từ dùng kèm với động từ, ít khi thấy dùng như tính từ.
*-lia lịa: rất nhanh lẹ và không ngừng nghỉ.
Chim liễu nó biểu chim quỳnh,
Biểu lia biểu lịa, biểu mình thương tôi.
*-tía lia: ( tía: phối ngữ âm ): cũng có nghĩa như lia lịa.
-dùng như tính từ:
Vd: thằng nhỏ miệng tía lia tối ngày.
-dùng như trạng từ:
Vd: Khi khóc, thằng nhỏ chòi đạp tía lia.
Thường thường, các chữ lia, tía lia, lia lịa dùng với các danh từ chân, tay, miệng và các động tác liên quan tới các danh từ trên.
LIA THIA:
: loại cá nhỏ vùng nước ngọt, có màu sắc đẹp, đóng bọt làm ổ chỗ râm mát trong ruộng nước cạn. Loại cá này đá nhau rất dữ.
Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.
LỊCH (1):
-Việt Nam tự điển của Hội Khai trí tiến đức ghi là nhệch, Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức ghi là lệch / lịch.
: tên loại lươn to con, đuôi giẹp, thịt rất ngon nhất là thịt lịch củ. Lịch sống ở vùng ven biển, nhiều nhất từ bờ biển Bến Tre đến Rạch Giá, Hà Tiên. Khi đánh bắt được lịch, người ta có thể nấu ca ri, um, nấu cháo hoặc xẻ banh ra phơi khô. Khô lịch củ là khô ngon, giá trị nhất.
Con lươn, con lịch, con chình,
Ba con dưới nước, cái mình trơn lu.
LỊCH (2)
-cn: lịch sự.
: xinh đẹp.
Nước trong giếng đá hơi phèn,
Coi em cũng lịch, lại hèn mẹ cha.
hoặc:
Nước trong thấy đá, cá lội thấy hình,
Có đôi cũng lịch, một mình cũng xong.
*-lịch sự: đẹp đẽ, (có ý nghĩa như lịch ở trên ).
Đó chê đây, đây càng lịch sự,
Đó ăn mâm vàng, đây ngự tòa sen.
LIÊN TU:
-cn: liên tu bất tận.
:xảy ra thường xuyên và không ngớt.
Trồng tre, tre ngã liên tu,
Phận em là gái, oán thù mà chi.
hoặc:
Trời mưa lắc rắc, nước mắt chảy liên tu,
Rượu cầm tay uống giải sầu tư,
Kiếp này không đặng đi tu cho rồi.
*-liên tu bất tận: kéo dài, không ngừng nghỉ.
Hiện nay, người ta cũng nói “ liền tù tì “ với cùng ý nghĩa trên.
LIỀN:
: ngay tức khắc, ngay lúc đó.
Chào rồi, tôi chụp hỏi liền,
Hỏi thăm phụ mẫu bình yên thế nào?
*-liền tay: ngay tức thì, không để lâu.
Cưới vợ, phải cưới liền tay,
Đừng để lâu ngày, thiên hạ gièm pha.
LIỄN:
- HV: liên ( câu đối; cặp câu đối nhau )
:cặp câu đối chữ Nho viết đại tự trên giấy hồng đơn hay khắc trên gỗ treo trong nhà hay trong đền miểu.
Liễn tàu vụng chấm biếng xem,
Lẳng lơ như bậu, ai thèm, bậu khoe.
hoặc:
Ngó vô nhà nhỏ,
Thấy đôi liễn đỏ, có bốn chữ vàng,
Thạnh suy chưa biết, thấy nàng vội thương.
*-liễn cẩn: liễn gỗ cẩn ốc xa cừ.
Chào cô Bảy như cuốn sách chạm bìa vàng,
Chào cô Tám như hai hàng liễn cẩn.
LIỆNG:
-cn: lượn.
: ( chim ) xòe rộng cánh giữ thăng bằng ở trên không, khẽ nghiêng qua nghiêng lại và uốn éo đuôi.
Chiều chiều én liệng trên trời,
Rùa bò xuống nước, khỉ ngồi trên cây.
LIỆT ( HV ):
: yếu kém, không họat động nổi.
Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành,
Tàu Tây kia liệt máy, anh mới đành bỏ em.
LIỀU:
1-có nghĩa như chữ bỏ liều ( xt: bỏ liều ).
2-kể như, coi như.
Trồng trầu, trồng lộn dây tiêu,
Con theo hát bội, mẹ liều con hư.
LIỆU:
: tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng xem khả năng mình có thể đảm đương gánh vác nổi công việc định làm hay không.
-Liệu cơm gắp mắm ( tục ngữ ): xét hòan cảnh cụ thể của mình trước khi làm việc gì.
-Phụng hòang chấp cánh bay xuôi,
Liệu bề thương đặng, mình ơi! tôi chờ.
LÌM KÌM:
-cg:cá kìm
:loại cá nhỏ mình thon dài, mỏ nhọn và dài sống trong sông rạch, ruộng đồng. Lìm kìm sống vùng biển và nước lợ thì to con hơn lìm kìm nước ngọt.
Má ới! Con vịt chết chìm,
Thò tay xuống vớt, con cá lìm kìm nó cắn tay con.
hoặc:
Sông Ngân có cặp cá kìm,
Anh ở đời có bạn, em biết tìm nơi đâu.
LINH BINH:
-cn: lỉnh bỉnh.
1-( nước )nhiều, tràn ngập khắp nơi.
Nước chảy linh binh, lục bình trôi lỉnh bỉnh,
Bảy, Tám ơi! Em cấy chi có một mình,
Phải chi ở đặng, bạn mình cấy chung.
2-được nấu với nhiều nước.
Thịt mày, tao nấu linh binh,
Da mày, bịt trống tụng kinh trong chùa.
LINH ĐINH ( HV )
-Đ.ng: lênh đênh.
: trôi giạt đi xa, lẻ loi cô độc.
Linh đinh không cửa không nhà,
Thương nhau phải rán hiệp hòa lứa đôi.
hoặc:
Anh đi đóng đáy hàng khơi,
Đứt dây đổ đụt giữa vời linh đinh.
LINH LÁNG:
-Đ.ng: lênh láng.
:( nước, chất lỏng ) tràn ra khắp nơi trên một diện tích lớn rộng.
Nước còn linh láng biển Đông,
Biết ai chồng ai vợ, thương uổng công, bớ mình!
LÌNH BÌNH:
: nổi bồng bềnh trên mặt.
Dọn cơm, chống đũa mà nhìn,
Mảng sầu người nghĩa, nước mắt chảy lình bình chén cơm.
LỊNH:
-Đ.ng: lệnh.
: những gì mà cấp trên truyền bảo kẻ dưới phải thi hành.
Lên voi, miệng vội túc còi,
Thương con nhớ vợ, lịnh đòi phải đi.
LIU RIU:
-cn: riu riu.
1-( lửa ) nhỏ ngọn cháy không nhiều.
Vd: Để lửa riu riu sắc siêu thuốc.
2-( nước ) chảy nhẹ và chậm.
Nước chảy liu riu, lục bình trôi riu ríu,
Anh ở một mình, khi đau yếu ai nuôi?
LỊU ĐỊU:
1-vướng bận.
-vợ con lịu địu.
2-bận rộn, vướng víu với việc gì, không được rảnh rang.
Gió đẩy đưa, rau dừa quặn quịu,
Anh mảng thương nàng lịu điu" xuống lên.
LÒ MÒ:
-( mò HV mô (ụlấy tay sờ để biết vật gì ); lò: phối ngữ âm )
: dùng tay sờ soạng để bước trong chỗ tối.
Cách sông nên phải lụy đò,
Tối trời nên mới lò mò đụng em.
LỌ MỌ:
-( mọ: biến trại từ chữ mò ( xt: lò mò ), không dùng một mình; lọ: phối ngữ âm ).
:( nghĩa giống như lò mò ).
Đêm hôm lọ mọ,
Xe sợi nhợ săn,
Buộc chặt vào cần,
Móc mồi thơm phức.
LÕA LỒ:
-HV lõa( giống thú ít lông ); lồ HV lộ ( hiện ra rõ ràng )
1-trần truồng, không mặc quần áo.
2-( ngh. b ): ăn mặc hở hang, có ý khêu gợi .
Cá lên khỏi nước cá khô,
Làm thân con gái lõa lồ ai khen.
LOAN:
-HV loan.
1-( truyền thuyết ): chim cùng một loại với phụng, có bộ lông ngũ sắc nhưng
chim loan có nhiều sắc xanh hơn.
2-có người cho rằng chim trống là phụng, chim mái là loan( xt: phụng hoàng )
-Loan phụng hòa minh: chim loan, chim phụng cùng kêu.
-Ước gì anh được vào phòng,
Loan ôm lấy phụng, phụng bồng lấy loan.
Các từ ghép với loan khi chỉ:
a-nhà vua:
-xe loan ( HV: loan xa ): xe vua đi.
Ngán thay máy tạo bất bằng,
Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan.
( Ai tư vãn – Công chúa NGỌC HÂN )
b-thuộc về người con gái hay của cặp vợ chồng mới cưới:
-gối loan
-gương loan
-phòng loan.
LOÀN:
- HV loạn (xáo trộn, chống lại lẽ phải, ngược với đạo lý )
-con giặc tôi loàn < HV: loạn thần tặc tử ( kẻ làm tôi chống lại vua, làm con không ăn ở đúng bổn phận với cha mẹ.
Kiểng kia, ai để bìm leo,
Gái khôn ai gá nghĩa theo người loàn.
LON:
1- A: gallon: đơn vị đo lường .
- Anh và Ca-na-đa: 4,546 l,
-Mỹ:3, 785l,
2-người Nam bộ dùng lon sữa bò để đong lường.
Sáng ngày xúc gạo nấu cơm,
Nhớ bỏ vô hũ độ chừng nửa lon.
LÒN:
1-khom mình chui qua chỗ thấp và hẹp:
Hang Mai anh cũng muốn lòn,
Sợ e trứng nhạn chỉ còn vỏ không.
2- lén đến nơi nào, đi theo lối .
Em thương anh cuốn gói cho tròn,
Chờ ba má ngủ, em bước lòn cửa sau.
LÕN LẼN:
-cn: bẽn lẽn.
: với vẻ e thẹn.
Con quạ nó núp vườn chồi,
Thấy em đứng cười lõn lẽn với ai.
LỌN:
: bó nhỏ.
Thân em như lọn nhang trần,
Không cha không mẹ, muôn phần cậy anh.
LONG ĐONG:
- HV long đông( mùa đông khắc nghiệt ).
1-mùa đông rét lạnh kéo dài làm cho mọi người khổ sở.
2-( ngh.b ): vất vả lao đao vì gặp hoàn cảnh không may.
Em không trách ông tơ,
Không phiền bà nguyệt,
Trách phận mình sao thiệt long đong.
LÒNG:
: các bộ phận trong ngực và bụng của con vật bị làmthịt.
-bộ đồ lòng,-cháo lòng,-lòng heo, lòng bò.
Miếng nạc thì để phần chồng,
Miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con.
LÒNG TONG:
:lọai cá nhỏ sống trong sông rạch ruộng đồng, mình giẹp, thịt trong.
Cây trên rừng hóa kiểng,
Cá ngoài biển hóa long,
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong.
LÒNG THÒNG:
-( thòng: buông rủ xuống đất; lòng: phối ngữ âm ).
1-buông xuống, thả xuống tự nhiên và không gọn ghẽ vén khéo.
Anh thương em từ thuở nhỏ, tóc bỏ lòng thòng,
Đến bây giờ, một ngọn ba bốn vòng cũng thương.
2-( ngh.b ): vướng vít, bận bịu.
-Anh A có vợ con lòng thòng không thể đi làm ăn xa. Trâu anh con cỡi con dòng,
Lại thêm con nghé lòng thòng theo sau.
LÓNG:
1-khúc giữa hai mắt của loại cây tre, nứa, mía.
Chẻ tre lựa lóng đươn sàng,
Chờ ba năm nữa cho nàng lớn khôn.
2-( ngh.b ): đoạn xương giữa hai khớp:
-lóng chân,
-lóng tay.
LÓNG:
-Đ.ng:lắng
1- quay, đảo lượng nước trong lu hũ nhiều lần rồi để yên cho cặn cáu lắng xuống và nước sẽ trong.
Nước lóng trong xanh anh để dành tưới hẹ,
Phụ mẩu anh già rồi thì mẹ anh phải kén dâu.
*-lóng phèn: (cn:lắng phèn) - đâm nhỏ cục phèn chua hoặc cạ cục phèn chua vào thành lu vại để cặn cáu trong nước lắng xuống và nước sẽ trong.
Đừng chê em xấu em đen,
Nước kia dầu có đục, lóng phèn cũng trong.
2-tuyệt đối im lặng để nghe cho rõ.
*-lóng tai: (Đ.ng: lắng tai) - tuyệt đối im lặng, hết sức chú ý để nghe rõ hơn.
Đi ngang nhà nhỏ,
Lóng tai nghe rõ
Phụ mẫu đánh nàng.
Bốn bề cửa đóng song loan,
Anh không biết làm sao vô đặng đỡ nàng đôi roi.
LỌNG:
: đồ dùng giống như cây dù nhưng lớn hơn, có cán cầm dài và lợp giấy trên sườn tre để che mưa nắng ngày xưa. Ngày nay, lọng cũng vẫn được dùng trong lễ rước dâu của đám cưới tổ chức theo nghi thức truyền thống.
Anh đi lọng lụa ba bông,
Bỏ em cấy mướn dựa đồng cây da.
hoặc:
Lọng che sương dầu sườn cũng lọng,
Ô bịt vàng dầu trọng cũng ô.
(Sương Nguyệt Anh)
LÓT:
-Đ.ng: lát.
:để một lớp ở phía dưới.
Gỗ trắc đem lót ván cầu,
Yến sào đem nấu với đầu tôm khô.
*-lót đường:
a-dùng làm vật liệu trải trên đường.
b- bị lợi dụng, bị đưa ra làm con cờ thí.
Vd: trong danh sách, có hai ứng cử viên lót đường.
*-lót ổ:
a-tha rác, lá cây để làm tổ:
Chim quyên lót ổ dưới đìa,
Dầu ai vặn khóa bẻ chìa,
Đôi ta mới gặp, đừng lìa mới hay.
b- ( chim hay thú ) chết trong ổ vì yếu sức.
Vd: Lứa này, heo nái tôi đẻ mười con nhưng lót ổ một con.
c-( ngh.b ): ( đứa con ) kém may mắn trong một dòng con. Có thể đó là đứa bé xấu xí, tật nguyền hay kém thông minh.
Vd: đứa con lót ổ.
LÔI:
: dùng cách này hay cách khác để kéo người nào, vật gì với vẻ mạnh bạo.
Ghe lôi khỏi bến còn dằm,
Người thương đâu vắng, chỗ nằm còn đây.
LỘI:
-Đ.ng: bơi.
1-( cá ) di chuyển trong nước bằng cách cử động các vây, uốn éo mình và ve vẫy đuôi.
Cá lý ngư sầu tư biếng lội,
Chim phụng hoàng sầu cội biếng bay.
2-( người ) di chuyển trên mặt nước bằng cách chòi đạp hai chân và quạt hai cánh tay.
Tiếng anh nho sĩ học trò,
Thấy sông vội lội, không dò cạn sâu.
LỘN:
1-nhầm lẫn vì không xem xét kỹ.
Trồng trầu, trồng lộn dây tiêu,
Con theo hát bội, mẹ liều con hư.
2-( hai hoặc nhiều thứ )được pha trộn chung với nhau.
Bông lài trộn lộn bông ngâu,
Tiếc hường nhan bậu làm dâu bên Tàu.
hoặc:
Tiếc vàng mà lộn với than,
Tiếc con chim phụng lộn đàn le le.
LÔNG MỐT LÔNG HAI:
1-hai cách xỏ nan hoặc luồn chỉ khi đan hay dệt:
-lông mốt: cách đan để một cọng nan chồng lên một cọng khác rồi lại xỏ xuống phía dưới một cọng khác nữa.
-lông hai: cách đan hay dệt với hai sợi hoặc hai nan .
2-(lóng): cẩu thả, sơ sịa cho có.
Quét nhà lông mốt lông hai,
Cặp mắt dáo dác ngó trai ngoài đường.
LÔNG NHÍM:
-( nhím: động vật hoang dã thuộc loại gặm nhắm có bộ lông dài nhọn và cứng.
Khi gặp nguy hiểm, nó xù bộ lông để tự vệ ).
: Phụ nữ ngày xưa dùng lông nhím để giắt lên đầu tóc. Vì thế, sau này, vật giắt vào đầu tóc được quen gọi là lông nhím.
Anh than chi nhiều điều mặn lạt,
Em rút cây lông nhím bạc trao liền.
Em về, phụ mẫu lo phiền,
Lỗi em chịu lỗi, nói đi cấy ruộng biền mất tiêu.
LỘNG LẠC:
1-nguy nga đồ sộ.
-nhà cửa lộng lạc.
2-(ngh.r): rất đẹp, rất ngon.
Tháng giêng, tháng hai, anh đi cờ bạc,
Em ở nhà dôn mâm cơm lộng lạc,
Anh về, anh quát nạt chửi thề.
LỘT:
: bóc lấy đi lớp bên ngoài.
Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét