H
HÀ:
1- thứ sâu mọt nhỏ đục hư gỗ ván đóng ghe thuyền.
Vd: Ván ghe bị hà ăn.
2- lọai trùng nhỏ ăn mòn, làm lủng lỗ lấm tấm khoai lang, chân người, chân ngựa.
Một lần cho tởn tới già,
Đừng đi nước mặn mà hà ăn chưn.
HÀNG:
: quan tài – hòm dựng xác người chết.
Sống ở dương gian không bắt được tay chàng,
Thác xuống âm phủ, em giở nắp hàng cho anh vô.
*-hàng chưn ngang: hàng đóng sơ sài bằng sáu tấm ván mỏng, nắp bằng.
Anh ra chợ nhắc cái hàng chưn ngang, sáu đồng rưỡi bạc,
Phận mình nghèo đèn dầu không có , để sáng trăng phát hành.
*-hàng rương: từ chỉ chung hòm đựng xác chết.
HẠT:415
: một đơn vị hành chánh lớn hơn quận, phủ nhưng nhỏ hơn tỉnh (tỉnh tính như vùng rộng lớn của sáu tỉnh Nam kỳ ngày xưa).
-Hạt Bến Tre của tỉnh Vĩnh Long.
Anh chê em chưn lấm tay bùn,
Anh không cần dùng mà chịu,
Mai sau em có chồng xa hạt khác làng, anh khó tìm em.
HAY CHỮ:
: học hành giỏi giang, thông hiểu mọi nghĩa lý trong sách vở.
Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời,
Hồi tạo thiên lập địa, chớ ông trời ai sanh?
HẲM
: ( đất ) lở lõm khuyết vào tạo thành dốc đứng.
Sông Ba Lai bên bồi bên hẳm,
Đất Ba Lai đỏ thắm phù sa.
hoặc:
Lần theo vực hẳm bãi lài,
Gá duyên không đặng, giận hòai ông tơ.
HẮT:
-Đ.ng: phắt.
-Đ.tr cn: phứt.
:đứng sau một động từ có nghĩa là đại, ngay liền cho rồi. Chữ hắt thường dùngtrong câu cầu khiến nhằm xúi giục kẻ khác làm điều gì ngay tức khác không cần phân vân do dự.
Cởi cái thương trả hắt,
Cắt cái nhớ cho rồi.
Bao nhiêu lời nói những hồi,
Đổ vô nồi nấu sôi rồi đổ đi.
HẨM:
1-( gạo thóc, thức ăn ) để lâu nên bị hư, ẩm mốc bốc mùi hôi khó ngửi.
Con ơi! Chơ ùlấy vợ giàu,
Cơm ăn chê hẩm, canh bầu chê tanh.
2-( ngh.b ): kém may mắn, không được mọi người để mắt ngó ngàng tới.
*-hẩm hiu: kém may mắn và sống cô độc.
Vd: duyên phận hẩm hiu.
*-hẩm hút: buồn bã, cô độc và thiếu thốn.
Vd: Sau khi chồng mất, nàng sống hẩm hút với đứa con gái mới
lên năm.
HẦU (1 ) :
1-chầu chực, chờ đợi để được gặp.
Con cá vẩn vơ núp tại bóng cầu,
Chờ anh khác thể sao hầu chờ trăng.
2-chờ chực để được sai bảo.
Sông sâu biết bắc mấy cầu,
Phận em là gái biết hầu mấy nơi.
3-chờ chực chốn công đường để đợi lệnh quan trên.
Tai nghe quan huyện đòi hầu,
Mua chanh cùng khế gội đầu cho trơn.
Ngày xưa, trong thời phong kiến triều Nguyễn, tòa Bố, nơi quan Bố chánh làm việc, mỗi sáng có gióng một hồi trống để gọi các viên chức thuộc hạ tơiù làmviệc. Đó là hồi trống đông hầu. Cuối buổi, có hồi trống tan hầu hoặc bãi hầu.
HẦU ( 2 ) :
-cn: ngỏ hầu.
:để, để mà. Từ này được dùng để nối một động từ, diễn tả một mục đích cần vươn tới.
Dầu mưa, dầu gió mặc dầu,
Kiếm nơi có nghĩa anh hầu kết duyên.
HẸ:
-còn có tên nén tàu, phỉ tử, cửu thái.
-t.k.h: Allium odorum L., họ Hành tỏi Liliaceae.
: (thực) lọai cỏ nhỏ cao 20-30cm, mọc thành bụi, tòan cây có mùi đặc biệt khi bị vò nát. Lá dài hẹp, dày và bóng phẳng. Hoa cánh trắng đơm chi chít trên đỉnh cọng hoa mọc từ gốc lên.
Hẹ được trồng để ăn sống hay nấu canh.
Anh đừng chê em áo rách quần phèn,
Anh không coi bụi hẹ, nó rã bèn còn thơm.
HÈM:
: bã nếp còn lại sau khi người ta chưng cất lấy hết chất rượu. Hèm được dùng để nuôi heo,gà vịt.
Tuổi hợi con heo ăn hèm,
Làm chuồng nhốt lại nhịn thèm thở ra.
HEO:
-Đ.ng: lợn.
: lọai gia súc nuôi để lấy thịt, mỏ dài, tai lớn, móng chẻ, bụng xệ, có nhiều vú. Mỗi lứa heo đẻ 7-12 con.
Anh đau, em vái tận tình,
Vái cho anh mạnh, mở cửa đình cúng heo.
HÈO:
1-tên một lọai mây rừng.
2-cây gậy để chống, thường uốn cong đầu.
3-cây gậy chống của các quan thời xưa.
4-gậy dùng để đánh người bị phạt trượng thời xưa.
Còn duyên,anh cưới ba heo,
Hết duyên, anh đánh ba hèo đuổi đi.
HÊN XUI:
- HV: hưng suy.
1-sự hưng thịnh sự suy vong; sự may mắn và điều rủi ro.
2-(ngh.r):sự tình cờ ngẫu nhiên không lựa chọn trước.
Thương anh ăn nói thiệt thà,
Theo anh may rủi gọi là hên xui.
HẾT HƠI:
: (cn: hết hơi hết sức) tổn phí nhiểu sức lực và thời gian.
Tôi chờ tôi đợi hết hơi,
Không dè anh kiếm chuyện nói chơi qua đường.
HIỀM ( HV ) :
:ngờ vực, ghét bỏ.
Mảng coi con kiền lửa lên xuống cửa thềm,
Anh làm người quân tử chi hiềm nữ nhân.
Người ta cũng dùng chữ HIỀM VÌ để chỉ một nguyên nhân khách quan
nhưng đó lại là một trỡ ngại:
Con cá tróc vi hiềm vì nước chảy,
Cần câu gãy vì bụi gốc vướng cong.
hoặc:
Hiềm vì ngựa chạy đường xa,
Thỏ vừa lố bóng, gà đà gáy tan.
( truyện Lục Vân Tiên – NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU )
HIẾM:
: ít, ít có, ít thấy.
Nước biển trong xanh, người bạn lành khó kiếm,
Em đây cũng hiếm, chẳng lựa đặng chỗ nào.
Khi dùng với GÌ, CHI, CHẲNG, chữ này mang ý phủ định, có nghĩa là nhiều lắm, chẳng thiếu chi.
Bởi qua nghèo, qua chịu chữ ngu si,
Phải chi qua có của, hiếm gì người thương.
Đôi khi, chữ hiếm cũng có nghĩa là đủ nếu nó được ghép chung với HIỆM.
Vd:
A: Anh lấy thêm một ít tiền nữa để đủ xài.
B: Bao nhiêu đây cũng hiếm hiệm rồi. Tôi không lấy thêm đâu!
HIỀN (HV ) :
: ( người ) có phẩm chất cao quí, cư xử phải lẽ với mọi người.
Chim quyên đứng dựa bụi riềng,
Kiếm nơi đức hạnh, trai hiền gởi thân.
HỊÊP CẨN / HỢP CẨN ( HV ) :
-( hiệp: chung cùng; cẩn: chén ).
: trong đêm động phòng, cặp vợ chồng mới chuốc rượu mời nhau. Đó là lễ hiệp cẩn.
Trong Từ điển Hán Việt từ nguyên, ông Bửu Kế viết cẩn là phân nửa trái bầu cắt ra, trong đó có đựng rượu. Tân nhân tân lang dùng rượu trong đó để súc miệng.
Nói tới hiệp cẩn, người ta phải nói tới giao bôi ( trao nhau chén rượu )
trong đêm động phòng.
Đèn loan hiệp cẩn trong phòng,
Trăm năm chí quyết bá tòng gầy duyên.
HÍT CÔ:
-t.k.h: Cucullus microterus.
: (động) - lọai chim húp mật nhỏ sống vùng đồng bằng chỉ to hơn ngón tay cái, có bộ lông sặc sỡ, mỏ nhỏ dài và cong. Lọai chim này thường xuất hiện đơn độc.
Chim hít cô đậu dây bình bát,
Bươm bướm bà đậu cột chùa ông.
HIU HIU:
: ( gió) thổi nhẹ chỉ làm cành cây ngọn cỏ khẽ lay động phất phơ.
Gió hiu hiu chín chiều ruột thắt,
Nhìn sao bên Bắc, nước mắt chảy bên Đông.
HÒ (1):
:mảnh vải gần cổ áo ( của áo vạt khách hoặc áo dài) đắp qua để gài nút.
Aùo thì có vạt, có hò,
E khi đâm chéo, phải đo mấy lần.
hoặc:
Thương trò, may áo cho trò,
Thiếu đinh, thiếu vạt, thiếu hò, thiếu bâu.
HÒ (2):
:tên một cung bậc của nhạc cổ điển của nước ta.
Cậu nghe ba tiếng đờn cò,
Đứt dây ứ hự quên hò xự xang.
HÒ (3):
1-một hình thái nghệ thuật dân gian, đặt theo thể lục bát chính thức hay biến thức, câu dài ngắn không hạn định vì câu có thể có nhiều đoạn . Hò có thể xuất hiện ở dạng đơn độc nghĩa là hò một mình để tiêu sầu khiển muộn hoặc hò đối đáp trong lúc lao động. Vì vậy, chúng ta thường nghe các điệu hò: Hò cấy lúa, hò giã gạo, hò chèo ghe v.v...
Có nhiều người sáng trí tự tìm ra câu hò để ứng đối mà không cần nhái theo những câu hò có sẵn.
2-(đt) cất giọng hát lên câu hò, khởi đầu bằng " hò ơ...", lặp lại một đoạn trong câu bát.
Vd: Hò ơ... Anh về ngoài Huế, thắt rế tai bèo,
Gởi vô em bán, hò ơ...gởi vô em bán, đỡ nghèo đôi năm.
Tới đây, chẳng hát thì hò,
Chẳng phải con cò, ngóng cổ mà nghe.
*-hò mép: nhanh nhạy, thông minh và có khẩu tài, tự đặt tuồng bụng để hò dầu khi xướng câu hò hay hò tiếp câu người khác đã hò để đối đáp lại.
Tháp Mười có anh Sáu Chơi,
Biệt tài hò mép hò môi khắp vùng.
HỌ :
1-tên chung của nhiều người thuộc mọi thế hệ do một ông tổ bên nội sinh ra.
Khi đặt tên con, người ta đặt họ trước tên riêng.
Quạ kêu nam đáo nữ phòng,
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương.
2-số người dự lễ cưới thuộc bên đàng trai hoặc bên đàng gái.
Tiền đâu mua chả mua nem,
Mua cặp chưn đèn để họ ngồi mâm.
3-đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số nhiều có nghĩa là người ta.
Chưa chi họ đồn quất đồn quanh,
Đồn em là vợ, đồn anh là chồng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét