CÒ ( 1 ):
:loại chim có chân cao mỏ dài, kiếm mồi ở vùng đồng ruộng ngập nước.
Con cò núp bụi lúa xanh,
Chờ con cá đến như anh chờ nàng.
CÒ (2 ):
:tem dán thơ. Ngày xưa, ờ miền Nam khi mới có tem dán lên bao thơ, con tem có vẽ hình con cò. Vì vậy, người ta quen gọi tem thơ là cò.
Làm thơ giấy trắng, em gắn con cò,
Gởi về thăm bạn có tên anh trong này.
CÒ KE LỤC CHỐT:
-cg: lòng tong cá chốt; lòng tong lột chốt.
1-cá chốt, cá lòng tong thường bu lại rỉa mồi khi chúng ta thả mồi xuống câu cá lớn.
2-(ngh.b): kẻ chầu rìa vô tích sự đeo bám theo ăn hại.
Cò ke lục chốt , theo đóm ăn tàn,
Sửa soạn đàng hoàng, chờ ngày ăn hỏi.
CỎ CÚ:
-Đ.ng: cỏ gấu, củ gấu.
-t.k.h: Cyperus rotundus L, họ Lác Cyperaceae.
: (thực)-loại cỏ dại khó trừ, mọc hoang khắp nơi. Thân rễ phát triển thành củ. Lá nhỏ, hẹp, cứng và bóng, giữa có gân nổi. Phần dưới lá ôm sát thân cây.
Cỏ cú, tên thuốc là hương phụ là vị thuốc quí.
Rau dền, rau má mọc riêng,
Cỏ chỉ,cỏ cú mọc liền đầy sân.
CỎ HÔI:
-Đ.ng: cây cứt lợn.
-t.k.h: Ageratum conyzoides L., họ Cúc Asteraceae.
: (thực)- cỏ nhất niên gốc Trung Mỹ, cao 20-50cm, thân phủ lông mềm, mọc hoang khắp nơi. Lá mọc đối, bìa răng cưa, bề dưới nhạt hơn, phiến lá mịn như nhung. Hoa nhỏ, trắng hay tím mọc ở chót thân. Lá đắp lên để trị ghẻ khuyết, làm lành vết thương vì có chứ tinh dầu chống vi khuẩn ngoài.
Cá bống nấu với cỏ hôi,
Tiếc công thầy mẹ trau giồi cho em.
CÓC KÈN:
-t.k.h: Derris trifolia, họ phụ Đậu Papilionoideae.
: (thực)-dây leo nhỏ không lông, mọc hoang vùng sông rach rừng sác nước lợ, nước mặn. Lá bầu dục thon 3-5 lá, ít khi 7 lá phụ. Chùm dài ở nách lá, hoa trắng ửng hường. Trái giẹp xanh rồi vàng vàng. Rễ chứa rotanon độc dùngthuốc cá và tẩm tên bắn thú.
Thổi nghe ú liu,
Là trái cóc kèn.
CÒI:
:đồ dùng để có thể huýt lên một tiếng vang xa để ra lệnh. Còi có thể là đồ dùng nhỏ gọn của trong tài trận đấu hoặc các huấn luyện viên thể thao. Còi có thể gắn trên cao, được điều khiển bằng điện, báo giờ làm việc hay báo giờ trong thành phố.
Chiều về nghe còi thổi, còn lo một nỗi xa mính,
Anh có mưu chi cao rộng?-Em thiệt tình hết mưu.
CON NƯỚC:
: thuỷ triều lên xuống, nước chảy ra vô mỗi ngày do sức hút của mặt trăng. Mỗi ngày có hai con nước, sớm trễ tuỳ theo mặt trăng.
Trông về con nước vơi đầy,
Nỗi sầu xa cách biết ngày nào vơi.
CON TRĂNG:
: thời gian của một tháng, thời gian đủ để mặt trăng chuyển động một vòng quanh trái đất.
Chú lái ơi! Chú đừng rơi luỵ,
Mãn con trăng này, tôi gả chị cho chệc.
CONG VÒNG:
: không thẳng, không suôn, lại cong oằn ở đoạn giữa.
Bước lên cầu ván cong vòng,
Thấy em ở bạc, trong lòng hết thương.
CÒNG:
: một loại cua nhỏ sống trong mương rạch nước ngọt. Mai của chúng dày, gần như có hình vuông, ngoe giẹp. Toàn thân màu nâu đậm, càng rất khoẻ. Chúng đào hang trong bờ mương rạch và lang thang kiếm ăn trên bãi lầy. Trẻ con thường bắt còng đập nát treo vào chong để chong tép. Người ta bắt còng để làm mắm.
Le le, vịt nước, bòng bòng,
Con cua, con rạm, con còng, mấy con?
*-còng gió: loại còng sống ở nước lợ hay nước mặn ở các bãi lầy ven biển. Thân hình còng gió không thô kệch như còng nước ngọt. Nét đặc biệt của còng gió là thay đổi màu sắc tuỳ theo môi trường, có một càng rất to và đôi mắt có thể giương cao lên và xếp lại.
Bắt con còng gió, anh bỏ vào hang,
Nghe em than thở, ruột gan rối nùi.
CÕNG
:đem người nào đi bằng cách để người ấy đeo vào lưng, choàng tay ra sau giữ chặt rồi bước đi.
Dấn mình vô chốn chông gai,
Kề lưng cõng bạn ra ngoài thoát thân.
CÔ BÁC
- (cô: vai vế hay từ để gọi chị hay em gái của cha mình; từ để gọi người phụ nữ quen biết với cha mình; bác: vai vế hoặc từ để gọi anh của cha mình, từ để gọi người đàn ông lớn hơn hoặc cùng trạc tuổi với cha mình)
: từ để gọi chung những người lớn tuổi, đàn ông và đàn bà, khi nói chuyện với họ hoặc khi nói về họ.
Con chim khôn kiếm nhành cây xanh nó đậu,
Gái khôn kiếm trai đôn hậu làm chồng,
Cô bác xa dòm ngó nói phụng với rồng sánh đôi.
Để diễn tả ý tưởng này, người ta cũng dùng: “bà con cô bác”
CÔ HỒN (HV )
1- (theo tín ngưỡng dân gian) những người chết oan ức, không người cúng quải thờ phượng thành những cô hồn sống vất vưởng khắp nơi. Người ta van vái cô hồn để chúng xui khiến, giúp đỡ và đừng phá phách.
Ân oai các đấng cô hồn,
Đuổi con cá nọ chạy dồn ăn câu.
Vào ngày mười sáu âm lịch, người ta cúng cô hồn để mong mua may bán đắc, suôn sẽ trong làm ăn. Lễ cúng đó được gọi là cúng thí.
2-từ dùng để chửi rủa kẻ không ra gì hay đeo theo người khác để quấy rối.
- Thằng cô hồn ! Đồ cô hồn!
Thành ngữ thí cô hồn (cn: xí cô hồn) được dùng như một tính từ với nghĩa bỏ đi, coi như đã mất.
Vd: Còn mấy trăm ngàn, đòi hoài nó không trả, tao thí cô hồn.
CỖ XE
- (CỖ: được dùng như mạo từ (article) để chỉ nguyên bộ
Vd: cỗ bài, cỗ áo quan, cỗ đại pháo, cỗ xe )
: nguyên một chiếc xe
Mười hai cỗ xe đậu tại Bến Thành,
Dầu ai ngăn đón dỗ dành cũng không.
CỐI:
1-tên một đồ dùng để nghiền, cà cho tróc vỏ hay để làm nát ra
*- cối đâm tiêu: cối làm bằng đá hay bằng gỗ có khoét lỗ tròn và sâu để đâm nát cả tiêu hột.
Cô về chợ Thủ, bán hũ bán ve,
Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu.
*- cối giã gạo: được làm bằng nguyên khúc gỗ tròn lớn có khoét lỗ ở giữa để giã gạo bằng chày.
*-cối quết:
a)-cối quết bánh phồng: người ta có thể dùng giã gạo để quết bánh phồng
b)-cối quết nem: loại cối nhỏ bằng cối đâm tiêu hoặc lớn hơn để quết thịt làm nem.
*- cối xay:
a)- cối xay bột: thường được làm bằng đá. Cối có hai thớt. Thớt trên có lỗ tròn để đựng gạo và nước, có hai tai cối để gắn vào cái mấu giàng xay. Thớt dưới có xẻ rãnh và có cái ngỗng cối đội lên để giữ thớt trên di chuyển quanh trục ngỗng.
b)- cối xay lúa: thường được làm bằng đất có giắt bộ răng bằng gỗ. Cách cấu tạo và hình dạng của nó tương tự như cối xay bột nhưng to hơn.
Con cá đối nằm trên cối đá,
Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo.
2-Nam bộ thường dùng chữ cối để chỉ cái gì to lớn.
*-ăn xài bằng cái cối: ăn xài lớn.
*- răng cối: răng to, răng hàm phía trong
*-xảnh cối (trong lối chơi xập xám, phé): xảnh vào loại lớn, có thể là năm lá liên tiếp từ ách, già hoặc đầm trở xuống.
CỘI:
1-gốc to của cây già lâu năm
Bông ngâu rụng xuống cội ngâu,
Em còn phụ mẫu dám đâu tự mình.
2-gốc gác, nguồn gốc
*- căn cội: gốc rễ, nơi phát sinh
*-cội nguồn:
a)-- gốc to của cây từ đó nẩy ra nhiều cành nhánh.
b)- nơi phát xuất của dòng suối con sông; gốc gác, nơi phát sinh.
- cây có cội, nước có nguồn
3-to, còn nguyên vẹn, không sứt mẻ
- gạo cội
CỐM:
:gạo, nếp, bắp hoặc bún rang giòn, thêm đường và ép thành bánh để ăn
Tiếng đồn Đại Nẫm nhiều xoài,
Xuân Phong nhiều cốm, Phú Tài mạch nha.
CỒN :
- 1-đất nổi giữa sông lớn do phù sa bồi đắp nên.
Anh kia nhổ mạ trên cồn,
Nước nôi chẳng có, miệng mồm lấm lem.
Hoặc:
Minh mông sông rộng cồn dài,
Suốt đêm lặn hụp nghèo hoài anh ơi!
2-gò đất nhỏ.
Chim quyên dại lắm, không khôn,
Sơn lâm không đậu, đậu cồn cỏ may.
CÔNG:
: (động) -loại chim lớn ở rừng có đuôi dài. Màu lông của chim trống đẹp hơn. Khi công xoè đuôi ra như rẽ quạt, người ta dễ nhận thấy chót đuôi có đốm tròn như mặt trăng màu ngũ sắc rất đẹp. Công có thể dựng, xoè đuôi ra hay hạ đuôi xuống.
Công kêu tố hộ trên rừng,
Đã thương con chị thì đừng con em.
CÔNG PHU (HV):
1-việc đánh chuông trống và tụng kinh cúng Phật trong chùa vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối.
2-khoảng thời gian trong ngày vào lúc công phu,-vào khoảng bốn giờ sáng hoặc bốn giờ chiều.
Vd: Bữa nào, tôi cũng dậy sớm lúc chùa công phu.
Phụ mẫu tồn bất khả viễn du,
Anh có đi chơi đâu mà nghe trống công phu thì về.
CÔNG TỬ (HV):
1-con của vua chư hầu ngày xưa.
-công tử Chấp,-công tử Trùng Nhĩ.
2-con quan lại hoặc con nhà quyền quí thời xưa.
-vương tôn công tử.
3-kẻ ăn chơi.
-công tử Bạc Liêu,-Bạch công tử, Hắc công tử.
Anh bịt cái răng vàng, dọn hàng công tử,
Để em ở nhà chịu chữ gian nan.
CỒNG CỘC:
-Đ.ng:chim cốc
1- (động) -loại chim lớn, chân có màng như vịt, bơi lộii giỏi, thường lặn xuống nước bắt cá.
Cồng cộc bắt cá dưới sông,
Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ.
2-(lóng):từ mà người bình dân dùng để chỉ loại phi cơ ném bom của Pháp.
-máy bay cồng cộc.
CỘT (1 ):
:cây trụ đứng để nâng đỡ mái nhà: cột nhà
*- cột cái: hàng cột lớn và cao nhất nhà
*- cột con: cột nhỏ thấp: sát hàng cột cái là cột hàng nhì rồi đến cột hàng ba
Gá duyên đừng sợ nơi nghèo,
Sao cho xứng cột vừa kèo mà thôi.
CỘT( 2 ):
:Trói, buộc
Trâu ăn ngoài đồng,
Bắt vô mà cột,
Mâm trầu cho tốt,
Hũ ruợu cho ngon.
CỜ:
:chùm bông dài trổ ra trên ngọn các cây có lóng đốt như lau, sậy, đế, bắp, mía khi cây đã già.
Ngó lên đám bắp trổ cờ,
Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông.
CỠ:
1. ni tấc, khuôn thước của người thợ cái (thợ mộc chính) giao cho những người thợ phụ để họ theo đó cưa cây khỏi phải đo lại.
Vd: Đóng cái ghế này, mấy chú cứ cắt mộng theo cỡ của tôi đưa.
2-mức độ bình thường về độ dài, độ lớn, chiều cao …
Coi theo thời mà ở,
Chọn theo cỡ mà xài.
Trong văn nói, người Nam bộ thường dùng:
+ cỡ chừng: khoảng chừng, ước chừng để chỉ con số không chính xác
Vd: Khách đến cỡ chừng mười người.
Nó cỡ chừng mười tuổi.
+ quá cỡ (cn quá khổ): thường dùng kèm với một tính từ hoặc một trạng từ, trong câu cảm thán, có nghĩa là vượt quá chừng mực.
Vd: - Nhà đẹp quá cỡ !
- Cô ấy hát hay quá cỡ !
CU:
- HV cáp tử ( loại bồ câu )
-(cg: chim cu. Đ.ng: chim gáy)
:loại chim giống bồ câu, tiếng gáy lảnh lót vang xa từng hồi. Chim cu gáy nhiều vào mùa gió chướng thổi.
Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè.
Có các loại cu thường thấy:
*- cu đất: to con, có bộ lông màu nâu đen. Quanh cổ con chim trống có một vòng cườm. Loại cu này hót rất hay và rất hiếu chiến.
*-cu lửa (cg cu ngói / chim ngói): loại cu nhỏ con hơn cu đất, có bộ lông màu đỏ như màu ngói lợp nhà.
*-cu mồi:con chim cu đã được thuần hoá được người nuôi dùng để dụ chim cu rừng lúc gác cu.
Đất xấu nắn chẳng nên nồi,
Anh xa em vì bởi cu mồi chậm bo.
CÙ LAO ( 1 ):
:vùng đất nổi lên giữa biển khơi do phù sa bồi đắp hoặc vùng đất trước kia là đất liền nay bị tách rời ra do một dòng chảy.
Chừng nào cho vực xa cồn,
Cù lao xa biển, chúng mình mới không còn gần nhau.
CÙ LAO (2 ) ( HV )
-( cù: siêng năng; lao: khó nhọc ).
:Kinh Thi “ Ai ai phụ mẫu,
Sanh ngã cù lao “
( Khá thương thay cha mẹ,
Sanh đẻ ta ra khó nhọc quá )
Cha mẹ có chín nỗi khó nhọc với con cái, được gọi là chín chữ cù lao ( 1-sinh: sinh đẻ; 2-cúc: nâng đỡ; 3-phủ: vuốt ve; 4-xúc: cho bú bồng ẵm; 5-trưởng: nuôi lớn;6- dục: dạy dỗ; 7-cố: nghĩ tới, đoái tưởng; 8-phục: chăm nom dạy bảo; 9: phúc: che chở ).
Niềm kim thạch, nghĩa cù lao,
Bên tình bên hiếu ở sao cho tuyền.
CÙ LẦN (1):
1-(động) -thú rừng nhỏ con, thuộc loại gặm nhắm, giống con sóc nhưng lông đỏ và nhuyễn hơn. Cù lần thường nằm giấu mặt, không dám nhìn khi nghe có tiếng người.
2-(ngh.b): xấu xí, vụng về.
Quần anh thêu cù lần,
Aùo anh thêu phụng lộn.
CÙ LẦN ( 2 )
-(Cù: phối ngữ âm )
-cn: lần hồi, lần lữa.
-huỡn: ( Đ.ng: hoãn : chậm chạp),
:trì huỡn chậm chạp, kéo lê từ ngày này sang ngày nọ.
Quánh ông tơ cái trót,
Oâng nhảy tót ngọn bần,
Biểu ông xe mối chỉ, ông nói cù lần không chịu xe.
Để nhấn mạnh ý nghĩa của sự lần lữa, người ta cũng nói CÙ LẦN CÙ HỒI.
CÙ NÈO:
: đoạn gỗ nhỏ cầm tay có đầu cong quặt lại dùng để quèo kéo cỏ sang một bên khi phát cỏ ruộng.
Ngày nay em đừng chê anh cầm phãng cù nèo,
Ngày mai anh ra trận vai đeo súng trường.
CÚ RŨ:
: (cn: cú sụ): co ro buồn bã, mất hết vẻ linh hoạt, lì trong một xó, góc,-thường dùng để chỉ cách đứng ngồi.
Tối tui ngồi khoanh tay cú rũ,
Nghe con dế âm phủ, nó kêu văng vẳng bên tai.
CUA :
:loại động vật sống dưới nước, có vỏ cứng, có mu (đ.ng: mai) ở trên lưng, yếm ở dưới bụng. Cua có sáu ngoe giẹp để bơi và bè theo chiều ngang. Vì thế, có thành ngữ “ngang như cua”. Hai càng lớn để tự vệ và để gắp thức ăn đưa vào miệng.
*- cua biển: lớn con, mình hơi giẹp, vỏ màu xanh sống vùng nước mặn
*- cua đồng: sống ở ruộng lúa vùng nước ngọt, vỏ màu nâu, mu gồ cao, nhỏ con.
Cua bắt vào những đêm tối trời thì thịt chắc dẽ. Cua sáng trăng thì ốm, ít thịt.
Con cua kình càng bò ngang cây mít,
Thấy chị hai mầy lớn đít tao thương.
*-cua sáng trăng: cua ít thịt vào những đêm trăng sáng.
CUI:
-t.k.h: Heritiera littoralis, họ Trôm Sterculiaceae.
: (thực) - cây cao lối 20m.Phiến lá to cứng giòn, mặt dưới phủ lông bạc rồii nâu. Chùm tụ tán ở nách lá, hoa trắng nhỏ, không cánh, lưỡng phái. Trái chỉ một hột.
Mần thơ giấy trắng đem gắn cây cui,
Cúi đầu lạy mẹ ngồi sui cho gần.
CUI CÚT :
-( CUI đọc trại âm từ chữ CÔI (HV cô: một mình)
:Chỉ một thân trơ trọi, không chỗ nương nhờ, không người làm bầu bạn, giúp đỡ.
Phận em vô đệ, vô huynh,
Không nơi nương tựa, cui cút một mình,bớ anh !
CÙI:
-Đ.ng: lõi.
: cái lõi cứng của trái cây, không nạc, không cơm, ăn không được.
Cùi thơm cùi mít hai cùi,
Trôi lên trôi xuống, hai kiền lùi gặp nhau.
(kiền lùi: từ nói lái có nghĩa là cùi liền)
hoặc:
CUI&- Ăn xơ rồi lại cạp cùi,
Còn ba hột mít để lùi cho con.
CÚM N CÚM NÚM:
gdgh
CÚM N
: (động) tên gọi khác mà người Nam bộ dùng để chỉ con gà nước. Cúm núm là loại chim cỡ trung bình, màu lông nâu sẫm. Loại chim này ít bay xa, sống trong đám cây rậm rạp hoặc trong ruộng lúa để ăn cá tép.
Anh đi đánh bẫy trong bưng,
Thấy con cúm núm trong lùm bay ra.
CỤNG:
1-đâm mạnh đầu vào vật gì.
-bị bò cụng.
2-chạm hai vật vào nhau.
*-cụng ly: ( hai hay nhiều người) chạm nhẹ ly rượu vào nhau để uống rượu chúc mừng nhau.
-Lâu ngày không gặp, hai anh em mình cụng ly.
3-hai đầu, hai mối, hoặc hai mí sát vào nhau.
-cụng hai mối dây.
Cái lối gần cùng, cái bờ gần cụng,
Tui nghe anh than mấy lời, rời rụng từng khúc xương.
CUỐN :
- HV: quyển.
1- Đ.ng: quyển (HV )
:tập vở, tập sách mỏng có thể quấn tròn lại
vd: cuốn vở, cuốn thơ, cuốn vần
2-xe tròn lại, cuộn, quấn tròn lại để đem đi cho gọn
Ơn cha nghĩa mẹ chưa đền,
Bậu mong ôm gối cuốn mền theo ai.
*- bì cuốn, gỏi cuốn
*-cuốn kèn:
a)- lấy lá dừa quấn lại làm kèn cho trẻ con thổi chơi
b)- lấy giấy súc bọc rơm vấn lại để dưới đáy hòm để tẩn liệm người chết
c)- ( lá của cây trồng) quấn co lại vì bị nắng gắt
CUỒNG:
-Đ.ng: guồng
:mớ chỉ, sợi quấn tròn lại thành một cục lớn, không có cái trục, cái lõi hay cái ống bên trong
Chỉ tơ rối rắm trong cuồng,
Rối thì gỡ rối, em buồn việc chi?
CÚT:
: (động)- loại chim nhỏ, lông màu nâu sẫm, ít khi bay hoặc chỉ bay mợt quãng ngắn, thường sống từng cặp, lẩn trốn trong cỏ dày hoặc bụi rậm.
Mảng coi cút lủi bờ mì,
Anh đà có vợ, sao không nói tiếng gì với em?
CỤT:
-cn: vắn.
: ngắn, không dài.
Anh bơi xuồng cụt, anh hớt hụt con tôm càng,
Phải chi hớt được, anh mua cái kiềng vàng em đeo.
*-cụt ngọn: (cây cối) đứt ngang ngọn từ lúc còn nhỏ.
Khá khen thằng nhỏ trớ trêu,
Chặt trúc cụt ngọn cắm nêu nhà nàng.
CỪ:
1-khúc tre, gỗ đóng sâu xuống đất để nâng nền nhà, không cho lún xuống.
2-hàng tre, gỗ đóng sâu xuống cặp theo mé sông để sông khỏi lở.
Nước ròng bỏ bãi xa cừ,
Mặt em có thẹo, anh trừ đôi bông.
CỬA :
1-vật để đóng lại và mở ra ở lối người ta ra vô
Anh đau em vái tận tình,
Vái cho anh mạnh mở cửa đình cúng heo.
*- cửa sài: cửa đóng bằng ván gỗ của nhà nghèo
Anh biểu em đừng thở vắn than dài,
Cửa sài em sớm mở, tối anh gài giùm cho.
2-nơi sông cái tiếp giáp với biển
Linh đinh thuyền đã xa vời,
Rồi thuyền vô cửa mấy đời gặp nhau.
Cửa ở đây chỉ cửa biển và ghe lớn đi biển được gọi là ghe cửa.
CƯNG:
1-yêu mến, chìu chuộng quá mức.
Aùo vá quàn viền hàng chữ đỏ,
Gẫm sự đời, vợ nhỏ cưng hơn.
2-từ dùng để gọi người mà mình thương mến nhất.
Vd: lại đây biểu chút coi cưng!
CƯỜM :
1-hột bằng chai nhỏ có nhiều màu sắc, có lỗ để xỏ chỉ đeo cho đẹp hai để trang trí hài, tấm thêu.
2-có hình hột cườm
Bồ câu trong ổ bay ra,
Chơn tay mềm mại, cổ hoa hột cườm.
CƯỠNG
: (đông) loại chim giống chim sáo, lông trên lưng màu xám đen, lông ức và bụng trắng, nhái được giọng nói của người. Cưỡng ăn côn trùng và thóc lúa, sống từng đàn.
Ngó ra ngoài nhánh trâm bầu,
Thấy đôi cưỡng đậu, qua rầu phận qua.
CỬU CHƯƠNG ( HV ):
: bản chép sẵn tích số của chín bài toán nhân của chín số từ 1 tới 9 nhơn với chín số cũng từ 1 tới 9. Bản cửu chương này thường được in ở trang bìa cuối của tập vở và học sinh phải học thuộc lòng để làm toán.
Bảy với ba anh kêu rằng một chục,
Tam tứ lục anh tính cửu chương.
Và lối đọc cửu chương cũng thay đổi theo từng thời kỳ. Các học sinh thường đọc là:
9 lần 8 (là)ụ 72
9 lần 9 (là) 81
Các nhà nho trước đó đọc là:
Cửu bát thất thập nhị
Cửu cửu bát nhứt
Như vậy, các cụ đọc các chữ số bằng âm Hán Việt.
CỬU LÝ HƯƠNG:
-t.k.h:Ruta chelapensis, họ Cam quít Rutaceae.
: (thực)- cỏ đa niên, lá kép màu xanh mốc rất hôi. Hoa vàng 4 cánh, lá đài dính. Cây chứa alcaloid, cầm máu tốt cho phụ nữ sanh nở,lợi kinh, chống thụ tinh, làm lạc thai sau khi uống nước sắc 12-24 giờ.
Gió đưa cây cửu lý hương,
Hai người hai họ mà thương nhau hoài.
CỰU NGÃI ( HV ):
-(cựu: (HV ): xưa, cũ; ngãi: cách phát âm của người Nam bộ xưa khi đọc chữ HV nghĩa
:tình cũ nghĩa xưa
Sông sâu sóng bủa tư bề,
Trách người cựu ngãi chẳng hề vãng lai.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét