Profile Visitor Map - Click to view visits

Nhớ Chiếc Áo Dài Xưa

(Tặng khách hành hương về nguồn)

Yêu em từ kiếp nào
Gặp em chừng lâu lắm
Nét tha thướt ấp ủ làn hơi ấm
Tà áo bay in đậm dấu thời gian
Gà gáy trưa, thôn cũ nắng tràn
Áo chẹt vá quàng - Giọng ầu ơ của mẹ
Gió thoảng lướt, nhịp võng trưa đưa nhẹ
Thế giới huyền mơ chợt ghé miên man
“Trầu lên nửa nọc trầu vàng
Thương cô áo chẹt, vá quàng nửa lưng”

Những mùa xuân tiếp nối những mùa xuân
Bước thơ ấu ngập ngừng hoa với mộng
Nẽo trước thênh thang – Dòng thời gian trải rộng
Cụm đất nghèo vắng bóng những niềm vui
Cuống rún lìa xa, tấc dạ bùi ngùi
Chiếc áo vá quàng, cuộc đời đen như đất
Cô thôn nữ mãi lũ lam đời chật vật
Tre sau nhà cao ngất đứng mỏi mòn
Đời xuôi mau - Người mất, áo chẳng còn
Bùn nước đọng, gót chân son là dĩ vãng

Tim rộn rã, muốn tâm tình trút cạn
Có người tìm cô bạn Gia Long
Cô gái trường áo tím ngày xưa
Trong nắng ấm má hồng
Giờ tóc dệt màu bông
Mà tà áo vẫn bình bồng trong tâm tưởng


Đã biết yêu mà hồn còn rất ngượng
Chiều hoài hương – Chân lạc hướng đất người
Nửa tháng cháo chợ cơm hàng –
Ròng rã đếm mưa rơi
Tay úp mặt – Ôm mảnh đời lưu lạc
Núi Ngự mờ sương – Dòng Hương trong vắt
Cầu Trường Tiền xa lắc sáu vại dài
Khói sóng hoàng hôn – Lòng chợt ấm chiều nay
E ấp nón bài thơ, thướt tha tà áo dài Đồng Khánh
Gót viễn xứ, chiều Cố Đô lành lạnh
Dạ nhuốm vui, khóe mắt rịn giọt sương
Gác trọ nghèo lóng gà gáy tha hương
Bóng nhòa nhạt hắt lên tường cô độc

Cuộc chinh chiến lê chuỗi ngày thảm khốc
Tình vù bay, cắt ngang dọc bạn, thù
Giữa trưa hè sụp bóng tối âm u
Lá lả tả dù ngày thu chưa tới
Trời đất rộng bom cày đạn xới
Màu áo xưa bay vội đỉnh mây mù
Cấy đông ken đêm lạnh hoang vu
Nơm nớp sợ trận đổ dù, phục kích
Cô gái quê cầm lồng đèn, ôm tập sách
Lớp i tờ - Trường dừng vách lá chằm
Tai ngóng nghe đạn pháo réo gầm
Miệng lẳm nhẳm thì thầm bài mới học
Gọn trang phục, gọn chân tay đầu tóc
Có mơ gì cái hình vóc thướt tha
Bọc lụa nhung ngũ sắc của Hằng Nga
Chiếc áo dài là tinh hoa nét đẹp

Đã hết rồi hận thù và sắt thép
Nới rộng tay làm mà vẫn hẹp miếng ăn
Đời đương cần lưng thớt bắp tay săn
Thiên hạ nghĩ: “Đẹp đâu bằng có ích”
Quần chặm vá, mảnh áo thô nặng trịch
Dép kéo lê la thanh lịch đời người
Chóng qua rồi cái thập kỷ bảy tám mươi
Vũng nông hẹp, ta khóc cười lặn hụp
Xó bếp vắng, con chó già ẩn núp
Chường mặt ra sợ bị chụp, bị vồ
Cài chặt then, sợ ruồi muỗi bay vô
Gặm nhắm mãi khúc xương khô meo mốc
Cô giáo trẻ bước vào lớp học
Bận quần tây, áo cộc hở mông đùi
Chiếc áo dài ơi! Ta tiếc mãi khôn nguôi
Sống giữa đám mù đui nghệ thuật
Kẻ hiểu biết lặng câm – Mà nỗi lòng u uất
Người ngu si theo lốc trốt cuốn đi
Dạ, dạ, vâng lòng chẳng nghĩ suy
Dạ non nớt biết gì là nét đẹp

Óc hủ lậu, được một thời cũng đẹp
Bay xa rồi cảnh mắt khép tay che
Mở toang hoác cửa ra – Gió lộng tư bề
Bốn biển năm châu - Lối đi về muôn nẽo
Đã mười năm theo chân người lẻo đẻo
Nay rực rỡ hào quang thần diệu giống Tiên Rồng
Thổ Cẩm muôn màu, gấm Thái Tuấn, lụa Hà Đông
Đưa lên đỉnh chiếc áo dài của giống dòng Lạc Việt

Hải Chu 08-03-2002


Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Phương Ngữ-01/ Thay Lời Tựa


Thay Lời Tựa


Tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân miền Trung Nam bộ. Cơn mưa dông đầu mùa đến trong cái nắng oi nồng tháng ba âm lịch với tiếng trống chầu cúng lễ Kỳ yên còn phưởng phất hương dìu dịu của bông bạch mai của ngôi đình cổ. Dang đầu trần ra ruộng hớt cá lia thia về nuôi lũ khũ chờ ngày đá độ với tụi bạn, bắt bọ rầy nứt đất nhốt một hũ, cho hai con dế đá nhau trong cái lít đong gạo. Tất cả đều tạo cho tôi chiếc gối nhung êm mượt của một chút gì để nhớ thời quá khứ nay đã quá xa xăm.

Rồi tôi lại tạm giã từ cuộc sống ruộng rẫy tuỳ thuộc cái khí hậu mưa nắng hai mùa đã một thời gắn bó. Đi học xa nhà trong cảnh gạo chợ nước sông, bên con rạch nhỏ chảy ra Cầu quay Mỹ Tho, tôi bắt đầu thấy mình cô đơn lạ giữa đất khách quê người. Trọ trong ngôi nhà ọp ẹp cạnh bờ lá dừa nước rậm ri, trời sẫm tối là muỗi mòng như vãi trấu, bù mắt cắn sần tay chưn lúc nước ròng sát, nước sông nhửng lớn chảy vào được báo hiệu bằng tiếng con bìm bịp, tôi nằm đong đưa nhịp võng học bài, lại nghe bên nhà hàng xóm điệu ru con não nề hoà quyện trong nước mắt của người thiếu phụ:

Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.

hoặc:

Má ơi! Con vịt chết chìm,
Thò tay xuống vớt, con cá lìm kìm nó cắn tay con.

Bây giờ, có đi xa xôi mấy, tôi vẫn bàng hoàng nhớ lại vẻ mặt đượm buồn của người thiếu phụ trẻ mắt dõi phương trời nào với một tâm tình u ẩn, nghẹn ngào trong điệu hát ru. Con bìm bịp ngày xưa, con cá lìm kìm thuở trước chắc chắn không còn, người đã gieo vào lòng tôi cái buồn rười rượi của hơi gió thoảng ca dao bên con rạch nhỏ, bây giờ nếu còn sống, cũng xấp xỉ độ tuổi tám mươi.

Thời gian trôi qua lẹ như tên bay ngựa chạy. Ngôn từ, hình ảnh ngày xưa được dùng trong ca dao lần lần bị lớp bụi thời gian phủ mờ, rồi đây sẽ bị phôi pha chìm trong quên lãng.

Vùng đất Nam bộ có những nét đặc trưng lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nơi đây, trước khi người Việt đầu tiên đến khai hoang lập ấp, đã có những cư dân bổn địa đã sinh sống từ lâu và đã tạo ra các nền văn minh rực rỡ như văn minh Óc Eo, Phù Nam. Những người Việt đầu tiên đặt chân trên mảnh đất này từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh đã mang theo phong tục tập quán của vùng đất quê hương nơi họ khóc chào đời. Họ làm việc sinh sống chung đụng với cư dân sở tại, ngôn ngữ và phong tục biến đổi từ từ cho phù hợp với hoàn cảnh địa lý, môi trường sống. Các từ đặc trưng của riêng họ như mô, tê, răng, rứa rơi rụng từ từ để tiếp nhận thêm số từ tương đối lạ trong buổi đầu tiếp xúc như cà ràng, bao cà ròn, ghe cà vom. Pháp có mặt ở Việt Nam đã" rút ruột vương tam phân thiên hạ", biến Lục tỉnh Nam kỳ thành thuộc địa, đặt miền Bắc dưới chế độ bảo hộ và đất Trung kỳ được xem như hoàng triều cương thổ , vùng đất đai tự trị của vua chúa nhà Nguyễn. Việc tổ chức xã hội mỗi vùng đều có nét riêng biệt của nó và ngôn ngữ hành chánh cũng vì thế mà không giống nhau. Ông Chánh, ký lục, thông ngôn, cu li, ghế phô-tơi lần lần trở nên quen thuộc.

Người Mãn chiếm lĩnh Trung nguyên , lập nhà Thanh, đẩy vương triều nhà Minh vào bóng tối muôn thu của lịch sử. Người Minh hương vào Cù lao Phố Biên Hoà. Những bầy tôi nhà Minh như Mạc Cửu thần phục chúa Nguyễn khai thác đất Hà Tiên, Dương Ngạn Địch vào Mỹ Tho. Cư dân Lục tỉnh lúc đó lại bắt đầu làm quen với hồng bao lì xì, cái dầu châu quải, tô hủ tíu, dĩa xiếu mại của chú chệc, thím xẩm.

Khi đất nước chia đôi vào năm 1954, hai chế độ chánh trị có cách tổ chức hành chánh khác nhau là lẽ đương nhiên và do đó, miền Nam cũng có ngôn ngữ hành chánh riêng biệt.
Bao nhiêu biến cố lịch sử xảy ra đều phát sinh ra ngôn ngữ cần thiết cho biến động đó.

Tôi muốn ghi vội ra đây vài hình ảnh qua các câu ca dao với ý nghĩa sơ sài của nó để người đọc có thể hình dung ra bóng dáng nhạt nhoà của tâm tình cùng nếp sinh hoạt của lớp người đã sống trên vùng đất Nam bộ.

Những từ ngữ được đưa vào sách, ngoài những từ đặc biệt mang đậm nét địa phương , cũng có những từ vốn dĩ rất thông thường nhưng được diễn tả với nét đặc trưng của nó. Có những từ chỉ chim chóc, thú vật hoặc cây cỏ, nếu được sử dụng trong ca dao, tôi cũng đưa vào. Tuy vậy, chúng ta cũng phải công nhận rằng việc sưu tập ca dao quả rất khó khăn. Có những câu mang ý nghĩa tương tự và có những câu có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau. Ví dụ:

Nhức đầu, dặt lá bòng bong,
Tội trời tôi chịu, thương chồng hơn anh.

và:

Nhức đầu, dặt lá trường sanh,
Tội trời tôi chịu, thương anh hơn chồng.

Như vậy, chúng ta buộc phải chấp nhận cả hai cặp câu với hai ý nghĩa tương phản nhau. Hơn nữa, có một vài trường hợp, các học giả sưu tập ca dao ghi đúng theo cách phát âm của các nghệ nhân. Thành thử, các câu đó có thể sai ý .

Vd:
Tấm vách nát mưa luồn gió tạt,
Cảm thương nàng tạm bạt mái lều tranh.
( Chúng tôi xin mạn phép sửa tạm bạt thành đạm bạc)
Có nhiều câu cũng vì lối đọc thư giãn của người Nam bộ mà bị viết sai chánh tả.

Vd:
Phụng xa lang còn than còn thở,
Vợ xa chồng gặp nhau mắc cỡ hỏng dám nhìn.
( Chúng tôi xin mạn phép sửa:
-lang thành ra loan ( chim cùng loại với phụng, có người nói đó là con mái của chim phụng),
-hỏng thành ra hổng (chữ biến trại từ chữ không)
Đối với động vật và thảo mộc, nếu có biết tên khoa học của chúng, tôi mạnh dạn đưa tên khoa học của chúng vào để các vị học giả tiện tham khảo đối chiếu.
Có một ít từ cần nêu rõ nguồn gốc của nó, chúng tôi cũng mạn phép viện dẫn từ gốc của chúng.

Vd:
-ghế tu-nê: (tu- nê- P:Thonet) loại ghế gỗ do hãng đồ mộc Thonet của Pháp đóng bán cho các nước thuộc địa đầu thế kỷ 20.
-gièm - HV: sàm: nói ra nói vào
Trách ai dụm miệng nói gièm,
Cho heo bỏ máng, chê hèm không ăn.

Về từ nguyên, chúng tôi tham khảo Tầm nguyên tự điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ, Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp của Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Đức Dân.

Đối với cây cỏ, chúng tôi tham khảo Cây cỏ Việt Nam của Gs Phạm Hoàng Hộ, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Gs Ts Đỗ Tất Lợi.

Vấn đề chánh tả, chúng tôi căn cứ vào những bộ từ điển biên soạn trước đây và Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quí vị học giả bậc thầy đã dày công biên soạn sách vở mà chúng tôi hân hạnh được tham khảo.

Khi biên soạn tập sách nhỏ này, chúng tôi chắc chắn không tránh khỏi những sai lầm. Kính mong quí vị thức giả cao minh niệm tình chỉ giáo. Chúng tôi trân trọng đón nhận để sửa chữa cho đúng.

Một lần nữa, chúng tôi xin chân thành trọng ơn .

Nam Chi BÙI THANH KIÊN


*
*
*
BẢNG VIẾT TẮT

-dt: danh từ. : (thực): thực vật
-(động): động vật : t.k.h: tên khoa học.
-đt: động từ. : tt: tính từ.
-QĐ: Quảng Đông : ttth: từ tượng thanh
-TC: Triều Châu.


CÁC KÝ HIỆU.

- HV: có gốc từ Hán Việt : - P: có gốc từ Pháp.
- Khmer: từ có gốc Khơ me.





Phương Ngữ- Vần A

A

ÁC (dt):
- HV ô: con quạ.
: lọai chim săn mồi có mỏ, chân và bộ lông đen tuyền.
Vd: - Gởi trứng cho ác (Th.ng)
-Đỉa đâu đỉa đeo chưn hạc,
Ác đâu ác đậu nhành mai.
AI NẤY / AI … NẤY :
-Đ.ng:ai.. người ấy
1-Ai nấy: tất cả mọi người đều
Anh em ai nấy đều thương,
Trời ơi ! Há nỡ đứt đường công danh.
(Lục Vân Tiên – N.ĐC.)
2-Ai … nấy: diễn tả một ý tưởng đơn lẻ riêng biệt cho từng cá nhân
Ruộng ai thì nấy đắp bờ
Duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công
* “Ai…nấy” còn diễn tả thái độ thờ ơ, lạnh nhạt của kẻ khác
Cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở
* Nếu kèm chữ “mạnh” với một động từ, chữ “ai nấy” diễn tả hành động buông lung, thiếu tổ chức, thiếu đoàn kết và chỉ lo cho cá nhân.
Khi chìm ghe, mạnh ai nấy lội
Khi công ty bị phá sản, mạnh ai nấy lo công ăn việc làm cho mình
ÁN (HV: :che, ngăn)
: che khuất đi.
Ngó lên trăng sáng,
Mây án con trăng lờ,
Dẫu gì, anh cũng đợi chờ duyên em.
*-án bàn tổ:
a)-đứng che khuất bàn tổ khiến cho người thầy bói xủ quẻ không linh nghiệm.
b)-(ngh.b): đứng chàng ràng khiến người khác không làm việc được.
*-án bóng:che khuất ánh sáng làm cho người khác không thấy đường.
-đứng án bóng
ÁO ( HV: áo: lọai áo ngắn và chật. Aùo rộng và dài được gọi là bào ) (dt):
- :Trang phục bằng vải che nửa thân trên
Áo vắt vai chạy dài xuống chợ
Xin ba đồng tiền trả nợ bánh canh
*-áo bà ba:Áo ngắn, vạt áo phủ mông, tay dài, từ cổ xuống ngực và bụng có đơm sáu nút. Aùo bà ba của đàn ông thì may rộng rãi và áo bà ba phụ nữ thường may bó sát thân người hơn và kiểu cọ hơn.
Thấy em bận áo bà ba trắng,
Anh muốn gắn chữ duyên,
Rủi may sau lưu lạc, anh tìm em khỏi lầm.
*-áo bành tô: (- P: paletot): Loại áo may theo kiểu Tây phương, bằng vải dày, tay dài, có bốn túi, nút áo to. Nút có thể đơm dính vào áo hay có thể tháo rời được khi giặt giũ, nhất là nút áo bằng vàng của những người sang trọng.
Áo bà ba cái vắn cái dài
Sao anh không bận, bận chi hoài cái áo bành tô.
*-áo cầu: (cg: áo khinh cừu): áo làm bằng lông cừu nhẹ.
Xưa ông Nghiêm Lăng cày mây cuốc nguyệt,
Quần tả tơi, tận tiệt áo cầu.
*-áo cổ giữa:Aùo bà ba may bằng vải trắng, cổ áo cứng và ló cao lên. Aùo này để bận lót bên trong áo dài. Khi dự cuộc cúng kiếng tế lễ xong, đàn ông cởi áo dài ra và chỉ mặc loại áo này nếu dự tiệc với người thân quen.
Đi về mua lụa mười ba,
Cắt áo cổ giữa, em tra nút vàng.
*-áo chẹt: (chẹt: chật hẹp): áo vắn, tay cụt, không xẻ đinh cụt bên hông, bận lót trong khi mặc áo dài.
Trầu lên nửa nọc trầu vàng
Thương cô áo chẹt, vá quàn nửa lưng .
*-áo dà:
a-áo nâu của người tu hành.
Chồng con chi nữa rầy rà,
Vai đeo chuỗi hột, áo dà đi tu.
b)-(động): tên một loại chim nhỏ có bộ lông màu dà, mỏ ngắn nhưng rất sắc bén, sà xuống từng đàn trong các đám mạ lúc sa mưa dông.
*-áo hoa cà:áo màu tím như màu hoa cà.
Cô kia bận áo hoa cà,
Dung nhan sắc sảo, mặn mà có duyên.
*-áo song khai: áo xẻ hai tà.
Cha mẹ sanh anh là trai,
Anh bận áo song khai, quần lai lá hẹ,
Nỡ lòng nào anh bỏ mẹ theo em?
*-áo mê: áo rách chỉ còn một mảnh.
Ngày đi khăn nhiễu áo the,
Ngày về, nón rách áo mê không buồn.
*-áo tơi: áo chằm bằng lá dùng để mặc che mưa.
Trời mưa thì mặc trời mưa,
Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi.
*-áo thùng: áo rộng mặc ngoài áo trảm thôi khi để tang cha mẹ.
Tay mang khăn chế áo thùng,
Đầu đội chữ hiếu, tay bồng con thơ.
*-áo vá quàn: (áo dài) vá nửa thân bằng một vải khác màu. Aùo chỉ dành cho người nghèo mặc.
Khuất đám đưng, dòm chừng đám sậy,
Bớ cô bận áo vá quàn, dứng dậy tôi coi.
ẴM (đt):
-Đ.ng: bế.
:choàng tay để bế xốc lên.
Con thơ tay ẵm tay bồng,
Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông.
*-ẵm nách: choàng tay ôm ngang lưng để nó kẹp vào hông mình bằng hai đùi
*-ẵm ngửa: lấy một tay choàng qua bụng đứa bé, một tay bợ dưới hông nó và giữ nó trước ngực mình.
ĂN ẢNH:
:có hình chụp đẹp hơn dáng vẻ thật sự của mình ở đời thường.
Mặt mũi vui tươi, thì dễ ăn ảnh,
Nửa đêm lanh lảnh, tiếng vạc ăn sương.
ĂN BÀNG:
: mọc đâm ngang, không ăn sâu xuống đất,-thường dùng để chỉ cách phát triển của rễ cây.
Mù u rễ nhỏ ăn bàng,
Anh đừng nói gạt qua đàng bỏ em.
ĂN BÒN :
:tham lam ăn phần của người khác từng chút một.
Người không lịch thiệp,
Ăn nói vụng về.
Giàu có phủ phê,
Còn ăn bòn mót.
ĂN CÁM SÚ:
1-ăn cám trộn rau đổ trong máng dành cho heo ăn.
2-tiếng mắng người mình cho là ngu si.
-đồ ngu ăn cám sú!
Ăn càn nói bướng
Là đứa du côn,
Mắc mưu thằng khôn,
Đồ ăn cám sú.
ĂN COI NỒI, NGỒI COI HƯỚNG:
1-ăn phải coi nồi còn có đủ cơm dành cho mình không khi mình được mời ăn hoặc khi ăn phải để dành phần đủ cho người ăn sau mình; ngồi phải lựa đúng hướng thuận lợi để làm việc được tốt hoặc lựa chỗ phù hợp với địa vị của mình.
2-(ngh.r): cẩn trọng dè dặt khi làm một việc gì.
Ăn phải coi nồi,
Ngồi thời coi hướng.
Aên càn nói bướng
Là đứa du côn.
ĂN CÔNG KÝ:
: thông đồng và bao che với nhau làm chuyện bậy.
Chuyện đã lỡ rồi, vì ăn công ký,
Hở ra một tí, ngồi đợi ăn chia.
ĂN CƠM HỚT:
1-ăn lớp cơm dùng vá hớt mặt trên cùng.
2-(ngh.b): (cn: hướt) - giành nói trước việc người ta không cần mình nói.
Bị hà ăn chưn,
Vì dầm dưới ruộng.
Người không tự trọng,
Ăn cơm hớt hoài.
ĂN CHƯA NO, LO CHƯA TỚI:
:chưa biết cách để ăn đủ no và chưa biết cách để suy nghĩ cho đạt tình thấu lý,-câu thành ngữ này chỉ bản chất của trẻ con.
Tuổi ăn chưa no, thì lo chưa tới,
Con nít một tuổi thì ăn thôi nôi.
ĂN DƠ:
-cn: ăn bẩn.
1-ăn những đồ thiu thúi, dơ bẩn.
-Loài cá trê phi ăn dơ và ăn tạp.
2- dùng thế lực đục khoét tiền dân để ăn; kiếm tiền một cách bần tiện.
-Cần phải tránh né,
Các bọn ăn dơ,
Vừa hốt vừa quơ,
Muốn ăn trọn gói.
ĂN ĐỜI Ở KIẾP:
-cn: ở đời.
:sống suốt đời bên nhau,-thường nói về vợ chồng.
Kết tóc xe tơ, ăn đời ở kiếp.
ĂN GIAN:
:dùng thủ đoạn gian xảo để chiếm phần thắng trong cuộc chơi.
Lương tâm sáng tỏ, ăn gian làm gì?
Ăn xổi ở thì, suốt đời nghèo khó.
ĂN HÀNG:
-Đ.ng: ăn quà.
1- ăn bánh trái lặt vặt ngoài những bữa cơm chính trong ngày.
Chợ búa ở gần,
Ăn hàng luôn miệng.
2-(lóng): cướp giựt, đánh cướp một nơi nào.
Vd: Bọn cướp ăn hàng ở tiệm vàng X đêm qua.
ĂN HIẾP:
:ỷ manh, ỷ đông, ỷ có thế lực chèn ép mgười quá đáng.
Tài sức thua người,
Thì bị ăn hiếp
ĂN KÉ:
:ăn nhờ, chia bớt phần ăn của người khác.
Người không chịu làm,
Hay đi ăn ké.
ĂN KHÍN:
:ăn nhờ vào phần ăn của người khác. (xt: khín)
Trong thời giặc giã, thì" khoái ăn sang",
Làm bộ đàng hoàng, lại hay ăn khín.
ĂN MÓNG (đt):
-(cá): ngoi lên và thở/ nhả những bọt khí trên mặt nước
Cá rô ăn móng, dợn sóng dưới đìa,
Chờ người quân tử trở vìa / về kết hôn
ĂN NẰM(đt):
-(trai gái) ăn ngủ chung với nhau như vợ chồng
Anh ơi! Thương thời thương chớ chẳng đặng ăn nằm
Cũng như trái lựu chín còn nằm trên cây.
ĂN NHẬP: liên quan tới, có dính dáng tới.
Chuyện không ăn nhập,
Xin đừng xía vô.
ĂN NHƯ TẰM ĂN LÊN:
1-khi tằm đủ độ lớn sẽ từ nong phía dưới, nơi mà chúng đã ăn những lá dâu xắt nhuyễn, chui lên nong trên có lỗ thưa để ăn những cành dâu để nguyên lá .
2-thành ngữ này dùng để ám chỉ người ăn nhanh và ăn nhiều.
Hết bán hết mua vì ăn hết vốn,
Vừa ăn vừa ngốn, như tằm ăn lên.
ĂN THUA:
:ảnh hưởng tới,-thường dùng với ý phủ định.
Mặc tình la hét cũng chẳng ăn thua,
Lỡ ăn xôi chùa, nên đành ngậm miệng.
*-ăn thua gì= chẳng ăn thua gì: không ảnh hưởng gì nghiêm trọng, không đáng lo lắng.
ĂN TRÉT:
-cn:ăn trớt; ăn trớt ăn trét.
1-lạc ra ngoài vấn đề; không dính dáng vào đâu.
Rào đường bít lối, chẳng chỗ ăn thông.
Nói chuyện lòng vòng, kể như ăn trét.
2-không đạt được kết quả mong muốn.
Vd:Nó chẳng học hành gì nên thi tốt nghiệp ăn trét rồi.
ĂN XONG QUẸT MỎ:
-cn:ăn rồi quẹt mỏ
: được kết quả tốt trong việc làm ăn mà vội quên người giúp đỡ mình.
Người không biết điều,
Ăn xong quẹt mỏ.
ĂNG LÊ (dt-tt):
- P: Anglais.
:thuộc về người Anh, nước Anh
Gió đưa bông lách bông lau,
Gió đưa em bậu xuống tàu Aêng lê.
ÂN OAI ( HV ):
-(Ân: sự giúp đỡ che chở; oai: (Đ.ng:uy) -sức mạnh, vẻ tôn nghiêm cao cả mà người khác phải kính sợ).
: Ở đồng bằng sông Cửu long, khi cúng vái một vị thần nào người ta thường dùng chữ ÂN OAI kèm với vị thần đó.
-Ân oai ông địa, ông táo …
Sau này, vì không rõ nguồn gốc của từ trên, người ta đọc sai là ÔNG NGAI
Vd: ÔNG NGAI ông địa, cho tôi tìm được…
ÂN OAI các đấng cô hồn,
Đuổi con cá nọ chạy dồn ăn câu.
ÂU (HV: )
1-(cg: cái ô, cái rổ ô): vật đúc bằng kim loại, có nắp đậy để đựng cau trầu,
2-(cg: ang, ảng): vật bằng đất nung để chứa nước.
Nước lên khỏi chậu tràn âu,
Qua lo cho bậu làm dâu không tròn.
ẦU Ơ :
:từ mở đầu câu hát đưa em
Ầu ơ! Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Có khi từ này đệm thêm vào giữa câu hát.
Ầu ơ! Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé
Anh mê vợ bé, ầu ơ, bỏ bè con thơ.
*-ầu ơ ví dầu:
a)-chữ ầu ơ ví dầu lặp đi lặp lại khi người hát ru chưa tìm được câu để hát.
b)-(ngh.r):kéo dài ra mãi mà không thay đổi gì, không tiến triển thêm chút nào.
Vd: Tôi nhờ nó giúp tôi nhưng nó cứ ầu ơ ví dầu hoài.
ẤU (dt ):
-t.k.h:Trapa bicornus, họ Aáu Trapaceae.
: (thực) giống cây mọc dưới nước, lá giống như lá sen nhưng nhỏ hơn, có hoa trắng. Trái ấu có hai sừng, tà hay nhọn. Hột có hai tử diệp, một lớn một nhỏ chứa đầy bột, nấu ăn có vị bùi.
Thương nhau trái ấu cũng tròn
Ghét nhau bồ hòn cũng méo
hoặc:
Làm thơ trái ấu gởi thấu cho mưa,
Mưa đưa cho gió, gió đưa cho chàng.




Phương Ngữ- Vần B

B

BA BA ( dt ):
-t.k.h: Tryonix ornatus.
:tên một loại rùa ở biển.
Đầu làng có con ba ba
Kẻ kêu con trạnh, người la con rùa
BA MÁ ( dt ):
:cha mẹ
Anh với em chút nữa thì gần
Tại ba với má bẻ cần tháo dây
hoặc:
Anh đừng lên xuống uổng công,
Em nghe ba má nói không kia mà.
BA SANH :
- cđ: ba sinh do chữ HV tam sinh (ba kiếp người, ba cuộc sống nối tiếp nhau)
Chim quyên hút mật bông quì,
Ba sanh còn đợi, huống gì ba năm.
BA SANH HƯƠNG LỬA:
-cn: ba sinh hương lửa
-(ba sanh: ba đời người, ba kiếp người, hết kiếp này đến kiếp khác; hương lửa do chữ HV hương hoả :lửa và hương).
: Hương bén lửa để mùi thơm bay xa để chỉ tình cảm nồng đậm của trai gái.
Gặp em đây anh dặn mấy lời,
Ba sanh hương lửa muôn đời chớ quên.
BA SON ( dt ): (ghi theo An Chi trong Chuyện Đông chuyện Tây)
*-theo Vương Hồng Sển, trong Sài gòn Năm Xưa:
-chỗ làm việc của người thợ nguội thứ ba tên Son
-cái xẻo có nhiều cá (mare aux poissons). Sau này, cái xẻo bị lấp để làm xưởng sửa tàu. Người ta phiên âm chữ POISSONS ra chữ BA SON để gọi tên xưởng mới lập.
-BA SON do chữ RÉPARATION (sự sửa chữa). Chổ này vốn là nơi sửa chữa tàu biển.
-BA SON do BASSIN DE RADOUB (ụ sửa chữa vỏ tàu) do Pháp xây dựng để sửa chữa các loại tàu: tàu buôn, tàu chiến ở Đông dương, khỏi đem về tận bên Pháp để làm việc đó.
*-theo An Chi (trong Chuyện Đông Chuyện Tây), BA SON phiên từ chữ Pháp BASTION (pháo đài)
Anh gặp em chưa kịp trao lời,
Kiểng Ba Son đổ , rã rời nhau ra.
BÀ CON (dt ) :
1-người có dính dáng huyết thống với mình, bên nội cũng như bên ngoại, gần cũng như xa.
Vd:bà con gần bà con xa; bà con bên nội; bà con bên ngoại.
“Đổi bà con xa để lấy láng giềng gần”
Uổng công anh chùi nhạo súc bình,
Đến chừng anh tới, phụ mẫu nhìn bà con.
2-từ mà người ta hay dùng để biểu lộ sự thân mật giữa người nói chuyện và người nghe:
Vd: Kính thưa bà con cô bác…
Hoặc diễn tả sự gần gũi của người và người trong một khu vực nào đó
Vd: Bà con trong xóm cho tôi hay tin đó.
BÁ TÒNG( HV ) ( dt ):
:tên hai loại đại mộc sống lâu năm. Cả hai đều thuộc họ tùng CUPRESSACEAE
-Bá (đ.ng: Bách): trồng ở vùng cao như rừng vùng Đà lạt, gỗ dùng làm nhang thơm, đồ mỹ nghệ.
-Tòng (đ.ng: Tùng): đại mộc vùng khô núi cao. Tòng bá lá bốn mùa vẫn xanh. Vì thế, người ta dùng tòng bá để tượng trưng cho khí tiết cao khiết của quân tử trượng phu.
Chẳng khác gì nàng công chúa Quỳnh Nga mà chàng còn hổng chịu,
Em đây một người bần y tiện sĩ, cấy thuê gặt mướn, đâu có xứng bá tòng với anh.
BẢ LẢ:
1-lả lơi, sổ sàng,
2-(cn: dã lã) - nói đẩy đưa cho qua chuyện để giảm bớt sự căng thẳng.
Chuồn chuồn đậu ngọn cau tơ,
Em cười bả lả, em ngờ duyên anh.
BẠC (1):
:tiền tiêu hàng ngày
Thông ngôn ký lục, bạc chục không màng
Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay.
*-bạc cắc:
a)-bạc vụn, món tiền bằng xu cắc nhỏ hợp lại.
b)-(ngh.r): món tiền nhỏ.
Vd: làm nghề đó là lượm bạc cắc, biết chừng nào lấy vốn được.
*-bạc đồng: (cn: đồng bạc) -tiền đúc bằng hợp kim có mệnh giá từ một đồng trở lên do Ngân hàng nhà nước phát hành song song với tiền giấy.
Bạc đồng em từng thấy, bạc giấy em từng cầm,
Bớ anh ơi! Mở lòng rộng rãi sắm cây dù đầm cho em.
*-bạc hai mươi:
a)-lối cho vay bạc cứ một trăm đồng thì con nợ phải trả hai mươi đồng lời trong một tháng,- lối cho vay này cũng được gọi là xanh xích đít đuôi (P: cinq six dix douze: năm sáu, mười mười hai có nghĩa là năm đồng vốn thì cà vốn lẫn lời là sáu, mười đồng vốn thì cả vốn lẫn lời là mười hai đồng.)
b)-(ngh.r): vay hoặc cho vay tiền với lãi suất cắt cổ .
Rửa tay cho trắng, ngắt ngọn rau đắng cho tươi,
Hỏi bạc hai mươi chuộc miệng em cười.
*-bạc trăm:
a)-vào thời Pháp thuộc, tờ giấy xăng (P:cent : trăm), hoặc giấy bộ lư tức tờ giấy một trăm đồng có in hình bộ lư có mệnh giá lớn. Dân nghèo cầm tờ giấy xăng ra chợ thì lập tức lính tới hỏi.
b)-(ngh.r):món tiền lớn .
Vợ chồng xa, nhứt chết nhì đau,
Tui uống thuốc bạc trăm không có hết.
hoặc:
Má ơi! Con má hư rồi,
Còn đâu má gả, má đòi bạc trăm.
BẠC ( HV ) ( 2) :
: (tt)- mỏng, ít oi, thiếu thốn
Bước lên cầu ván cong vòng,
Thấy em ở bạc trong lòng hết thương.
(ở bạc: ăn ở không tình nghĩa)
*-bạc ngãi / bạc nghĩa: ăn ở không có tình, quên cả những gì người khác đã làm cho mình
Cha mẹ biểu em ưng, em đừng mới phải,
Em nỡ lòng nào bạc ngãi bỏ anh.
*-bạc tình: ăn ở không chung thủy, giữa chừng ruồng bỏ người thương yêu mình.
Bớ anh chung tình,
Em thương anh để dạ, sợ anh bạc tình bỏ ai.
Trong văn chương người ta dùng luôn chữ BẠC và dùng luôn cả nghĩa của nó là mỏng
a)-Bạc đi với bẽo .
- so sánh BẠC với VÔI. Nhưng nếu xét kỹ, đây là một cách nói theo thói quen; không phải vì Bạc là mỏng manh thiếu thốn và Vôi là chỉ vật màu trắng.
Phận sao phận bạc như vôi,
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
(Truyện Kiều)
Vì đâu nên phải bị lầm vôi
(Trần Tế Xương)
Ý tác giả muốn nói “lầụm thứ bạc tình bạc nghĩa”
b)-có nghĩa là mỏng
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
Khuôn thiêng biết có vuông tròn mà hay.
(Truyện Kiều)
Ngỡi nhơn mỏng dánh tợ cánh chuồn chuồn,
Khi vui nó đậu khi buồn nó bay.
Khi chữ “mỏng” được dùng thay cho chữ “bạc”, nghĩa có vẻ mơ hồ và không súc tích. Cụm từ “phận mỏng cánh chuồn” không lột tả hết những lao đao lận đận của kẻ phận bạc. Và cụm “mỏng dánh tợ cánh chuồn chuồn” không cho ta thấy hết thói bạc tình bạc nghĩa của người đời.
BẠC (3):
- HV bác (lối chơi cờ ngày xưa, nay dùng để chỉ bài bạc).
Anh đi ghe rổi chín chèo,
Bởi anh thua bạc, nên nghèo nợ treo.
BẠC (4):
- HV bạch (trắng)
: màu trắng.
*-bạc đầu (cn: đầu bạc):
a)- tóc trên đầu màu trắng
Tiếc cây mía ngọt mà sâu,
Tiếc cô gái tốt bạc đầu khó coi.
b)- tuổi già
Dế kêu cho giải cơn sầu,
Mấy lời em nói, bạc đầu không quên.
BẠCH ( HV bạch: màu trắng ).
:màu trắng; sắc trắng.
Ngó lên chùm mây bạch,
Ngó xuống lòng lạch thấy con cá chạch đỏ đuôi.
BÀI CÀO :
:một lối chơi bài của bộ bài tây 52 lá. Người làm cái chia cho mỗi tay con ba lá. Aên hay thua tùy theo các lá bài mình có trong tay.
- ba tây là bài lớn nhứt
- mười nút là nhỏ nhất (còn gọi là bù)
- lớn nút hơn thì nhỏ nút hơn
Vd: chín nút thì ăn tám nút, nhưng thua ba tây
Chia bài xong, các tay con đồng loạt lật bài lên. Cái coi bài mình để chung tiền cho các tụ lớn hơn và hốt tiền của những tụ thua mình.
Thiếu chi những chị má đào,
Họ mê bài phé, bài cào, anh thất kinh.
BÃI :
1. chỗ cát hoặc bùn còn thấp được tạo ra do phù sa bồi đắp.
Nước ròng bỏ bãi xa cừ,
Mặt em có thẹo anh trừ đôi bông.
2. đống sền sệt, chài bài ra trông thấy gớm
*- bãi cứt: bãi phân
Đồ chua ai thấy cũng thèm,
Bãi cứt chèm nhèm ai thấy cũng ghê.
*-bãi cứt trâu: bãi phân trâu.
Tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại,
Như bông hoa lài cặm bãi cứt trâu.
*-bãi đờm dãi: đống đàm nhớt trong miệng khạc ra
*- bãi nước miếng: bãi nước bọt
*- bãi trầu: đám trầu cau vôi thuốc sền sệt nhả ra sau khi ăn
BẢI BUI :
- -( Bui: cách ký âm cổ của chữ VUI trongTự điển Việt Bồ La; bải: phối ngữ âm ).
: (cn: đãi bôi) -Vui vẻ, niềm nở với mọi người
Thương em thương dạng thương hình,
Thương lời ăn tiếng nói, thiệt tình không bải bui.
BAY:
-cn: phai
:(màu sắc) trở nên lợt và từ từ mất đi
Biểu em đừng thấy giàu có mà ham,
Giả như cây vải nhuộm chàm mau bay.
BAN ( HV ban: tên một thứ bệnh )
: bệnh thương hàn
*-ban cua: bệnh thương hàn nhập lý ( fièvre typhoide) do một loại vi khuẩn trong đường ruột. Bịnh nhân sốt cao mê man cả ngày, cảm thấy đau nhức khắp mình mẩy, cổ họng đau, miệng đắng và hôi khó ăn uống. Lưỡi đóng bợn trắng và nổi lên những mụt nhỏ lấm tấm khắp lưng và bụng.
Kể từ hồi em đau ban cua lưỡi trắng, miệng đắng cơm hôi,
Tiếc công anh đỡ đứng bồng ngồi,
Bây giờ em vinh hiển, em bắt anh bán nồi làm chi.
BAN SƠ ( HV ):
- Ban: lần, lúc, chuyến; sơ: mới chớm, mới bắt đầu.
: lúc đầu, giai đoạn đầu tiên
Dạy con dạy thuở còn thơ,
Dạy vợ từ lúc ban sơ mới về.
BÁN RAO:
-Đ.ng: rêu rao.
: nói cho mọi người biết cái xấu của người khác.
Trách lòng quân tử bia danh,
Chơi hoa rồi lại bẻ nhành bán rau.
BẠN :
1-người không họ hàng bà con với mình nhưng thường gặp gỡ lúc đi lại, làm việc, có thể cùng chí hướng hoặc sở thích.
Lên xe nhường chỗ bạn ngồi,
Nhường nơi bạn dựa, nhường lời bạn phân.
Ghép:
*- con bạn: dùng như đại từ nhân xưng ngôi ba, chỉ người bạn gái
Chim chuyền nhành ớt líu lo,
Mảng sầu con bạn, ốm o gầy mòn.
*- bạn lan: (HV: lan hữu) -người bạn quân tử đáng quí như hoa lan
Một mai trống lủng khó hàn,
Dây dùn khó đứt bạn lan khó tìm.
*- bạn mình: đại từ nhân xưng ngôi hai, dùng với vẻ thân mật.
Bớ bạn mình ơi! Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa,
Canh ba tôi nói sáng, ông trời trưa tôi nói chiều.
*- bạn ngọc: người bạn quí, tốt đẹp như ngọc
Mặt đất láng quyên tự nhiên cây cỏ mọc,
Bởi phận tôi nghèo, bạn ngọc có đôi.
*- bạn vàng (do HV kim hữu hoặc kim bằng): người bạn quí.
Khăn tay lau nước mắt bạn vàng,
Khuyên anh đừng rơi luỵ giữa đàng em khó phân.
2-dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai.
Muốn cho nhơn nghĩa đạo đồng,
Tôi đây thương bạn như chồng bạn thương.
3-người giúp việc.
*-bạn ghe chài: công nhân làm việc cho chủ ghe chài, lãnh việc chèo chống hoặc bóc xếp hàng hoá.
Anh đừng ham làm bạn ghe chài,
Cột buồm cao, bao lúa nặng, đòn dài khó đi.
BÀNG :
-t.k.h: Lepironia articulata, Epironia, họ Lác Cyperaceae.
: (thực):loại cây mềm, bộng ruột, có ngấn ngang, cao quá đầu người, mọc hoang ở vùng ruộng ngập nước,ở các trũng phèn,nhiều nhất ở vùng Đồng Tháp,Hà Tiên.Người ta cắt bàng về phơi cho ráo rồi giã cho cây giẹp rađể đươn đệm, nóp hoặc bao cà ròn.
Chàng đi cắt bàng cho nàng đươn đệm,
Mãn mùa rồi bán đệm chia hai.
BÁNH BÈO :
:Bánh làm bằng bột gạo hoặc bột lọc lỏng đổ vào chén hoặc khuôn tròn nhỏ hấp chín. Khi ăn, người ta rắc nhụy tôm chấy hoặc nhân đậu xanh lên trên.
Nợ treo mặc kệ nợ treo,
Em bán bánh bèo, trả nợ nuôi anh.
BÁNH BÒ:
:tên lọai bánh bột hấp xốp và dai.Bánh bò làm bằng đường thùng,đường thô
thì có màu vàng đậm.
Hai tay bưng quả bánh bò,
Giấu cha,giấu mẹ cho trò đi thi.
*-bánh bò bông: bánh bò có màu trắng tinh như bông làm bằng đường cát trắng.
Vái ông Tơ một dĩa bánh bò bông,
Cùng bà Nguyệt lão gắng công xe giùm.
BÁNH CANH:
:bánh làm bằng những sợi bột gạo dài to bằng đầu đũa nấu với thịt. Đây là món ăn giống như hũ tíu, phở.
Áo vắt vai chạy dài xuống chợ,
Xin ba đồng tiền trả nợ bánh canh.
BÁNH ĐÚC :
:bánh bột gạo pha ít nếp xay nhuyễn để vào khuôn hấp. Người ta thường ăn bánh đúc với nước đường thắng kẹo.
Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng.
BÁNH HỎI:
:bánh làm bằng bột gạo xay nhuyễn,ép qua khuôn thành sợi nhưng sợi nhỏ
hơn cộng bún.
Nước mắm ngon dành ăn bánh hỏi,
Qua thương nàng mòn mỏi mấy năm.
BÁNH ÍT :
-cv: Bánh ếch
:Loại bánh bằng bột nếp bọc cục nhưn / nhân (tôm thịt, đậu xanh hoặc dừa) gói trong lá chuối và hấp chín. Riêng bánh ít trần không bọc trong lá.
Bánh nhiều lắm, sao gọi là bánh ít?
Chuối non nhớt, sao lại gọi chuối và?
*-bánh ít ngọt: bánh ít gói bằng bột nếp pha đường.
BÁNH MÌ TÂY:
: loại bánh làm bằng bột mì nướng nổi xốp du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19.
Dao vàng cắt bánh mì Tây,
Dầu anh thương vô hạn, cha mẹ rầy cũng thôi.
BÁNH PHỒNG :
:Bánh làm toàn bằng bột nếp xôi trong chõ, bỏ vào cối quết nhuyễn, vò thành cục tròn như viên chè rồi cán mỏng phơi khô. Khi được nướng trên lửa, nhất là lửa ngọn, bánh sẽ phồng lên, dày lên và chuồi to ra. Trước đây, khoảng thập niên 1950, khoảng hai mươi tháng chạp âm lịch, nhà nào cũng quết bánh phồng để ăn Tết.
Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, măng cụt Hàm Luông.
Ngoài loại bánh phồng nếp, vừa kể, còn có:
*- bánh phồng mì: làm bằng củ mì lột vỏ, cũng xôi trong chõ, đem quết trong cối, vò viên tròn to, cán mỏng và đem phơi.
*-bánh phồng tôm: làm bằng bột mì trộn với bột tôm, bỏ vào chảo mỡ chiên phồng lên.
BÁNH TRÁNG :
:loại bánh làm bằng bột lỏng múc ra đổ trên tấm vải căng trên miệng trả nứơc đang sôi. Khi đã đổ bột lên mặt vải, người ta lấy cái vá cán dài tráng mỏng bột ra và đậy kín lại. Khi bánh chín, người ta dùng đũa bếp gở bánh ra đem đi phơi.
*- bánh tráng dừa: bột lỏng có trộn nước cốt dừa, thêm mè. Bánh này tráng dày để cúng hoặc ăn chơi.
*- bánh tráng nem: tráng mỏng đem phơi sương cho dịu, dùng để cuốn rau, cá, thịt trong tiệc tùng hoặc làm món gỏi cuốn, chả giò.
Nghe anh đi đó đi đây, cho em hỏi vặn câu này,
Bánh phồng bánh tráng đất này đâu ngon?
BẢNH:
-từ này có nhiều nghĩa tùy theo ngữ cảnh
*- bảnh trai: đẹp trai
*-ăn mặc bảnh: ăn mặc sang trọng đẹp đẽ
*-nói năng bảnh: khôn khéo trong việc ăn nói
Vậy, BẢNH diễn tả nét đẹp hoặc tánh tốt nổi bật hơn người.
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.
Ghép:
*-bảnh bao: (Nam bộ ít dùng trong văn nói)
*- bảnh tỏn / bảnh tẻn (với ý mỉa mai)
Vd: Nhờ có bộ đồ vía mà đã lên đời ! Coi bảnh tẻn quá!
BAO ( HV ):
:bọc một lớp bên ngoài để bảo vệ vật bên trong.
Ngó lên đầu tóc em bao,
Chéo khăn em bịt, dạ nào chẳng xiêu.
Bao ở đây có nghĩa là bao lưới cái đầu tóc. Sau khi bới xong đầu tóc, người ta dùng một túi lưới nhỏ bọc đầu tóc lại cho đẹp và khỏi bung mối.
BAO GIỜ :
1-dùng trong câu hỏi hay trong câu nói thường, có nghĩa là chừng nào, khi nào, tới khi nào.
Bao giờ Chợ lớn hết vôi,
Em đây hết đứng hết ngồi với anh.
2-bao giờ có thể dùng kèm với một mệnh đề
a)- diễn tả nghịch lý:
Bao giờ đá nổi vông chìm,
Muối chua chanh mặn mới tìm đặng em.
b)-diễn tả một ước mơ, một mong mỏi:
Bao giờ cho đặng sum vầy,
Giao hoan đôi mặt dạ này mới vui.
BAO LỚN:
:đâu có lớn bao nhiêu.
Em chớ thấy anh bé nhỏ mà sầu,
Con ong kia bao lớn, nó chích trái bầu cũng eo.
BAO NHIÊU …BẤY NHIÊU
:lối so sánh đôi trong tiếng Việt, có nghĩa là càng nhiều chừng nào thì …thì càng nhiều chừng ấy.
Cây da trước miễu, ai biểu cây da tàn,
Bao nhiêu lá rụng, anh thương nàng bấy nhiêu.
BAO THUỞ:
:chẳng mấy khi, biết chừng nào.
Hoa tàn thì mặc hoa tàn,
Bao thuở gặp nàng mà biểu anh buông?
hoặc :
Nhạn về biển bắc nhạn ôi,
Bao thuở nhạn hồi để én đợi trông?
BÀO :
1-gọt lấy bớt lớp ngoài của vật gì để cho nó được trơn láng.
Má ơi ! Con muốn lấy anh thợ bào.
Trườn lên tuột xuống, nhát nào cũng êm.
2-(ngh.b): đau đớn nhiều trong gan ruột
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em thương lại chút nào hay không.
BÁO BỔ SANH THÀNH (HV: ):
-(Báo: đền đáp. Bổ: bồi đắp cho đủ. Sanh: đẻ ra. Thành: nuôi dạy cho nên người).
:Bổn phận con cái là báo đáp công ơn cha mẹ đã sanh thành ra mình và dày công nuôi dạy mình nên người.
Anh về báo bổ sanh thành,
Chừng nào bóng xế rũ mành sẽ hay.
BÁO NGÁO BƠ NGƠ:
-cn: bơ ngơ báo ngáo; ngơ ngáo.
: có vẻ mặt lơ láo, chẳng hiểu biết chi cả ngay dù cố đảo mắt nhìn quanh để tìm hiểu mọi thứ.
Cô hai ở vậy thì xong,
Cô ba không chồng báo ngáo bơ ngơ.
BÀU :
:Vùng đất rộng, thấp trũng, nước đọng quanh năm. Người ta thường dùng bàu để thả cá, trồng rau nhút, rau muống hoặc ấu.
Nứơc bưng bậu không uống, bậu uống nước bàu,
Chê đây lấy đó, ai giàu hơn ai?
BẢY PHỦ:
- HV: thất phủ.
-cg: bảy bang.
1- bảy sắc dân Hoa kiều sinh sống tại Việt Nam. Mỗi bang hội gồm những người nói cùng một thứ tiếng và ở cùng một tỉnh.
2-( ngh. b ): chỉ một phạm vi rộng lớn.
Vd: người ăn cơm bảy phủ: người đã đi nhiều nơi, thấy nhiều biết nhiều, lịch lãm trong cuộc sống.
Ví dầu đèn tỏ hơn trăng,
Trăng soi bảy phủ, đèn chong một nhà.




Phương Ngữ- Vần BĂ ...

BẮC:
- HV: các (gác lên )
1-Để vật gì lên vật khác
Vd: bắc nước để nhổ lông gà,-bắc ghế ngồi trước sân,- bắc nồi cơm lên bếp.
2-gác tấm ván gỗ hoặc cây để người ta đi từ điểm này tới điểm nọ
*-bắc cầu: gác ván, gỗ trên các trụ để đi từ bờ này qua bờ kia của mương, kinh rạch hoặc sông.
Sông sâu biết bắc mấy cầu,
Phận em là gái biết hầu mấy nơi.
*-bắc thang:
a)- cho thang dựa vào vật gì để leo lên chỗ cao hơn
Bắc thang lên hỏi ông trời,
Những tiền cho gái có đòi đặng không?
b)-tạo tiền lệ xấu cho kẻ khác nhân đó tỏ ra lên mặt và giảm nhẹ sự kính trọng với người khác.
Vd: Chị nói như vậy chẳng khác nào bắc thang cho vợ tôi trèo lên đầu tôi.
BẰM:
-Đ.ng: băm
: để đứng lưỡi dao và chém lia lịa trên vật gì cho nó nát vụn ra.
Con ơi! Con ngủ cho say,
Mẹ đi kiếm cá, bằm xoài con ăn.
BẮN :
: kéo căng dây rồi buông mạnh dây cung đã lắp tên, cái ná thun đã kẹp đạn hoặc lảy cò một cây nỏ một khẩu súng để mũi tên hòn đạn bay đi để gây thương tích hoặc giết chết người hay thú vật.
Con nhạn bay cao khó bắn,
Con cá dưới ao quỳnh khó câu.
*-bắn vói: (Đ.ng: bắn với): bắn theo hướng con chim đã bay một khoảng xa.
Nhìn nàng nước mắt thâm bâu,
Nhạn bay cao bắn vói, cá ao sâu câu ngầm.
BẰNG LĂNG:
-t.k.h: Lagerstroemia ovalifolia, họ Bằng lăng Lythraceae.
: (thực) - cây lớn cao tới 30m. Phiến lá không lông, mặt dưới mốc. Phát hoa tim tím ở chót nhánh, tiểu nhuỵ nhiều, hột có cánh.
Cây có mặt từ Bình Trị Thiên đến Đồng Nai trong các rừng thay lá.
Bằng lăng chặt khúc bắc cầu,
Để anh qua lại giải sầu cho em.
BẮP :
-Đ.ng: ngô .
-t.k.h: Zea mays L., họ Hoà bản Gramineae
: (thực) -Cây cỏ cao tới 2m. Thân cứng, lá dài, rìa mép lá bén, có bẹ ôm thân cây. Cờ trổ ở đọt. Trái thon dài có nhiều lớp vỏ mỏng bao bọc cái cùi có nhiều hột đơm dày có hàng lối. Chót trái có chùm râu đỏ hoặc trắng tùy theo giống. Đó là vòi nhụy.
Hột bắp là thức ăn ngon và bổ cho người và gia súc gia cầm. Râu bắp được dùng như một vị thuốc làm thông tiểu.
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve đặng con đò Thủ Thiêm.
BẮP CHUỐI:
1-(Đ.ng: hoa chuối): hoa chuối chưa giải hoặc đã giải hết ( tróc bẹ ra và trổ thành nải chuối non) còn lại cái chót. Bắp chuối có thể làm rau ghém hoặc luộc để ăn.
Bắp chuối gói lá sầu đâu,
Vừa đắng vừa chát, mời nhau làm gì.
2-tên gọi khác của bắp đùi.
BẮT NHẺ:
: dùng vài ba rẽ mạ ( tép mạ ) để cấy xuống. Dùng nhiều tép mạ để cấy thì gọi là bắt to.
Ruộng bưng ruộng biền,đất tốt,người ta bắt nhẻ, ruộng gò đất
xấu,người ta bắt to để cấy.
Mạ non bắt nhẻ cấy biền,
Thương em đứt ruột,chạy tiền không ra.
BẶT:
- HV Biệt .
:vắng mất, không thấy nữa
Nước ròng chảy thấu Nam Vang,
Mù u chín rụng sao chàng bặt tin.
BẦN:
-(cg: thủy liễu): loại cây to mọc ở những bãi lầy vùng nước ngọt, lá nhiều, bóng, bông to và trắng. Trái tròn và giẹp có vị chua và chát.
Cây bần gie, con đom đóm đậu cheo leo,
Anh tên Tư, thứ Tám, kêu thế nào thì kêu.
Có mấy loại bần:
* bần chua:
-t.k.h: Sonneratia caseolaris L., họ Bần Sonneratiaceae.
:cây cao 15m trở lên,nhánh non có 4 cạnh.Phế căn( cặc bần) đứng thẳng,to xốp,thường được cắt và tiện làm nút chai.Bông mọc ở chót nhánh,nụ
tròn,cánh đỏ đậm.Phì quả giẹp,xanh trên đài hình sao.Vỏ trái dày,nạc chua,hột nhiều.
*bần ổi:
-t.k.h: Sonneratia griffithii, họ Bần Sonneratiaceae Kurz.
-cg: bần đắng.
:Cây to,phế căn nhiều.Phiến lá xoan tròn,đầu hơi lõm. Vỏ cây bong tróc như vỏ cây ổi.Trái to,hơi tròn,nhiều hột,ít chua.
Khoanh tay lo nghèo,
Là trái bần ổi.
Sông sâu chẳng lội,
Là trái mảng cầu.
(Vè trái cây)
BẬN :
-Đ.ng: mặc
:Mang, tròng áo quần vào mình
Aùo bà ba cái vắn cái dài,
Sao anh không bận, bận chi hoài cái áo bành tô.
BẬN BỊU :
:vướng mắc, luôn suy nghĩ đeo đẳng mãi việc gì mình không thể quên được.
Chết tôi tôi chịu,
Xin đừng bận bịu, bớ điệu chung tình.
BẤT KỂ:
: chẳng kể tới.
Thương nhau bất kể xa gần,
Cầu không tay vịn, anh lần anh qua.
BẤT NHƠN:
1-(Đ.ng: bất nhân),-nhơn: cách phát âm của người Nam bộ xưa khi đọc chữ HV nhân (lòng thương người).
: không có lòng thương người, thiếu tình người, không cư xử với người khác đúng luân lý đạo đức.
Anh thương em năm bịch bảy bồ,
Sao em không thương lại, cái đồ bất nhơn!
2-quá mức, vượt quá mức thông thường.
Thương sao thương quá bất nhơn,
Bữa nay gặp lại, thương hơn bữa nào.
BẤT TẬN VÔ HỒI:
- (Hồi: lúc, khi, trong khoảng thời gian nào đó, trong quá khứ
Giếng này là giếng cựu trào,
Hồi tôi còn nhỏ, tôi nào biết đâu )
- bất tận vô hồi: không chấm dứt, không lúc nào ngừng nghỉ
Em thương anh bất tận vô hồi,
Ngủ quên còn nhớ, thức dậy ngồi còn thương.
BẤT TỬ:
-cn: bất thình lình.
: đột ngột xảy ra ngoài dự đoán của kẻ khác.
Dao vàng tra cán gỗ mun,
Thương em bất tử, anh muốn hun bây giờ.
BẬT NGỬA:
1-văng ra té ngửa khi đột ngột đụng vào vật gì.
-đang đêm tăm tối, đụng vào cánh cửa nên bật ngửa ra sau.
2-(ngh.b): ngạc nhiên quá đỗi.
*-bật ngửa bật nghiêng: giống như bật ngửa ở trên nhưng nghĩa mạnh hơn. Con cua kình càng bò ngang trước cửa,
Anh thấy lòng nàng, anh bật ngửa bật nghiêng.
BÂU :
:Cổ áo, phần trên cùng của cái áo
Nhìn nàng lụy nhỏ thâm bâu,
Nhạn bay cao bắn với, cá ao sâu câu ngầm.
Ghép:
*- bâu đứng: (cg: cổ đứng: cổ áo cao bao vòng quanh cổ)
*-bâu lật: (cg cổ lật): cổ áo bẻ lật xuống nằm sát vào vai và thân áo.
BẬU:
:đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, nói với người phụ nữ cùng trang lứa hay trẻ hơn mình.
Bậu khoe mình bậu vuông tròn,
Cũng như ốc nổi, nó còn vỏ không.
Đôi khi, người ta cũng dùng" em bậu" cũng có cùng nghĩa ấy.
Gió đưa bông lách bông lau,
Gió đưa em bậu xuống tàu Aêng -lê.
BẤY LÂU NAY:
:cn: nẵm nay
:Đã nhiều năm nay:
Bấy lâu nay em mang tiếng chịu lời,
Xa nhau bởi tại ông trời biểu xa.
BẤY THU:
-cn: đã mấy thu.
: đã mấy mùa thu trôi qua, đã mấy năm trời.
Cách bấy thu, tưởng đà ly biệt,
Ai hay anh còn trực tiết chờ anh.
BẪY:
:đồ dùng để gài bắt chim hay thú.
Nông dân hay dùng các loại bẫy sau:
*- bẫy cò ke: được dùng để bắt các con thú tương đối lớn. Bẫy gồm một sợi dây thòng lọng buộc chặt vào một ngọn tre cong oằn xuống. Khi con vật chạm phải cái chốt cò, cần tre vụt mạnh lên đồng thời dây thòng lọng siết lại và treo con vật lơ lửng.
*-bẫy đập: tương tự như bẫy đập gài chuột như hiện nay. Khi con vật chạm cục mồi, cái vỉ đựng mồi sụp xuống, kẹp đầu hoặc chân con vật.
*-bẫy kẹp :Bẫy được gài bằng cách kéo giương cái thanh tre đặt ngang cố định ở dưới bằng hai lò xo hoặc hai sợi dây thun kéo trì xuống. Giữa hai thanh này là một thanh ngang nữa có thể chạy lên chạy xuống, gài một cái móc. Muốn mổ trái cây treo lơ lửng bên dưới, chim phải đậu đứng trên thanh giữa, làm trật cái móc và thanh ngang trên sẽ lập tức đè xuống, kẹp chim vào giữa.
*-bẫy sập: loại bẫy thường dùng để bắt sống con mồi. Bẫy là cái lồng vuông chắc chắn và tấm cửa lồng gắn chặt vào hai lò xo hoặc hai sợi dây thun lớn kéo căng. Khi con vật vào lồng ăn mồi, cục mồi lay động làm trật móc gài và cửa lồng sập xuống, khép chặt lại, nhốt con vật trong lồng.
Anh đi đánh bẫy ngọn tre,
Chim quyên không đậu, chích choè lại leo.
BẬY:
: từ dùng kèm một động từ để diễn tả một việc không chủ đích, không tính toán trước.
-ăn bậy ba hột cơm rồi ra ruộng,
-nhậu bậy vài ly cho ấm bụng.
Bồng ra gốc mít,
Bồng xích gốc chanh,
Bồng quanh đám sậy,
Bồng bậy vô mui.
BE BỜ:ử
:Lấy cuốc vun đất hoặc bùn sệt để đắp cao thêm cho bờ ruộng, bờ đìa để giữ nước.
Tiếc công đắp đập be bờ.
Để ai quảy đó, mang lờ đến đơm.
BÈ (1):
- HV phái ( phe nhóm )
: từ dùng để chỉ một nhóm đông có cùng cảnh ngộ.
Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.
BÈ (2):
- HV bài ( bè gỗ )
:một đám tre, gỗ, cây súc kết dính với nhau bằng dây chắc chắn tạo thành một mặt bằng lớn để ngồi đứng lên trên, thả nổi trên mặt nước, có thể chèo chống đi từ nơi này đến nơi khác.
Đưa dâu thì đưa bằng ghe,
Đừng đưa bằng bè, ướt áo cô dâu.
BẺ BAI :
:bài bác có ý khinh chê
Bậu khoe nhan sắc bậu đắc chồng,
Qua không ế vợ, bậu đừng hòng bẻ bai.
BÉN ( 1 ):
1-chạm phải, sát.
-lúc nào cũng vội vã, chân chẳng bén đất.
Đêm nằm lưng chẳng bén giường,
Trông cho mau sáng ra đường gặp anh.
2-bắt đầu thích nghi với môi trường và từ từ phát triển tốt.
-củi đã bén lửa; cây bén rễ.
Tới đây thì ở lại đây,
Chừng nào bén rễ cây xanh hãy về.
BÉN ( 2 ):
-Đ.ng: sắc
1.(Dao) sắc, có thể dùng để chặt , cắt vật gì dễ dàng
Vd: dao bén, mài dao cho bén
2.(ng.b)
a-giỏi, hay, lợi hại
Lưỡi Trương Nghi dẫu bén
Miệng Tô Tử dẫu lanh
b-(vẻ đẹp) sắc sảo
Vd: Bà ấy đã ngoài năm mươi mà coi còn bén lắm.
BỂ:
- HV: phá.
-Đ.ng: vỡ
: gãy hoặc tách ra từng miếng, từng mảnh nhỏ.

Tiếng đồn cha mẹ anh hiền,
Cắn cơm không bể, cắn tiền bể hai.
BÊN NÂY:
-Đ.ng:bên này.
1-phía mình đang đứng.
-bờ bên kia lở, bờ bên nây bồi.
Anh ở sông bên kia, em ở sông bên nây,
Có bắc một cây bần,
Người ta ở xa sao người ta bước tới,
Còn anh ở gần sao chậm chưn?
2-thuộc phe của mình.
-bên nây bắt con gà ô, quăng bắt ăn năm, bên dó có chịu theo không?
BÊN NỘI:
: tất cả bà con họ hàng hoặc nơi cư ngụ của cha mình hoặc bên cha của con mình tuỳ theo nhân vật đang nói.
-bên nội tôi ở xa, tôi ở đây là ở bên ngoại.
-vợ chồng tôi sống nhờ bên nội của tụi nhỏ.
Nước trong xanh, con cá lành canh nó lội,
Nếu em lấy chồng, bên nội bắt con.
BỂN:
1-ở bên đó, ở bên ấy
Bển qua đây đàng đã xa đàng,
Dẫu tôi có lâm nguy thất thế, hỏi cô bạn vàng có cứu không?
2-dùng kèm một danh từ, có nghĩa là ấy đó
Nhạn cắn thơ bay về bãi bển,
Anh với nàng đã bén căn duyên.
hoặc:
Ngó đâu ngó đó thì vui,
Ngó về xóm bển, bùi ngùi nhớ thương.
BÌ (1):
:thức ăn làm bằng da heo xắt nhuyễn.
Cầm tay em như bì nem gỏi cuốn,
Dựa lưng em như uống chén rượu ngon.
-bánh mì bì: bánh mì nhét bì.
-cơm tấm bì chả: cơm tấm bán với bì và chả trứng.
BÌ (2):
- HV: bễ ( so sánh).
:so sánh ,đem vật này đọ với vật kia để biết rõ tính chất,cái hay cái dở của
từng cái một
Nhỏ nhỏ như ai, chớ nhỏ nhỏ như em, ít kẻ dám bì.
Lên quan xuống huyện việc gì cũng xong.
Chữ BÌ thường được dùng với nghĩa phủ định
- ai bì: không ai có thể so sánh nổi
- sao bì kịp: không sao so sánh nổi
- ai dám bì: không ai dám so sánh
BĨ BÀNG:
:đầy đủ, dư thừa, không thiếu món gì.
Mở lời chào áo đen áo trắng,
Áo ngắn vá quàn.
Chào thêm tiếng nữa, bĩ bàng ái ân.
BIA DANH:
1-tự làm xấu mình, nêu cái xấu của chính mình cho mọi người hay biết.
Thiếu chi rau, bậu ăn rau é,
Gái thiếu chi chồng làm bé bia danh.
2-rêu rao cái xấu, cái lỗi lầm của kẻ khác.
Trách lòng quân tử bia danh,
Chơi hoa rồi lại bẻ nhành bán rao.
BÌA:
- HV bì ( lớp bọc ngoài )
:phần ngoài, phần ven.
Trách ai ăn giấy bỏ bìa,
Khi thương thương vội, khi lìa lìa xa.
*-bìa chéo:
a)-những cái ở ngoài rìa, thường thiếu ni tấc và không có hình dáng nhất định.
Vd: Tôi sả cây u, mấy miếng tốt để đóng vách, còn bìa chéo tôi dùng trong việc lặt vặt ở nhà bếp.
b)-(ngh.r): phần lạm xạm, không có giá trị.
Vd:Thịt nguyên thì bán cho khách, bìa chéo thì kho cho mấy đứa nhỏ.
BỊCH :
:túi to dùng để đựng đồ
Anh thương em năm bịch bảy bồ,
Sao em không thương lại cái đồ bất nhơn.
Bồ và bịch đều được dùng để chứa đựng. Người ta lợi dụng tánh đồng âm dị nghĩa của tiếng Việt để tạo ra từ mới có nghĩa khác. Bồ bịch vì thế còn có nghĩa là bạn thân, người tình.
Vd: Cô ta trẻ đẹp nhưng tôi không thấy có bồ bịch gì cả.
BIỀN :
:Đất, ruộng cặp theo sông hay kinh rạch lớn, có nứơc lên xuống thường xuyên
Mạ non bắt nhẻ cấy biền,
Anh thương em đứt ruột, chạy tiền không ra.
BIỂN HẸN NON THỀ:
-do chữ minh sơn thệ hải (chỉ núi, chỉ biển mà thề nguyền) Biển và núi là những vật trường cữu, người ta căn cứ vào đó thề thốt để mong ước và chứng tỏ tình mình sẽ bền vững.
Cùng nhau biển hẹn non thề,
Ở sao cho đặng trọn bề ái ân.
BIẾT MẤY:
: biết bao nhiêu .
Sợ đó không ưng,
Chớ đó ưng thì đây mừng biết mấy,
Hễ anh thương rồi, ba má cũng thương.
BIỆT MÙ:
: ở nơi xa xôi lắm, hoặc khuất tầm nhìn hoặc xuất hiện với dạng mờ mờ ở nơi xa tít,- ý nói rất xa xôi.
Đêm nằm trách má hờn ba,
Nơi gần không gả, gả nơi xa biệt mù.
*-biệt mù sơn dã:
a)-cách nhiều quãng đồng rộng, niều ngọn núi,
b)-(ngh.r): rộng rãi mênh mông, xa xôi quá đỗi.
Vd: Đứng trên đỉnh nhìn xuống bốn bề, thấy biệt mù sơn dã.
BIỂU :
- HV: báo.
-Đ.ng: bảo
1-nói cho người khác hay biết điều gì
Anh bởi mảng lo nghèo nổi trôi như cánh bèo mặt nước,
Biểu cho em hay trước anh có vợ rồi.
2-nói cho khác biết phải làm việc gì
Em biểu anh về lập miễu thờ vua,
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.
BÌM :
-cg: bìm bìm
:họ bìm bìm Convolvulaceae: loại dây leo quấn, thân mảnh mọc hoang. Có nhiều loại bìm bìm. Người ta có những tên gọi khác nhau tùy hình dạng và màu hoa.
Xưa kia ước những chơn mây,
Bây giờ rớt xuống đám dây bìm bìm.

BÌM BỊP :
-t.k.h: Centropus sinensis intermedius hume
:Loại chim to vừa phải, suốt năm sống quanh quẩn vùng làm ổ. Chúng sống trong các lùm cây rậm ở vùng đồng bằng. Mỗi lứa đẻ 3-4 trứng. Chúng ăn cóc, nhái, rắn nhỏ và côn trùng. Theo kinh nghiệm dân gian người ta thường ngâm bìm bịp chung với tắc kè để chữa bịnh đau lưng, nhức mỏi.
Bìm bịp kêu nước lớn, anh ơi !
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê.
BÌNH ( HV ):
:Vật để đựng chất lỏng như nước,trà, rượu, dầu. Khi dùng trong câu với nhạo, bình được dùng để đựng trà.
Uổng công anh chùi nhạo súc bình,
Tới chừng anh đến, phụ mẫu nhìn bà con.
*-bình tích: bình lớn bằng đất nung hoặc bằng sành để chứa nước có quai xách, có vòi để rót. Ngày xưa, người ta dùng bình tích đựng nước đem ra ruộng.
Ngó lại đàng trước, yjấy bình tích nước,
Ngó lại đàng sau thấy bộ kỷ trà.
BÌNH BÁT (1):
-cg: bình bát nước.
t.k.h:: Annona glabra, họ Mãng cầu Annonaceae.
: (thực) tiểu mộc cao 2-5 m, lá bóng láng, bình xoan hay tròn dài, gân phụ 8-9 cặp. Hoa vàng có bớt đỏ ở mặt trong, tiểu nhụy nhiều. Trái dài khoảng một tấc, màu vàng xanh. Khi chín, trái trở nên vàng tươi, ăn được nhưng cơm lạt. Hột màu nâu đen. Cây mọc dựa bờ rạch vùng nước ngọt lẫn nước lợ.
Lựu, lê, bình bát, mãng cầu,
Ba cây tứ quí, anh sầu một cây.
BÌNH BÁT (2):
-cg: bình bát dây. Gs Phạm Hoàng Hộ gọi là BÁT. Họ bầu bí.
-t.k.h: Coccinia grandis L., họ Bầu bí Cucurbitaceae.
: (thực) Dây leo mọc hoang sống đa niên nhờ rễ phù, thân có khi phù ở mắt, vòi đơn. Phiến lá dày nhẵn, hình chân vịt. Trái to bằng ngón chân cái tròn dài màu xanh có vân trắng rồi trở nên đỏ tươi khi chín, chứa nhiều hột giẹp, có vị ngọt, ăn được. Lá non dùng để nấu canh. Hột dùng để trị sán lãi.
Chim hít cô đậu dây bình bát,
Bươm bướm bà đậu cột chùa ông.
BÌNH BỒNG ( HV: bình bồng )
-Đ.ng: bềnh bồng
-Bình: bèo, loài thực vật nổi trôi trên mặt nước
-Bồng: tên một loại cỏ. Ngày xưa, người con trai tới tuổi trưởng thành dùng sáu mũi tên bằng cỏ lắp vào cây cung gỗ dâu bắn lên trời, xuống đất và ra bốn phương để biểu lộ chí tung hoành ngang dọc sau này.
Vì vậy, người ta lấy hai hình ảnh cánh bèo và cỏ bồng để chỉ tìnhtrạng lang bạt khắp nơi, không chỗ ở dài lâu nhất định.
Bình bồng giữa cõi giang tân,
Bên tình bên hiếu biết phân bên nào.
BÌNH LINH:
-cg: cây bọ chét, cây lim.
-t.k.h:Leucoena leucoephala, họ Đậu Fabaceae, họ phụ Trinh nữ Mimosoideae.
: (thực): tiểu mộc gốc Trung Mỹ, mọc hoang khắp nơi. Lá hai lần kép, nhỏ mịn như lá me, thứ diệp 4-8 cặp. Hoa đầu tròn trắng và to. Trái mọc thành chùm, giẹp và mỏng chứa 15-20 hột. Rễ dẽo, chắc, trẻ con thường đào để chuốt hòn đánh trỏng.
Cây bình linh, lá cũng bình linh,
Gá duyên không được, một mình chèo queo.
BÌNH TÍCH :
:Bình đựng nước uống có quai xách và có vòi để rót. Ngày xưa, người ta dùng bình tích để xách nước uống khi đi ra ruộng.
Ngó lại đàng trước thấy bình tích nước,
Ngó lại đàng sau thấy bộ kỷ trà.
BỊNH TƯƠNG TƯ:
- (Tương: lẫn nhau; tư: nhớ)
:Bệnh phát ra do thương nhớ một người, nhất là thương nhớ người tình
Lụy chan chan đưa chàng xuống vịnh,
Trở lộn về thọ bịnh tương tư.
BỊT (1 ):
1. Bọc một phần hay toàn thể bằng kim loại cho chắc hoặc cho đẹp
Đũa vàng đầu bịt đầu sơn,
Mấy lời bậu nói cảm ơn khôn cùng.
Người ta hay dùng kim loại quí để bịt đồ dùng để tăng thêm vẻ sang trọng
*- bịt bạc: chạy viền mép bằng bạc
Vd: chén kiểu bịt bạc
*- bịt đồng: bọc một lớp đồng bên ngoài
Vd: Cán roi anh bịt đồng thòa
*- bịt vàng: bọc một lớp vàng
Lọng che sương dầu sườn cũng lọng,
Ô bịt vàng dầu trọng cũng ô.
(Sương nguyệt anh)
Ngày xưa, một số người Nam bộ bịt răng vàng, có thể bịt vài cái ở hàm răng trên để làm dáng.
Mâm thau chùi cho sáng,
Đặt xuống ván cho chạm chữ bệ vàng,
Thân anh đi làm mướn mà bịt răng vàng khó coi.
2-Đội, phủ khăn lên đầu
Bậu đừng khoe bậu thuyền quyên,
Cái khăn bậu bịt cũng tiền anh cho.
*-bịt trùm: bịt (khăn) che cả đầu, tóc tai, chỉ ló mặt ra
Khăn bìa bốn chéo bịt trùm,
Chỗ nào nhơn đạo chỉ giùm cho em.





Phương Ngữ- Vần BO ...

BO:
: (đt): gáy gằn từng tiếng, từng hồi ngắn liên tục sau thời gian gáy thúc. Lúc đó, chim cu xù lông cổ, ghì đầu xuống,- đó là cách gáy khiêu khích của chim cu khi nghe tiếng gáy của địch thủ.
Đất xấu nắn chẳng nên nồi,
Qua xa em vì nỗi cu mồi chậm bo.
BO BO (1):
-cg: ý dĩ
-t.k.h: Coix lachryma jobi L., họ Hoà bản Gramineae.
: (thực) - cây sống hàng năm, cao tới 2m. Thân láng, có vạch dọc. Lá hình mác to, đầu nhọn như lá mía, có gân nổi rõ, gân giữa lá to. Hoa đơn tính cùng gốc, mọc ở kẽ lá thành bông. Cây mọc hoang ở miền núi hoặc được trồng ở ruộng vườn.
Nếu dùng sống, ý dĩ là một vị thuốc vị thấp nhiệt. Nếu dùng chín, ý dĩ trị được tả lị, lợi tiểu tiện, tiêu thủy thủng, trị được chứng gân co quắp không co duỗi được hoặc bịnh phong thấp lâu ngày.
Chim quyên ăn trái bo bo,
Thương người dệt cữi trao go một mình.
BO BO (2):
1-giữ vật gì để xài riêng, không cho người khác động đến.
Của mình bo bo,
Của người ta lấy mo mà hốt.
(Th.ng)
2-khư khư theo một đường lối, không chịu thay đổi cho hợp thời.
-bo bo thủ cựu.
BÒ HÓC:
-cn: bồ hóc.
- Khmer: prohôk.
: loại mắm cá, đặc sản của đồng bào Khờ-me.
Bèo bì chợ Thủ, bò hóc Sốc Trăng.
(Vè đặc sản)
BỎ:
1. lìa xa, không dùng nữa, không ngó ngàng tới nữa.
Chim kêu cạnh suối, vượn hú trên nhành,
Anh không bỏ bậu, sao bậu đành bỏ anh.
*-bỏ bê:trễ nãi hoặc không ngó ngàng tới.
Hoa hồng, ong bướm mải mê,
Cho nên anh mới bỏ bê việc nhà.
*- bỏ lảng (cg bỏ lửng); quên phứt đi
Mảng nói chơi mà trời gần sáng,
Xin anh đừng bỏ lảng duyên nợ đôi ta.
2. để lại
Chim quyên đậu trước cành dâu,
Cớ sao bỏ thảm bỏ sầu cho em.
hoặc:
Chọc tức em nên em phải kêu trời,
Gá duyên rồi lại bỏ tiếng đời cho em.
BỎ NGỌN :
:đáng lẽ phải nói là “bủa ngọn”. Chữ “bủa” từ HV là “bố”, có nghĩa là giăng trải ra. Chúng thường quen nói
- ngựa bỏ vó như giông: ngựa chạy như giông
-bỏ bộ: thay đổi bộ dạng toan làm gì.
- bỏ giò: chuẩn bị chạy
Vd: thấy bị bại lộ, hắn bỏ giò toan thoát thân nhưng không kịp.

+ bỏ nước nhỏ: thay đổi giọng lưỡi, từ chỗ cứng rắn đến chỗ mềm dẽo
+ bỏ vòi (dây leo): vươn tua vòi để bò cao hơn, xa hơn.
Như vậy, nói bủa ngọn, bủa vòi thay vì nói bỏ ngọn, bỏ vòi, tôi nghĩ hợp nghĩa hơn.
Mướp hương bủa/ bỏ ngọn qua rào,
Bây giờ gặp mặt biết chừng nào gần em.
BỌC :
- HV: phục ( cái khăn gói )
1-(dt): túi lớn bằng vải cột miệng lại
Năm lừa bảy lọc,
Xáng một bọc cứt trâu.
2-(đt):kéo vạt áo trước lên cột lại để đựng đồ hoặc trải khăn ra bỏ đồ vào rồi cột thắt bốn chéo lại.
Bậu nói với qua, bậu không bẻ lựu hái đào,
Lựu đâu bậu bọc, đào nào bậu cầm tay.
BON BON:
- HV bôn ( chạy lẹ )ỉ
1-hối hả chạy đi, chạy vội vàng.
Tiên rằng:" Bớ chú cõng con,
Việc chi nên nỗi, bon bon chạy hoài?
(Lục Vân Tiên- NĐC)
2-(nước) chảy mau
Nước chảy bon bon,
Con vượn bồng con,
Lên non hái trái,
Cảm thương nàng phận gái mồ côi.
BÒN BON
-t.k.h: Lansium domesticum, họ Xoan Meliaceae.
: (thực) - cây cao tới 20m, lá kép lẻ, to, không lông, có gân phụ. Hoa đực và hoa cái riêng. Chùm tụ tán ở chót nhánh. Trái tròn màu trắng mốc kết thành chùm gắn dính vào một cuống dài. Mỗi trái có năm múi, có vách mỏng ngăn. Cơm ngọt, trong, bọc lấy hột mềm. Bòn bon có nguồn gốc từ Mã lai.
Sầu riêng, anh chẳng buồn ăn,
Bòn bon, tố nữ anh quăng cùng đường.
BÒNG:
-t.k.h.: Citrus fausca - chỉ xác (Génibrel)
1-theo Génibrel, loại cây cam quít này cho vị thuốc chỉ xác. Theo GS Đỗ Tất Lợi, chỉ xác là quả hái lúc gần chín, được bổ đôi để phơi khô. Chỉ xác là vỏ và xơ của trái.
2-bòng là loại bưởi vỏ dày. Vỏ trắng bên trong có thể ăn được
3-từ điển VN của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ ghi: “cây thuộc họ cam quít trái to thuộc họ cam quít; trái to và tròn hơn bưởi, tương tợ bưởi.”
Vậy, bòng thuộc họ cam quít Rutaceae và là một loại bưởi to trái nhưng ăn không ngon.
Nếu cho rằng bòng ngọt hơn cam thì đó là quan niệm sai lạc.
“Lạc lòng ắt tưởng ngọt bòng chua cam”
Lạc lòng có nghĩa là tấm lòng bị lung lạc bởi tác động hoặc cám dỗ bên ngoài nên phán đoán thiên lệch.
Cho nên người chồng được vợ dặn dò cẩn thận:
“Anh đi em có dặn phòng,
Chua cam chớ phụ, ngọt bòng chớ ham.”
BÒNG BONG:
-t.k.h: Lygodium conforme, họ Bòng bòng Schizeaceae.
Bòng bong có nhiều giống khác nhau có mặt từng vùng trên đất nước ta nhưng loại Lygodium conforme được phân bố khắp Bắc Trung Nam, trong lùm bụi, ở mọi cao độ.
: (thực) - loại ráng leo. Lá có cuống có thể dài tới 10m, cuống thứ diệp 2-4cm,tam diệp gân chân vịt dài tới 25cm, thùy rộng 2-3cm, không lông, gân phụ chẻ hai, không dính vào nhau.
Nhức đầu dặt lá bòng bong,
Em đây nói thiệt, thương chồng hơn anh.
BÒNG BÒNG:
-cg: mòng, mòng biển
: (động) -Loại chim chân có màng giống như chân vịt, ức và bụng trắng, lưng xám đen, bay lẹ và xa. Vào đầu mùa mưa, bòng bòng xuất hiện từng đàn ở những ruộng nước gần biển. Chúng làm ổ đẻ trứng trong các bộng cây cao. Khi chim non được cứng cáp, chim mẹ bươi cho chim non rớt xuống đất và dẫn con xuống ruộng hoặc đầm lầy gần nhất.
Le le, vịt nước, bòng bòng,
Con cua, con rạm, con còng sáu con.

BÓP BỤNG:
:dằn lòng, nén lòng, cố gắng chịu đựng khi gặp hoàn cảnh không may hoặc buộc phải chấp nhận một việc không vui.
Anh thương em bóp bụng chịu phiền,
Đợi xong mùa lúa kiếm tiền cưới em.
BỌT BÈO:
-(bọt:- về bong bóng nhỏ kết chùm nổi phều trên mặt nước
- nước miếng nhổ trong miệng ra
bèo: loại thực vật nổi trên mặt nước )
1-bọt bèo: vật trôi nổi bình bồng
2-(ng.b): thân phận hèn mọn, vật nhỏ mọn không đáng chú ý
Anh than bổn phận anh nghèo,
Vợ con không có bọt bèo cũng không.
BỔ NHÀO
:phóng đại vào, nhảy càn vào mà không coi trước coi sau:
Anh từ Châu Đốc, ngó xuống Vàm Nao,
Thấy con cá đao bổ nhào vô lưới,
Biết chừng nào anh cưới được em?
BỘ HIỀNG:
-đọc trại âm từ chữ bộ hành.
: người khách đi tàu, xe.
Bộ hiềng ngồi đợi,
Cú rũ rục xương.
Chủ xe không thương,
Để tôi nhịn đói.
( Vè xe hơi )
BỘ NGỰA:
-Đ.ng: phản.
: (cg: bộ ván) - một bộ gồm ba bốn tấm ván gỗ sả dày, kê trên hai chưn ngựa để nằm ngồi. Chưn ngựa là thanh gỗ dài hai đầu đóng chân bẹt ra.
Không phải căn duyên,
Bộ ngựa gõ, nhà ngói đỏ, anh cũng không màng.
Đôi khi, người ta chỉ dùng chữ ngựa thay vì nói bộ ngựa hay bộ ván.
Đó đủ đôi cùng ngồi một ngựa,
Đây chỉ một mình biết dựa vào ai!
BỘ VẠC:
: loại giường đóng toàn bằng tre và cũng được lót bằng những thanh tre chuốt giẹp để nằm ngồi.
Hễ phải căn duyên là thôi,
Nhà xiêu vách nát, bộ vạc sập, nước ngập , anh cũng ngồi.
BỔI
1-Loại nhánh nhóc, củi chà của cây. Người ta dùng loại này để chụm gọi là củi bổi hoặc để cắm làm chà cho các dây leo như khổ qua, mướp. Ngừơi ta cũng có thể thả xuống đìa nuôi cá hay độn lấp ao vũng.
Nước lên gặp bổi nổi rêu,
Tôi với mình nằm trại ngủ lều cũng xong.
2-vật không quan trọng nhưng phải có, phải được thêm vào thì mới đầy đủ
Vd:Tôi mới mua được một miếng thịt cầy nhưng chưa có đủ đồ bổi.
BỘI :
:một lối hát theo tuồng tích hầu hết lấy trong truyện, sử Trung hoa thời xưa. Sân khấu chưng dọn đơn sơ. Trang phục đa dạng tùy theo vai. Vd: một võ tướng phải bận áo giáp, sau lưng có buộc những lá cờ nhỏ hình đuôi nheo, màu sắc khác nhau. Mỗi màu cờ tượng trưng cho một đạo quân mà vị tướng đó chỉ huy. Một tướng soái mang nhiều cờ chừng nào thì chúng ta biết vị tướng đó quan trọng. Hát bội chủ yếu là dùng dáng điệu và ngôn ngữ để diễn tả các tình huống. Hát bội đã có từ xưa nên thường dùng từ Hán Việt hoặc từ và cách nói cổ xưa.
Có thằng chồng say như trong chay ngoài bội,
Có thằng chồng ghiền như hội Tầm dương.
hoặc:
Trồng trầu trồng lộn dây tiêu,
Con theo hát bội, me liều con hư.
BỒN BỒN:
-t.k.h: Typha angustifolia, họ Bồn bồn Typhaceae.
: (thực)- nê thực vật đa niên, căn hành bò, thân đứng. Lá dài giẹp và cứng, đáy có bẹ ôm thân. Phát hoa đẹp để trang trí. Cây mọc nhiều ở ruộng nước, dựa mé rạch . Ngó và lá non dùng làm dưa rất ngon.
Cây bồn bồn, lá cũng bồn bồn,
Gá duyên không đặng, họ đồn em hư.
BỔN PHẬN ( HV )
- (bổn: đi kèm một danh từ, dùng để chỉ của mình
Vd: bổn địa: vùng đất của mình
Bổn vương: tiếng tự xưng của một vương hầu
Trong câu ca dao sau đây, bổn phận không phải chỉ việc mà mình phải làm mà có nghĩa là phận mình.
Anh than bổn phận anh nghèo,
Vợ con không có bọt bèo cũng không.
BÔNG ( 1 ):
cg: hoa
1-bộ phận sinh thực của cây cỏ gồm có đài hoa, vành, nhụy đực và nhụy cái.
Mù u bông trắng, lá quắn nhụy huỳnh,
Anh thương em như vậy,biết phụ mẫu nhìn hay không?
*-bông quì:
-cg: hoa hướng dương
-t.k.h: Helianthus Annuus L., họ Cúc Asteraceae.
: (thực) - cỏ nhất niên, cao 1.5m, thân cây có lông, lá hơi nhám. Hoa to như chiếc gương lớn, có nhiều hột đen. Người ta ăn hột quì rang hay ép hột để lấy tinh dầu vì đó là thứ dầu ăn rất tốt.
Chim quyên húp mật bông quì,
Ba sanh còn đợi, huống gì ba năm.
*-bông súng:: (Đ.ng:hoa súng) -họ Súng Nymphaeaceae có các loại chúng ta thường thấy:
a)-bông súng cơm (cg: bông súng đỏ) - t.k.h: Nymphaea rubra: căn hành tròn dài, có chồi. Phiến lá rộng, nâu đỏ rồi xanh, bìa răng cưa. Hoa đỏ, nở ban đêm đến 11g sáng. Lá đài đỏ, chót tà. Cây trồng trong ao hồ vì hoa to rất đẹp.
b)-bông súng Mê-hi-cô: (cg: bông súng Nam Mỹ ): t.k.h: Victoria amazonica
:cỏ thuỷ sinh đa niên, to. Phiến lá đỏ lợt, rộng đến 1m, bìa vãnh lên, mặt dưới đỏ có nhiều gân lồi. Hoa trổ hai đêm, to 20-40cm, trắng rồi hồng; bốn lá đài gần như tròn. Hoa có nhiều cánh, nhiều tiểu nhuỵ . Loại này có trồng ở Thảo cầm viên Sài Gòn.
c)-bông súng trắng:t.k.h: Nymphaea pubescens - Căn hành tròn dài; phiến lá rộng, xanh đậm và láng mặt trên, đầy lông mịn nâu ở mặt dưới. Cuống lá có hai bộng to. Hoa trắng hay hường , nở buổi sáng, nhuỵ vàng.. Loại này có nhiều ở ao hồ, ruộng nước, được dùng như rau ăn sống của người Nam bộ.
Muốn ăn bông súng cá kho,
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.
*-bông trang:
-t.k.h: Ixora chinensis , họ Cà phê Rubiaceae.
-tên một loài tiểu mộc không cao quá 2m. Bông có tai nhỏ kết thành chùm.Trứơc đây người ta thường thấy bông trang đỏ đậm hoặc trắng. Nhưng ngàynay ngoài loại trang lá lớn, chúng ta còn thấy nhiều loại trang khác lá nhỏ hơn, bụi thấp hơn, nhiều màu sắc khác nhau và bông trổ sai hơn.
Bông trang trước cửa, ai bảo bông trang vàng,
Ngày thời chuyện vãn, tôi mơ màng thấy em.
2-hoa giả hoặc bông làm giả, có thể bằng giấy, nhựa, vải lụa với màu sắc loè loẹt để trang trí cho đẹp.
Anh đi lọng lụa ba bông,
Để em cấy mướn dựa đồng cây me.
BÔNG ( 2 ):
:Cây hoặc tơ sợi lấy từ trái bông vải hay trái gòn.
Con thơ tay ẵm tay bồng,
Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông.
* bông gòn:
a)-bông của trái gòn
b)-sợi lấy từ bông vải, hấp chín và tiệt trùng, dùng băng bó lau chùi vết thương.
Vỏ ngoài nâu trong trắng tợ bông gòn,
Anh đây nói thiệt, sao em còn so đo.
BỒNG :
-Đ.ng: bế
1-ẵm, dùng tay giữ đứa trẻ hoặc người nào để đem đi
Cô kia tôi biết đã lâu,
Chồng cô không có, con đâu cô bồng?
2-(ng.b): ẵm, bợ lấy cái đáng lẽ không phải của mình
Bướm buồn mà đậu cành hồng,
Đã yêu con chị lại bồng con em.
BỚ:
:dùng kèm một từ hoặc kèm đại từ nhân xưng ngôi hai, kêu to lên để người ta nghe việc mình sắp nói.
Khoan khoan, bớ chị hái dâu !
Chị đừng ngắt ngọn để dâu lên chồi.
hoặc :
Bớ chiếc thuyền loan, khoan khoan, ngớt mái
Đặng đây tỏ một đôi lời phải trái nghe chơi.
BỚI (1 )
:dùng đũa bếp xới cơm lên cho xốp rồi lấy vá múc vô chén để ăn.
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè bài tới
Cơm chưa kịp bới
Trầu chưa kịp têm.
BỚI ( 2 ):
-(Đ.ng: búi)
: guộn tóc lại, ngoai một hay hai vòng, nhét mối rồi lận thành búi tóc.
Chị kia bới tóc đuôi gà,
Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu.
BU:
- HV: bầu ( tụ họp lại )
-Đ.ng: bâu
:(một đám đông) xúm lại và đeo bám vào cái gì
Ba bốn nơi sang cả, phụ mẫu em đành gả,
Em chấp tay khoan đã, chưa tới căn phần,
Phụ mẫu nói em bất tôn giáo hóa đem treo cây bần cho kiến bu.
BÙ:
- HV: bổ.
: thêm vào cho đủ.
Đưa em về tới Đông Hồ,
Em trả trái mít, em bù trái thơm.
BÙ MẮT:
-cg: bọ mắt.
: loại côn trùng rất nhỏ, có cánh, thường xuất hiện nhiều lúc nước ròng và cắn rất ngứa.
Sớm mơi ra vào, muỗi tợ trấu xay,
Rạng đông rồi bù mắt lấp chân tay.
BÙ XOÈ:
: loại côn trùng đục ăn thân cây.
Hỏi thăm cái giếng lạn em đâu,
Cho anh ngâm cái cột gõ để lâu bù xoè.
BÙA :
- HV: phù ( lá bùa )
:nét chữ nguệch ngoạc của thầy pháp, thầy cúng để xin thần thánh trời phật phò hộ hoặc để trừ tà ếm quỉ.
Tay bưng quả nếp vô chùa,
Thắp nhang lạy Phật xin bùa em đeo.
Đôi khi nhiều người có dã tâm dùng bùa ngãi để trục lợi. Bùa làm người khác mê muội làm theo ý mình.
Biển Đông sóng dợn tư mùa,
Ai cho em uống thuốc bùa em mê.
BỦA ( HV ):
- HV bố ( giăng trải ra )
:giăng bày trên một diện tích rộng lớn
Ruộng sâu sóng bủa láng cò,
Thương em vì bởi câu hò có duyên.
BÙI:
1-(vị) béo ngọt dìu dịu như mùi của khoai củ.
Trăng rằm đã tỏ lại tròn,
Khoai lang tia tía đã ngon lại bùi.
2-ngon ngọt.
Thương con cho roi cho vọt,
Ghét con cho ngọt cho bùi.
-lời nói bùi tai.
BUNG :
:bật tung ra, không còn được giữ đúng vị trí
Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành,
Tàu Tây liệt máy, anh mới đành bỏ em.
BÙNG BINH:
1-chỗ trũng thấp, nước tương đối sâu trong ruộng.
Vd: Muốn tập cỡi trâu, dễ ợt! Lùa nó xuống bùng binh, mặc sức mà cỡi.
2-chỗ giao lộ, nơi các con đường gặp nhau. Người ta có thể trồng hoa ở giữa.
-bùng binh Cây Mai Cây Gõ ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày nay gọi là vòng xoay.
Người ưa bàn tán, ra chợ Bùng Binh,
Không dính trong mình, là chợ Cần Giuộc.
(Vè các chợ)
BÚNG :
:sức chứa đựng trong miệng
Vd: ngậm một búng cơm
Ngày xưa, các bà mẹ thường nhai cơm và thức ăn trong miệng để mớm cho trẻ con ăn. Cơm đó gọi là cơm búng.
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.
BŨNG BEO:
-(bũng: mập mà bệu, nước da vàng vì bệnh tật
Trai tuấn kiệt cũng vai so cổ rút,
Gái thuyền quyên cũng mặt bũng da chì.
-beo: teo tóp lại )
bũng beo: (thân hình) gầy ốm và da vàng mét vì bệnh hoạn
Cao su đi dễ khó về,
Khi đi trai tráng, khi về bũng beo.
BUỔI:
1-khoảng thời gian căn cứ bằng bóng mặt trời
Tuổi Sửu con trâu kình càng,
Cày chưa đúng buổi đã mang cày về.
*- buổi sáng: từ lúc mặt trời chưa mọc đến trưa
*-buổi trưa: khoảng thời gian hết buổi sáng. Nông dân thường ngưng làm vịêc để ăn uống nghỉ ngơi rồi sau đó làm việc buổi chiều.
*-buổi chiều: không nhất thiết là bắt đầu từ mấy giờ, mà thường chỉ lúc người ta đi làm trở lại sau giờ nghỉ trưa.
*-buổi tối: từ lúc mặt trời chen lặn trở về sau
Liên quan đến từ buổi theo ý nghĩa của người nông dân Nam bộ xưa, chúng ta còn có các cụm từ:
*- Lúc mặt trời lên thả buổi: lúc mặt trời lên cao ở vị trí người ta thả trâu chấm dứt việc cày bừa buổi sáng
*- buổi đứng: lúc mặt trời đứng bóng, nghĩa là đã lố qua thời gian nghỉ ngơi buổi trưa một chút
Vd: Sáng nay chủ nhà kêu chín công mạ mà người đi chỉ có sáu. Mấy người còn lại phải gồng, nhổ một buổi đứng để được lãnh thêm mỗi người ba mươi đồng.
2-có nghĩa như chữ thời buổi, chỉ một giai đoạn nào đó của thời gian đã qua
Văn minh gặp buổi Lang sa,
Tri âm thì ít, trăng hoa thì nhiều.
BUỒM MỀN:
:Lá buồm dùng tạm thời, làm bằng tấm chăn đắp
Gió nam, anh chạy buồm mền,
Qua sông gãy cột, ai đền cho anh?
BUỒN:
- HV: muộn ( nỗi sầu )
:Cảm thấy trong lòng không vui
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.
*- buồn xo: buồn với dáng vẻ thiểu não, không nói không rằng và cũng không muốn làm gì cả
Thấy cô cấy rẫy buồn xo,
Cùng anh kết nghĩa chuyện trò được không?
BUÔNG TUỒNG :
:có nghĩa giống như buông thả, bất chấp mọi lề luật xã hội qui định
Đùng đùng ngựa chạy qua truông,
Mảng mê con đĩ, buông tuồng bỏ em.
BUỒNG :
-cg: quày
:toàn thể trái dính chung một cuống lớn
Vd: buồng cau, buồng chuối, buồng dừa
Đi đâu bỏ mõ bỏ chuông,
Bỏ ghe tương lạt, bỏ buồng chuối non?
BỰ:
- HV: cự (to)
: to lớn.
Chê tôm ăn cá lù đù,
Chê thằng bụng bự, thằng gù lại ưng.
BỮA :
1-một lần ăn uống trong ngày, lúc ăn uống
Cơm ăn nửa bữa khó mời,
Phụ mẫu ngồi đó trao lời khó trao.
*- bữa ăn: lần ăn cơm trong ngày
Vd: - trời đánh tránh bữa ăn
Gió đưa cây cửu lý hương,
Giờ xa cha mẹ, thất thường bữa ăn.
*- bữa cơm: có nghĩa như bữa ăn
*- bữa tiệc: lần tổ chức ăn uống để chiêu đãi
2-ngày và đêm
Anh đi ba bữa anh về,
Ở nhà, em khá lo bề thần hôn.
*- bữa hỗm: một ngày nào đã qua rồi nhưng cách nay không lâu
*- bữa kia: ngày sau ngày mốt
Vd: Hôm nay là chủ nhật, mai là thứ hai, mốt là thứ ba, bữa kia là thứ tư.
*- bữa nay: ngày hôm nay
Gá duyên với bậu hôm rằm,
Bữa nay bậu bỏ tôi nằm phòng không.
*- bữa qua: ngày hôm qua
*- bữa sau: ngày hôm sau
*- bữa trước: ngày hôm trước, có thể cách nay một ít ngày nhưng không quá lâu
BỰC LỞ:
-(Bực: nấc, bậc, mô đất cao của bờ bị lở )
: chỗ đất cao còn lại khi bờ sông đã lở đất
Vội ra ngoài bực,
Lựa chỗ anh ngồi.
Hoặc
Anh ngồi bực lở anh câu,
Khen ai khéo mách, cá sầu chẳng ăn.
BƯỞI:
-t.k.h: Citrus grandis (L), họ Cam quít Rutaceae.
: (thực) loại cây lớn, cao đến 10 m, được trồng khắp nơi. Phiến lá to, dày, có 5-6 cặp gân phụ, cuống có cánh rộng và có đốt ở phiến. Chùm ngắn, trục có lông. Bông trắng kết thành chùm nhiều tiểu nhụy. Trái lớn, vỏ dày, bên trong trắng hoặc hường.
E khi lòng lại đổi lòng,
Nhiều tay tham bưởi chê bòng lắm anh.
BƯỚM BÀ:
-(bướm: loại côn trùng sặc sỡ, hút mật hoa; bà: (HV:to lớn). Người Nam bộ thường có thói quen dùng chử bà kèm với một danh từ để chỉ vật đó to.
-bướm bà: loại bướm to
-ếch bà: ếch cái to con
-trầu bà: loại trầu kiểng lá to
Chim hít cô đậu dây bình bát,
Bươm bướm bà đậu cột chùa ông.
BƯNG (1 ):
- HV phủng ( bưng )
1-dùng tay để cầm nắm vật gì đem đi
Một tay hai trái khó bưng,
Muốn bưng trái nọ thì đừng trái kia.
2-thò tay xuống phía dưới để nâng vật gì lên.
*-bưng bợ:
a)-bợ dưới đít để nâng vật gì lên.
b)-(cn: bợ đỡ) (lóng) -nịnh hót tâng bốc.
Mấy chú nhà nghèo, cho vay bạc nợ.
Nhà giàu bưng bợ, thiếu trước hụt sau.
(Vè nói ngược)
BƯNG (2 ):
:nơi đất sình lầy trũng thấp, nhiều chỗ nước đọng nhưng không quá sâu. Ơũ đây mọc lên những thứ cây nhỏ như đế, sặc, sậy hay năn lác. Người ta phát cỏ năn, đốn cây nhỏ để trồng lúa.
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma.
BỨNG:
:lấy dao xắn hoặc lấy cuốc đào một cây để đem đi nơi khác để trồng lại
Rau răm đất cứng khó bứng khó trồng,
Dầu thương cho lắm cũng chồng người ta.
BƯƠN:
- HV bôn ( chạy lẹ )
-cn: bon / bon bon
Vd: đi bươn kẻo trễ (đi nhanh lẹ, nếu không thì trễ)
Giục ngựa bươn cương lên đường thượng lộ,
Trời hỡi trời, mới ngộ lại xa.
BỨT:
:lấy tay kéo mạnh để cho vật gì đứt ra
- bứt mây động rừng (t.ng)
- Vô rừng bứt một sợi mây,
Đem về thắt gióng cho mày đi buôn.




Phương Ngữ- Vần CA ...

C

CÀ :
-họ cà: Solanacea
Họ cà có nhiều loại tùy theo hình dạng của trái
*- cà tím, cà dái dê: (t.k.h: Solanum melongena)
Cây trồng một năm, cao tới 1m. Lá có lông nhung, nhám, thùy cạn. Hoa tím tiểu nhụy vàng gắn ngoài nách lá. Phì quả có đài đồng trưởng. Dựa vào hình dạng của trái, người ta đặt tên cho cà: cà dái dê, cà tím, cà dĩa, cà pháo, … Cà được nấu chín để ăn, ít khi được ăn sống.
Tánh hay làm xấu,
Trái cà dái dê.
Ngứa gãi mà mê,
Là trái mắc mèo.
CÀ RIỀNG :
-cn: cà riềng cà tỏi; cà kê dê ngổng.
-Đ.ng: dây cà dây muống
:lầm rầm lì rì nói mãi hết chuyện này tới chuyện khác mà toàn những chuyện không đâu. Có khi nhắc đi nhắc lại một chuyện nhiều lần.
Thầy tu ăn nói cà riềng,
Em thưa quan lớn đóng kiềng thầy tu.
CÁ:
:động vật ở dưới nước, thở bằng mang, bơi lội bằng vi, mình phủ một lớp nhớt, đẻ trứng.
Cá ở ao môn sầu tam tứ nhị,
Được chữ sang giàu chẳng nghĩ tới nhau.
*-cá bã trầu (cg: cá hùng hỉnh): loại cá nhỏ mình giẹp, sống trong ruộng, mương nước ngọt, thường đóng ổ bằng cách nhả một lớp nước bọt giống như ổ lia thia.
Chim chìa vôi bay ngang đám thuốc,
Cá bã trầu lội tuốt mương cau.
*-cá bẹ :loại cá mình giẹp vãy to có nhiều xương nhỏ, thịt rất béo.
Nước mắm ngon giằm con cá bẹ,
Anh biểu em rình lén mẹ qua đây
*-cá bống:tên một loại cá nứơc ngọt, thường thấy ở vùng nhiều sông rạch
Bậu ra bậu lấy ông câu,
Câu con cá bống chặt đầu kho tiêu.
Có nhiều loại cá bống:
a)- cá bống cát: loại cá bống đầu giẹp, mình tròn dài khoảng hai tấc trở lại, thịt dẽ, ngon
b)-cá bống dừa: mình tròn mềm, dài độ 15cm, màu nâu tím,thường sống trong hốc những bụi dừa nước
c)- cá bống kèo (cũng gọi là cá kèo) (xt: cá kèo )
d)- cá bống mú: loại cá bống tương đối to con, có thể to bằng bắp tay, mình tròn, thịt ngon.
Con cá bống mú, nó đà đủ cặp,
Dẫu anh câu hoài, chẳng gặp được đâu.
e)-cá bống sao: loại cá sống vùng nước lợ, mắt to lồi ra, mình tóp lại ở phần đuôi, thịt dẽ rất ngon
f)- cá bống sậy: nhỏ con, dài khoảng một tấc, đuôi xoè tròn khi cá bị bắt lên khỏi mặt nước
g)- cá bống tượng: giống cá bống mú, vãy ửng vằn đen
h)- cá bống trứng: chỉ lớn bằng đầu đũa ăn, dài khoảng hai phân, lúc nào cũng có trứng.
i)-cá bống xệ: sống ở hang bãi bùn
*-cá buôi:tên một loại cá nước ngọt, sống ở sông rạch, mình tròn, thịt ngon béo vì có nhiều mỡ.
Năm tiền một khứa cá buôi,
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già.
*-cá cựu: cá sống lâu năm trong vùng đất ngập nước hoặc ở lâu trong đìa liên tiếp mấy năm không tát.
Công anh đốn ráng thà đìa,
Một mai cá cựu biết vìa tay ai.
*-cá chốt:loại cá nước ngọt, nhỏ con, xương đầu cứng, có hai ngạnh bén nhọn hai bên
Bạc liêu là xứ quê mùa,
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều châu.
*-cá duồng:tên một loại cá mình mềm, vảy to màu trắng bạc, thịt ngọt, có nhiều xương nhỏ.
Lưới thưa anh bủa lấy con cá duồng,
Phụ mẫu em già yếu, em bơi xuồng đi kiếm anh.
*-cá đao:loại cá lớn ở biển có mỏ dài và nhiều răng nhọn.
Anh từ Châu Đốc, ngó xuống Vàm Nao,
Thấy con cá đao bổ nhào vô lưới,
Biết chừng nào anh cưới được em?
*-cá đối:tên một loại cá trắng ở sông rạch
Con cá đối nằm trên cối đá,
Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo.
*-cá hồng:loại cá nuôi trong hồ ao, mình giẹp màu vàng đỏ, thịt ngon.
Buổi chợ đông con cá hồng anh chê lạt,
Buổi chợ tan rồi, con tép bạc anh cũng khen ngon.
*-cá kèo:lọai cá mình tròn dài có vãy rất nhỏ, sống trong sông rạch,đào hang rất sâu ở các vũng cạn,bãi lầy vùng nước ngọt và nước lợ.
Dưa leo chấm với cá kèo,
Bởi con nhà nghèo,đi học nọoc-man.
Trước đây, Nam bộ có nhiều cá kèo. Cho nên, cá kèo thường chỉ hạng tầm thường, đông đảo, giá trị ít oi.
Vd: -đậu hạng cá kèo; mua vé hạng cá kèo.
-ngồi nhóc mỏ cá kèo.
*-cá kình: (Đng:cá voi) , (cg: cá ông):loại cá lớn có vú, đẻ con và nuôi con bằng sữa, sống giữ biển khơi, thường giúp ngư dân bằng cách đưa tàu thuyền của họ vào bờ an toàn khi họ gặp bão giữa biển khơi. Vì vậy, họ gọi cá voi là cá ông, tước hiệu Nam hải tướng quân. Hiện tượng cá kình chết trôi giạt xác vào bờ được gọi là ông lụy. Ngư dân nào thấy trước phải đứng ra tổ chức tang lễ.
Ví dầu chỉ thóang tơ mành,
Khéo câu thì đặng cá kình biển Đông.
*-cá leo:loại cá nước ngọt sống trong sông rạch, mình hơi tròn ở khúc đầu nhưng giẹp ở đoạn đuôi. Cá leo có dạng giống cá trèn nhưng to con hơn.
Nước không chưn sao kêu nước đứng,
Con cá không trèo sao nói cá leo?
*-cá liệt:loại cá nhỏ ở biển
Nước mắm ngon giằm con cá liệt,
Em có chồng rồi, nói thiệt anh hay.
*-cá linh:lọai cá nhỏ ở sông,thân hơi giẹp,vãy trắng,xương mềm,thường được dùng
làm mắm họăc nuớc mắm.Nếu được cá tươi,người ta thường nấu chua hoặc kho mắm.
Canh chua điên điển cá linh,
Ăn chỉ một mình,thì chẳng biết ngon.
*-cá lóc:loại cá đồng, mình tròn thon dài, đầu to, lưng đen bụng trắng. Cá mới nở màu đỏ gọi là rồng rồng; khi lớn bằng tay cái được gọi là cá tràu cửng; to bằng nửa cuờm tay được gọi là cá tràu (c.g. cá lóc cọt); to hơn nữa mới gọi là cá lóc. Ở miệt Đồng tháp có loại cá lóc bông mình có ửng đốm vằn trên vãy. Cá lóc mẹ và cha giữ bầy rồng rồng rất kỹ. Khi cá khác hoặc con vật nào tới gần, cá mẹ và cá cha thường rựơc đuổi, táp cắn. Cho nên, người ta thường dùng lối câu vịt để bắt cá cha mẹ. Rồng rồng bị mất mẹ thì bị cá lớn khác ăn hết.
Cá bống đi tu,
Cá thu nó khóc,
Cá lóc nó rầu.
*-cá lóc nướng trui: người ta có thể nướng trui theo hai cách:
a)-bọc đất sét bên ngoài con cá rồi vùi trong đám lửa rơm,
b)-lụi cây vào miệng con cá lóc không đanh vãy rồi kê lên lửa than để nướng.
Cá lóc nướng trui là món được ưa chuộng ở Nam bộ.
Bắt con cá lóc nướng trui,
Bày mâm rượu trắng đãi người phương xa.
*-cá lý ngư (cg: cá chép):loại cá nước ngọt, thịt ngon, sinh sản nhiều.
Cá lý ngư sầu tư biếng lội,
Chim phụng hoàng sầu cội biếng bay.
*cá nược: tên gọi khác của cá heo, lọai cá lớn sống thành đàn bầy giữa biển khơi thuộc loài có vú,đẻ con và nuôi con bằng sữa mẹ. Loại cánày rất thông minh.
Ngó lên chùm mây bạch,
Ngó xuống lòng lạch thấy con cá chạch đỏ đuôi.
Con cá buôi chạy vượt,
Con cá nược chạy theo.
*-cá ngác:loại cá không vãy hơi giống cá trê trắng nhưng to con hơn nhiều, đào hang rất sâu và xa, thịt rất ngon.
Sông Bến tre nhiều hang cá ngác
Đường kho bạc mịn cát dễ đi.
*-cá trê:loại cá nước ngọt không vãy, đầu giẹp, có ngạnh bén hai bên.
Cần chi cá lóc, cá trê,
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều.
Có nhiều loại cá trê:
a)-cá trê dừa: mập, to, nhiều thịt
b)-cá trê trắng: da lưng màu xám mốc, bụng trắng, thịt dai, ngạnh rất bén, mạnh và chịu đựng giỏi hơn các thứ cá khác. Người ta thường dùng để nấu canh chua hoặc kho mắm.
c)-cá trê vàng: lưng màu đen mướt, bụng vàng, thịt ít dai. Người ta thường dùng để nấu canh rau, nhất là nấu với rau đắng đất, hoặc nướng ăn với nước mắm gừng
Đố ai kiếm được vãy con cá trê vàng,
Cái gan con tép bạc, mấy ngàn tôi cũng mua.
*-cá vồ: loại cá to vùng nước ngọt, không vãy, mình trơn, đầu lớn và giẹp, lưng đen bụng trắng.
Chèo ghe đi bán cá vồ,
Nước chảy ồ ồ, chẳng thấy ai mua.
*-cá vược:loại cá nước mặn, to con, thịt ngon.
Nước chảy xuôi, con cá buôi nó lội ngược,
Nước chảy ngược,con cá vược nó lội xuôi.
CÁCH :
-t.k.h: Premna Serratifolia L. ,họ Ngũ trảo Verbenaceae.
-c.g. Vọng cách
: (thực) -cây cao từ 2-6m. Lá thơm, phiến bầu dục, thường mọc hơi bất xứng, trơn láng ở mặt trên, có ít lông mịn ở mặt dưới. Cành non hơi vuông, cành già giòn dễ gãy. Bông trắng; trái tròn nhỏ kết thành chùm ở đầu cành, xanh lúc còn non, trở thành màu tím đen khi chín. Cách được trồng ở mí nước, trong vườn để làm gia vị, làm rau ăn sống (ăn với thịt vịt nấu cháo), luộc hoặc nấu canh đều rất thơm.
Cách mọc bờ ao kêu là cách thủy,
Chợ Sài gòn xa, chớ chợ Mỹ không xa.
CÀI:
:giắt, móc vật gì vào vật khác
Ngó lên bên núi Tô châu,
Thấy cô gánh nước trên đầu cài trâm.
hoặc :
Tóc em dài, em cài bông hoa lý,
Cái miệng em cười, anh để ý anh thương.
Ghép:
*-lượccài: lược thưa răng cài lên đầu để giữ nếp cho mái tóc.
CẢI TỬ HƯỜN SANH (HV ):
-cn: cải tử hoàn sinh.
-( Cải: sửa đổi; Tử: cái chết; Hườn: cách phát âm của người Nam bộ xưa khi đọc chữ HV hoàn có nghĩa là trở lại, trả trở lại; sanh :cách phát âm của người Nam bộ xưa khi đọc chữ HV sinh có nghĩa là cuộc sống ).
:Biến đổi cái chết thành cái sống, làm cho người đáng lẽ chết được sống
Phải chi cải tử hườn sanh,
Mổ gan trao lại kẻo mình nhớ em.
CÃI LỊNH:
-Đ.ng: cãi lệnh.
: chống lại mệnh lệnh của cấp trên.
Phụ mẫu sanh đẻ, phụ mẫu định,
Con đâu dám tư tình cãi lịnh mẹ cha..
CAM ( HV ):
:vui vẻ chấp nhận mọi tình huống mà không chút oán than
Đi đâu cho thiếp theo cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

CÁM ( 1 ):
1-lớp phấn mịn bọc ngoài của hột gạo lứt
Xay lúa giã gạo Đồng nai,
Gạo thóc về ngài, tấm cám về tôi.
Ngày xưa, những khâu xay lúa giã gạo đều làm thủ công. Vì thế có hai loại cám:
*- cám to: (c.g.): gồm có một phần cám cộng với vỏ trấu bị cối xay nghiền nát. Cám này dùng để trộn với rau hoặc chuối quết để nuôi vịt, ngỗng.
*- cám nhuyễn (c.g. cám giã): mịn, nhuyễn,màu vàng ngà, có chứa sinh tố B1, ăn được hoặc dùng để nuôi heo bò.
Ngày xưa,vào những năm thất mùa, vì thiếu lương thực, người ta buộc phải ăn cám. Thông thường, cám chỉ để nuôi heo. Vì thế, Nam bộ có câu: “Đồ ngu ăn cám sú” để chỉ những người quá đần độn.
2-người Nam bộ thường dùng chữ cám như một tính từ dùng kèm danh từ để chỉ vật nhỏ.
*-bèo cám: loại bèo nhỏ nồi đặc mặt nước, người ta thường vớt cho vịt ăn.
*-hột xoàn cám: hột kim cương nhỏ mịn như cám.
*-mụn cám: mụn nhỏ li ti trên mặt.
CÁM (2 ):
- HV cảm ( nhận biết điều gì xãy ra trong lòng khi tiếp xúc với ngoại cảnh )
*- cám cảnh: nẩy sinh lòng thương xót
Vịt nằm bờ mía rỉa lông,
Cám cảnh thương chàng đi lạc đường xa.
*- cám dỗ: dùng tình cảm để dụ người khác làm theo ý kiến của mình
*- cám ơn: nói ra lòng biết ơn của mình
CAN CHI :
-(can: dính dáng, dính líu tới )
: đâu có dính dáng gì, đâu có ăn nhập gì,- dùng trong câu phủ định hoặc đặt trước câu hỏi.
Nón treo quai gãy khi không,
Can chi bậu sợ phập phồng lá gan?
CÀN:
-cn: đùa – đại.
: thường dùng kèm với một động từ để chỉ làm một việc gì một cách vội vã mà không nghĩ đến hậu qua.ũ
- chó cắn càn .
Càn thường dùng kèm với một động từ.
*-hứa càn: hứa đại mà không cần biết mình có làm được hay không.
Dầu cho quá lứa,
Em cũng chẳng hứa càn.
CÁN (1):
1-phần đề cầm nắm điều khiển.
*-cán cân:
a)-khoen sắt tròn trên đòn cái cân tay để xách lên khi cân đồ vật.
b)-(ngh.r): sự công bình của xã hội hoặc tạo hoá.
*-cán gáo:
a)-đoạn tre dài và nhỏ gắn vào cái gáo múc nước.
b)-từ của một vài địa phương chỉ cái chuôi cày.
c)-(lóng) -từ người bình dân dùng để chỉ máy bay trực thăng mà Mỹ dùng để đổ quân vào trận địa trong cuộc chiến vừa qua.
*-cán vá:
a)- phần gỗ cong tra vào cái vá múc canh,
b)-(ngh.r): cái gì có hình cong như cái cán vá.
-tay cán vá:tay cong khuỳnh ra.
Mặt rỗ còn có khi lì,
Nhưng tay em mà cán vá, ông cố nội ai trì cho ra.
CÁN (2):
: (đt): (vật nặng) đè lên rồi lăn qua.
Gá duyên không đặng hội này,
Em lên Chợ Lớn, nằm đường rầy cho xe lửa cán chơi.
CANG THƯỜNG (HV ):
-Đ.ng: cương thường .
: (cn: tam cang ngũ thường) -những mối ràng buộc về bổn phận của con người với nhau và những đức tính con người cần phải có khi sống trong xã hội:
*-Tam cang: ba giềng mối trọng yếu (quân thần cang, phụ tử cang và phu thê cang) qui định bổn phận đối xữ với nhau giữa vua tôi, cha con và vợ chồng.
*-Ngũ thường: năm đức tính thông thường mà ai cũng phải có:
+ nhơn: lòng thương người
+ nghĩa: bổn phận đối với người xung quanh
+ lễ: cách cư xữ với người khác
+ trí: sự sáng suốt
+ tín: sự tin cậy
Lần lần, trong dân gian, chữ cang thường thu hẹp nghĩa lại. Trong đời sống gia đình chữ này chỉ còn mang nghĩa tình vợ nghĩa chồng,duyên gắn bó giữa trai gái.
Đi ngang lò mía thơm đường,
Muốn vô kết nghĩa cang thường với em.
*-Giữa đường gãy gánh hoặc gãy gánh cang thường: chỉ tình trạng cô độc của người có chồng hoặc vợ chết
*-phá đạo cang thừơng: xen vô để phá vỡ hạnh phúc gia đình của người khác
Có đôi chưa? – Nói lại tôi tường,
Để tôi vô phá đạo cang thường, không nên.
CANH (HV)
:Ngày xưa, người chia đêm làm 5 canh. Mỗi canh là một canh giờ (tức là hai giờ của đồng hồ ngày nay.)
- canh một: giờ Tuất (7 – 9 giờ)
- canh hai: giờ Hợi (9 - 11 giờ)
- canh ba: giờ Tí (11- 1 giờ) vào lúc nửa đêm.
- canh tư: giờ Sửu (1 – 3 giờ)
- canh năm: giờ Dần (3 – 5 giờ)
Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ,
Năm canh chầy, thức đủ năm canh.
hoặc:
Bước qua canh một, anh còn thắp ngọn đèn vàng,
Chờ người bạn cũ thở than đôi lời,
Canh hai nguyệt đổi sao dời,
Cùng nhau tính chuyện trọn đời thuỷ chung.
Canh ba, cờ phất trống rung,
Mặc cho ai thẳng, ai dùn , mặc ai.
Canh tư , hạc đậu nhành mai,
Sương sa lác đác biết ai mà tầm.
Canh năm, nằm dựa phòng loan,
Mỏi mòn chờ đợi người bạn chung tình của anh.
Ghép:
*- cầm canh: từ canh này qua canh khác, không dứt.
Cóc chết lại có minh tinh,
Thất nghiệp nằm đình, có trống cầm canh.
*- (trống) tan canh: (hồi trống) đánh lên báo hiệu hết canh năm lúc 5 giờ
*- (chim) trở canh: (tiếng chim) báo hiệu sang canh khác. Chim chìa vôi thường rộ lên để báo hiệu sang canh.
CAO LY (HV )
:tức Cao Ly sâm, một loại củ nhân sâm do nước Cao ly (nay gọi là Triều tiên) sản xuất. Đây là loại dược liệu rất quí.
Cao Ly sắc với Ngưu hoàng,
Uống không mát dạ bằng thiếp với chàng gặp nhau.
CAO SU :
- P: Caoutchouc: người Hoa gọi là Giao thụ (cây có chất keo)
-t.k.h: Hervea brasiliensis, họ Đại kích Thầu dầu Euphorbiaceae.
: (thực) cây gốc Nam Mỹ, nhập giống vào nước ta năm 1897,-loại cây cao chứa nhựa màu trắng sữa ở lớp vỏ. Khi mủ đặc lại thì dẽo và co dãn. Cây cao su phát triển tốt ở vùng đất bazan. Lá chỉ rụng vài bữa vào dịp Tết. Lá phụ, ba phiến lá bầu dục không lông,cuống chung dài. Hoa vàng nhẹ không cánh, chùm tụ tán xuất hiện một lúc với lá. Nang quả tròn to, có ba hột nâu láng. Mủ cao su được dùng nhiều trong công nghiệp chế tạo vỏ xe.
Khi các đồn điền cao su (plantations de caoutchouc) xuất hiện ở Việt nam, Pháp mộ phu làm công nhân các đồn điền. Phần bị đối xữ tàn tệ, phần nhiễm sơn lam chướng khí, phu đồn điền bị bịnh và chết nhiều.
Cao su đi dễ khó về,
Khi đi trai tráng khi về bũng beo.
CẠO :
1-rà lưỡi dao lên mặt da để cắt sát mớ lông, tóc, râu
*- cạo đầu: làm cho đầu sạch tóc
Củi đậu nấu đậu ra dầu,
Lấy em không đặng cạo đầu đi tu.
Ngày xưa, trừ những người bịnh hoạn (đau ban trái), người tu hành
mới để đầu trọc. Người thường có nhiều mặc cảm tự ti khi đầu mình không có tóc. Vì vậy, chữ cạo đầu còn có một nghĩa khác là bị quở trách, làm nhục. Đàn bà đánh ghen luôn tìm cách cắt một mảng lớn của mái tóc tình địch. Cô gái kia chỉ còn nước cạo đầu, cốt ý là làm cho người bị cạo đau đớn nhiều hơn.
*-cạo râu: cạo sạch râu để tự làm cho mình trẻ hơn, đẹp hơn
Ông già, tôi chẳng muốn ông đâu,
Ông đừng lấp lửng cạo râu đau hàm.
*- cạo da đầu:
a)-lấy hết tóc trên đầu
b-(ngh.b): dùng thủ đoạn để lấy hết của tiền người khác
*- cạo heo (cn: cạo lông heo)
a- chế nước sôi vào dùng dao lấy hết lông của con heo đã bị đâm họng
b-(ngh.b): ám chỉ nghề giết mổ lợn hoặc nói tới người ít học làm việc chân tay với ý khinh miệt.
2-lấy dụng cụ sắc bén rà sát mặt phẳng của vật gì để làm cho nó trơn láng đẹp đẽ hơn
CAU DẦY:
: (trái cau) ngon mềm, đúng lứa vừa ăn.
Tay bưng hộp thiếc cau dầy,
Hỏi em bao tuổi, anh gầy căn duyên.
CAU ĐẬU:
: thứ cau nhỏ trái để nguyên hột phơi khô.
Yêu nhau trầu vỏ cũng say,
Ghét nhau cau đậu đầy khay chẳng màng.
CAY XÉ:
-cn: cay xè; cay xé họng.
1- có vị nóng và nồng của ớt, tiêu gừng đến độ cuống họng muốn rách toạc ra.
2-(ngh.b):đau khổ đến tột cùng.
Anh ra đi, cay xé như gừng,
Đường xa xôi ngàn dặm, xin em đừng nhớ thương.
CẮC:
- HV: giác.
: đơn vị tiền tệ có giá trị bằng mười xu hoặc một phần mười của một đồng bạc .
Tôi chèo ghe vô Cà Mau, Rạch Giá,
Mua ít tạ khoai lang,
Tôi bán một giạ lời mấy cắc.
*-cắc bạc: có nghĩa giống như cắc.
Năm nay nghèo quá, đội nón lá bung vành,
Anh hai ơi! Cho xin cắc bạc, mua nón lành độii chơi.
CẮC CỚ:
1- thích đùa bỡn một cách tinh nghịch chỉ cốt mua vui chớ không có ác ý.
Trách lòng bà nguyệt xà lai,
Bả xui cắc cớ xe hai đứa mình.
2-lâm vào cảnh ngộ trớ trêu.
Thuyền dài sông hẹp khó chèo,
Ai xui cắc cớ lúc nghèo gặp em.
CẶC BẦN:
:cây thân tròn xốp đầu nhọn mọc từ rễ bàng của cây bần. Cặc bần mọc chỉa thẳng lên từ những bãi bùn. Người ta thường tiện ngang cặc bần để làm nút chai.
Nước chảy cặc bần run lẩy bẩy,
Gió đưa dái mít giãy tê tê.
CẶM:
-cn: cắm, ghim, găm
:ghim vật gì xuống đất để cho nó đứng, còn ló một phần trên mặt đất
Cầm gươm cặm bốn phía thành,
Thành hư, gươm gãy, mới đành xa em.
CĂN :
-Đ.ng: gian
:khoảng trống giữa hai hàng cột, tính xuôi từ trước tới sau
Nhà anh lợp những mo nang,
Nói láo với nàng nhà ngói năm căn.
CĂN DUƠN ( HV ):
-(Căn: rễ; Duơn: cách phát âm của người Nam bộ xưa khi đọc chữ duyên ( sự gặp gỡ )
:sự gặp gỡ của đôi trai gái như đã được định sẵn từ trước.
Linh đinh nửa nước nửa dầu,
Nửa thương cha mẹ, nửa sầu căn dươn.
CĂN NỢ :
-( HV căn: rễ )
: món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này.
Căn nợ này ai khéo dắt đem,
Đó anh chịu thảm, đây em chịu sầu.
CẶN:
:chất dơ bẩn đọng lại dưới đáy.
Rượu ngon cái cặn cũng ngon,
Thương em bất luận chồng con mấy đời.
CĂNG NỌC GIĂNG NÀI:
-cg: căng dùi nọc.
-( nài: dây to để buộc, chúng ta còn thấy nài dùng để buộc cày bừa vào cái ách trâu bò; nọc: cây cọc đóng chặt xuống đất để cột gia súc ).
: ( lối hình phạt ngày xưa ) dùng dây căng tay chân phạm nhân và buộc vào các cây nọc đóng sâu xuống đất trước khi đánh đập tra khảo.
Phụ mẫu đánh tôi, căng nọc giăng nài,
Sao anh đứng đó, cười hoài không can?
CẲNG:
-cn: chưn, chân, chơn
1-hai chi dưới con người để nâng cơ thể và để đi đứng
Tôi qua nhà má,
Hai tay tôi xá, hai cẳng tôi quì.
2-chân của động vật
- kiến cao cẳng
3-phần phụ thuộc phía dưới dùng để nâng đỡ phần trên
- cẳng bàn, cẳng ghế
CẮT NGHĨA :
-cn: giải nghĩa.
:giải thích ý nghĩa rõ ràng
Một cây em bẻ lấy một nhành,
Anh tên chi, thứ mấy, cắt nghĩa rành đặng em kêu.
CẦM:
:đem món đồ tới thế chấp để lấy tiền.
Nước nguồn chảy xuống ruộng dâu,
Thấy anh đánh bạc lùa trâu đi cầm.
Cầm trâu, cầm áo cầm khăn,
Cầm dây lưng lụa, xin đừng cầm em.
Ghép:
*-cầm cố: (cn: cầm đợ): đem của cải, ruộng đất thế chấp để lấy tiền
*-cầm đồ:
a)-đem của cải thế chấp để lấy tiền, có đóng tiền lời mỗi tháng.
b)-một hình thức vay và cho vay do nhà nước tổ chức thời Pháp thuộc. Người vay dùng đồ trang sức, quí kim, quần áo thế chấp để vay, lãi suất qui định là 2% mỗi tháng. Quá mười tháng, người vay không chuộc thì coi như mất của.Tiệm cầm đồ (mont de piété) là hình thức tư nhân kinh doanh được nhà nước cho phép cho vay kiểu trên, lãi suất 3% và thời hạn tối đa để chuộc món đồ cầm là sáu tháng.
CẦM CÂN :
1-căn cứ vào cái cân để đo trọng lượng các vật, khi mua cũng như khi bán
Vd: Anh A cầm cân cho một vựa gạo.
Chơi hoa cho biết mùi hoa,
Cầm cân cho biết cân già cân non.
2-(ngh.b): người ta thường nói “cầm cân nẩy mực”
+ nẩy mực: kéo căng sợi dây mực của thợ mộc, vạch một đường thẳng, để cưa xẻ gỗ cho ngay,
+ cầm cân nẩy mực: giữ thái độ công bình, ngay thẳng khi xét một vấn đề không để bên nào thiệt thòi

CẦM CHẦU :
- cầm dùi để đánh trống trong một chầu hát. Ngày xưa, trong chầu hát cúng thần ở đình Nam bộ, ban khánh tiết chỉ định một người cầm chầu. Ông này phải cao tuổi, học hành uyên bác. Ông này ngồi cạnh cái trống chầu đặt ngửa sát sân khấu. Oâng đánh trống để tán thưởng câu hát hay, chê trách câu hát sai, hát dở. Gặp câu hay nhất làm ông đắc ý, ông đánh ba tiếng. Câu hát nghe tạm được, ông đánh một hoặc hai tiếng. Gặp câu dở, câu sai, ông đứng dậy, gõ vào tang trống. Đào kép hát trật phải lột mão nhận khuyết điểm và tạ lỗi. Khi đào kép nghĩ rằng mình hát hay mà chỉ nhận được một tiếng trống tán thưởng thì bực bội, bất mãn, bày ra những câu hát cương để chửiũ xiên chửi xéo người cầm chầu.
Ở đời có bốn cái ngu,
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.
CẦM CHỪNG:
-(cầm: kềm hãm, giữ lại ; chừng:mức độ)
:Giữ công việc kéo dài một cách chậm chạp trong chừng mực cho phép với ý mong ngóng chờ đợi điều gì sắp xãy ra.
Ăn cơm ba chén lưng lưng,
Uống nước cầm chừng, để dạ thương em.
CẦM THUỶ:
1-(nước) ngập úng lâu ngày ở chỗ trũng.
-bàu sen nước cầm thuỷ.
2-(ngh.r): nước không rút xuống.
Trời mưa chi hoài chi huỷ,
Nước dưới sông cầm thuỷ, lạnh tợ như đồng.
CÂN ( HV )
1-dụng cụ để đo trọng lượng một vật
Cầm cân mà đi mua vàng,
Gặp em giữa đàng, biết lượng làm sao.
Ngày xưa, người ta thường dùng các loại cân:
*- cân bàn: (cn: cân tạ) dùng để cân các vật nặng, cồng kềnh
*-cân dĩa: cân nhỏ có hai cái dĩa hai bên. Một dĩa đựng hàng hóa, một dĩa đựng trái cân
*- cân tay: (cn cân xách, cân đòn): cân có gắn móc hoặc dĩa ở một đầu để treo, đặt hàng hoá. Phía trên có khoen sắt tròn để xách. Khi cân người ta xách khoen sắt tròn lên và xê dịch trái cân trên đòn cân có khắc độ cho tới khi cân thăng bằng. Người ta đọc con số trên đòn cân để biết vật nặng bao nhiêu. Nếu dùng cân tay này để cân vật lớn, người ta có thể thọc cây vào khoen sắt cho hai người khiêng và móc thêm các quả cân ngoài quả cân có sẵn. Khi cân chúi đầu về phía hàng hóa và cán cân chõng ngược lên thì gọi là cân vác. Ngược lại, phần đòn cân chúi xuống thì gọi là cân non hay cân lui.
*- cân tiểu ly: loại cân nhỏ nhạy và chính xác dùng để cân vàng bạc, quí kim hay dược liệu đắt tiền. Cân có một đòn cân nằm ngang treo lòng thòng hai dĩa nhỏ ở hai đầu. Đơn vị đo lường dùng cho cân tiểu li là:
- lượng / lạng: 37,5 gam
- chỉ: 1/10 lượng
- phân: 1/10 chỉ
2-đo trọng lượng của một vật bằng cách dùng cân
Vd: cân heo, cạn gạo
3-công bình, ngay thẳng, không để bên nào trội, bên nào lép
Trời sao trời ở chẳng cân,
Kẻ ăn không hết, người lần không ra.
4-đơn vị đo lường trọng lượng của ta và Tàu ngày xưa, có giá trị bằng 600 gam.
Kẻ kia tám lạng, kẻ này nửa cân.
8 lạng = 37,5 gam x 8 = 300 gam

CẦN VỤT :
:cần dài, có thể là một nhánh tre dùng để vung cục đất sét đi xa. Người ta dùng cần vụt để bắn chim hay đuổi chim bay đi.
Miệng đuổi chim tay cầm cần vụt,
Mãn mùa rồi, xí hụt anh ơi !
CẨN :
1-khoét lõm mặt gỗ thành những hình hoa văn rồi dùng keo gắn những miếng kim loại hay ốc xa cừ để làm nổi lên những đường nét, chim chóc, hoa cỏ, sông núi.
-tủ cẩn ốc xa cừ, bộ khay hộp cẩn, bộ bình phong bằng gỗ mun cẩn ốc…
2-lót một lớp ở mặt trên
Chợ Sài gòn cẩn đá,
Chợ Rạch giá cẩn xi mon.
Hiện nay, ở Sài gòn còn vài con đường có bờ lề cẩn những phiến đá hình chữ nhật, trắng, bào láng mặt trên.
CẨN PHONG ( HV )
-( cẩn: kín đáo cẩn thận; phong:gói, dán, niêm lại )
:cẩn phong: gói dán và niêm lại cẩn thận không để người khác biết trong thơ nói gì
Làm thơ giấy trắng cẩn phong,
Tình thương nghĩa nhớ ở trong thơ này.
CÂU
: cách bắt tôm cá bằng cách móc mồi vào lưỡi câu
Ai về nhắn với ông câu,
Cá ăn thì giựt, để lâu hết mồi.
*-câu ngầm:cách câu cá với cần câu không phao. Móc mồi xong, người ta thả sợi dây câu nằm dùn sát đáy nước. Cá đớp mồi, người ta nghe động thì giựt lên. Cách câu này dùng để câu loại cá ăn mồi dưới đáy ao hồ như cá trê, lươn.
Nhìn nàng luỵ nhỏ thâm bâu,
Nhạn bay cao bắn với, cá ao sâu câu ngầm.
CÂU MÂU :
:nói dai, nói mãi điều mình không thích để phản đối người khác
Con tôm, con tép còn có râu,
Cớ sao em bậu câu mâu việc đời?
CẦU CAO:
: cách nói trịch thượng, không kiêng nể kẻ trên người dưới.
Tui dẫn nó xuống ghe, tui còn ve nó đặng,
Con gái đất này nói giọng cầu cao.
CẦU Ô (xt Ô Thước)
:cầu do quạ bắc qua ngang sông Ngân hà để Ngưu lang và Chức nữ gặp nhau đêm thất tịch
Đố anh con rít mấy chưn?
Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người?
CẦU SẮT:
: cầu do Pháp xây dựng cấu trúc theo thiết kế của kỹ sư Pháp Eiffel.
Đi ngang cầu sắt, hỏi gã chung tình,
Bướm xa ong tại nhuỵ, tôi xa mình tại ai?
CÂY CÁM:
-t.k.h: Parinari annamensis , họ Hường Rosaceae.
: (thực) đại mộc có chang, phiến lá đầy lông vàng, dưới trắng.Chùm tụ tán ở chót nhánh. Quả nhân cứng bằng ngón chân cái.Trái non và hột ăn được.
Trèo lên cây cám, cám cong,
Thấy gùi chín đỏ trong lòng muốn ăn.
CẬY:
:nhờ người thân tín giúp mình việc gì
Anh về cậy mối, cậy mai,
Chớ đừng liếc mắt cầm tay họ đền.