B
BA BA ( dt ):
-t.k.h: Tryonix ornatus.
:tên một loại rùa ở biển.
Đầu làng có con ba ba
Kẻ kêu con trạnh, người la con rùa
BA MÁ ( dt ):
:cha mẹ
Anh với em chút nữa thì gần
Tại ba với má bẻ cần tháo dây
hoặc:
Anh đừng lên xuống uổng công,
Em nghe ba má nói không kia mà.
BA SANH :
- cđ: ba sinh do chữ HV tam sinh (ba kiếp người, ba cuộc sống nối tiếp nhau)
Chim quyên hút mật bông quì,
Ba sanh còn đợi, huống gì ba năm.
BA SANH HƯƠNG LỬA:
-cn: ba sinh hương lửa
-(ba sanh: ba đời người, ba kiếp người, hết kiếp này đến kiếp khác; hương lửa do chữ HV hương hoả :lửa và hương).
: Hương bén lửa để mùi thơm bay xa để chỉ tình cảm nồng đậm của trai gái.
Gặp em đây anh dặn mấy lời,
Ba sanh hương lửa muôn đời chớ quên.
BA SON ( dt ): (ghi theo An Chi trong Chuyện Đông chuyện Tây)
*-theo Vương Hồng Sển, trong Sài gòn Năm Xưa:
-chỗ làm việc của người thợ nguội thứ ba tên Son
-cái xẻo có nhiều cá (mare aux poissons). Sau này, cái xẻo bị lấp để làm xưởng sửa tàu. Người ta phiên âm chữ POISSONS ra chữ BA SON để gọi tên xưởng mới lập.
-BA SON do chữ RÉPARATION (sự sửa chữa). Chổ này vốn là nơi sửa chữa tàu biển.
-BA SON do BASSIN DE RADOUB (ụ sửa chữa vỏ tàu) do Pháp xây dựng để sửa chữa các loại tàu: tàu buôn, tàu chiến ở Đông dương, khỏi đem về tận bên Pháp để làm việc đó.
*-theo An Chi (trong Chuyện Đông Chuyện Tây), BA SON phiên từ chữ Pháp BASTION (pháo đài)
Anh gặp em chưa kịp trao lời,
Kiểng Ba Son đổ , rã rời nhau ra.
BÀ CON (dt ) :
1-người có dính dáng huyết thống với mình, bên nội cũng như bên ngoại, gần cũng như xa.
Vd:bà con gần bà con xa; bà con bên nội; bà con bên ngoại.
“Đổi bà con xa để lấy láng giềng gần”
Uổng công anh chùi nhạo súc bình,
Đến chừng anh tới, phụ mẫu nhìn bà con.
2-từ mà người ta hay dùng để biểu lộ sự thân mật giữa người nói chuyện và người nghe:
Vd: Kính thưa bà con cô bác…
Hoặc diễn tả sự gần gũi của người và người trong một khu vực nào đó
Vd: Bà con trong xóm cho tôi hay tin đó.
BÁ TÒNG( HV ) ( dt ):
:tên hai loại đại mộc sống lâu năm. Cả hai đều thuộc họ tùng CUPRESSACEAE
-Bá (đ.ng: Bách): trồng ở vùng cao như rừng vùng Đà lạt, gỗ dùng làm nhang thơm, đồ mỹ nghệ.
-Tòng (đ.ng: Tùng): đại mộc vùng khô núi cao. Tòng bá lá bốn mùa vẫn xanh. Vì thế, người ta dùng tòng bá để tượng trưng cho khí tiết cao khiết của quân tử trượng phu.
Chẳng khác gì nàng công chúa Quỳnh Nga mà chàng còn hổng chịu,
Em đây một người bần y tiện sĩ, cấy thuê gặt mướn, đâu có xứng bá tòng với anh.
BẢ LẢ:
1-lả lơi, sổ sàng,
2-(cn: dã lã) - nói đẩy đưa cho qua chuyện để giảm bớt sự căng thẳng.
Chuồn chuồn đậu ngọn cau tơ,
Em cười bả lả, em ngờ duyên anh.
BẠC (1):
:tiền tiêu hàng ngày
Thông ngôn ký lục, bạc chục không màng
Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay.
*-bạc cắc:
a)-bạc vụn, món tiền bằng xu cắc nhỏ hợp lại.
b)-(ngh.r): món tiền nhỏ.
Vd: làm nghề đó là lượm bạc cắc, biết chừng nào lấy vốn được.
*-bạc đồng: (cn: đồng bạc) -tiền đúc bằng hợp kim có mệnh giá từ một đồng trở lên do Ngân hàng nhà nước phát hành song song với tiền giấy.
Bạc đồng em từng thấy, bạc giấy em từng cầm,
Bớ anh ơi! Mở lòng rộng rãi sắm cây dù đầm cho em.
*-bạc hai mươi:
a)-lối cho vay bạc cứ một trăm đồng thì con nợ phải trả hai mươi đồng lời trong một tháng,- lối cho vay này cũng được gọi là xanh xích đít đuôi (P: cinq six dix douze: năm sáu, mười mười hai có nghĩa là năm đồng vốn thì cà vốn lẫn lời là sáu, mười đồng vốn thì cả vốn lẫn lời là mười hai đồng.)
b)-(ngh.r): vay hoặc cho vay tiền với lãi suất cắt cổ .
Rửa tay cho trắng, ngắt ngọn rau đắng cho tươi,
Hỏi bạc hai mươi chuộc miệng em cười.
*-bạc trăm:
a)-vào thời Pháp thuộc, tờ giấy xăng (P:cent : trăm), hoặc giấy bộ lư tức tờ giấy một trăm đồng có in hình bộ lư có mệnh giá lớn. Dân nghèo cầm tờ giấy xăng ra chợ thì lập tức lính tới hỏi.
b)-(ngh.r):món tiền lớn .
Vợ chồng xa, nhứt chết nhì đau,
Tui uống thuốc bạc trăm không có hết.
hoặc:
Má ơi! Con má hư rồi,
Còn đâu má gả, má đòi bạc trăm.
BẠC ( HV ) ( 2) :
: (tt)- mỏng, ít oi, thiếu thốn
Bước lên cầu ván cong vòng,
Thấy em ở bạc trong lòng hết thương.
(ở bạc: ăn ở không tình nghĩa)
*-bạc ngãi / bạc nghĩa: ăn ở không có tình, quên cả những gì người khác đã làm cho mình
Cha mẹ biểu em ưng, em đừng mới phải,
Em nỡ lòng nào bạc ngãi bỏ anh.
*-bạc tình: ăn ở không chung thủy, giữa chừng ruồng bỏ người thương yêu mình.
Bớ anh chung tình,
Em thương anh để dạ, sợ anh bạc tình bỏ ai.
Trong văn chương người ta dùng luôn chữ BẠC và dùng luôn cả nghĩa của nó là mỏng
a)-Bạc đi với bẽo .
- so sánh BẠC với VÔI. Nhưng nếu xét kỹ, đây là một cách nói theo thói quen; không phải vì Bạc là mỏng manh thiếu thốn và Vôi là chỉ vật màu trắng.
Phận sao phận bạc như vôi,
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
(Truyện Kiều)
Vì đâu nên phải bị lầm vôi
(Trần Tế Xương)
Ý tác giả muốn nói “lầụm thứ bạc tình bạc nghĩa”
b)-có nghĩa là mỏng
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
Khuôn thiêng biết có vuông tròn mà hay.
(Truyện Kiều)
Ngỡi nhơn mỏng dánh tợ cánh chuồn chuồn,
Khi vui nó đậu khi buồn nó bay.
Khi chữ “mỏng” được dùng thay cho chữ “bạc”, nghĩa có vẻ mơ hồ và không súc tích. Cụm từ “phận mỏng cánh chuồn” không lột tả hết những lao đao lận đận của kẻ phận bạc. Và cụm “mỏng dánh tợ cánh chuồn chuồn” không cho ta thấy hết thói bạc tình bạc nghĩa của người đời.
BẠC (3):
- HV bác (lối chơi cờ ngày xưa, nay dùng để chỉ bài bạc).
Anh đi ghe rổi chín chèo,
Bởi anh thua bạc, nên nghèo nợ treo.
BẠC (4):
- HV bạch (trắng)
: màu trắng.
*-bạc đầu (cn: đầu bạc):
a)- tóc trên đầu màu trắng
Tiếc cây mía ngọt mà sâu,
Tiếc cô gái tốt bạc đầu khó coi.
b)- tuổi già
Dế kêu cho giải cơn sầu,
Mấy lời em nói, bạc đầu không quên.
BẠCH ( HV bạch: màu trắng ).
:màu trắng; sắc trắng.
Ngó lên chùm mây bạch,
Ngó xuống lòng lạch thấy con cá chạch đỏ đuôi.
BÀI CÀO :
:một lối chơi bài của bộ bài tây 52 lá. Người làm cái chia cho mỗi tay con ba lá. Aên hay thua tùy theo các lá bài mình có trong tay.
- ba tây là bài lớn nhứt
- mười nút là nhỏ nhất (còn gọi là bù)
- lớn nút hơn thì nhỏ nút hơn
Vd: chín nút thì ăn tám nút, nhưng thua ba tây
Chia bài xong, các tay con đồng loạt lật bài lên. Cái coi bài mình để chung tiền cho các tụ lớn hơn và hốt tiền của những tụ thua mình.
Thiếu chi những chị má đào,
Họ mê bài phé, bài cào, anh thất kinh.
BÃI :
1. chỗ cát hoặc bùn còn thấp được tạo ra do phù sa bồi đắp.
Nước ròng bỏ bãi xa cừ,
Mặt em có thẹo anh trừ đôi bông.
2. đống sền sệt, chài bài ra trông thấy gớm
*- bãi cứt: bãi phân
Đồ chua ai thấy cũng thèm,
Bãi cứt chèm nhèm ai thấy cũng ghê.
*-bãi cứt trâu: bãi phân trâu.
Tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại,
Như bông hoa lài cặm bãi cứt trâu.
*-bãi đờm dãi: đống đàm nhớt trong miệng khạc ra
*- bãi nước miếng: bãi nước bọt
*- bãi trầu: đám trầu cau vôi thuốc sền sệt nhả ra sau khi ăn
BẢI BUI :
- -( Bui: cách ký âm cổ của chữ VUI trongTự điển Việt Bồ La; bải: phối ngữ âm ).
: (cn: đãi bôi) -Vui vẻ, niềm nở với mọi người
Thương em thương dạng thương hình,
Thương lời ăn tiếng nói, thiệt tình không bải bui.
BAY:
-cn: phai
:(màu sắc) trở nên lợt và từ từ mất đi
Biểu em đừng thấy giàu có mà ham,
Giả như cây vải nhuộm chàm mau bay.
BAN ( HV ban: tên một thứ bệnh )
: bệnh thương hàn
*-ban cua: bệnh thương hàn nhập lý ( fièvre typhoide) do một loại vi khuẩn trong đường ruột. Bịnh nhân sốt cao mê man cả ngày, cảm thấy đau nhức khắp mình mẩy, cổ họng đau, miệng đắng và hôi khó ăn uống. Lưỡi đóng bợn trắng và nổi lên những mụt nhỏ lấm tấm khắp lưng và bụng.
Kể từ hồi em đau ban cua lưỡi trắng, miệng đắng cơm hôi,
Tiếc công anh đỡ đứng bồng ngồi,
Bây giờ em vinh hiển, em bắt anh bán nồi làm chi.
BAN SƠ ( HV ):
- Ban: lần, lúc, chuyến; sơ: mới chớm, mới bắt đầu.
: lúc đầu, giai đoạn đầu tiên
Dạy con dạy thuở còn thơ,
Dạy vợ từ lúc ban sơ mới về.
BÁN RAO:
-Đ.ng: rêu rao.
: nói cho mọi người biết cái xấu của người khác.
Trách lòng quân tử bia danh,
Chơi hoa rồi lại bẻ nhành bán rau.
BẠN :
1-người không họ hàng bà con với mình nhưng thường gặp gỡ lúc đi lại, làm việc, có thể cùng chí hướng hoặc sở thích.
Lên xe nhường chỗ bạn ngồi,
Nhường nơi bạn dựa, nhường lời bạn phân.
Ghép:
*- con bạn: dùng như đại từ nhân xưng ngôi ba, chỉ người bạn gái
Chim chuyền nhành ớt líu lo,
Mảng sầu con bạn, ốm o gầy mòn.
*- bạn lan: (HV: lan hữu) -người bạn quân tử đáng quí như hoa lan
Một mai trống lủng khó hàn,
Dây dùn khó đứt bạn lan khó tìm.
*- bạn mình: đại từ nhân xưng ngôi hai, dùng với vẻ thân mật.
Bớ bạn mình ơi! Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa,
Canh ba tôi nói sáng, ông trời trưa tôi nói chiều.
*- bạn ngọc: người bạn quí, tốt đẹp như ngọc
Mặt đất láng quyên tự nhiên cây cỏ mọc,
Bởi phận tôi nghèo, bạn ngọc có đôi.
*- bạn vàng (do HV kim hữu hoặc kim bằng): người bạn quí.
Khăn tay lau nước mắt bạn vàng,
Khuyên anh đừng rơi luỵ giữa đàng em khó phân.
2-dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai.
Muốn cho nhơn nghĩa đạo đồng,
Tôi đây thương bạn như chồng bạn thương.
3-người giúp việc.
*-bạn ghe chài: công nhân làm việc cho chủ ghe chài, lãnh việc chèo chống hoặc bóc xếp hàng hoá.
Anh đừng ham làm bạn ghe chài,
Cột buồm cao, bao lúa nặng, đòn dài khó đi.
BÀNG :
-t.k.h: Lepironia articulata, Epironia, họ Lác Cyperaceae.
: (thực):loại cây mềm, bộng ruột, có ngấn ngang, cao quá đầu người, mọc hoang ở vùng ruộng ngập nước,ở các trũng phèn,nhiều nhất ở vùng Đồng Tháp,Hà Tiên.Người ta cắt bàng về phơi cho ráo rồi giã cho cây giẹp rađể đươn đệm, nóp hoặc bao cà ròn.
Chàng đi cắt bàng cho nàng đươn đệm,
Mãn mùa rồi bán đệm chia hai.
BÁNH BÈO :
:Bánh làm bằng bột gạo hoặc bột lọc lỏng đổ vào chén hoặc khuôn tròn nhỏ hấp chín. Khi ăn, người ta rắc nhụy tôm chấy hoặc nhân đậu xanh lên trên.
Nợ treo mặc kệ nợ treo,
Em bán bánh bèo, trả nợ nuôi anh.
BÁNH BÒ:
:tên lọai bánh bột hấp xốp và dai.Bánh bò làm bằng đường thùng,đường thô
thì có màu vàng đậm.
Hai tay bưng quả bánh bò,
Giấu cha,giấu mẹ cho trò đi thi.
*-bánh bò bông: bánh bò có màu trắng tinh như bông làm bằng đường cát trắng.
Vái ông Tơ một dĩa bánh bò bông,
Cùng bà Nguyệt lão gắng công xe giùm.
BÁNH CANH:
:bánh làm bằng những sợi bột gạo dài to bằng đầu đũa nấu với thịt. Đây là món ăn giống như hũ tíu, phở.
Áo vắt vai chạy dài xuống chợ,
Xin ba đồng tiền trả nợ bánh canh.
BÁNH ĐÚC :
:bánh bột gạo pha ít nếp xay nhuyễn để vào khuôn hấp. Người ta thường ăn bánh đúc với nước đường thắng kẹo.
Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng.
BÁNH HỎI:
:bánh làm bằng bột gạo xay nhuyễn,ép qua khuôn thành sợi nhưng sợi nhỏ
hơn cộng bún.
Nước mắm ngon dành ăn bánh hỏi,
Qua thương nàng mòn mỏi mấy năm.
BÁNH ÍT :
-cv: Bánh ếch
:Loại bánh bằng bột nếp bọc cục nhưn / nhân (tôm thịt, đậu xanh hoặc dừa) gói trong lá chuối và hấp chín. Riêng bánh ít trần không bọc trong lá.
Bánh nhiều lắm, sao gọi là bánh ít?
Chuối non nhớt, sao lại gọi chuối và?
*-bánh ít ngọt: bánh ít gói bằng bột nếp pha đường.
BÁNH MÌ TÂY:
: loại bánh làm bằng bột mì nướng nổi xốp du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19.
Dao vàng cắt bánh mì Tây,
Dầu anh thương vô hạn, cha mẹ rầy cũng thôi.
BÁNH PHỒNG :
:Bánh làm toàn bằng bột nếp xôi trong chõ, bỏ vào cối quết nhuyễn, vò thành cục tròn như viên chè rồi cán mỏng phơi khô. Khi được nướng trên lửa, nhất là lửa ngọn, bánh sẽ phồng lên, dày lên và chuồi to ra. Trước đây, khoảng thập niên 1950, khoảng hai mươi tháng chạp âm lịch, nhà nào cũng quết bánh phồng để ăn Tết.
Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, măng cụt Hàm Luông.
Ngoài loại bánh phồng nếp, vừa kể, còn có:
*- bánh phồng mì: làm bằng củ mì lột vỏ, cũng xôi trong chõ, đem quết trong cối, vò viên tròn to, cán mỏng và đem phơi.
*-bánh phồng tôm: làm bằng bột mì trộn với bột tôm, bỏ vào chảo mỡ chiên phồng lên.
BÁNH TRÁNG :
:loại bánh làm bằng bột lỏng múc ra đổ trên tấm vải căng trên miệng trả nứơc đang sôi. Khi đã đổ bột lên mặt vải, người ta lấy cái vá cán dài tráng mỏng bột ra và đậy kín lại. Khi bánh chín, người ta dùng đũa bếp gở bánh ra đem đi phơi.
*- bánh tráng dừa: bột lỏng có trộn nước cốt dừa, thêm mè. Bánh này tráng dày để cúng hoặc ăn chơi.
*- bánh tráng nem: tráng mỏng đem phơi sương cho dịu, dùng để cuốn rau, cá, thịt trong tiệc tùng hoặc làm món gỏi cuốn, chả giò.
Nghe anh đi đó đi đây, cho em hỏi vặn câu này,
Bánh phồng bánh tráng đất này đâu ngon?
BẢNH:
-từ này có nhiều nghĩa tùy theo ngữ cảnh
*- bảnh trai: đẹp trai
*-ăn mặc bảnh: ăn mặc sang trọng đẹp đẽ
*-nói năng bảnh: khôn khéo trong việc ăn nói
Vậy, BẢNH diễn tả nét đẹp hoặc tánh tốt nổi bật hơn người.
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.
Ghép:
*-bảnh bao: (Nam bộ ít dùng trong văn nói)
*- bảnh tỏn / bảnh tẻn (với ý mỉa mai)
Vd: Nhờ có bộ đồ vía mà đã lên đời ! Coi bảnh tẻn quá!
BAO ( HV ):
:bọc một lớp bên ngoài để bảo vệ vật bên trong.
Ngó lên đầu tóc em bao,
Chéo khăn em bịt, dạ nào chẳng xiêu.
Bao ở đây có nghĩa là bao lưới cái đầu tóc. Sau khi bới xong đầu tóc, người ta dùng một túi lưới nhỏ bọc đầu tóc lại cho đẹp và khỏi bung mối.
BAO GIỜ :
1-dùng trong câu hỏi hay trong câu nói thường, có nghĩa là chừng nào, khi nào, tới khi nào.
Bao giờ Chợ lớn hết vôi,
Em đây hết đứng hết ngồi với anh.
2-bao giờ có thể dùng kèm với một mệnh đề
a)- diễn tả nghịch lý:
Bao giờ đá nổi vông chìm,
Muối chua chanh mặn mới tìm đặng em.
b)-diễn tả một ước mơ, một mong mỏi:
Bao giờ cho đặng sum vầy,
Giao hoan đôi mặt dạ này mới vui.
BAO LỚN:
:đâu có lớn bao nhiêu.
Em chớ thấy anh bé nhỏ mà sầu,
Con ong kia bao lớn, nó chích trái bầu cũng eo.
BAO NHIÊU …BẤY NHIÊU
:lối so sánh đôi trong tiếng Việt, có nghĩa là càng nhiều chừng nào thì …thì càng nhiều chừng ấy.
Cây da trước miễu, ai biểu cây da tàn,
Bao nhiêu lá rụng, anh thương nàng bấy nhiêu.
BAO THUỞ:
:chẳng mấy khi, biết chừng nào.
Hoa tàn thì mặc hoa tàn,
Bao thuở gặp nàng mà biểu anh buông?
hoặc :
Nhạn về biển bắc nhạn ôi,
Bao thuở nhạn hồi để én đợi trông?
BÀO :
1-gọt lấy bớt lớp ngoài của vật gì để cho nó được trơn láng.
Má ơi ! Con muốn lấy anh thợ bào.
Trườn lên tuột xuống, nhát nào cũng êm.
2-(ngh.b): đau đớn nhiều trong gan ruột
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em thương lại chút nào hay không.
BÁO BỔ SANH THÀNH (HV: ):
-(Báo: đền đáp. Bổ: bồi đắp cho đủ. Sanh: đẻ ra. Thành: nuôi dạy cho nên người).
:Bổn phận con cái là báo đáp công ơn cha mẹ đã sanh thành ra mình và dày công nuôi dạy mình nên người.
Anh về báo bổ sanh thành,
Chừng nào bóng xế rũ mành sẽ hay.
BÁO NGÁO BƠ NGƠ:
-cn: bơ ngơ báo ngáo; ngơ ngáo.
: có vẻ mặt lơ láo, chẳng hiểu biết chi cả ngay dù cố đảo mắt nhìn quanh để tìm hiểu mọi thứ.
Cô hai ở vậy thì xong,
Cô ba không chồng báo ngáo bơ ngơ.
BÀU :
:Vùng đất rộng, thấp trũng, nước đọng quanh năm. Người ta thường dùng bàu để thả cá, trồng rau nhút, rau muống hoặc ấu.
Nứơc bưng bậu không uống, bậu uống nước bàu,
Chê đây lấy đó, ai giàu hơn ai?
BẢY PHỦ:
- HV: thất phủ.
-cg: bảy bang.
1- bảy sắc dân Hoa kiều sinh sống tại Việt Nam. Mỗi bang hội gồm những người nói cùng một thứ tiếng và ở cùng một tỉnh.
2-( ngh. b ): chỉ một phạm vi rộng lớn.
Vd: người ăn cơm bảy phủ: người đã đi nhiều nơi, thấy nhiều biết nhiều, lịch lãm trong cuộc sống.
Ví dầu đèn tỏ hơn trăng,
Trăng soi bảy phủ, đèn chong một nhà.
Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét